Tại sao phải cần những bậc đạo sư?

Hỏi: Ngài nói rằng không cần phải theo bất cứ bậc đạo sư nào cả, nhưng làm thế nào tôi có thể thấy được chân lý nếu không có sự giúp đỡ hướng dẫn khôn ngoan mà chỉ có một vị đạo sư (guru) mới có thể đem đến được?

Krishnamurti: Vấn đề đặt ra là có cần phải có đạo sư (guru) hay không. Chân lý có thể nào được tìm thấy qua trung gian của một người khác? Người này nói có thể, người kia nói rằng không thể. Chúng ta cần biết sự thực về vấn đề này, chứ không cần ý kiến của tôi để chống lại ý kiến của một người khác. Tôi không có ý kiến trong vấn đề này. Việc ấy có thể là thế hoặc có thể không là thế. Tìm hiểu xem có cần để các bạn phải theo hoặc không phải theo một bậc đạo sư nào đó, tất nhiên đây không phải là vấn đề ý kiến. Chân lý của vấn đề không tùy thuộc vào ý kiến dù ý kiến có thâm sâu, uyên bác, phổ thông, phổ quát. Chân lý của vấn đề phải được thực sự khai phá ra.

Trước hết, tại sao các bạn cần phải theo một bậc đạo sư nào đó? Chúng ta cho rằng chúng ta cần phải có một bậc đạo sư, vì chúng ta hỗn loạn trong tâm thức, và một bậc đạo sư, có thể giúp đỡ tiếp dẫn ta: vị đạo sư ấy sẽ chỉ cho ta rõ đâu là chân lý, ông ấy sẽ giúp đỡ chúng ta hiểu sự việc, ông ấy hiểu rõ đời sống hơn là ta, ông ấy sẽ tác động ảnh hưởng chúng ta như là một người cha, như là một vị thầy chỉ đường dẫn dạy ta trong đời sống.

Ông ấy có nhiều kinh nghiệm thông thạo rộng lớn, còn chúng ta chỉ có chút ít kinh nghiệm thôi; ông ấy sẽ dẫn dắt giúp đỡ chúng ta qua kinh nghiệm rộng lớn của ông, vân vân và vân vân. Nói gọn lại một cách căn bản hơn, các bạn đi đến một vị đạo sư nào đó bởi vì tâm thức các bạn đang ở trong trạng thái tán loạn. Nếu các bạn trong suốt minh mẫn, các bạn sẽ không đi đến gần bất cứ một vị đạo sư nào cả.

Cố nhiên nếu các bạn được hạnh phúc một cách thâm trầm, nếu các bạn không có vấn đề gì cả, nếu các bạn hiểu đời sống một cách hoàn toàn, các bạn sẽ không đi tìm bất cứ bậc đạo sư nào hết. Tôi mong rằng các bạn thấy được ý nghĩa của sự kiện này. Vì tâm tư các bạn tán loạn, cho nên các bạn tìm kiếm một bậc thầy dẫn đạo. Các bạn tìm đến bậc thầy ấy để được ban cho một đường lối sống ở đời, để giải minh sự tán loạn riêng tư của các bạn, để thấy được chân lý.

Các bạn chọn thầy đạo là vì các bạn tán loạn, các bạn mong rằng bậc đạo sư sẽ ban cho những gì các bạn đòi hỏi. Nói rõ hơn, các bạn chọn lựa vị đạo sư nào khả dĩ thỏa mãn được sự đòi hỏi của các bạn, các bạn chọn lựa tùy theo sự thỏa nguyện, thỏa mãn mà bậc đạo sư ấy có thể ban đến cho các bạn, sự chọn lựa của các bạn lại lệ thuộc vào sự thỏa mãn của các bạn.

Các bạn không chịu chọn lựa vị đạo sư nào dạy như vầy: ‘Hãy nương tựa vào chính mình’; các bạn chọn lựa đạo sư tùy thuận theo những thành kiến của các bạn. Thế, vì các bạn chọn lựa đạo sư tùy theo sự thỏa mãn mà vị đạo sư ấy đã mang đến cho các bạn, cho nên các bạn không phải đi tìm chân lý mà chỉ tìm đường để thoát ra ngoài hỗn loạn; và con đường thoát ra ngoài hỗn loạn được gọi sai lầm là ‘chân lý’.

Chúng ta hãy khảo sát trước tiên ý tưởng cho rằng bậc đạo sư nào đó có thể giải minh sự tán loạn của mình. Có ai có thể giải minh sự tán loạn của chúng ta? Sự hỗn loạn chính là thoát thai từ những đáp ứng của chúng ta. Chúng ta đã tạo ra sự hỗn loạn ấy. Các bạn nghĩ rằng kẻ nào khác đã tạo ra sự hỗn loạn ấy ư? Kẻ nào khác đã tạo ra sự thống khổ khốn cùng, sự tương tranh chiến đấu ở khắp mọi cấp độ của đời sống, bên trong và bên ngoài?

Đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết của chính mình về bản thân mình. Vì chúng ta không tự hiểu mình, không hiểu những sự xung đột của chúng ta, những đáp ứng của chúng ta, những thống khổ chúng ta, cho nên chúng ta mới đi tìm một bậc đạo sư nào đó khả dĩ giúp đỡ chúng ta thoát khỏi sự tán loạn kia. Chúng ta chỉ có thể hiểu bản thân trong tương giao quan thiết với hiện tại; chính tương giao quan thiết ấy là bậc đạo sư rồi, chứ không phải một kẻ nào bên ngoài.

Nếu tôi không hiểu tương giao quan thiết với hiện tại thì bất cứ những gì mà bậc đạo sư dạy cho chúng ta đều phù phiếm vô dụng, bởi vì nếu không hiểu được sự tương quan, sự tương giao quan hệ của mình với tài sản, với con người, với những ý tưởng, thì ai có thể giải tan được xung đột trong tôi? Muốn giải quyết sự xung đột này, tôi phải hiểu sự xung đột bằng chính bản thân mình, nghĩa là tôi phải trực thức về bản thân mình trong mối tương quan giao hệ với đời sống. Muốn có trực thức ấy, không cần phải theo một đạo sư nào cả.

Nếu tôi không tự hiểu mình thì bất cứ đạo sư nào đó cũng chẳng làm gì có thể giúp đỡ tôi được, vị đạo sư trở nên vô dụng. Không khác gì một vị lãnh tụ chính trị đã được chọn lựa với những kẻ có tâm thức tán loạn mờ mịt, và sự chọn lựa ấy cũng tán loạn mờ mịt, khi tôi chọn lựa một vị đạo sư thì cũng y như thế, tâm thức tôi cũng tán loạn mờ mịt như thế, vì tâm trạng ấy cho nên mới cầu thầy, cầu chúa. Tôi chỉ có thể chọn lựa bậc đạo sư tùy thuộc vào sự tán loạn mờ mịt trong tâm thức mình, do đó, bậc đạo sư ấy cũng tán loạn mờ mịt, không khác gì vị lãnh tụ chính trị.

Điều quan trọng không phải là ai đúng, ai sai, không phải là tôi có lý hay kẻ chủ trương cần phải có một bậc đạo sư mới có lý hơn tôi; điều quan trọng vẫn là tìm hiểu tại sao các bạn cần phải có một bậc đạo sư dẫn dắt. Những bậc đạo sư chỉ xuất hiện là vì có sự khai thác lợi dụng đủ lối tinh vi, nhưng vấn đề này chẳng liên hệ đến điều đang trình bày ở đây. Các bạn cảm thấy thỏa mãn thỏa lòng, nếu có kẻ nào tỏ cho các bạn biết các bạn đã tiến bộ như thế nào, nhưng vấn đề vẫn là tìm hiểu tại sao các bạn cần phải có một bậc đạo sư – đó, vấn đề chính yếu là thế.

Kẻ khác có thể tỏ đường đi cho các bạn, nhưng chính các bạn, các bạn phải làm tất cả mọi sự, dù là các bạn có bậc đạo sư dẫn dắt đi nữa, chính các bạn cũng phải tự làm lấy mọi sự.

Bởi vì các bạn không muốn đối diện với sự kiện ấy, cho nên các bạn đổ trách nhiệm lên vai bậc đạo sư. Đạo sư trở thành vô dụng khi mình có được một chút tự tri, tự hiểu mình một chút thôi thì tất cả đạo sư đều trở nên phù phiếm. Không có bậc đạo sư nào, không có quyển sách nào, không có bất cứ quyển kinh thiêng liêng nào mà có thể mang đến sự tự tri cho các bạn, mang đến sự hiểu biết mình; sự tự tri xuất hiện khi các bạn có trực thức về bản thân trong tương quan với đời sống.

Sống, có nghĩa là sống với, có nghĩa là liên hệ. Không ý thức được tương quan của mình với tài sản là một trong những nguyên nhân gây ra hỗn loạn. Nếu các bạn không biết, không hiểu tương quan thích đáng của các bạn với tài sản thì nhất định phải xảy ra sự xung đột, tăng trưởng thêm sự xung đột ở xã hội. Nếu các bạn không hiểu được tương quan giữa các bạn và vợ con các bạn, thì làm thế nào một kẻ khác có thể giải quyết được sự xung đột phát khởi từ tương quan kia?

Với những ý tưởng cũng thế, với tín ngưỡng cũng thế, vân vân. Vì hỗn loạn mờ mịt trong tương quan của các bạn với tài sản, với con người, với những ý tưởng, cho nên các bạn tìm kiếm một vị minh sư dẫn đạo. Nếu kẻ ấy đúng là một đạo sư, một vị minh sư thì kẻ ấy sẽ dạy rằng các bạn phải tự hiểu các bạn. Chính các bạn là nguồn gốc của tất cả ngộ nhận và hỗn loạn; và các bạn có thể giải quyết sự xung đột kia, chỉ khi nào các bạn tự hiểu mình trong tương quan với đời sống.

Các bạn không thể tìm thấy chân lý qua trung gian của bất cứ người nào khác. Làm thế nào được. Chân lý không phải là một sự thể tĩnh chết, bất động; chân lý không có chỗ cư trú nhất định, cố định; chân lý không phải là cứu cánh, một mục đích. Trái lại chân lý sống động, linh động, linh hoạt, thức tỉnh. Làm thế nào chân lý có thể là một cứu cánh được?

Nếu chân lý là một điểm cố định thì chân lý không còn là chân lý nữa; đó chỉ là một ý kiến thôi. Chân lý là một cái gì mới lạ, một đầu óc tìm kiếm chân lý không bao giờ có thể tìm được chân lý; vì đầu óc được tạo thành bởi những gì quen biết, quen thuộc, nó là kết quả của quá khứ, hậu quả của thời gian, các bạn có thể quan sát điều đó. Trí óc là dụng cụ của sự quen biết quen thuộc, do đó, nó không thể nào tìm thấy điều mới lạ được; đầu óc chỉ có thể vận hành từ sự quen thuộc này đến sự quen thuộc khác thôi.

Khi tâm thức đi tìm chân lý, chân lý tìm được trong sách vở, chân lý ấy chỉ là tự phóng hiện từ bản ngã; lúc ấy, tâm thức chỉ đeo đuổi điều quen thuộc, điều quen thuộc này đem đến thỏa mãn nhiều hơn điều quen thuộc trước kia. Khi tâm trí tìm kiếm chân lý, thực ra tâm trí chỉ đang tìm kiếm sự phóng hiện của chính bản ngã mình thôi, chứ không phải là chân lý thực sự.

Tựu chung, bất cứ một lý tưởng nào chỉ là sự phóng hiện từ bản ngã, nó chỉ là ảo tưởng, không thực. Điều thực là điều đang hiện thể, đang là, chứ không phải ngược lại thế. Nhưng một tâm thức đi tìm kiếm thực tại, tìm kiếm Thượng đế thì vẫn chỉ là tìm kiếm sự quen thuộc, điều quen biết thôi. Khi các bạn nghĩ về Thượng đế, Thượng đế của các bạn chỉ là sự phóng hiện của chính tư tưởng các bạn, kết quả của những ảnh hưởng xã hội.

Các bạn chỉ có thể nghĩ về những điều quen thuộc cũ kỹ; các bạn không thể nghĩ về điều xa lạ; mới lạ, các bạn không thể tập trung tư tưởng vào chân lý được. Lúc các bạn nghĩ về sự lạ, đó chỉ là quen thuộc được phóng hiện ra từ bản ngã. Không ai có thể nghĩ về Thượng đế hay chân lý. Nếu các bạn nghĩ về chân lý, đó không phải là chân lý. Chân lý không thể nào tìm kiếm được; chính chân lý đi đến các bạn.

Các bạn chỉ có thể đi tìm những gì cũ kỹ, quen thuộc. Khi tâm trí không còn quằn quại bởi điều quen thuộc, bởi những tác động của sự quen thuộc cũ kỹ, lúc ấy chân lý mới có thể tự khai mở. Chân lý nằm trong mỗi một chiếc lá, trong mỗi một giọt lệ, chân lý phải được biết tới trong từng giây phút một. Không ai có thể dẫn dắt các bạn đến chân lý và nếu kẻ nào dẫn dắt các bạn, thì chỉ có thể dẫn dắt đến những gì quen biết, quen thuộc.

Chân lý chỉ có thể xuất hiện trong tâm trí trống rỗng, không còn vướng bận trong những điều quen thuộc cũ kỹ. Chân lý hiện đến trong một tâm thái mà điều quen thuộc đã vắng mất, không còn manh động nữa. Tâm trí là nơi chất chứa điều quen biết, quen thuộc cặn bã của những gì quen biết, quen thuộc, muốn để cho tâm trí đạt tới tâm thái mà điều lạ có thể xuất hiện, tâm trí phải ý thức, trực thức về tự thể, về những kinh nghiệm trước kia, ý thức cũng như vô thức, những đáp ứng, những phản ứng và cơ cấu của chính nó.

Khi nào có được sự tự hiểu mình một cách toàn triệt, thì lúc ấy mới chấm dứt được điều quen thuộc, lúc ấy tâm thức mới hoàn toàn trống rỗng, thoát ra ngoài điều quen thuộc thường lệ. Chỉ có lúc ấy chân lý mới có thể xuất hiện đến các bạn, không cần mời mọc. Chân lý không thuộc về các bạn hoặc về tôi. Các bạn không thể phụng thờ chân lý. Vừa lúc chân lý được biết tới thì chân lý không còn thực nữa. Biểu tượng không thực, hình ảnh, hình tượng không thực, nhưng khi nào mình hiểu được bản ngã, khi nào bản ngã ngừng lại lúc ấy Thiên thu vĩnh cửu xuất hiện.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 3: Tại sao phải cần những bậc đạo sư?
Previous Post
Next Post