Về sự chỉ trích bình phẩm

Hỏi: Sự chỉ trích giữ vai trò gì trong tương giao xã hội? Sự khác nhau giữa loại chỉ trích phá hoại và chỉ trích xây dựng là gì?

Krishnamurti: Trước tiên hết, tại sao chúng ta chỉ trích phê bình? Có phải để tìm hiểu? Hay đó chỉ là một tiến trình cãi lẫy bới móc? Nếu tôi chỉ trích bạn, có phải tôi hiểu được bạn? Có phải sự hiểu biết hiện đến nhờ sự phê phán phẩm bình? Nếu tôi muốn hiểu, nếu tôi muốn tìm hiểu, không phải tìm hiểu hời hợt mà tìm hiểu sâu sắc trọn vẹn ý nghĩa về tương giao của tôi với bạn, có phải tôi bắt đầu chỉ trích bình phẩm bạn liền?

Hay là tôi cần phải ý thức về tương giao này, tương giao giữa tôi và bạn, im lặng quan sát mọi sự - chứ không chỉ phóng diễn những ý kiến của tôi, chỉ trích, phê phán, đồng hóa, kết án, không phải làm như vậy mà phải im lặng quan sát những gì đang xảy ra? Và nếu tôi không chỉ trích phê phán thì sự việc gì xảy ra?

Mình dễ buồn ngủ, ngây ngủ luôn, phải thế không, nếu không ai chỉ trích phê phán mình? Nói như thế không có nghĩa rằng mình sẽ không ngủ quên nếu mình chỉ trích bới móc. Có lẽ điều ấy trở thành một thói quen và chúng ta ngủ vùi vì thói quen. Có thể dùng sự chỉ trích phê bình để đào sâu rộng sự hiểu biết về mối tương giao trong đời sống? Không nên phân biệt sự chỉ trích xây dựng và sự chỉ trích phá hoại, phân biệt như thế không có nghĩa gì cả, vấn đề không phải như vậy, cố nhiên.

Vấn đề tất nhiên phải là: ‘Tâm trạng nào, tâm thái nào cần thiết cho việc tìm hiểu mối tương quan trong đời sống?’ Tiến trình của sự hiểu biết là gì? Chúng ta hiểu một sự việc như thế nào? Bạn hiểu con cái của bạn như thế nào, nếu bạn thực sự quan tâm đến con cái bạn? Bạn quan sát, phải thế không?

Bạn ngắm nhìn đứa con đang nô đùa, bạn nghiên cứu đứa con trong những tâm thái khác nhau của đứa bé; bạn không phóng ngoại ý kiến của bạn về đứa bé. Bạn không bảo đứa bé phải nên như thế này hoặc như thế kia. Bạn luôn luôn tỉnh thức linh động ngó nhìn mọi sự, ý thức linh hoạt, phải thế? Lúc ấy, có lẽ bạn mới bắt đầu hiểu đứa con bạn. Nếu bạn thường xuyên chỉ trích, thường xuyên tiêm nhiễm nhân cách đặc biệt của bạn, dị tính đặc thù, ý kiến, quyết định đứa bé phải như thế này hoặc không phải như thế, và mọi sự đại loại như vậy, cố nhiên như vậy bạn chỉ tạo ra hàng rào ngăn cách trong mối tương giao giữa bạn và đứa bé.

Thực là chẳng may mắn, phần đông chúng ta chỉ trích để uốn nắn, để xen vào; làm như thế, chúng ta có cảm giác thú vị, dễ chịu, thoải mái, chúng ta hay thích uốn nắn một cái gì đó – chẳng hạn, mối tương giao với chồng, con hoặc bất cứ ai. Trong việc làm ấy, bạn có cảm giác uy quyền, bạn cảm thấy mình là chủ nhân ông và việc này đem đến sự thỏa mãn lớn lao cho bạn. Nhất định tất cả tiến trình này không thể nào đem đến sự hiểu biết về mối tương giao ở đời. Đó chỉ là sự cưỡng bách bắt buộc, lòng khát khao muốn đúc khuôn nặn nhồi kẻ khác rập theo khuôn khổ đặc thù của dị tính mình, lòng ham, ý muốn của mình. Tất cả những thứ này ngăn chặn lại sự hiểu biết về tương giao, phải thế không?

Rồi đến việc tự phê, tự kiểm thảo, tự chỉ trích. Việc tự chỉ trích, tự kết án hoặc tự biện hộ, tự biện minh có thể nào đem đến sự tự hiểu biết bản thân? Khi tôi bắt đầu tự phê phán, tự chỉ trích, phải chăng tôi giới hạn lại tiến trình của sự hiểu biết, của sự khai phóng? Sự nội quan, một hình thức của sự tự phê, sự nội quan này có phơi bày bộc bạch được tự ngã? Cái gì có thể làm được việc phơi bày lột trần tự ngã?

Chỉ thường xuyên phân tích, sợ sệt, chỉ trích: chắc chắn điều này chẳng giúp ích gì cho việc phơi bày bản thân. Điều duy nhất khả dĩ mang đến sự phơi bày bản ngã để mình tự hiểu mình, chính là ý thức thường xuyên về tự ngã mà không lên án, không đồng hóa gì hết. Mình phải tự nhiên, mình không thể thường xuyên phân tích tự ngã, khắc phục nó, uốn nắn nó. Muốn tìm hiểu, mình phải có tinh thần tự nhiên, tự phát.

Nếu tôi chỉ giới hạn, kiểm soát, lên án, thì ra tôi đã ngăn chặn lại sự vận hành của tư tưởng và cảm giác, có phải tôi làm thế không? Chỉ có trong sự vận hành của tư tưởng và cảm giác tôi mới khám phá được mọi sự chứ không phải chỉ kìm chế kiểm soát. Khi mình khám phá, điều quan trọng là tìm xem mình đã tác động thế nào về việc ấy. Nếu tôi tác động tùy thuận theo một ý tưởng, tùy thuận theo một tiêu chuẩn, tùy thuận theo một lý tưởng, lúc ấy tôi đã cưỡng bức tự ngã vào trong một khuôn khổ đặc thù nào đó rồi.

Trong khuôn khổ ấy, không thể nào có được sự giao cảm hiểu biết, không thể nào có sự siêu thoát, vượt qua mọi sự. Nếu tôi có thể ngắm nhìn tự ngã mà không kết tội lên án, không đồng hóa gì cả, lúc ấy mới có cơ vượt qua được tự ngã. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao toàn thể tiến trình tư tưởng cận tiếp với một lý tưởng nào đó chỉ là hoàn toàn sai lầm. Những lý tưởng chỉ là những thần thánh nhân tạo, những thần thánh do mình tạo ra và tuân rập theo một hình tượng do tự ngã phóng hiện ra, việc làm ấy chắc chắn không phải là một sự giải phóng.

Vì thế, chỉ có thể có được sự giao cảm hiểu biết khi nào tâm trí im lặng ý thức, quan sát – điều này thực khó quá, bởi vì chúng ta say mê trong hoạt động, động đậy liên miên bất an, chỉ trích kết án, biện minh. Đó là toàn thể cơ cấu hiện thể của chúng ta; và xuyên qua bức màn ý tưởng, thành kiến, quan điểm, lập trường, kinh nghiệm, kỷ niệm, chúng ta lại cố gắng tìm hiểu. Có thể nào giải thoát khỏi bức màn này và tìm hiểu một cách trực tiếp?

Chắc chắn chúng ta làm được như thế khi vấn đề trở nên quá mãnh liệt; chúng ta không phải sử dụng tất cả mọi phương sách trên – chúng ta đối phó với vấn đề một cách trực tiếp. Sự hiểu biết về mối tương giao chỉ xuất hiện khi nào tiến trình tự phê này được lý hội và tâm trí trở nên im lặng, trầm lặng. Nếu bạn đang lắng nghe tôi và để tâm theo dõi, không bắt buộc phải cố gắng lắm, chỉ để tâm thư thái, theo dõi những gì tôi muốn truyền đạt, thì lúc ấy, bạn mới mong hiểu được tôi, lúc ấy chúng ta mới có thể hiểu lẫn nhau.

Nhưng nếu bạn lại chỉ trích, chỉ trích suốt thời gian ngồi đây ném lên những ý kiến của bạn, phô bày những gì bạn đã học được trong sách vở, những gì người khác đã dạy bạn, vân vân và vân vân, lúc ấy bạn và tôi không còn tương quan liên hệ nữa, bởi vì tấm bình phong đã che ngang giữa chúng ta. Nếu chúng ta cả hai đều cố gắng tìm xem nội dung vấn nạn của vấn đề, thành quả chung cục của vấn đề (chung cục của vấn đề nằm ngay trong chính vấn đề), nếu chúng ta cả hai đều hăng hái tiến sâu vào căn để của vấn đề, tìm thấy sự thực của vấn đề, khám phá ra thực chất của vấn đề - lúc ấy chúng ta mới thực tương quan liên hệ nhau.

Lúc ấy, tâm trí bạn vừa linh hoạt mẫn tiệp vừa đón nhận tiêu cực, ngắm nhìn tìm thấy thực tính trong vấn đề. Vì thế, tâm trí bạn phải nhanh nhẹn phi thường, không bị cột ràng vào bất cứ một ý tưởng nào hoặc bất cứ một lý tưởng nào cả, không bị cột trói với bất cứ sự phê phán nào, với bất cứ ý kiến nào mà bạn đã củng cố qua những kinh nghiệm đặc thù của bạn. Nhất định sự hiểu biết chỉ hiện đến khi có sự uyển chuyển mềm mại nhanh nhẹn trong tâm trí nào có ý thức một cách thụ động, cởi mở đón nhận. Lúc ấy tâm trí cởi mở ấy mới có khả năng đón nhận, lúc ấy tâm trí ấy mới bén nhạy. Một tâm trí thiếu bén nhạy là khi nào tâm trí ấy nhét đầy những ý tưởng, đầy những thành kiến, những ý kiến, chống đối hoặc bênh vực.

Muốn hiểu biết sự tương giao, mình phải có một ý thức trực tiếp và thụ động – chỉ có thế mới không phá hủy tương giao. Trái lại cảm thức này lại khiến tương giao trở nên thiết yếu hơn, sinh động hơn và có ý nghĩa thâm trầm hơn. Lúc ấy, trong tương giao ấy, mình mới có cảm luyến thực thụ; mới có tình người ấm áp, cảm giác thân cận gần gũi, mà không phải là tình cảm lải nhải hoặc cảm giác rẻ tiền. Nếu chúng ta có thể đối phó tiếp dẫn đời sống như thế hoặc giữ được tương giao ấy với mọi sự, lúc ấy những vấn đề của chúng ta mới được giải quyết một cách dễ dàng – như những vấn đề về tài sản, những vấn đề về sự chiếm hữu, bởi vì bản chất của chúng ta là những gì chúng ta chiếm hữu. Người chiếm hữu tiền bạc chính là tiền bạc ấy.

Người tự đồng hóa với tài sản chính là tài sản, hoặc cái nhà hoặc bàn ghế đồ đạc, vân vân. Điều này cũng áp dụng như vậy đối với những ý tưởng hoặc đối với người đời, mỗi khi có tinh thần chiếm hữu là không còn tương giao nữa – phần đông chúng ta đều chiếm hữu, bởi vì chúng ta chẳng có gì khác, nếu chúng ta không chiếm hữu gì hết. Chúng ta là những cái vỏ trống không, nếu chúng ta không chiếm hữu, nếu chúng ta không lấp đầy cuộc đời mình bằng những đồ đạc bàn ghế, bằng âm nhạc, bằng kiến thức, bằng cái này hoặc cái kia.

Và cái vỏ trống không kia lại khua tiếng ồn ào nhất, và chúng ta gọi sự ồn ào ấy là đời sống; rồi chúng ta cảm thấy tự mãn như vậy. Rồi khi nào có sự rạn vỡ đổ nát xảy ra trong sự tự mãn ấy thì lúc ấy mới có sự sầu muộn ủ rũ, bởi vì lúc ấy bạn chợt tự khám phá chân tướng của bạn – một cái vỏ trống không, vô nghĩa, vô vị. Hiểu được trọn vẹn nội dung của tương giao chính là hành động, và từ hành động này mới có thể thực hiện được mối tương giao chân chính, mới thực hiện được mối tương giao chân chính, mới thực hiện được sự khám phá về sự sâu thẳm vĩ đại, ý nghĩa thâm trầm của mối tương giao, và đồng thời mới hiểu được tình yêu, tình thương là gì.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 15: Về sự chỉ trích bình phẩm
Previous Post
Next Post