Về sự căm hờn oán ghét

Hỏi: Nếu tôi thực hoàn toàn chính trực, tôi phải nhận rằng tôi phẫn hận và đôi khi thù ghét gần hết mọi người. Điều ấy làm cho đời sống tôi vô cùng khổ sở và đau đớn. Đứng về mặt trí thức, tôi hiểu lòng phẫn hận và sự căm hờn thù ghét này; nhưng tôi không thể nào đương đầu với nó. Ngài có thể chỉ đường dẫn lối cho tôi để đối đầu với sự căm hờn oán ghét này?

Krishnamurti: Đối với chúng ta, từ ngữ ‘đứng về mặt trí thức’ có nghĩa là gì? Khi chúng ta nói rằng chúng ta hiểu một điều gì đó trên bình diện trí thức, nói như thế, chúng ta muốn ngụ ý gì? Có cái gì có thể gọi là sự hiểu biết trí thức? Hoặc phải chăng chỉ có tâm trí mới hiểu ngôn từ, bởi vì đó là cách duy nhất của chúng ta để truyền đạt với nhau? Tuy nhiên, chúng ta có thể nào thực sự hiểu bất cứ điều gì mà chỉ đứng trên bình diện ngôn từ, tâm trí?

Đó là điều đầu tiên chúng ta cần phải minh bạch: tìm xem phải chăng sự hiểu biết gọi là trí thức kia chỉ là chướng ngại của sự hiểu biết. Điều không thể chối cãi là sự hiểu biết có tính cách nguyên vẹn, không phân chia, không thiên vị? Hoặc tôi hiểu hoặc tôi không hiểu, chỉ có thế thôi. Còn việc tự nhủ như vầy, ‘tôi hiểu điều ấy trên bình diện trí thức’ tự nhủ như vậy, chắc chắn là một hàng rào ngăn chặn lại sự giao cảm hiểu biết. Sự hiểu biết trí thức chỉ là một tiến trình có tính cách cục bộ và không phải thực sự là hiểu biết gì cả.

Vấn đề là thế này: Tôi là kẻ căm hờn, lòng đầy phẫn hận oán ghét, làm thế nào tôi có thể thoát khỏi lòng căm hờn oán ghét, hoặc làm thế nào tôi có thể đương đầu với vấn đề ấy? Làm thế nào chúng ta đối đầu với một vấn đề? Một vấn đề là gì? Nhất định một vấn đề là một sự việc phiền rầy, phiền não.

Tôi cảm thấy phẫn hận, tôi thù ghét người đời và điều ấy đã khiến tôi đau khổ. Và tôi ý thức trực tiếp về điều ấy. Tôi phải làm gì? Điều ấy quả là một yếu tố phiền não trong đời sống tôi. Tôi phải làm gì, tôi phải làm thế nào để thực sự tự do, để thoát khỏi lòng phẫn hận căm thù – không phải chỉ lột vỏ trong giây phút nhất thời mà thoát khỏi, giải thoát khỏi lòng căm thù tận căn rễ? Tôi phải làm thế nào?

Đó là một vấn đề đối với tôi, bởi vì điều ấy làm phiền rầy tôi. Nếu điều ấy không làm phiền rầy tôi thì nó sẽ không là một vấn đề đối với tôi, phải thế không? Bởi vì điều ấy gây ra đau khổ, phiền bực, xao xuyến, cho nên tôi muốn giải trừ nó. Do đó, điều tôi chống đối chính là điều phiền bực, phải thế không? Tôi gọi tên nó, gọi nhiều tên khác nhau vào những lúc khác nhau, trong những cảm trạng khác nhau: hôm nay, tôi gọi nó như thế này, ngày mai, tôi gọi nó như thế kia, nhưng tận thâm tâm thì vẫn là lòng khát khao không muốn bị phiền rầy. Phải thế không?

Bởi vì sự vui sướng khoái lạc không bao giờ làm phiền rầy mình, cho nên tôi chấp nhận nó. Tôi không muốn giải trừ sự khoái lạc, bởi vì không có gì rầy rà – ít ra, sự khoái lạc cũng không làm mình cảm thấy phiền rầy trong giây phút hiện thời, nhưng trái lại, lòng thù ghét căm hờn là những yếu tố phiền rầy, rất phiền rầy trong đời sống tôi và tôi muốn giải trừ những yếu tố phiền rầy ấy.

Mối quan tâm của tôi là không muốn bị phiền rầy và tôi cố tìm biết cách để mình đừng bị phiền rầy. Tại sao tôi không phải chịu phiền rầy? Đáng lẽ tôi phải chịu phiền rầy thì mới hiểu nổi sự đời, phải thế không? Tôi phải chịu trải qua những chấn động hỗn loạn xao xuyến kinh hoàng để cho mọi sự vỡ lẽ ra, phải thế không? Nếu tôi không bị phiền rầy thì tôi vẫn sẽ còn ngây ngủ, và có lẽ phần đông chúng ta đều muốn say ngủ - muốn được an toàn, muốn được ru ngủ, muốn tránh mọi sự phiền rầy, muốn tìm vỗ về an ủi, ẩn kín, an ninh.

Nếu thực sự tôi không ngại bị phiền rầy, không sợ phiền rầy thực sự, chứ không phải một cách hời hợt thôi, nếu thực lòng tôi không ngại phiền rầy vì tôi muốn mọi sự vỡ lẽ ra – thì lúc ấy thái độ của tôi đối với lòng thù ghét căm hờn sẽ được chuyển hóa ngay lập tức, phải thế không? Nếu tôi không ngại chuyện phiền rầy lúc ấy danh từ, danh hiệu không còn quan trọng, phải thế không? Danh từ ‘sự thù ghét’ không quan trọng, phải thế? Hoặc danh từ ‘sự căm hờn’ đối với người đời, danh từ ‘sự căm hờn’ này cũng không còn quan trọng, phải thế? Bởi vì lúc ấy tôi được trực tiếp thể nghiệm trạng thái mà tôi gọi là ‘sự căm hờn’ mà không diễn đạt kinh nghiệm ấy thành ra ngôn từ.

Sự giận dữ là một yếu tố phiền rầy, như lòng thù hận và căm hờn và ít người có kinh nghiệm trực tiếp về sự giận dữ mà không phải diễn đạt nó thành ra ngôn từ. Nếu tôi không dùng danh từ ngôn tự để diễn đạt sự giận dữ, nếu tôi không gọi nó là giận dữ, nhất định kinh nghiệm sẽ đổi khác đi, phải thế không? Bởi vì tôi gọi tên nó, tôi đã giản lược một kinh nghiệm mới hoặc đóng chặt nó trong những phạm trù cũ kỹ, trái lại; nếu tôi không gọi tên, đặt tên cho kinh nghiệm ấy, lúc ấy, một kinh nghiệm mới được trực tiếp thể nhận và sự thể nhận này đem đến một cuộc chuyển hóa trong sự thể nghiệm ấy.

Hãy lấy thí dụ về lòng bủn xỉn hèn mọn, chẳng hạn. Phần đông chúng ta đều không biết rằng mình bủn xỉn hèn mọn đê tiện – đê tiện về vấn đề tiền bạc, đê tiện trong việc khoan dung với người đời, nói chung là đê tiện, bần tiện. Tôi chắc chắn là chúng ta đều biết rõ quen thuộc với lòng đê tiện hèn mọn này. Vậy, lúc ý thức trực tiếp về sự bần tiện này thì bạn làm thế nào để giải trừ nó? – không phải trở thành kẻ quảng đại rộng lượng, điều này không quan trọng, giải trừ được sự bần tiện có nghĩa là sự rộng lượng, do đó, bạn không phải trở nên rộng lượng.

Cố nhiên, mình phải có ý thức trực tiếp về điều ấy. Các bạn có thể rất rộng lượng trong việc trao tặng nhiều tiền của to tát cho xã hội, cho bạn bè, nhưng vô cùng bần tiện, đê tiện trong khi đưa tiền pourboire kha khá cho một anh bồi bàn – các bạn chắc đã hiểu tôi muốn nói ‘bần tiện’ có nghĩa là gì rồi. Mình thường hay vô ý về việc ấy. Khi mình để ý việc ấy thì cái gì xảy đến?

Chúng ta cố gắng áp dụng ý chí, ý lực mình để có lòng rộng lượng; chúng ta cố gắng khắc phục ý chí; chúng ta cố công tự chế phục mình để làm kẻ rộng lượng, vân vân. Nhưng tựu chung, cố sức trì chí để trở nên một cái gì đó thì vẫn là còn vướng trong lòng đê tiện, bần tiện, vướng trong một vòng tròn lẩn quẩn khác lớn hơn nữa, vì thế nếu chúng ta không làm những việc trên mà chỉ có ý thức trực tiếp về tất cả những ẩn ý, thâm ý của lòng bần tiện, và không đặt tên, gọi tên cho lòng bần tiện, nghĩa là không gọi trạng thái ấy là ‘bần tiện’ thì lúc ấy chúng ta sẽ thấy một sự chuyển hóa toàn triệt được thực hiện.

Xin hãy thể nghiệm sự việc này. Trước hết mình phải chịu phiền rầy, và điều dễ thấy là phần đông chúng ta không thích bị phiền rầy. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã tìm được một mẫu sống, một khuôn mẫu nào đó trong cuộc hiện hữu này – như bậc đạo sư, tín ngưỡng hay bất cứ cái gì khác – rồi chúng ta định cư luôn trong khuôn mẫu đời sống ấy. Việc ấy không khác gì tìm một công việc cạo giấy cao cấp, rồi sinh hoạt trong công việc ấy suốt đời mình.

Cũng y hệt tâm thức như vậy, chúng ta phải đối phó với một số yếu tố mà chúng ta muốn giải trừ. Chúng ta không thấy sự quan trọng của việc phải chịu phiền rầy, phải chịu sự bất an trong tâm hồn, phải chịu độc lập. Nhất định chỉ có trong sự bất an, mình mới khám phá; mình mới nhìn thấy, mình mới hiểu sự đời? Chúng ta muốn được giống một kẻ giàu sang phú quí, sống thảnh thơi, không bị phiền rầy; kẻ ấy không muốn bị phiền rầy.

Sự phiền rầy, quấy rầy là điều cần thiết cho việc hiểu biết giao cảm, và bất cứ sự nỗ lực nào trong việc tìm kiếm an ninh, an toàn đều làm trở ngại cho sự giao cảm hiểu biết. Khi chúng ta muốn giải trừ một điều gì phiền rầy, quấy rối thì đó chính là sự chướng ngại. Nếu chúng ta có thể có kinh nghiệm trực tiếp về một cảm giác và không gọi tên cảm giác ấy, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm được nhiều việc mới lạ trong cảm giác ấy; lúc ấy, sẽ không còn sự tranh chấp với cảm giác ấy, bởi vì người thể nghiệm và điều được thể nghiệm đều là một, và đây mới là điều chính yếu.

Khi mà người thể nghiệm lại còn diễn đạt cảm giác thành ra ngôn từ, diễn đạt kinh nghiệm thành ra chữ nghĩa thì lúc ấy người thể nghiệm đã tự ly khai mình với kinh nghiệm và tác động trên kinh nghiệm ấy; hành động như thế chỉ là một hành động giả tạo, ảo tưởng. Nhưng nếu mình không để cho tiến trình ngôn từ tác động vào kinh nghiệm, lúc ấy, người thể nghiệm và điều sở nghiệm đều là một, đồng nhất, bất nhị. Sự nguyên nhất vẹn toàn ấy rất cần thiết và mình phải đối mặt với sự nguyên toàn này trong tận cùng căn để.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 13: Về sự căm hờn oán ghét
Previous Post
Next Post