Thầy vừa nói rằng đa phần nhân loại chỉ sống như là thực vật. Làm ơn hãy giải thích về cách sống thế nào để cái chết có thể trở thành một lễ hội?
- Con người sinh ra để hiện thực cuộc sống, nhưng điều đó còn tùy vào anh ta. Anh ta có thể thở, có thể ăn, có thể đi, có thể già, và có thể tiến dần tới nấm mộ…nhưng điều này không phải là “cuộc sống”. Cái này gọi là sự chết dần từ cái nôi đến nấm mộ, chính xác là cái chết mòn trong bảy mươi năm.
Bởi vì hàng triệu người quanh bạn đang chết trong cái kiểu chết dần mòn này, cho nên bạn cũng bắt chước họ. Trẻ con thì học mọi thứ từ những người xung quanh, mà xung quanh thì toàn là sự chết.
Cho nên điều đầu tiên bạn phải hiểu đời sống (life) có nghĩa gì?
“Đời sống” không phải chỉ đơn giản là già đi (growing old)
Mà “Đời sống” phải là lớn lên và trưởng thành (growing up).
Và đây là hai điều hoàn toàn khác biệt.
Trở nên già, mọi con vật đều có khà năng như thế. Còn trưởng thành lại là đặc quyền riêng của loài người. Nhưng tiếc thay chỉ có một ít người đòi hỏi cái đặc quyền đó.
Lớn lên và trưởng thành (growing up) có nghĩa là sống từng khoảnh khắc sâu trong nguyên lí của đời sống. Điều đó có nghĩa là đi thoát ra khỏi sự chết, chứ không phải đi dần đến sự chết. Bạn càng đi sâu vào sự sống, bạn càng nhận ra cái bất tử của chính bạn. Có một khoảnh khắc nào đó bạn sẽ nhận biết rằng sự chết chẳng là cái gì, cũng giống như thay đổi quần áo, thay đổi nhà cửa, thay đổi hình dạng…chẳng có cái gì chết, và chẳng có cái gì có thể chết.
Sự chết là một ảo giác lớn nhất của con người.
Để trưởng thành hãy nhìn cái cây. Khi cái cây lớn rể của nó mọc sâu. Đó là sự cân bằng, cây càng lớn rễ càng sâu; rễ nhỏ không chịu nổi sức nặng của cây lớn.
Trong đời sống trưởng thành (growing up) là mọc sâu (growing deep) vào trong chính bạn. Với tôi, nguyên lí đầu tiên của đời sống là thiền định (meditation). Mọi điều khác là thứ cấp. Và tuổi thơ là thời gian đẹp nhất. Khi bạn già hơn, gần cái chết hơn, bạn càng khó khăn hơn để đi vào thiền định.
Thiền định có nghĩa là đi vào sự bất tử của bạn, vào sự vĩnh hằng của bạn, đi vào bản chất thần thánh của bạn. Trẻ con là con người đầy đủ phẩm chất nhất cho thiền định bởi vì trẻ con chưa bị chất nặng bởi giáo dục, kiến thức, tôn giáo hay bởi nhiều loại rác rưởi khác. Trẻ con thì ngây thơ, vô nhiễm, vô tội (tiếng Anh chỉ dùng có có một chữ là innocent) Nhưng bất hạnh thay sự ngây thơ của trẻ con bị coi giống như là không hiểu biết (ignorant).
“Không hiểu biết” và “ngây thơ” cũng có chỗ giống nhau như chúng không phải là một. Ignorance là tình trạng không biết, giống như ngây thơ. Nhưng có một khác biệt lớn mà cả nhân loại đến bây giờ cũng không biết. Ngây thơ là không có kiến thức nhưng không hề khao khát có được kiến thức. Ngây thơ tự nó tròn đầy ý nghĩa.
Một đứa con nít không có tham vọng, không có ước vọng. Nó luôn luôn sống hết mình trong từng khoảnh khắc sống của nó… Một con chim bay qua, đứa trẻ nhìn không chớp mắt; hay chỉ thoáng thấy một con bướm màu sắc đẹp cũng đủ để đứa trẻ hát ca. Với một cái cầu vổng trên trời, đứa trẻ sẽ ngây ngất như không còn biết điều gì huy hoàng hơn nữa. Cũng cảm giác như thế đến với trẻ con, khi chúng nhìn thấy trăng sao vằng vặc trong đêm tối mênh mông.
“Ngây thơ vô nhiễm” là tinh khiết, là tràn đầy, là giàu có.
“Không hiểu biết” là nghèo nàn là ăn xin…là tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia, tôi muốn được hiểu biết, tôi muốn được kính trọng, tôi muốn được giàu sang, tôi muốn được quyền lực.
Không hiểu biết (ignorance) đi trên con đường của khát khao.
Ngây thơ vô nhiễm (innocence) là trạng thái không hề khát khao.
Nhưng bởi vì cả hai trường hợp cùng là tình trạng không có kiến thức (knowledge) nên chúng ta thường lầm lẫn và qui kết rằng chúng cũng như nhau.
Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống là nhìn thấy cái ranh giới phân biệt giữa cái không hiểu biết (ignorance) và sự ngây thơ vô nhiễm (innocence). Sự ngây thơ vô nhiễm phải được cũng cố và bảo vệ, bởi vì đứa trẻ được sinh ra với sự ngây thơ nghĩa là với một kho báu lớn, cái kho báu mà các nhà thông thái phải đi tìm cả đời với nổ lực nhọc nhằn. Các minh sư thường nói rằng họ đã trở lại trẻ thơ một lần nữa, họ đã được tái sanh.
Ở Ấn độ một người Bà la môn thực sự, nghĩa là một người hiểu biết thực sự, tự gọi mình là Dwij, nghĩa là được sinh hai lần. Tại sao lại được sinh hai lần? Cái gì đã xảy ra trong lần sinh thứ nhất? Tại sao cần phải có lần sinh thứ hai? Lần sinh thứ hai ông ấy được gì? Trong lần sinh thứ hai ông ấy lấy lại tất cả những cái ông ta đã có trong lần sinh thứ nhất, nhưng cái mà cha mẹ, xã hội, và tất cả những người xung quanh đã hủy diệt và triệt tiêu chúng.
Trẻ con đang bị nhồi nhét đầy ắp những kiến thức. Cái đơn thuần và trong sáng vì thế bị cướp mất, lí do là ai cũng biết cái đơn thuần không giúp được gì cho đứa trẻ trong cái xã hội cạnh tranh này. Một đúa trẻ đơn thuần (simple) thường bị coi là ngốc nghếch, và đứa trẻ ngốc nghếch sẽ bị cuộc đời lợi dụng và bóc lột. Sợ hãi xã hội, sợ hãi thế giới, chúng ta tự thay đổi mình để thích ứng và cũng muốn làm cho trẻ con trở thành thông minh, sắc xảo, đầy kiến thức, để chúng được hội nhập vào thế giới quyền lực mạnh mẽ, chứ không để chúng rơi vào sự yếu kém hay bị áp bức. Và một khi đứa trẻ lớn lên sai định hướng, nó sẽ tiếp tục con đường sai lầm đó, cả cuộc đời nó sẽ tiếp tục bị sai lầm.
Bất cứ khi nào bạn thấy rằng dường như bạn đã đánh mất cuộc sống, nguyên tắc đầu tiên là tìm lại sự ngây thơ (innocent).
Buông kiến thức xuống, quên hết kinh điển đi, quên tôn giáo đi, quên thần học và triết lí đi. Cố gắng để được sinh ra một lần nữa, trở lại ngây thơ… và điều này bạn có thể làm được, bằng cách: Tẩy sạch tâm trí của bạn, tẩy sạch tất cả những gì không phải là của bạn, tẩy sạch tất cả những gì vay mượn, tất cả những gì thuộc về truyền thống, qui ước, tất cả những gì thuộc về người khác như cha mẹ, thầy giáo, trường đại học…tẩy sạch, vất tất cả. Một lần nữa ta trở nên đơn thuần.
Điều diệu kì này có thể thực hiện được nhờ thiền định.
Thiền định chỉ là một phương pháp phẫu thuật lạ kì, nó cắt bỏ đi tất cả những gì không thuộc về bạn, chỉ để lại con người thực sự của bạn mà thôi. Thiền định thiêu hủy tất cả mọi thứ và để lại bạn như một con người trần trụi cô độc dưới ánh mặt trời. Để bạn thấy dường như mình là người đầu tiên sinh ra trên mặt đất, không hiểu, không biết một điều gì, người phải khám phá lại tất cả, phải tìm kiếm, phải hành hương.
Đời sống phải là cuộc truy tìm, không phải là một khát vọng. Đời sống là một tìm tòi, chú không phải là tham vọng để trở thành cái này cái nọ, như trở thành chủ tịch một quốc gia, một thủ tướng, một bộ trưởng. Sống là để tim ra Tôi là ai? Một điều rất lạ lùng là người ta thường không biết mình thực sự là ai, lại mong muốn trở thành một người như thế nào đó. Người ta không biết mình là ai ngay trong hiện tại, không quen thuộc với chính hiện hữu của mình nhưng bao giờ cũng muốn trở thành cái gì đó!
Trở thành một cái gì (becoming), đó là căn bệnh của tâm hồn.
Hiên sinh (being) mới chính là bạn.
Ngay lúc khám phá ra hiện sinh của mình thì đời sống bắt đầu. Rồi thì cứ mỗi khoảnh khắc sống của ta là một khám phá mới mẻ. Bất cứ một khoảnh khắc nào cũng là một niềm vui; Cánh cửa bí mật đã mở, tình yêu mới đâm chồi, đam mê mới xuất hiện, cảm xúc mới về cái đẹp, cái tốt. Bạn trở thành thật nhạy cảm, chỉ một cạnh sắc của lá cỏ cũng đem đến vô vàn cảm giác. Sự nhạy cảm làm cảm giác bạn rõ ràng đến mức dù là hiện hữu của chỉ môt lá cỏ cũng bằng như hiện hữu của một vì sao; không có lá cỏ này hiện sinh dường như thiếu đi; và bởi vì lá cỏ này là duy nhất không có gì thay thế cho nên nó có riêng tính cá thể của nó.
Sự nhạy cảm sẽ tạo nên nhiều tình bạn. Tình bạn với cỏ cây, với chim muông, với thú vật, với núi đồi, với sông suối, với đại dương và với cả những vì sao. Đời sống trở thành giàu có hơn vì tình yêu lớn dậy vì tình bạn lớn lên.
Cuộc đời của thánh Francis đầy những chuyện đẹp. Ngài thường phải đi trên một con lừa đây đó để chia sẻ những thể nghiệm của mình. Vị thánh sắp chết.Tất cả đệ tử vây quanh để nghe lời cuối của ngài. Lời cuối của một vị thày luôn luôn là điều gì tiêu biểu nhất vì nó chứa toàn bộ kinh nghiệm sống của thày. Nhưng các đệ tử không tin rằng mình đã nghe một điều như thế! Thánh Francis không nói gì với các đệ tử mà vấn an con lừa của ngài. Vị thánh nói: “Người anh em, tôi vô cùng mang ơn người anh em. Người anh em đã mang tôi đi khắp mọi nơi mà không hề than vãn, không hề càu nhàu. Trước khi rời bỏ thế giới này tất cả điều tôi muốn nói là xin hãy tha lỗi cho tôi; tôi đã không đối xử với người anh em bằng tình người chan chứa.”
Đó là những lời cuối của thánh Francis. Cảm xúc bén nhạy trong lời nói với con lừa, “người anh em”, “xin hay tha lỗi”. Nếu bạn nhạy cảm hơn, cuộc sống sẽ lớn hơn. Nó sẽ không là cái ao nhỏ mà là một đại dương. Nó không giới hạn ở vợ con của bạn, nó không có giới hạn. Toàn bộ hiên hữu này trở thành gia đình bạn. Và chỉ khi nào toàn thể hiện hữu trở thành gia đình, bạn mới biết sự sống là gì. Con người không phải là một hòn đảo cô độc, tất cả chúng ta đều có kết nối.
Chúng ta là một lục địa lớn, hội tụ từ trăm nẻo đường về. Nếu trái tim chúng ta không tràn đầy tình yêu cho cái toàn thể thì đời sống chúng ta sẽ phải ngắn hơn.
Thiền định sẽ làm cho ta nhạy cảm, ta sẽ cảm thấy mình gắn liền với thế giới. Thế giới là của chúng ta, trăng sao là của chúng ta, chúng ta không phải là người ngoài cuộc. Chúng ta thuộc về mọi tồn tại tự bên trong. Chúng ta là một phần và cũng là trái tim của tồn tại
Thứ nữa, thiền định sẽ mang đến bạn sự yên tĩnh trọn vẹn vì tất cả kiến thức rác rưởi đã ra đi. Các suy nghĩ, các ý tưởng (những cái cấu thành tri kiến) cũng ra đi…Một sự yên tĩnh mênh mông, và rồi bạn sẽ ngạc nhiên cái yên lặng này lại chính là âm nhạc. Tất cả các loại âm nhạc trần gian chỉ là cái thể hiện từ sự yên lặng bên trong. Các nhà thần bí đông phương đều cùng nhấn mạnh một điểm rằng: tất cả các nghệ thuật lớn như âm nhạc, thi ca, múa, hội họa, điêu khắc…đều sinh ra từ thiền định. Một cách nào đó có thể hiểu là các bộ môn nghệ thuật chính là những cái nằm trong thế giới không được biết bộc lộ ra ngoài thế giới đang được biết, và dành cho những ai chưa sẵn sàng cho cuộc hành trình trí tuệ của mình. Chúng là quà tặng cho những người chưa đi trên cuộc hành trình trí tuệ. Đôi khi một bản nhạc, một bức tượng…cũng có thể khơi dậy nỗi khát khao đi tìm nguồn cội.
Bạn này, khi nào bạn bước vào ngôi chùa của Phật Thích ca hay ngôi đền của Mahavira, cứ ngồi yên lặng lẽ ngắm nhìn bức tượng. Bức tượng thì chả có lien hệ nào với Thích ca hay Mahavira, nhưng nó đã được làm và tính toán theo một tỉ lệ để mỗi khi bạn nhìn nó bạn sẽ rơi vào yên lặng. Đây gọi là thiền định với tượng.
Đó là lí do tại sao các bức tượng luôn giống nhau Mahavira, Gautama, Neminata, Adinatha…Hai mươi bốn vị thánh tăng của đạo Jaina…Trong cùng một ngôi chùa bạn sẽ thấy hai mươi bốn bức tượng giống nhau hoàn toàn. Hồi còn nhỏ tôi thường hỏi cha tôi “Cha giải thích cho con biết tại sao hai mươi bốn người lại cùng giống hệt nhau? Cùng kích thước, cùng cái mũi, cùng khuôn mặt, cùng thân hình”.
Cha tôi nói “Cha không biết, chính cha cũng ngạc nhiên tại sao chẳng thấy có chút khác biệt nào cả. Ai cũng nói trên đời này chẳng có đến hai người giống hệt nhau, nói chi đến hai mươi bốn người!”
Đến lúc tôi thành tựu thiền định, tôi đã tự tìm thấy câu trả lời. Câu trả lời là: Tất cả các bức tượng chẳng có liên hệ gì với những nhân vật, Tất cả các bức tượng chỉ liên hệ với những gì xảy ra bên trong các nhân vật, và cái bên trong đó thì hoàn toàn giống nhau. Chúng ta không phải quan tâm đến cái bên ngoài mà phải chỉ chú ý đến cái bên trong. Cái dáng vẻ bên ngoài không quan trong. Có người trẻ, có người già, có người đen, có người trắng, có đàn ông, có đàn bà…chẳng có gì quan trọng. Cái quan trọng là tất cả bên trong cùng là một đại dương yên lặng. Trong cái mênh mông yên lặng kia cơ thể thể hiện một tư thế nhất định nào đó. Bạn cũng đã từng quan sát chính bạn, nhưng chắc là bạn chưa nhận ra điều này: Khi bạn nổi giân, cơ thể bạn có một tư thế nào đó, hai bàn tay bạn không thể mở ra được, bạn chỉ có thể nắm chặt tay. Trong cơn giận bạn cũng chẳng có thể cười.
Với một cảm xúc nào đó, thân thể lại có tương ứng một tư thế nào đó. Những điều nhỏ nhặt ảnh hưởng sâu xa đến bên trong. Vì thế những bức tượng được tạo bằng một cách nào để mà bạn chỉ yên lặng ngồi, yên lặng ngắm nhìn, rồi khép mắt lại, một hình ảnh sẽ đi vào tâm bạn và bạn sẽ cảm nhận được những điều chưa từng biết.
Những bức tượng và đền đài không phải xây ra cho việc thờ cúng, chúng dùng cho việc thể nghiệm. Chúng là những phòng thí nghiệm khoa học, không có quan hệ gì với tôn giáo. Hàng thế kỉ trước đã có một khoa học thần bí nào đó dụng ý giúp cho những thế hệ sau có thể liên hệ với những thể nghiệm của thế hệ trước…không qua sách, không qua ngôn ngữ, mà qua cái sâu thẳm hơn: Cái yên lặng, thiền định và an lạc.
Khi cái yên lặng trở nên yên lặng hơn; tình bạn, tình yêu đâm chồi nảy lộc; cuộc đời bạn trong từng mỗi khoảnh khắc trở thành vũ điệu, niềm vui, lễ hội. Bạn có nghe tiếng pháo nổ ngoài kia? Bạn có bao giờ nghĩ rằng tại sao trên toàn thế giới chỗ nào cũng tổ chức lễ hội vài ngày trong năm? Vài ngày lễ hội là để bù đắp, vì xã hội đã làm mất lễ hội của chính cuộc đời bạn, cho nên nó phaỉ có cái gì đó để bù trừ.
Mỗi một nền văn hóa phải có cách bù đắp cho bạn để bạn không cảm thấy hoàn toàn mất hút trong khốn cùng và tuyệt vọng. Nhưng tất cả những bù đắp này đều là giả tạo.
Những tiếng pháo nổ và ánh đèn ngoài kia không thể làm bạn vui vẻ được. Những thứ đó chỉ dành cho trẻ con; với bạn nó chỉ làm thêm khó chịu. Ngay từ thế giới bên trong bạn đã có thể có bất tận vô vàn ánh sang, âm nhạc, niềm vui. Luôn luôn phải nhớ rằng xã hội chỉ tìm cách bù đắp cho bạn khi nó nghĩ rằng sự dồn nén của cá thể có khả năng nổ bùng một tình thế hiểm nguy. Xã hội tìm mọi phương cách để bạn giải tỏa áp lực dồn nén. Nhưng những thứ này không phải là lễ hội thực sự, nó không bao giờ có thể là sự thực. Lễ hội thực sự phải khởi đầu từ đời sống bạn và bên trong bạn. Lễ hội thực sự không thể căn cứ theo lịch, ví dụ đến đầu tháng mười một tôi sẽ tham gia lễ hội. Điên chưa! Cả năm sầu khổ bỗng dưng tôi thoát ra được khỏi khổ đau, bước ra đường nhảy múa. Cả cái cảm giác thoát khổ lẫn cái ngày đầu tháng mười một đều là giả tạo. Lễ hội ngày đầu tháng mười một qua đi rồi thì bạn sẽ bước về cái hố đen, và mọi người cũng thế, tất cả trở lại với nỗi buồn đau của mình.
Đời sống phải là một lễ hội liên tục, phải là một fesitval ánh sáng suốt năm tròn. Chỉ đến khi bạn trưởng thành, bạn mới có thể trổ hoa, bạn mới có thể biến những cái nhỏ nhoi tầm thường thành lễ hội.
Thí dụ ở Nhật bản họ có lễ trà. Trong tất cả Thiền viện và ngay cả trong từng gia đình cũng có thể thực hiện được. Trà không còn là phẩm vật bình thường nũa, người ta đã chuyển nó thành lễ mừng. nơi uống trà thiết kế theo một cách nào đó, trong một khu vườn đẹp, có hồ, có thiên nga, hoa cỏ…khách đến bỏ giày bên ngoài, vậy thôi.
Khi bước vào, bạn không được nói chuyện; bạn phải bỏ lại mọi suy nghĩ, lời nói cùng với giày dép bên ngoài. Bạn ngồi xuống trong tư thế thiền định. Người chủ, thường là một quí bà sẽ pha trà cho bạn. Động tác của người pha trà thật đẹp, giống như là nghệ sĩ múa, đi vòng quanh khách, phục vụ trà, tách, đĩa…giống như bạn là thượng đế. Thật là kính cẩn nàng cúi đầu dâng trà và bạn cũng cúi đầu trân trọng y như thế.
Một vật tầm thường như trà thôi cũng có thể được dùng tạo ra lễ hội mà ai đó khi bước ra cũng cảm thấy mình như hồi sinh, tươi trẻ lại, ngọt ngào hơn. Cái gì ta đã làm được với trà thì cũng có thể làm được với tất cả thứ khác, như với quần áo, thức ăn…Đa số con người sống như trong giấc ngủ say; ngoài ra vải vóc có vẻ đẹp riêng của nó, cảm giác riêng của nó. Nếu bạn nhạy cảm, quàn áo không chỉ để che thân chúng cũng có thể dùng biểu cảm cá tính, sở thích, văn hóa và tồn tại của bạn. Mọi việc mà bạn làm nên phải là cách thể hiện riêng của ban, nên phải có dấu ấn của bạn, như thế đời sống sẽ trở nên lên lễ hội liên tục.
Ngay cả khi bạn bị bệnh đang nằm trên giường, bạn cũng nên lấy cái thời gian này mà hưởng thụ, thời gian thư giản và nghĩ ngơi, thời gian thiền định, không lo buồn vì mình đang bị bệnh. Khi bạn bị bệnh hãy gọi bác sĩ, nhưng lúc này bạn bè quan trọng hơn thuốc men, nhất là những người yêu bạn. Thuốc men thường là phương tiện trị liệu kém nhất.
Hãy sáng tạo mọi thứ, làm ra cái tốt nhất từ cái dở nhất, điều đó tôi gọi là “nghệ thuật”. Nếu một người sống suốt một đời tạo tất cả khoảnh khắc thành cái đẹp, thành tình yêu, thành niềm vui thì cái chết tự nhiên trở thành đỉnh điểm của toàn bộ nổ lực trong đời. Giây phút cuối cùng của người đó sẽ không tồi tệ như cái chết thông thường của mọi người khác. Nếu cái chết là điều tồi tệ, có nghĩa là toàn bộ đời sống của bạn đã là một phí phạm. Cái chết nên là sự chấp nhận bình yên, sự dẫn nhập tràn đầy tình yêu vào cõi mà ta chưa biết, lời chào từ giả vui vẻ với bạn bè, với thế giới cũ. Không nên có chút gì gọi là bi kịch.
Một thiền sư, Linh Chi, đang hấp hối. Hàng ngàn đệ tử vây quanh chờ nghe bài pháp cuối cùng. Nhưng Linh Chi chỉ nằm xuống vui vẻ mỉm cười, không nói một lời. Một người thiền sư bạn cũ nhắc nhở:” Linh Chi, sao thày quên không nói những lời cuối cùng, trí nhớ thày không được tốt rồi, thày đang hấp hối, thày cố đừng quên”. Linh Chi nói: “Hãy lắng nghe này”…và trên mái nhà, hai con sóc đang chạy nhảy vui đùa. Linh Chi chỉ nói: “đẹp làm sao” rồi chết. Ngay khi ông nói “Hãy lắng nghe này” thì mọi người im lặng phăng phắc để chuẩn bị nghe những lời vĩ đại; Nhưng chỉ nghe thấy tiếng hai con sóc đùa giỡn cắn nhau chạy nhảy trên mái nhà mà thôi. Vị thày chỉ cười rồi chết.
Thực ra vị thày đã gởi đi thông điệp cuối: Đừng phân biệt chuyện lớn chuyện nhỏ, đừng phân biệt cái tầm thường cái quan trọng. Ngay phút giây đó sự kiện Linh Chi chết cũng giống như sự kiện hai con sóc chạy đuổi trên mái nhà. Không có gì khác biệt. Trong hiện sinh, tất cả đều giống nhau. Đây là toàn bộ triết học, toàn bộ sự nghiệp giảng dạy của vị thày. Chẳng có cái gì lớn chẳng có cái gì nhỏ, tất cả đều tùy thuộc vào bạn.
Bắt đầu bằng thiền định, mọi sự sẽ nảy nở trong bạn…tĩnh lặng, tinh khiết, an lạc, mẫn cảm. Mang hết những điều thủ đắc trong thiền định vận dụng trong đời sống và chia sẻ chúng, bởi vì những cái chia sẻ đều mau phát triển. Rồi đến lúc bạn chết, bạn sẽ biết không có sự chết. Bạn có thể nói tạm biệt mà không cần có nước mắt và buồn rầu, nếu có, phải chỉ là nước mắt của niềm vui.
Nhưng điều cốt tủy là phải bắt đầu bằng ngây thơ vô nhiễm. Trước tiên vất đi tất cả cặn bã thối tha mà bạn đang mang vác. Mọi người đang mang vác quá nhiều căn bã. Có một điều đáng ngạc nhiên là lại có nhiều người nói với bạn rằng đó là những hệ tư tưởng lớn, những nguyên lí lớn! (trong trường hợp này sự thông minh không bắt đầu từ bạn, bạn chỉ mượn của người khác). Hãy thông minh tự bản thân mình.
Đời sống rất đơn giản; nó là điệu nhảy của vui mừng. Tất cả trái đất có thể tràn đầy niềm vui, tràn đầy hoan lạc, nhưng có một số người quyền thế, vì quyền lợi, lại nói rằng không ai nên cười, không ai nên vui bởi vì cuộc đời là tội lỗi, đó là một sự trừng phạt. Làm sao có thể yên vui khi bạn liên tục bị nhồi sọ rằng đời sống là sự trừng phạt, bạn đã làm sai và bây giờ đang bị giam ở trái đất này để chuộc lỗi!
Tôi phải nói lớn rằng: Đời sống không phải là ngục tù, không phải là sự trừng phạt. Đời sống là một tặng thưởng, và nó chỉ trao cho ai chắt chiu với nó, cho những ai xứng đáng với nó. Và bây giờ, quyền lựa chọn là của bạn; và bạn sẽ là kẻ có tội nếu không hưởng thụ nó. Nếu đến lúc bạn chia tay với cuộc đời mà cứ để cuộc đời y nguyên như lúc bạn bước vào, nếu bạn không làm đẹp thêm cho nó, là bạn đã chống lại hiện hữu. Xin bạn, xin hãy để lại cho đời một chút đẹp đẽ, một chút hạnh phúc, một chút hương thơm./.
Phạm Doãn, dịch từ:
Osho – Beyond Enlightenment.