Ẩn sĩ thời mạt pháp

Lữ khách một mình trên lối mòn vào thung lũng An-nhiên. Núi rừng trùng điệp miền Bản-ngã-sơn huyền bí, nhàn nhạt ánh mặt trởi trên bóng lá thâm u. Mơ hồ đâu đó phảng phất khói lam ai đốt lau làm rẫy dưới sườn non.

Mồ hôi nhỏ ròng ròng, hắn vẫn không một phút dừng chân. Chiếc gậy trúc đi đường và tay nải choàng ngang lưng đơn giản. Cứ thế, cô độc giữa hoang vu cho đến khi lữ khách bật tiếng reo đầy mệt mỏi:

-Ồ, thật may mắn. Đây rồi.

Thấp thoáng bóng thảo lư im lìm dưới tàn cây cổ thụ. Tiếng chó sủa nổi lên giữa rừng hoang đem đến niềm vui tìm lại bóng con người. Bao nhiêu nhọc nhằn vơi đi nhanh chóng. Thực ra đấy chỉ là căn lều tranh trơ trọi bên khúc uốn dòng suối triền miên đang róc rách. Mấy giò dã lan treo đu đưa, phảng phất khí vị của đại ngàn thanh khiết.

Quần áo tả tơi, lữ khách bước tới cổng ngõ là hai thân cây tự nhiên, không cánh cửa. Hắn lên tiếng sau khi điều hoà hơi thở:

-Kính chào ẩn sĩ. Xin ban cho kẻ phàm phu một đôi lời về lẽ sống.

Ngoài tiếng chó sủa chẳng thấy ai, lữ khách bước vào nhìn xuyên ô cửa sổ. Đồ gia dụng quá đơn sơ. Trên liếp phên trịnh trọng đôi câu thơ viết thảo lên giấy thô, vàng vọt đã lâu ngày: "Mạt pháp ẩn cư ly ác nghiệp. Thiện căn tuỳ ngộ diễn thiền tâm"(*). Dường như bóng ẩn sĩ đang trầm tư trong một góc khuất gió. Mừng rỡ, lữ khách vái dài và lập lại thỉnh nguyện đầy tha thiết:

-Kính chào ẩn sĩ. Xin ban cho kẻ phàm phu một đôi lời về lẽ sống.

Bóng người không ngước lên khi có kẻ vào đến trước mặt mình, giọng nói bình thản như chưa hề kinh ngạc:

-Là ai? Từ đâu đến. Hãy nói lý do ngươi khổ cực đến đây?

-Kính chào ẩn sĩ. Dù phải đến từ chân trời gốc biển, nhưng kẻ vô danh vẫn miệt mài tìm chân lý. Ngoài ra, không ý đồ nào nữa cả.

-Chân lý ở khắp mọi nơi, mọi thời... Chân lý phơi bày rõ ràng từng ngày một sao lại phải đi tìm nơi núi thẳm rừng sâu?

Lữ khách thở dài, giọng chùng xuống như chất ngất tâm tư không nói đủ nên lời:

-Thưa, chính thế. Chính mọi nơi và mọi thời đều nhân danh chân lý. Và vì chân lý, kẻ phàm phu đã mất đi tuổi thanh xuân cùng sức sống... Ôi, vẫn có thứ chân lý co giãn tuỳ lúc, tuỳ nơi và - nực cười - tuỳ ở mỗi ai đang thuyết giảng. Tự nó mâu thuẩn như những trò diễn khôi hài nhất thế gian.

-Là giả lý, hoặc chỉ là chân-lý-tắc-kè. Mưu lược, thứ đồ dùng để qua mặt và chế ngự đối thủ ở đấu trường danh lợi. Đấy không thể là chân lý vì chân lý không bị động để tuỳ nghi thay đổi. Ta hiểu. Ngươi từng tôn thờ nó cho đến lúc nhận ra rằng, chính ngươi cũng bị thứ chân-lý-tắc-kè ấy qua mặt và chế ngự.

-Vâng, thưa ẩn sĩ. Thật cay đắng.

-Thiếu trí huệ để nhìn xa thấy rộng nhưng với nhiệt tâm luôn sôi sục cùng một phần hoàn cảnh riêng tư mà nên nỗi... Phải chăng? Trước khi đổ vỡ tâm tư, người như ngươi hẳn đầy rẫy cơ hội để trở thành hiệp sĩ. Và, tất nhiên với sự giúp đỡ của chân-lý-tắc-kè vừa nói... Sự giúp đỡ mà bây giờ ngươi nhìn ra đầy cay đắng. Không lầm chứ? Ngươi cũng từng là hiệp sĩ...

-Hỡi ôi..! Hiệp sĩ. Vâng, như một kẻ đã cạn vốn thời gian, nhiệt tâm và nghị lực, kẻ phàm phu chỉ còn biết thương xót lấy đời mình... Một cuộc đời mà trước đây, tưởng như đã vô cùng hân hạnh so nhiều đồng loại khác. Chưa nói đến ám ảnh đầy nghiệt ngã của một thời trai trẻ khi đã định tâm nhìn lại biên giới giữa điều lành và tội lỗi?

-Thế ngươi còn khổ công tìm chân lý ở nơi đâu? Đơn giản, chân lý rút gọn là sự-thật-cuối-cùng. Còn lẽ sống ư? Là cách hành-xử-với-sự-thật-cuối-cùng ra sao trong tự mỗi con người. Ngươi có quyền công nhận hoặc phủ nhận sự thật ấy, mặc lòng... Tuy thế, điều đáng nói nơi đây là chắc gì ngươi sống đủ, sống thực, sống mãi với điều ngươi lựa chọn? Ta muốn nói sự "sống giả" ấy mà. Nó khác lẽ sống thực ra sao..? Không phải ta mà là ngươi. Chính ngươi nên tự trả lời câu hỏi lấy. Từng là hiệp sĩ, ngươi thiếu gì lòng can đảm. Nhìn thẳng vào sự thật. Đấy, hãy hiệp-sĩ-với-nội-tâm mình xem thử...

Khách rũ rượi, lặng im trên gốc cây khô làm ghế. Đó đây chỉ còn vang vọng lời chim ca, tiếng suối chảy thầm thì... Ẩn sĩ rời chỗ ngồi, đem đặt trước lữ khách ít lương khô và bầu nước. Thảo lư lại chìm trong tịch mịch mãi cho đến khi lữ khách giật nẩy mình, đứng dậy. Hắn thở phào, mạnh dạn ngẩng đầu lên và tỏ rõ tri ân:

-Xin nhận nơi đây ít lễ mọn tâm thành. Chắc rằng ẩn sĩ sẽ có thêm chút điều kiện để giúp những người đến sau, đồng cảnh ngộ không khác kẻ phàm phu... Ngài còn phải lo chuyện thường nhật sinh tồn. Hãy tha thứ lời đường đột nhưng đầy cảm xúc tri ân. Quả nhiên, kẻ phàm phu như vừa ra khỏi cơn mộng huyễn hoang đường. Ôi, kinh hoàng cho nhân thế bể dâu...

Hắn lần lưng trịnh trọng lấy ra vài thứ trang sức quý giá, đặt tất cả trước mặt người đối diện. Ẩn sĩ bình thản xua tay:

-Với những người đồng cảnh ngộ, đến sau ngươi... Tại sao không là ngươi mà là ta? Phải nói lại những lời ngươi vừa nghe ban nãy. Còn thường nhật sinh tồn nơi thảo lư bé nhỏ nầy ư? Chính ẩn sĩ từ sáng sớm đã có mặt trên rẫy nương cho đến khi bóng chiều gác núi. Là lúc ngài quay về với thảo lư để nghỉ ngơi và chân truyền thêm bửu pháp... Lương thực ấy đủ cho ngài và cả ta qua những ngày đạm bạc. Còn bổn phận của ta ư? Thật ra, để thay mặt ẩn sĩ nói những gì cần nói.

Lữ khách bàng hoàng kinh ngạc:

-Vẫn chưa gặp ẩn sĩ..? Ồ, ngài ở đây chỉ là người giúp việc.

-Không hẳn thế. "Bất tác, bất thực"(*). Ta giúp ẩn sĩ có thì giờ để chăm lo nương rẫy như một cách tạ ơn đầy ý nghĩa. Thảo lư, do thế không vì sự vắng mặt thường xuyên của ẩn sĩ mà bỏ dở ý nguyện của ngài với lữ khách ngang qua... Ai cũng có việc phải làm. Và, làm ra làm, ngươi hiểu chứ? Tập quên thói "ngồi mát ăn bát vàng", uống mãi mồ hôi kẻ khác như uống thứ nước mưa từ trời rơi xuống. Tốt nhất, đừng nâng chén cơm mỗi ngày y như nâng lời nguyền rủa tự thân lên trước mặt. Nếu không, hãy thôi nói chân lý, đạo đức, công bằng và nhân danh cứu thế...

-Vâng, ân nghĩa và đạo đức ẩn sĩ thật cao dày. Nhưng riêng ngài, người giúp việc ẩn sĩ, từ bao giờ? Đã trở thành môn đồ đắc ý ở nơi đây.

-Không, ta chưa đủ nội lực để trọn đời theo ẩn sĩ. Sự sống và thời gian nơi đây giúp lấy lại quân bình trong thế cuộc đảo điên. Niềm vui của ta là những cuộc đàm đạo mỗi đêm bên bếp lửa hồng cùng ẩn sĩ. Ta cũng từng là khách ghé qua như ngươi, y hệt. Còn ngươi. Ngươi là luân-hồi-tâm-tư, phiên-bản-nỗi-lòng-chính-ta thời gian trước. Vâng, ta lữ khách ở lại. Tất nhiên vẫn sẽ trở về mái nhà xưa, khi một lữ khách nào tình nguyện thay vào chỗ của ta. Cứ thế...

-Để tiếp tục giúp ẩn sĩ như một cách tạ ơn đầy ý nghĩa..?

Câu hỏi không có tiếng trả lời. Và, chỉ cần hai nụ cười yên lặng giữa thảo lư gió lộng ấy, chừng như quá đủ để hai người xa lạ thiết thân nhau.

Một buổi sáng mấy hôm sau... Khi sương rừng còn giăng khắp đó đây. Thảo lư lung linh bóng ba người ngồi vòng quanh bếp lửa. Họ cung kính mời nhau mấy bát chè vối nóng. Lữ khách hôm trước, nay thành người ở lại. Hắn bịn rịn nói lời chia tay với một kẻ sắp lên đường trở lại mái nhà xưa.


(*)Mạt pháp ẩn cư ly ác nghiệp/Thiện căn tuỳ ngộ diễn thiền tâm: Thời mạt pháp ở ẩn để xa rời ác nghiệp/Mối thiện căn tuỳ gặp mà phô diễn thiền tâm.
(*)"Bất tác, bất thực": Không làm, không ăn - Lời thiền sư Bách Trượng
Previous Post
Next Post