Lòng tự trọng của một con người là sự tự biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Người ta thường nhận xét: “Hắn ta quả là người biết tự trọng”, hoặc: Nói vậy là đã “chạm đến lòng tự trọng”; "Thằng cha ấy làm gì có lòng tự trọng, quên nó đi"... Yếu tố căn bản nhất trong nhân cách làm người là phải có lòng tự trọng.
Con người sống trên đời còn có xã hội, có cộng đồng. K.Marx định nghĩa: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Tâm lý học không phủ nhận bản chất của di truyền. Tuy nhiên, di truyền cũng chỉ là một yếu tố nhỏ trong "tổng hòa các mối quan hệ xã hội" mà thôi. Theo quan điểm của Tâm lý học thì con người khi mới sinh ra, bản chất là trống rỗng, tâm hồn của một đứa trẻ được ví như một tờ giấy trắng, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ "vẽ" những nét vẽ lên tâm hồn của đứa trẻ. Bản chất của một con người sẽ là sự giao hòa của ba nét vẽ: Gia đình, nhà trường và xã hội; khi lớn lên là tự mình, môi trường, xã hội. Trong tổng hòa các mối quan hệ ấy có mối quan hệ cơ bản và mối quan hệ không cơ bản nên mỗi người sẽ có thuộc tính cơ bản, phổ biến, mực thước và thuộc tính không cơ bản. Thông thường, một người đã ra làm quan, hoặc cao hơn là làm vua, phải sống sao cho cả xã hội tôn trọng. Một kẻ vô giáo dục thì khi làm quan sẽ trở thành loại đồ tể, độc đoán, chuyên quyền, tham lam, sống rất cá nhân vị kỷ.
Thực tế cho thấy khi ta ở trong đám đông, nhờ tâm lý bầy đàn ta thấy mình mạnh mẽ lên, nhưng khi ta ở một mình bỗng lại thấy sợ hãi. Người này khi hoạt động trong xã hội, do có luật pháp và người khác giám sát nên anh ta phải thực hiện. Nếu tự giác hơn, khi ở một mình anh ta cũng tự ý thức được và hành động như vậy. Nhưng có hiện tượng mà người ta đã áp dụng vào “phân tâm học”, một biện pháp để trị bệnh thần kinh là đưa một người có dấu hiệu tâm thần không bình thường vào phòng kín biệt lập, tách khỏi cộng đồng, thôi miên làm mất ý thức trong đầu và người bệnh sẽ làm theo đúng bản chất thật của mình. Ở đây muốn nói là cần phân biệt rõ cái Tôi có thật và cái Tôi giả tạo.
Khi sinh sống trong cộng đồng con người phải tự đặt mình vào những luật lệ phép tắc của xã hội, tức là phải chịu sự tác động ngoại cảnh để bổ túc, cải biến bản thân phù hợp cái chung nhất, những đòi hỏi chuẩn mực của xã hội. Khi biết đặt mình và “tự cải biến”, tự điều chỉnh làm cho hoàn chỉnh bản thân, đạt sự tiến bộ cần thiết, đó cũng là thể hiện lòng tự trọng. Bản thân người có lòng tự trọng thường không lo người khác không tôn trọng mình. Nếu ngược lại là bị tha hóa, là sự tự đào thải, bị người đời coi khinh, phải chịu hậu họa tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Cộng đồng xã hội khác với thông đồng phe nhóm. Uy tín với cộng đồng xã hội mới là có thực, còn chỉ là uy tín với một phe nhóm, lại là phe nhóm tập hợp những cái xấu, những kẻ không có lòng tự trọng thì coi như tự tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội, bộc lộ cách sống, lối sống không chút tự trọng nào.
Tổng hòa là sự hòa mình trong cái chung hữu ích, gột bỏ những cái riêng lạc lõng, lạc loài vô ích. Khi sống trong một cộng đồng mà có nhiều người chê bai, trách cứ, coi thường thì coi như tồn tại giữa bia miệng thế gian, sống trong nỗi ô nhục. Cái riêng biết hòa trong cái chung, và lấy cái chung hữu ích làm hoàn chỉnh bản thân mình. Đó vừa là quy luật biện chứng của tạo hóa, vừa là quy luật “đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập” trong xã hội loài người. Sự phát triển theo chiều hướng tích cực sẽ phủ định sự tha hóa để đảo ngược lại, đưa con người về với chính mình, dù tốt hay xấu nhưng đó vẫn là nguyên bản gốc.
Sự tự lực tự cường của mỗi cá nhân vẫn giữ vai trò tiên quyết, xã hội chỉ có vai trò hỗ trợ mà thôi, nếu đề cao vai trò xã hội quá mức sẽ làm con người mất đi khả năng tự thân vận động. Cho nên, khi nói đến "đấu tranh" người ta vẫn coi tự phê bình là quan trọng nhất, sau đó mới đến phê bình. Người không có lòng tự trọng thường không bao giờ dám tự phê bình, do đó những ý kiến phê bình khác cũng coi như "nước đổ đầu vịt" mà thôi. Nếu ai đó sống chỉ biết cho riêng mình, an phận thủ thường, co lại CÁI TÔI quá lớn, sống kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nấy rạng” thì đó là biểu hiện rõ nhất sự xuống cấp về đạo đức. Đến chim cũng có đàn, thú phải có bầy, thực vật mọc lên còn có đám, có vệt, huống hồ con người.
Tuy nhiên, đừng bao giờ nhầm lẫn tự trọng và tính tự ái. Tự trọng thì đáng duy trì, phát huy như đã nói. Nhưng tự ái là một cá tính hại cho bản thân mình, phiền toái cho xã hội, dễ làm đánh tráo các khái niệm, khiến người ta luôn bảo thủ, chỉ thấy mình mà không thấy người, dễ trở nên ích kỷ, không có khả năng tự hoàn thiện để tiến bộ trong cuộc sống. Tiếc rằng trong xã hội vẫn còn không ít người có lòng tự ái quá cao, ai hơi đụng chạm đến mặt yếu, khuyết điểm của mình là vội giẫy lên như đỉa phải vôi, nguy hơn cả sự che chắn là hành động "diệt người bịt khẩu", không những gây tội ác mà tự lối sống như vậy đã hạn chế nhiều những thành công có thể đóng góp được cho xã hội.
Lòng tự trọng hình thành và phát triển trong suốt cuộc đời chúng ta. Những trải nghiệm trong thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên lòng tự trọng. Khi lớn lên, thành công hay thất bại, cách đối xử của gia đình, bạn bè, thầy cô…đều tác động trực tiếp và góp phần hình thành nên lòng tự trọng của mỗi người.
Lòng tự trọng cũng có vai trò rất lớn, xuyên suốt, cần thiết trong xã hội. Nó chính là nhân tố tất yếu trong cuộc sống của một con người. Một khi biết tôn trọng bản thân mình thì sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Không những thế, đó còn là động lực mạnh mẽ cho con người tiến bước và gặt hái thành công. Chính vì thế lòng tự trọng là nền tảng định hình thái độ sống để tạo dựng, bồi đắp uy tín cho chính bản thân mỗi người.
Người không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ (Nam bộ gọi là mắc cỡ) thường là kẻ tham lam, thực dụng, sống chỉ biết vụ lợi và tự ái rất cao, không muốn ai phê bình, chê bai cái gì cả, mình xấu, nhưng khi người khác nói đến cái xấu của mình, thì bảo người ta cố tình bôi nhọ, nói xấu, rằng xuyên tạc sự thật, thích khen, khoái tâng bốc (?!). Những người thiếu tự trọng, một khi đã gặp những thất bại trọng cuộc sống sẽ rất dễ bi quan, chán nản, bất cần… Những hậu họa của lối sống này khiến họ nhiều khi trở thành thâm thù, hiểm ác, sinh đa nghi, không còn tin vào ai nữa, trở nên mặc cảm với bản thân mình, tinh thần ngày càng sa sút. Những vị lãnh đạo có cá tính, lối sống như vậy thì rất ngại nói đến dân chủ, bởi vì sợ người đời phanh phui những mánh lới gian trá, những chuyện "đi đêm" kiếm mồi kiểu chồn cáo của mình…
Bài học rút ra cho bản thân khi có lòng tự trọng là dám nhìn thẳng vào mặt yếu, mặt trái, khuyết điểm của mình mà rèn giũa, tôi luyện lòng tự trọng trong những tình huống phức tạp diễn ra trong cuộc sống, tránh những biểu hiện tự ti, tự ái cao, cố tình vùi lấp, che giấu khuyết điểm, đồng thời cố gắng tự vượt lên chính mình, để vững tin bước về phía trước…
Trong cuộc sống, lòng tự trọng đơn giản là sự tự nhận thức giá trị của bản thân mình, chịu lắng nghe và biết lắng nghe người khác nói về mình để tu chính bản thân. Những đứa con trong giai đoạn nào đó thấy hài lòng khi người cha nuôi dạy sung túc bằng những đồ ăn cắp, lại dạy chúng biết các thủ thuật ăn cắp, nhưng suốt đời không bao giờ chúng tôn phục người cha đó, bởi ông ta không hề có lòng tự trọng. Lòng tự trọng không những cần nhận thức về danh dự, nhân phẩm của mình để giữ gìn nó mà còn là sự ý thức về sự hạn chế, mà còn dám nhìn thẳng thiếu sót của mình để có sự chỉnh sửa đúng đắn, thích hợp. Một vị tổng thống của đất nước nọ khi nhận ra mình không đủ khả năng để đưa đất nước đi lên đã đệ đơn xin từ chức. Lòng tự trọng của vị tổng thống ấy chính là biết nhìn thẳng vào sự thực, đối mặt với những hạn chế của mình để có những hành động đúng đắn. Có nhân cách sống đúng, sống đẹp rồi, thì không dễ mà bị nhuốm, đổi màu theo tác động khách quan, môi trường sống. Sinh ra những tội phạm, tội ác phần lớn là do bị thiếu sự giáo dục có phương pháp và đúng đắn từ nhỏ. Nhân nào quả đó. Cán bộ quyết định hết thảy. Cán bộ nào phong trào đó. Kẻ vô giáo dục mà nhảy lên ghế lãnh đạo thì chắc chắn là đưa đến mối họa mà người dân, đất nước phải gánh chịu. Có những lãnh đạo địa phương nhiều biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ăn cắp của công, thế mà lại lên Trung ương, càng có điều kiện tham nhũng lớn hơn. Sự nguy hại đó cũng do công tác cán bộ sinh ra.
Hiểu được giá trị của mình ta sẽ hiểu được giá trị của những người khác. Sống đúng, sống đẹp trước hết phải "mình vị mọi người", thường xuyên biết quan tâm đến người khác, làm lãnh đạo thì biết đứng ở cương vị người dân để giải quyết những vấn đề thuộc quốc kế dân sinh, việc không có lợi cho dân, biết là làm việc đó sẽ mất lòng dân thì phải hết sức tránh. Lòng tự trọng là cơ sở đầu tiên để xây dựng lòng tin vào xã hội. Lòng tự trọng là sự song hành giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm. Đó mới là bản chất đích thực của lòng tự trọng. Lòng tự trọng đâu chỉ gói gọn trong vấn đề mỗi cá nhân mà nó còn là vấn đề của cả một dân tộc. Một dân tộc có lòng tự trọng sẽ khẳng định được chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, vị thế và tầm vóc của dân tộc đó cũng được nâng cao cùng với thời gian.
Rõ ràng, lòng tự trọng là phẩm chất đầu tiên mà mỗi con người cần phải có, nó là con đường ngắn nhất đưa ta đến bền bờ của sự thành công. Người biết tôn trọng bản thân luôn có khả năng nhận xét, đánh giá mình một cách chính xác trong bất cứ trường hợp nào, biết tự nghiêm khắc với chính mình. Điều này có nghĩa họ luôn biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận giá trị bản thân mà không cần điều kiện.
Đối với những kẻ tham quyền cố vị, những kẻ coi tiền tài, vật chất hơn danh dự, sẵn sàng sống theo kiểu “lấy vinh làm nhục” lại thường cố gắng chứng minh bản thân mình có quan điểm, thiện chí như bao người khác, đặc biệt là những người có vai vế, quyền lực; cuộc sống đầy những bực bội vì cảm giác "chưa đủ", vì lòng tham vô đáy. Đối với họ, những lời phán xét hay chỉ trích của người khác không làm tổn thương họ, do đó họ trở thành kẻ chỉ trích người khác quá đáng, vi phạm luật thậm chí muốn chống đối kịch liệt với cái đúng, cái lẽ phải và cả công lý trên đời.
Kẻ không biết tự trọng thường “tranh công, đổ lỗi”. Một vụ việc nào đó do những người khác làm, nhưng khi thấy việc đó có lợi cho bản thân mình, tự đánh bóng cho mình thì vơ vào là “tôi làm cả đấy”, công của tôi đấy. Việc sai lầm khi bị phanh phui thì cố tình, dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí hô hét lên là do người này, do kẻ khác, còn mình vô can. Họ hành động một cách ngớ ngẩn, vô ích để chống lại mọi thứ rồi chờ người khác đến giải cứu. Khi cần thì họ tỏ vẻ đáng thương hại hay vẻ thờ ơ, mặt tỉnh như ruồi nhằm trốn tránh trách nhiệm thay đổi cuộc sống chính mình; luôn luôn trông chờ vào sự hướng dẫn, trợ cứu, tập hợp phe cánh cho đông đảo, do đó trở thành người thiếu quyết đoán, khó thành đạt và hay ỷ lại, uy tín đã mất lại thêm mất mặt trước dư luận xã hội.
Làm lãnh đạo là đứng ở vị trí toàn xã hội, tập thể lớn trong cộng đồng nhìn vào, cần có lòng tự trọng lắm thay!
Trích “Lòng tự trọng” của Bùi Văn Bồng