Nhàn đàm về Danh và Lợi

DANH và LỢI, rõ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, có vẻ như nó hoàn toàn đối lập nhau, nhưng thực ra, nó lại xoắn xuýt với nhau, rất khó tách rời. Thế nên, xưa nay, người ta nhiều khi cũng dùng nó như một phạm trù kép: DANH LỢI.

Ở thời phong kiến, các nhà Nho thường cố công gắng gỏi học hành, rồi lều chõng rộn ràng đua tranh thi cử, cốt cũng chỉ mong đạt được cái danh, nhưng phải là chính danh. Quan niệm “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến thì làm quan, đạt thì làm thầy), trước là “vinh thân” (giành lấy vinh quang cho chính mình), rồi thì theo đó là “phì gia” (làm cho gia đình mình giàu sang phú quý), nghĩ cũng chẳng có gì sai. Cái DANH ông Nghè (Tiến sĩ), ông Cống (Cử nhân) được ghi vào bia đá bảng vàng, “vinh quy bái tổ”, mãi mãi đi vào sử sách, chẳng phải cũng là vinh hiển lắm hay sao? Chẳng phải cũng là khát vọng của biết bao kẻ sĩ mọi thời đấy ư?

Nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương) người đất Vị Xuyên (Nam Định) sống ở thời mạt vận của chữ Nho, từng nói rằng chính ông cũng đã cố gắng phấn đấu hết mình để đạt được cái danh, nghĩa là ông cũng “rắp ranh bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ” đấy thôi. Vậy mà không dưới tám lần lều chõng rủng rỉnh lặn lội đi thi, vị hàn Nho long đong vất vả đường công danh này cũng chỉ mới đỗ được cái Tú tài, đúng hơn là hai lần đỗ Tú tài (Tú kép), mà còn phải đứng cuối bảng ghi danh. Thật là cười ra nước mắt!

Có cụ cắm cúi đi thi cả đời, tới ba lần đỗ Tú tài, nhưng rốt cuộc cũng không làm sao chiếm được học vị Cử nhân, nên đành phải cầm lòng mà ôm cái danh be bé là cụ Tú Mền. Tú Mền, nghĩa là mấy lần Tú tài đắp lên nhau như đắp chăn đắp mền ấy. Không đỗ được Cử nhân thì chả ai cho làm quan chính ngạch, cuối cùng thì vẫn phải ngậm ngùi ngồi nhà làm thầy đồ gõ đầu trẻ, hoặc chỉ biết ngồi “ăn lương vợ” như thi sĩ trào phúng bậc nhất Tú Xương, lại phải nhẫn nhịn ngồi chờ đợi đến kỳ thi tiếp theo, sau ít nhất là ba năm nữa, thế thôi.

Tuy nhiên, các nhà Nho quân tử chính danh, không chỉ lấy sự “vinh thân phì gia” làm mục tiêu tối thượng, mà họ còn muốn đạt tới mục đích cao cả hơn, đem tài năng của mình phụng sự đất nước, làm cho đất nước ngày một rạng rỡ hơn lên. Đó chính là sự nghiệp phò vua giúp nước, “kinh bang tế thế” vô cùng cao đẹp của kẻ sĩ. Nho giáo từng quan niệm rằng “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nghĩa là, DÂN mới đáng quý nhất, là hàng đầu; sau đến xã tắc (đất nước); còn vua chúa thì thường thôi! Quả vậy, không có DÂN thì làm gì có xã tắc, làm gì có vua? Vậy nên NHÂN DÂN mới là đối tượng được tôn vinh hàng đầu. Suy rộng ra, dân là nước, là đấng tối thượng, mới xứng đáng được tôn vinh trước nhất. Cho nên, mất lòng dân LÀ MẤT TẤT CẢ!

Đấy mới chỉ là nói riêng về con đường khoa cử ở thời xa xưa, để mong đạt đến cái danh đích thực, nói theo người xưa là CHÍNH DANH. Dầu vậy, thực tế thì mỗi thời mỗi khác. Thời thịnh thì thường sinh những bậc quân tử chính danh. Theo đó, những kẻ sĩ chính danh đã góp phần làm cho đời thịnh. Thời suy mạt thì DANH và THỰC thường lẫn lộn, gạch ngói lẫn với vàng thau. Khối kẻ bất tài nhưng háo danh, cố tìm mọi cách để đạt được một chút danh nào đó, cho dù đó chỉ là cái danh bất chính, hòng mưu lấy cái lợi của kẻ tiểu nhân đắc chí. Những kẻ mưu lợi cá nhân, thường tìm kiếm cái danh làm phương tiện để leo cao vươn xa, đã góp phần không nhỏ làm cho đất nước suy yếu, phong hóa suy đồi, thế nước đi xuống. Thế nghĩa là lợi bất cập hại!

Xưa thế, và nay cũng vậy thôi. Cái cảnh mua bán bằng cấp, mua quan bán tước, chạy chức mua quyền, chạy giải thưởng, chạy danh hiệu nghệ sĩ, chạy đủ thứ vô cùng nhốn nháo và nguy hại đã và đang diễn ra ở nước ta trong thời gian qua và hiện nay, chẳng phải là hiện trạng nhỡn tiền đau lòng lắm hay sao? Lỗi tại ai đây? Kẻ dốt nát thì quan cao lộc lớn, người có thực tài thì ngậm ngùi than thở, đành miễn cưỡng cam chịu hoặc ấm ức trong hoàn cảnh bị lép vế, hoặc tìm cách bỏ đi nơi khác. Mua được cái tiến sĩ chỉ bằng mấy chục triệu đồng, rồi thì mượn cái danh rởm ấy để ngoi lên, nắm quyền chia chác đặc quyền đặc lợi, hại dân hại nước, chẳng phải là bọn sâu mọt đáng khinh bỉ, đáng căm ghét lắm hay sao?

Con đường tìm đến cái DANH, thực ra cũng diễn ra ở nhiều phương diện. Học vấn, học vị, học hàm chính danh và không chính danh, đại khái là vậy! Giàu sang kiếm từ con đường quan chức không phải là chuyện lạ. Giàu sang kiếm bằng con đường kinh doanh cũng đã có từ xa xưa. Cũng không thiếu cảnh trả giá và hy sinh nhiều thứ, chỉ cốt đạt được danh vọng cao hơn.

Đây nhé, chỉ đơn cử, như Lã Bất Vi ở thời Xuân Thu bên Tàu chẳng hạn. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé họ Lã có lần hỏi cha rằng buôn cái gì thì lãi nhất. Thấy con hỏi vậy, người cha bảo với cậu con rằng “Chỉ có buôn vua là lãi nhất” đấy thôi. Lớn lên, Lã Bất Vi do kinh doanh giỏi mà có rất nhiều vàng, ông ta bèn dùng kho vàng khá lớn của mình để thực hiện kế hoạch buôn vua. Kết quả là ông ta thành công mĩ mãn.

Lã Bất Vi dùng người vợ thiếp rất trẻ và xinh đẹp, vừa mới có bầu với ông ta được vài tháng, khôn khéo mở tiệc sang trọng mời khách quý, rồi “câu” được ông vua tương lai của nước Tần hiện đang làm con tin ở nước Triệu, rồi tiến hành ngay việc “sang tên” cho vị công tử quý phái này làm “chính chủ”. Thế là con vua, vợ vua, mà thực tế vẫn là vợ ông ta, con vẫn là con ông ta. Sau đó và nhờ vậy, Lã Bất Vi còn làm đến chức quan nhất phẩm trong triều đình nước Tần, tung hoành quyền lực như một kẻ trên đầu không có ai vậy.

Trước đó, trong cuộc “giao dịch” đôi bên, khi bàn giao cô vợ thiếp xinh đẹp trẻ trung cho “đối tác” là Hoàng tử nước Tần, Lã Bất Vi từng nói với ông ta, đại ý rằng, trong cuộc vui này, “cổng nhà ngài sẽ cao lên; thì cái cổng nhà tôi cũng nhờ đó mà cao lên!”. Nghĩa là cả hai bên đều được hưởng lợi. Hoàng tử kế vị Tần Doanh Chính lên làm vua nước Tần, xưng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, chính là con trai của Lã Bất Vi đấy! Thế nhưng, kiểu kinh doanh chính trị công phu ghê gớm mà bẩn thỉu này không phải là không bị trả giá đâu. Lã Bất Vi được quyền được lợi được danh, nhưng việc làm của ông ta cũng đồng thời tự làm cho cái danh của mình trở thành nhơ bẩn. Cuối đời, thân bại danh vong, chẳng phải cũng là một bài học cay đắng cho muôn đời sau hay sao?

Duy chỉ còn có điều may mắn an ủi một chút đối với Lã Bất Vi, là ở tư cách một nhà trước thuật, ông ta từng viết tác phẩm LÃ THỊ XUÂN THU nổi tiếng để lại cho đời. Cho nên, DANH và LỢI, được và mất bao giờ cũng là một quy luật có tính phổ quát. Thời nay, có ai đem vợ mình hiến cho quan trên, công khai hoặc không công khai, kiểu như vị quan huyện kia trong tác phẩm của các nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan hoặc Vũ Trọng Phụng ngày xưa, để mưu toan được thăng quan tiến chức hay không? Tôi tin là không thể không có! Vì cái lợi nho nhỏ mà biến vợ con thành món hàng trao đổi, chẳng phải là kẻ vô đạo, vô liêm sỉ hay sao? Đấy là chưa kể có anh chồng cho vợ đi Tây, dùng “vốn tự có” của vợ để kiếm tiền nuôi cái miệng mình ở quê nhà. Lại còn lấy làm sung sướng vì chẳng phải làm gì, hàng tháng cũng có vài ngàn đô la từ bên Tây gửi về, tiêu xài bát ngát. Thật là đê tiện hết chỗ nói!

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ thế kỷ 18 từng viết mấy câu thơ Nôm:

Làm trai sống ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông!

Danh đây là CÔNG DANH, là cái danh lớn, thể hiện cái chí của người quân tử, chứ không phải là cái DANH cái LỢI nhỏ bé của kẻ tiểu nhân.

Ngay từ thế kỷ 13, danh tướng Phạm Ngũ Lão cũng đã có một bài thơ viết bằng chữ Hán, bất hủ, về cái DANH LỚN của bậc trượng phu chí cả:

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu.
(Thuật hoài)

Trần Trọng Kim dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Đấy mới là cái danh lớn, chính danh. Vậy có cái lợi gì ở đây không? Đương nhiên là có. Cái lợi ích mà người quân tử chính danh được hưởng, đó chính là cái lợi mà cả thiên hạ được hưởng, là lợi ích quốc gia, đất nước thái bình thịnh trị, trong đó có hạnh phúc của riêng mình.

Thế là danh và lợi đều mĩ mãn. Đấy chẳng phải là mơ ước của tất cả mọi người ở mọi thời hay sao?

Danh đi kèm với lợi, điều ấy là hiển nhiên rồi. Tuy nhiên, cũng vì cái lợi nho nhỏ, thường cũng làm cho người ta mất cả tự do. Thi nhân Đỗ Phủ đời Đường bên Tàu từng than thở rằng “Nho quan đa ngộ nhân” (Cái mũ nhà Nho làm ta lầm lỡ quá nhiều).

Thánh thơ Cao Bá Quát ở đời nhà Nguyễn nước ta (1802-1945) cũng từng viết trong bài phú chữ Nôm Tài tử đa cùng, về cái quan hệ được mất của danh và lợi rất chí lý:

Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực kẻ hầu môn, quản bao người mang cái GIÀM DANH, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.

Đấy! Vì danh lợi mà tự đánh mất mình, cam phận làm kẻ nô lệ áo cơm, thì cái danh kia sao mà rẻ mạt đến thế?

Nhà Nho thi sĩ Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) bên Tàu, từng làm quan huyện lệnh huyện Bành Trạch. Ông cũng bị bọn quan lại địa phương sách nhiễu. Cực chẳng đã, ông tuyên bố rằng quyết không vì năm đấu gạo (lương bổng) mà cam tâm chịu cúi ngửa theo kẻ khác. Ông liền treo mũ từ quan, về quê vui với mấy luống hoa cúc hoa lan quanh nhà, tiêu khiển cùng gió trăng thoáng đãng.

Biết bao kẻ sĩ ngày xưa, hơn thế, cả những vị vua quyền lực và danh vọng chót vót, cũng quyết lòng vứt bỏ danh lợi mà lên Yên Tử ngồi tu Thiền, xa lánh cái danh cái lợi ở cõi người bụi bặm, như một sự tự phản tỉnh chính mình, để ngộ ra cái chân lý vô cùng cao diệu của Phật pháp.

Ông vua anh hùng, ông vua thi sĩ, nhà văn hóa lớn đời Trần, là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đấy! Ngài Lý Đạo Tái quê làng Vạn Tải huyện Gia Bình (Bắc Ninh), từng đỗ đầu khoa thi Hội dưới triều Trần, từng làm quan tới chức Hàn lâm học sĩ, danh vọng đã cao, mà vẫn bỏ quan lên Yên Tử tu hành, trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, pháp hiệu Huyền Quang. Huyền Quang Thiền sư cao tăng, Huyền Quang thi sĩ, cái danh ấy còn lớn gấp nhiều lần ông quan Lý Đạo Tái. Chẳng phải như vậy hay sao?

Ở thời hiện đại, rất nhiều người có tài kinh doanh thương mại, từ chỗ “tay không bắt giặc” mà thành tỉ phú đô la. Nước Mỹ nhiều người như thế. Họ quá giàu tiền bạc, nhưng quan trọng hơn là họ còn rất giàu có về tấm lòng yêu thương đồng loại. Chẳng những họ đóng góp hàng năm cho ngân sách nhà nước một khoản thuế rất lớn, mà họ còn sẵn lòng để ra một khoản thu nhập cũng rất lớn, để làm việc từ thiện xã hội, ví như việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng ở nhiều lĩnh vực, nhất là giáo dục, y tế và văn hóa. Họ làm ra nhiều tiền một cách chính danh, tiêu tiền cũng rất chính danh và rất có văn hóa. Thân thế và sự nghiệp kinh doanh của họ khiến thiên hạ phải nghiêng mình kính nể. Danh và lợi của họ hài hòa, gắn bó với nhau.

Ở nước ta, nhiều doanh nhân chân chính cũng đã làm được những việc tương tự như thế. Người đầu tiên phải kể đến, chính là doanh nhân cự phách Bạch Thái Bưởi. Ông ấy xây dựng thương hiệu riêng, kinh doanh sòng phẳng với người nước ngoài, kể cả người Pháp đang nắm quyền đô hộ nước ta hồi ấy. Đó là một thương gia dũng cảm, tài trí và yêu nước tuyệt vời. Tên tuổi ông xứng đáng được tôn vinh như bao vị anh hùng cứu nước khác.

Trong kháng chiến Pháp, rất nhiều thương gia giàu có không tiếc tài sản riêng, đã đóng góp rất nhiều tiền của cho công cuộc kháng chiến, ví như gia đình ông Trịnh Văn Bô ở Hà Nội đã góp cho Chính phủ kháng chiến tới năm ngàn lượng vàng, lại thêm cả mấy ngôi biệt thự rộng lớn ở Thủ đô Hà Nội.

Đó chính là những doanh nhân yêu nước tuyệt vời, xứng đáng được nhân dân ta biết ơn và kính nể.

Ngày nay đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, việc các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đang từng ngày xây dựng thương hiệu của chính mình, đồng nghĩa với việc từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển, là rất đáng được sự đồng hành và quan tâm chu đáo của Nhà nước, sự khích lệ kịp thời của nhân dân với tư cách người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên, cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước nhà mạnh lên, thế nước mạnh lên. Đó cũng là lẽ thường, tất yếu vậy!

Tuy nhiên, cũng không thiếu những người lại giàu lên một cách bất thường. Đó chính là những quan chức tham nhũng, lợi dụng chức quyền được trao cho mà ra sức tìm mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn tinh vi để vơ vét của dân của nước. Tham nhũng, vô trách nhiệm, vô cảm, lãng phí tiền bạc và tài nguyên của đất nước, của nhân dân, chính là một tội ác cần phải được nghiêm trị. Tài sản do tham nhũng mà có, cần phải được thu hồi đầy đủ. Dân không tin chính quyền nữa, thì đó mới chính là một nguy cơ, hơn thế, còn là một thảm họa của dân tộc, không thể khác!

Kinh doanh chân chính, kinh doanh có văn hóa, hay là phải có văn hóa trong kinh doanh, đấy mới là tiêu chí hàng đầu của các doanh nhân thành đạt. Kinh doanh chân chính mà thành đạt, thì ai cũng phải nể trọng. Danh và lợi của doanh nhân do vậy cũng hiển nhiên được thừa nhận. Giàu có và sang trọng, nếu nó được kết hợp với nhau, thì đấy mới là một sự tuyệt hảo! Tiếc rằng, trong thực tế hiện nay ở nước ta, không ít sự giàu có được phô ra một cách trơ trẽn, bất chấp dư luận. Đấy chính là sự giàu có bất minh, rất đáng nguyền rủa.. Biệt thự nguy nga tráng lệ được xây cất bằng tiền chùa, tiền tham nhũng, chỉ có thể làm cho lòng dân thêm oán hận mà thôi!

Tôi đôi khi cũng được ghé thăm một số gia đình giàu sang phú quý, thấy những biệt thự nguy nga tráng lệ, nội thất và vật dụng trong nhà đều lộng lẫy đến mức kinh ngạc. Tuy nhiên, ngắm mãi vẫn chả thấy ở đâu đó một quyển sách nào. Chủ nhà tiếp khách toàn thấy khoe của này của kia, giá những bao nhiêu. Mừng cho chủ nhà nhiều tài sản quý giá, nể họ giỏi kiếm tiền, nhưng thực lòng là không thấy trọng họ. Trọc phú học làm sang, xưa nay vẫn thường như thế đấy!


Previous Post
Next Post