Tôi đã đọc hầu hết tác phẩm của Tạ Duy Anh từ truyện viết cho người lớn đến truyện viết cho thiếu nhi, tản văn, ghi chép… Một số cuốn mà ông đã viết và gây dư luận từ khi còn học ở Trường Viết Văn Nguyễn Du Khóa IV và nhiều năm về sau nữa. Đó là các tiểu thuyết Lão Khổ, Đi tìm nhân vật và các tập truyện ngắn Bước qua lời nguyền, Gã và Nàng; Nàng… Có thể nói, Mối Chúa là cuốn tiểu thuyết quan trọng của Tạ Duy Anh. Người ta thấp thỏm chờ đọc Mối Chúa ngay từ khi nó mới chuẩn bị được in và phát hành. Người ta chờ đợi Mối Chúa, bởi vì nó là cuốn tiểu thuyết đề cập đến những vấn đề lớn của xã hội Việt Nam hiện tại.
Mối Chúa đã vạch mặt thẳng thừng, chứ không hề vòng vo né tránh… Bối cảnh để thể hiện tiểu thuyết Mối Chúa là làng Đồng – địa danh quê quán của tác giả đã sinh ra và lớn lên ở đó. Nhưng nếu đọc kỹ thì ta thấy không phải chỉ có vậy… Hiện thực được tác giả thể hiện rộng lớn hơn nhiều… giống một xã hội nửa người, nửa ma, nó còn được diễn ra ở nhiều nơi khác, có khi chỉ là những mảnh rừng hoặc các con đường giống như chập chờn trong ký ức… Hiện thực có thể được chắp ghép lại từ nhiều mảnh khác nhau nhưng chúng đều ăn khớp vào nhau về sự cay nghiệt và nỗi u uẩn không bao giờ nguôi cứ chám vào tâm tưởng của con người ta. Tính chất ma giáo cũng như sự tha hóa đến tận cùng bản thể của con người ngày càng tăng dần theo các chương mục của cuốn sách. Tác giả cấu trúc thành XX chương cộng thêm phần dẫn chuyện mở đầu và phần gói lại chuyện ở cuối. Hiện thực được cuốn sách phơi bày là những kẻ có quyền lực, chúng sẵn sàng làm tất cả những điều bất nhân, băng hoại đạo đức, trái với đạo lý truyền thống…
Tất cả mọi việc diễn ra trong các bối cảnh đều rất đỗi thân quen, như là công ty của bố tôi, việc diễn ra ở Làng Đồng… Những nhân vật dường như cũng là đều thân thuộc, luôn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Đó, như là ông xã trưởng, ông huyện trưởng, ông Sinh, ông Tâm, Mr Đại… Cảm giác thì thân quen như thể ở đâu đó rất gần nhưng mà lại rất khó nắm bắt, họ không có người nào được xuất hiện rõ ràng đầy đủ về nguồn gốc cũng như mọi hành tung trong cuộc sống, đều nhập nhèm khó hiểu, ngoại trừ ông Tâm từ trước kia đã lái xe cho bố ông.. Hội đồng các Pa Pa và Mr. Đại là những người điều khiển tất cả mọi chủ trương, đường lối của xã hội, mục đích của những lần gặp gỡ… Sau lưng họ là những thế lực khổng lồ không ai có thể nhìn thấy nhưng luôn hiện hữu. Sự cấu kết của quyền lực và doanh nghiệp, ở đây là công ty của ông đã dẫn đến nhưng hậu họa khôn lường cho xã hội về tất cả mọi mặt. Đặc biệt là tạo ra những bất ổn sâu sắc trong xã hội.
Điều đáng sợ nhất là bên trong nó đầy rẫy sự thối nát, xấu xa với những việc làm vô nhân tính và phi đạo đức nhưng nó lại được ngụy tạo, che giấu bởi cái vỏ bọc nhân văn, đạo đức giả, rất giả nhưng họ luôn bôi son trát phấn để che giấu… Quyền mưu cầu hạnh phúc ấm no của người dân chưa bao giờ được để ý. Chính quyền như ông huyện kia lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao có thật nhiều mưu mô chước quỷ để chiếm đoạt của cải của người dân. Người dân ở làng quê thì bị bần cùng hóa, đến mức chẳng còn gì ngoài mấy mảnh đất ruộng cằn cỗi. Các quan như ông huyện cấu kết với các ông ty để vơ vét thì thường xuyên luôn tìm cách để chiếm đoạt, xâu xé. Người nông dân bị bần cùng hóa đến cùng cực, không còn cả nhà cửa, ruộng vườn, ao đầm…
Kể về cuộc sống ăn chơi trác táng và phè phỡn thì cũng ít ai bằng đám quan lại dốt nát, hợm hĩnh, hống hách này. Đây xin dẫn một đoạn Tạ Duy Anh kể về thú ăn chơi tàn bạo của Mr Đại:
“Nghe nói thú vui của ngài là đổ vào chiếc bồn tắm những chai rượu vang đỏ đắt tiền từ Pháp và Ý, thành một thứ nước hồng rực rồi thả mình bì bõm trong đó với một cô gái khỏa thân. Không chỉ do ngài tin rằng rượu vang đỏ có một vi chất tiết ra từ nước nho, loại nho lâu năm trồng trên những vùng đồi đất đá phấn trong điều kiện mát dịu, lên men lâu ngày, ngấm được qua da, làm tái sinh những vùng da bị lão hóa, mà cái chính là màu đỏ rực của nó gợi cho ngài những ký ức thần tiên thời trẻ.
Nghe dân tình thì thầm vào tai nhau là khi còn chưa có thân phận, ngài từng phá trinh một cô gái mới lớn trong bồn tắm. Ngài làm điều đó khi tưởng tượng đang giao phối với nàng tiên cá. Có lẽ để không phải thấy vẻ mặt rúm lại của cô bé, ngài quyết định thâm nhập từ phía sau. Cô bé mới lớn, chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào, kêu như bị chọc dao vào người, cố bám hai tay vào thành bồn, miệng hớp từng ngụm khí mỗi khi bị thúc mạnh. Hôm đó, sau khi ra khỏi cơ thể cô bé, ngài thấy nước cũng chuyển sang màu hồng rực như vừa dốc ngược chai vang đổ xuống. Ngài thích thú vốc nước pha máu đồng trinh vã vào mặt và thấy một hương vị đặc biệt. Cảm giác đó khiến ngài rất phấn khích và luôn muốn được trải nghiệm lại….”
Mr Đại là nhân vật có quyền lực cao nhất, lão ta ăn cả quá khứ, cả tương lai, lão “có thể ăn mọi thứ trên đời, tất tật không chừa thứ gì, cả xác chết, cả những người đang hấp hối và những đứa trẻ còn mới là bao thai chưa kịp sinh ra…” nhưng luôn giấu hình điều khiển mọi thứ, nhưng về khoản ăn chơi trác táng thì lão thành thần, lão thạo các ngón chơi từ khi lão còn trẻ nên đến khi lão có quyền lực tối thượng trong tay thì sự ăn chơi sa đọa của lão càng đạt đến đỉnh cao của sự sa đọa.
Sau đây là đoạn mô tả một trong những cảnh điển hình cho những tên quan chức dốt nát, mà Mr. Đại chắc chắn là đồng bọn, tự cho mình quyền uy đến mức nào khi coi tất cả đám cận thần “danh giá” y như là đám gia nhân trong nhà lão đang chầu chực lão, bằng màn hỏi thăm nhưng hóa ra hoàn toàn là màn độc thoại (nghĩa là người hỏi không cần nghe trả lời):
“ – Ông kia, nhà thơ hả, hội viên chưa, có biết Nguyễn Du, Lý Bạch không? Gặp thì cho hỏi thăm, nhắn lời tớ bảo thích uống rượu thì đến…
Người được quan tâm chưa kịp đáp, bởi hình như ngài không cho đáp lại, thì ngài đã lại chỉ tay sang người khác:
· Ông kia, giáo sư tiến sĩ à, làm ở ngành gì, giảng viên chính trị hả, được đấy, nghề đang hót. Thằng nào muốn làm quan mà chẳng phải lụy các thầy.
Tất cả mọi người cùng rũ rượi cười tán thưởng, nhưng chẳng ai kịp nhìn kỹ những người vừa được Đại Nhân chiếu cố, thì ngài đã lại hướng sang phía khác:
· Ông kia, làm ở đâu, tổng giám đốc thì to quá còn gì. Nhớ làm nghĩa vụ cho tốt nhé. Nói thử xem cuộc vui hôm nay thế nào…
· Còn em, sao chưa đi thi hoa hậu. Có biết múa cột không?
Sau đó tất cả lại đồng loạt cười theo, kiểu cố mua vui cho chủ rồi lại ăn, uống, bá vai, bá cổ, kể chuyện tiếu lâm, bày cách làm tình, gợi những chuyện dâm dục, hở hang và cười nổ trời, nổ đất…”
Mối Chúa là một cuốn tiểu thuyết phản ánh hiện thực chân thực, sinh động, có sức lay động lòng người mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là tác phẩm đã vạch mặt được đám quan lại giả nhân giả nghĩa luôn tìm cách cấu kết với nhau để cùng chia chác lợi ích. Khi các nhóm lơi ích càng lớn và càng tàn bạo, quỷ quyệt thì người dân lao động càng thêm khổ cực. Người dân lao động bị nhiều tầng áp bức từ cấp trên xuống cấp dưới và bị bần cùng hóa đến tận cùng…
Tác giả với tư cách là nhà văn – người mang tư tưởng tiến bộ hơn thời đại, đã đứng trên thời đại để phán xử. Đó là lời diễn thuyết của cô sinh viên Đại học Luật có tên là Diệu – Cô gái mà tác giả dành nhiều thiện cảm nhất trong quá trình xây dựng tính cách nhân vật. Tác giả đã gửi gắm lòng mình vào lời của Diệu diễn thuyết trước đám đông:
“Chúng ta có cần phải đánh đổi cuộc sống với một giá đắt như vậy cho sự tăng trưởng giả tạo? Vì sao tôi khẳng định nó là giả tạo? Bởi nó mang tính chiếm đoạt: Chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đoạt niềm tin, chiếm đoạt tương lai của người khác rồi quy ra tiền. Một số người giàu lên, thì rất nhiều người phải lâm vào cảnh bần cùng. Đó chính xác là quá trình tự sát. Chúng ta phải đồng lòng để dứt khoát với loại phát triển tà ma đó…”
Mối Chúa, theo tôi, đó là lời cảnh tỉnh xã hội khẩn thiết và rõ ràng nhất. Nhà văn đã tập trung bao tình cảm cho Diệu. Bởi vì Diệu là cô gái trong sáng, hồn nhiên nhất và cũng là đại diện cho những người trẻ có tri thức và có sự phân tích sâu sắc về tình hình xã hội. Thế hệ của Diệu sẽ tự bứt phá ra khỏi những tư duy “man rợ” của lớp người đi trước. Điều mà Diệu đã thấy được là có biết bao người dân bỏ lỡ cuộc đời mình, tình cảnh thật đáng thương:
“Biết bao nhiêu người sống trong đói khổ để chờ họ mang thiên đường đến, và phần lớn chết vì suy dinh dưỡng, bệnh tật mà không biết mình chờ đợi cái gì! Kẻ nào (trong số những kẻ cướp đoạt) cũng muốn mình không phải là người đến sau trút xuống đó đồ phế thải, thuốc độc với vẻ tự đắc mình là kẻ may mắn và thức thời…”
Hoặc Diệu thắc mắc tiếp:
“Tôi còn biết có kẻ thối một nửa người, da dẻ mốc thếch, dùng tiền nhồi làm đệm nhưng vẫn ngày ngày ngóng ra cửa xem có ai mang tiền đến. Sự kinh tởm ấy từ đâu mà ra và vì sao cuộc đời này lại đáng sợ như vậy? … Họ, những kẻ tham lam vô độ ấy vơ vét nhiều tiền thế để làm gì? Họ làm gì với số của cải cướp đoạt dùng cả chục đời không hết?…”
Câu hỏi của Diệu cũng chính là những câu hỏi thắc mắc về xã hội hôm nay của biết bao người dân khác.
Nhưng rồi dần dần Mối Chúa cũng được lộ diện, tác giả viết rất rõ:
“Không phải ngẫu nhiên mà ông ta mang biệt danh Mối Chúa. Nó ám chỉ người có quyền năng cao nhất trong cái công ty bố tôi. Ngoài ra, như đã nói, nó muốn hàm ý với mọi người rằng, ông ta có khả năng cho ra đời hàng loạt những kẻ đào tường khoét ngách, những kẻ có thể gặm nát cả thế gian này… Giờ thì tôi đã biết, kẻ chủ mưu là Mối Chúa, còn bố tôi là kẻ phải ra mặt thay ông ta”.
Chính Mối Chúa đã gây ra biết bao cảnh tan hoang:
“Một vùng quê vốn trù mật như lời kể của ông Bích, thì nay đìu hiu, vắng lặng, nhuộm một màu xám xịt. Đám thanh niên hoặc bỏ làng lang bạt, hoặc đã chui vào chiếu bạc nào đó, để lại mọi công việc cho những người già. Họ đi lại chậm chạp, lưng còng xuống, đầy cảnh giác khi thấy người lạ từ nơi khác đến…”
Chúng ta sẽ không khỏi tự hỏi: Với một nhân vật tự thấy mình có thể tạo ra cả một thể chế, chỉ trong một đêm quyết định bóp chết mấy cái ngân hàng, là “tàn dư của một sự lầm lạc khủng khiếp mà lịch sử tạo ra” thì những ai có thể là Mối Chúa để tiếp tục tàn phá cái cuộc đời này? Và cái Công ty với hơn một chục các bố già mà liệu có phải chỉ là một cái Công ty theo nghĩa đen thồng thường?
Đoạn văn trích dưới đây là một chỉ dẫn tinh vi của tác giả mà nếu đọc hời hợt ta dễ bỏ qua (tiện đây tôi cũng xin lưu ý, trong Mối Chúa, rất nhiều những chỉ dẫn đến các nhân vật, sự kiện, những thông điệp ngầm, tức là bạn đọc phải giải mã, giải mật… có thể được xem là thủ pháp cao tay của tác giả):
“…sự an toàn của Công ty được quyết định ở một nơi nào đó có thể từ tít trong vũ trụ, nơi ngoài Chúa ra, chỉ có cánh tay của các papa vươn được tới (DT nhấn mạnh). Chúa thì chưa ai thấy, nhưng các papa luôn hiện lên cả trong lúc tôi ngủ, với từng nét như khắc bằng dao, là hiện thân của thực tại mà tôi đang là một phần trong đó”
Dường như mỗi người đều đã có câu trả lời cho câu hỏi ở trên.
Với cách kết cấu chưa từng có xưa nay, tác giả đặt tên các chương cho cuốn tiểu thuyết của mình từ Tường thuật I cho đến Tường thuật XX (tác giả chủ định dùng thủ pháp này để xóa nhòa khoảng cách giữa hiện thực đời sống và hiện thực sáng tạo) đã tăng thêm tính chân thực và có thuyết phục cao, từng bước dẫn dụ người đọc đi từ chương này sang chương khác, đọc mãi không bao giờ biết chán. Tác giả là người rất thông minh, đã sử dụng các phương pháp ẩn dụ để cho người đọc tự hình dung thêm về nhân vật cũng như toàn cảnh sự việc và những bối cảnh của câu chuyện…
Tạ Duy Anh đã rất khéo léo khi dẫn dắt cô gái sinh viên tên Diệu như là một nhân tố mới của xã hội. Đây là lời đề nghị của một người thuộc về thế hệ trẻ với một người trẻ khác, cũng là thông điệp của hy vọng:
“Em hãy cùng tôi viết một câu chuyện khác, câu chuyện của ánh sáng, của tình yêu thương và sự tha thứ…Chúng ta không thể sống mãi bằng lòng thù hận do những kẻ khác gieo rắc. Chúng ta không chấp nhận mãi mãi là nạn nhân của một quá khứ được tạo ra bởi những kẻ độc ác và mù quáng. Họ không còn cơ hội cướp cuộc đời của chúng ta thêm một lần nữa…”
Câu chuyện khác ở đây là gì, nếu không phải là một lịch sử khác?
Trong tiểu thuyết Mối Chúa, Tạ Duy Anh đã đem đến một cách xây dựng nhân vật mới hoàn toàn khác với tiểu thuyết truyền thống. Cách viết của Tạ Duy Anh hiện đại và tốc độ hơn. Cũng giống như các tiểu thuyết ông đã viết, đặc biệt là tiểu thuyết Đi tìm nhân vật, Mối Chúa là cuốn tiểu thuyết có cách viết theo phương pháp hiện đại và thành công. Đây đúng là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam. Nhà văn Tạ Duy Anh- Đãng Khấu- xứng đáng là nhà văn hiện đại tiêu biểu.
Không phải vô cớ mà Mối Chúa đang gây ra cả một cơn bão dư luận và được tìm đọc nhiều nhất hiện nay.
Bạn có thể đọc tác phẩm Mối chúa cùa nhà văn Tạ Duy Anh: TẠI ĐÂY hoặc TẠI ĐÂY. Và bạn có thể download sách - tải sách TẠI ĐÂY
Xem thêm: Sự giàu lên của các đại gia làm “nghèo đi” đất nước; Lại đọc báo, nghĩ quẩn
Xem thêm: Sự giàu lên của các đại gia làm “nghèo đi” đất nước; Lại đọc báo, nghĩ quẩn