Có xấu hổ là nhờ có thấy và biết. Thấy mình đã làm gì và biết chuyện mình làm nó không hay ở chỗ nào, nó xấu ở chỗ nào, nhiên hậu mới có hổ thẹn, hối tiếc.
Chỉ có con người mới có cái quyền năng lạ lùng là tự mình vừa hát vừa xem.
Trên sân khấu là kẻ hát. Ngồi dưới rạp trông lên là người xem. Thế là hai, nhưng cái hai ở rạp hát cho công chúng, lại là cái một trong thân của con người.
Hèn chi có người bảo, trong vạn vật, loài người là tối linh. Lại cũng có thuyết cho rằng trong vũ trụ, có ba địa vị cao cả nhứt. Hai cái trước là Trời và Đất, cái thứ ba dành cho loài người. Tam Tài giả: Thiên, Địa, Nhơn, như sách Tam tự kinh dạy.
Nhưng trong cõi đời tương đối có xấu là có tốt này, cái xấu hổ không tránh khỏi có hai mặt. Có cái xấu hổ phải đường và cái xấu hổ không phải đường.
Đồng địa vị nhau trong xã hội, mà sao ông kia bà nọ được chúng kính nể, yêu vì, còn ta thì bị khinh, bị bạc; thấy thế, biết thế và sinh lòng xấu hổ là một cái xấu hổ phải đường khác, nếu xét ra lỗi tại ta chưa lập thân xử thế đúng đạo.
Thánh, Hiền, Tiên, Phật đều là người như chúng ta, mà tại sao chúng ta cứ phàm mãi, ngu mãi, chúng sinh mãi? Phải chăng lỗi ấy ở chúng ta, ở chỗ "đởm dục đại nhi tâm dục liễu"? Thấy được, biết được cái bất lực và cái thiếu quả quyết của chúng ta như thế và thành thật lấy đó làm một cái xấu hổ lớn, là một sự tỉnh ngộ có thể đưa ta đến chỗ giải thoát
Còn thế nào là không phải đường? Nếu phải kể ra hết thì không bút mực nào đủ. Nay xin đương cử vài thí dụ thông thường.
Đua tranh về trang sức, phấn son, quần áo, vòng vàng,...; tranh mà không bằng, không thắng, rồi đâm ra xấu hổ là cái xấu hổ sai, là một sức mạnh có thể xô đẩy trai làm việc bất chánh, gái phạm tội thất trinh.
Thi đua ăn ngon, uống nhiều và xấu hổ thấy mình không bằng người, là một tội xấu hổ không phải chỗ khác. Không phải chỗ vì không biết cái chân giá trị của ăn và uống.
Ngồi trên ngồi dưới, đứng trước đứng sau, có thêm bớt gì cái phẩm giá chân thật của mình? Không biết thế mà tranh chấp, tranh chấp không được lại sinh xấu hổ, thì cái xấu hổ này không phải là cái xấu hổ mà là cái nổi xung của con sư tử tự kiêu.
Người không ra người, ngợm không ra ngợm, mà không lấy đó làm điều sỉ nhục, lại lấy đó làm cái tự hào, thì thật là không biết mình làm gì và việc mình làm đặng thất, cao hạ như thế nào.
Nhưng làm thế nào để đặt cái xấu hổ của mình vào chỗ phải đặt, nên đặt?
Phải "Chánh kiến" là thấy rõ, biết rõ, hiểu rõ cái chân giá trị của mọi sự mọi vật. Hay thiển cận hơn mà dễ làm hơn là cứ xem cái xấu hổ của ta sẽ có những kết quả như thế nào; nếu nó đưa ta đến những hành động làm cho chúng ta mất tự do, thêm phiền não, thì nên mau hồi tâm thức tỉnh.
Nguồn: vncphathoc.com