Tắc đường!
Miên man trong dòng suy nghĩ vô cùng như chẳng có điểm dừng, tôi chợt biến mình thành dòng nước nhỏ đang chảy trôi trong cuộc đời này. Hà Nội nườm nượp người, nườm nượp những bon chen xô bồ, nườm nượp xe cộ. Ách tắc! Ách tắc hàng giờ, hàng ngày trên đường phố. Ách tắc trong tâm hồn mỗi con người đến nỗi họ phải phân vân xem có nên bỏ tiền xa mua gói tăm 20 nghìn của một cô bé. Có hai con người trong một hình hài tôi nói với tôi rằng: “mua đi, một gói tăm nhỏ giúp cô bé một bữa ăn”, một người khác trong tôi sốt sắng can ngăn: “đừng mua, con bé là kẻ lừa đảo đấy. Nó có nghèo khó gì đâu”. Đấy, ai xúi bẩy cho tâm hồn tôi rệu rã, nhuốm màu thờ ơ đến thế?
Người thành phố rất nhạy cảm với lừa lọc. Đâu đâu họ cũng nghĩ mình có thể bị lừa, liệu đó có phải là tác nhân để người ta trở nên vô cảm trước những mảnh đời. Tâm hồn họ đang phơi phới thánh thiện, trong sáng liệu có bị ách tắc không khi cuộc sống thật giả, trắng đen lẫn lộn. Kẻ gian trá lợi dụng những cảnh đời cơ cực để kiếm chác cho bản thân mình. Ở thành phố tôi luôn bị cào xé giữa hai luồng suy nghĩ. Có phải chăng tôi còn quá ích kỉ, còn quá thờ ơ và nhẫn tâm trước cuộc đời để rồi nhìn cái gì cũng nhuốm màu u tối?
Còn nhớ một dạo nọ, trong lúc lang thang tìm xe về quê ở bến Mỹ Đình, một cụ già chống gậy đến bên tôi và nói: “Già về quê nhưng lại thiếu tiền xe, con làm ơn cho già chút tiền để kịp chuyến xe”. Nhìn cụ già kham khổ, tôi đếm mãi số tiền lẻ, tính xem còn đủ tiền để về quê không rồi biếu cụ 10 nghìn đồng mong cụ sớm lên xe nhưng nào ngờ sau khi đưa tiền cho cụ xong thì nhận ngay một câu nghe đắng lòng: “Cho ít thế làm sao đủ tiền mua uống rượu. Lần sau nhớ cho nhiều vào đấy rõ chưa?”. Tôi hoảng hốt nghẹn lời trước hành động đó. Tôi mất niềm tin nơi con người mất rồi. Và cứ thế tôi chai cứng tâm hồn, vón cục suy nghĩ, thờ ơ, và tắc nghẽn những quan tâm, sẻ chia.
Nơi thành thị bon chen ấy, tôi ách tắc trong suy nghĩ như dòng nước nhỏ bị chững lại tù đọng. Cho dù tôi có cố gắng giữ cho dòng suy nghĩ sáng trong chẳng chút bụi mờ nhưng đành phải co mình cảnh giác với những con người. Tôi có hoen ố tâm hồn đi chăng?
Tôi thấy một phần trong cõi lòng mình đã chai cứng những vô tư hồn nhiên và niềm tin. Tôi đã bước qua hơn hai mươi mùa, bước qua cánh đồng thời ấu thơ để dấn thân vào những hỉ - nộ- ái - ố của kiếp người. Hỡi những hồn nhiên thơ dại, đã trốn đi đâu rồi để lòng đau biền biệt tháng năm. Niềm tin vào người mỗi ngày một thu hẹp. Hà Nội ngày càng chật hẹp. Chật trong từng con ngõ nhỏ, trong mỗi gian nhà bé tẹo, trên những con đường ùn ùn xe cộ và có chăng những chật chội trong lòng người.
Ừ! Hình như thế! Cứ phải bon chen từng xăng-ti-mét làm tâm hồn người ta dần dần bé lại. Cuối cùng họ khao khát gì ở đời đây? Hỡi ôi, tiền có làm nên hạnh phúc không mà ai ai cũng bon chen, giành giật, lừa lọc nhau từng ngày? Người giàu cũng khóc đấy thôi. Khi người ta đang sung sướng trong giàu có, nỗ lực bon chen để làm đầy thêm những ví tiền thì tâm hồn họ nghèo nàn đến tệ. Họ đáng thương đến thảm hại khi con cái sa đọa, hư hỏng? Giàu sang mà chi? Có nghĩa gì đâu hay chỉ mua được nỗi sầu nhân gian? Và địa vị ư? Một số bất chấp mọi thủ đoạn bấu víu vào cái mác hư vô của địa vị để rồi đem lại được gì cho cuộc đời này?
Tôi khờ quá, tôi dại quá khi thật thà với đời. Người ta nói muốn sống ở thành phố thì phải bon chen, giành giật, đấu đá, chai lì… Ôi! Thành phố trở thành chiến trường sao? Chí ít thì lòng tôi cũng trở thành bãi chiến trường rồi. Những thành thật với đời đang chiến đấu với những giả dối bon chen. Ôi! Tôi mệt mỏi, rệu rã quá. Cho tôi về với cánh đồng mênh mông bát ngát, những ruộng lúa óng vàng chào vụ gặt, đàn chim bay mải miết về cuối trời. Lòng bình yên quá. Tôi chợt thấy mình bay bổng trong niềm vui hoa cỏ.
"Bon chen cuộc sống thị thành
Tắc đường, tắc cả mỏng manh tâm hồn
Còn đâu nắng gió ngõ thôn
Trong lành lối sống tâm hồn thảnh thơi"