Abrham Maslow - Học thuyết nhân cách nhu cầu, giác ngộ

Abrham Maslow
1. Tiểu sử

Abraham Harold Maslow sinh ngày mùng 1 tháng 4 năm 1908 tại Brooklyn, New York. Ông là con trai đầu lòng của 7 người con, cha mẹ của ông là người Do Thái di cư có ít học thức đến từ Nga. Cha mẹ ông đã hy vọng chan chứa về tương lai của đàn con tại Hoa Kỳ nên đã không ngừng thúc giục các con chăm chỉ học tập để thành công. Không bất ngờ lắm, ông trở thành cậu bé đơn độc và vùi đầu vào sách vở.

Để làm vui lòng cha mẹ, ông học Đại học khoa Luật thành phố New York. Sau 3 khóa, ông chuyển sang Đại học Cornell, rồi lại trở về New York. Ông đã cưới Bertha Goodman, người em họ gần của mình, chống lại nguyện vọng của cha mẹ. Cuối cùng họ có với nhau 2 người con gái.

Sau đó, hai người dọn đến Wisconsin để ông có thể vào học Đại học Wisconsin. Nơi đây ông bắt đầu cảm thấy yêu thích môn tâm lý, và kết quả học tập của ông tiến bộ hẳn lên. Ông cộng tác với Hrry Harlow, người sau này nổi tiếng về thí nghiệm của mình với những chú khỉ thuộc chủng Rhesus bé con, rất thành công trong lĩnh vực hành vi quấn quýt.

Ông hoàn tất cử nhân năm 1930, thạc sĩ năm 1931, và tiến sĩ vào năm 1934, tất cả đều thuộc chuyên ngành Tâm lý thuộc Đại học Wisconsin. Một năm sau khi tốt nghiệp, ông trở lại New York cộng tác với E. L. Thorudike tại Đại học Columbia, ở đó Maslow bắt đầu hứng thú với nghiên cứu về dục tính nơi người.

Sau đó ông chính thức dạy tại Đại học Brooklyn. Trong thời gian này, ông gặp gỡ rất nhiều những học giả Châu Âu di cư đến Hoa Kỳ, nhất là ở Brooklyn vào thời đó như Adler, Fromm, Horney và vài học giả nhóm Hình thái và nhóm Freudian.

Sau đó, ông giữ chức vụ trưởng ban Tâm lý tại Đại học Brandeis từ 1951 đến 1969. Trong thời gian này ông gặp Kurt Goldstein, người đã có tư tưởng về khái niệm giác ngộ trong cuốn sách nổi tiếng Một Cơ Quan (The Organism) xuất bản năm 1934. Cũng tại đây Maslow bắt đầu hành trình xây dựng học thuyết nhân văn học tâm lý – một công trình có tầm quan trọng đặc biệt đối với ông.

Ông trải qua những năm cuối đời mình trong tình trạng vừa làm việc vừa nghỉ hưu tại California cho đến khi qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1970 do một cơn đau tim sau nhiều năm sức khỏe sa sút.

2. Học thuyết của Abraham Maslow

Một điều thú vị trong những năm đầu tiên của sự nghiệp tâm lý của mình ông phát hiện ra những con khỉ do ông thí nghiệm luôn có một số nhu cầu đặc biệt quan trọng hơn những nhu cầu khác. Chẳng hạn giữa đói và khát, nhu cầu khát phải được ưu tiên trước. Và vì thế nhu cầu khát quan trọng hơn nhu cầu đói. Nếu phải chọn giữa đáp ứng nhu cầu khát và nhu cầu khỏi bị kim chích đau đớn, nhu cầu tránh bị chích kim sẽ cao hơn. Rồi phải chọn giữa chích kim và không khí để thở. Nhu cầu cần được thở sẽ thắng. Còn nhu cầu tính dục xem ra vẫn chưa phải là nhu cầu quan trọng nhất.

Ông nhận ra ý nghĩa áp dụng của khám phá này và xây dựng một hệ thống nhu cầu theo cấp bậc rất nổi tiếng. Trong hệ thống này, ông đưa ra 5 nấc thang nhu cầu có nội dung bao hàm hơn, được xếp theo thứ tự từ nhu cầu vật chất cơ bản cần thiết đến nhu cầu tinh thần nâng cao như sau:

1) Tầng nhu cầu sinh lý.

2) Tầng nhu cầu an toàn.

3) Tầng nhu cầu tình cảm và được chấp nhận.

4) Tầng nhu cầu được tôn trọng.

5) Tầng nhu cầu được giác ngộ.

3. Các mức độ nhu cầu khác nhau

– Nhu cầu sinh lý: Ban gồm những nhu cầu về khí oxy, nước uống, chất đạm, muối, đường, can–xi và những sinh tố vi lượng khác. Những yêu cầu này giúp cơ thể duy trì một độ pH cân bằng (không quá kiềm và không quá axít), một nhiệt độ ổn định 37 độ C, những nhu cầu vận động, nghỉ ngơi, bài tiết, giữ cho cơ thể ấm áp (khi trời lạnh), mát mẻ (khi trời nóng), tránh thương tật đau đớn. Nhu cầu tính dục sinh sản cũng thuộc nhóm này.

Maslow tin như thế vì kết quả nghiên cứu đã ủng hộ ông đây là những nhu cầu cần thiết của từng cá nhân một. Chẳng hạn như thiếu vitamin C, cơ thể sẽ tìm đến những loại thức ăn có chứa vitamin C. Ví dụ thường thấy ở các phụ nữ trong thời gian mang thai.

– Nhu cầu an toàn: Khi những nhu cầu sinh lý được bảo đảm và đáp ứng đầy đủ, một cá nhân thường có xu hướng đi tìm cho mình một hoàn cảnh sống an toàn ổn định và được bảo vệ. Họ có những nhu cầu mới về trật tự an toàn, nơi sống cần có tổ chức và những quy định giới hạn cụ thể.

Lúc này cơ thể không còn thật sự ưu tư đến chuyện ăn mặc, nhưng có những lo lắng băn khoăn về sự an toàn trong môi trường sống như: khu dân cư an toàn, công việc làm chắc chắn và ổn định. Họ nhắm đến tích lũy cho tương lai ngày mai. Họ lo về thất nghiệp, bệnh tật, tốn kém… nói chung là những nỗi lo vừa có cơ sở và cả những nỗi lo vô căn cứ khác.

– Nhu cầu tình cảm và được chấp nhận: Sau khi nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn được thỏa mãn, nhu cầu tình cảm và được chấp nhận là nhu cầu kế tiếp. Bây giờ một cá nhân có nhu cầu về một người bạn tình, một vài người bạn thân, xây dựng gia đình, có con cái, được quan tâm và được chia sẻ. Nói khác đi, nhiều cá nhân cảm thấy sợ cô đơn, cảm thấy mình thiếu vắng. Họ có những lo lắng về mặt xã hội. Đây là những ưu tư thường gặp hằng ngày. Chúng ta muốn tổ chức đám cưới, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia các công việc cộng đồng, đi nhà thờ, tham gia hội đoàn, gia nhập câu lạc bộ, đi chơi công viên, ngay cả việc chúng ta chọn những công việc có cơ hội tiếp xúc với con người.

– Nhu cầu được tôn trọng: ở đây, Maslow chia nhu cầu này thành hai nấc nhỏ hơn: (a) nhu cầu được người khác tôn trọng với những giá trị tinh thần khác như danh dự, địa vị, vinh quang, được công nhận, được chú ý, có những tiếng khen tốt, được đánh giá cao, cả việc được thống trị và điều khiển người khác. (b) nhu cầu cao hơn là nhu cầu tự trọng như niềm tự hào, tự tin, có khả năng, đạt được thành quả, đạt được thành tựu, khả năng độc lập, tự do. Theo Maslow, một khi chúng ta đã có lòng tự trọng, sẽ khó có ai lấy chúng khỏi tay ta được.

Nếu không thỏa mãn được nhu cầu này, một cá nhân sẽ rơi vào trạng thái không có lòng tự trọng (hoặc có nhưng thấp). Họ vướng vào mặc cảm khiếm khuyết. Maslow đồng ý với Adler rằng phải có một nguyên nhân nào đó là cội rễ của những bất ổn về mặt tâm lý. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ra không còn phải quá sức lo lắng đến nhu cầu vật chất và nhu cầu an toàn. Chúng ta tương đối bằng lòng với đời sống tình cảm của mình. Tuy nhiên, nhu cầu được tôn trọng đối với một số người xem ra vẫn còn là một vấn đề khó đạt được.

Tất cả 4 nhu cầu vừa nêu trên ông đặt tên là nhu cấu D-needs. Chữ D được viết tắt của chữ thiếu thốn. Có nghĩa là nếu không được thỏa mãn những nhu cầu trên, một cá nhân sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt và các nhu cầu này cần phải được đáp ứng. Khi các nhu cầu D–needs này được thỏa mãn, ta sẽ không còn động cơ nữa và sẽ chuyển dần theo nấc thang cao hơn. Như tục ngữ của người Việt Nam có những câu: Lợn no chê cám. Đói cơm tẻ thèm thịt thèm xôi. Khi no cơm tẻ tôi thôi mọi đàng.

Ông còn nói về những nhu cầu trên qua một khái niệm sinh học hằng định nội môi, một trạng thái tự điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định cho những chức năng vận động bên trong của cơ thể, dù cho có sự thay đổi ở môi trường bên ngoài. Khi cơ thể cần một loại vật chất nào đó, tự động sẽ có một sự khao khát, nhưng sau khi cơ thể được thỏa mãn sẽ không còn cảm giác thèm muốn nữa. Điều này giúp cơ thể cân bằng: Không quá thiếu và không quá dư. Tất cả những nhu cầu trên có lối vận hành tương tự như thế, song đôi lúc chúng ta thường không nhận ra.

Maslow tin rằng, tất cả những nhu cầu D–needs trên rất cần thiết cho nhu cầu sinh tồn. Ngay cả nhu cầu tình cảm và được tôn trọng cũng rất cần thiết để duy trì một cơ thể lành mạnh. Ông cho rằng tất cả chúng ta có những nhu cầu này được cài đặt sẵn bên trong qua ngả di truyền học, giống như bản năng vậy. Ông đã đặt tên cho chúng là bán–bản năng (instinctoid – instinct–like).

Nói theo mô hình phát triển, chúng ta trải qua từng cấp độ nhu cầu tương tự như quá trình chúng ta trải qua những giai đoạn phát triển. Khi còn là trẻ sơ sinh chúng ta cần đến nhu cầu sinh lý qua những chăm sóc từ bên cha mẹ. Rồi sau đó các em bé cần có nhu cầu được an toàn. Rồi lớn hơn một chút, ta muốn được người khác chú ý và quan tâm. Lớn hơn nữa, ta có nhu cần được tôn trọng và tự trọng. Những nhu cầu này có thể phát triển trước khi bé biết nói.

Dưới những điều kiện đầy áp lực, hoặc khi những nhu cầu sinh tồn bị đe dọa, chúng ta có thể có xu hướng quay ngược trở lại quá khứ với nấc nhu cầu thấp hơn. Khi ta bị thất nghiệp hoặc bị sa thải khỏi sở làm, ta sẽ quay trở về với trạng thái khiêm tốn hơn trước đó. Khi mất tất cả những địa vị cao sang và rơi vào sa cơ thất thế, chúng ta thường nghĩ đến những bảo đảm kinh tế trước mắt.

Tình trạng này cũng xảy ra trên bình diện xã hội rộng lớn. Khi kinh tế của một khu vực hay một nước có những thay đổi, công dân của khu vực và những quốc gia ấy thường có những biểu hiện lo lắng dưới nhiều cung bậc khác nhau có thể nhận ra rất rõ. Khi chiến tranh xảy ra, người ta nhốn nháo bỏ làng, bỏ phố đi sơ tán. Thiên tai bão lụt bao giờ cũng có những tác động tâm lý nhất định lên những người bị nạn và cả những người sinh sống xa cách với vùng bị nạn.

Maslow đề nghị rằng khi hỏi một cá nhân mô tả về mô hình cuộc sống lý tưởng trong tương lai sẽ cho ta một cái nhìn tương đối chính xác về những nhu cầu nào cá nhân ấy đang thiếu. Vì trong tâm thức chung, chúng ta thường nói về những điều chúng ta chưa có.
Nếu một cá nhân có những vấn đề khó xử hoặc không có những phát triển thuận lợi – nhất là trong lúc thật cô đơn, bị hắt hủi, bị lạm dụng và ngược đãi, đói khát, lo lắng, sợ hãi, cha mẹ li dị, chứng kiến cảnh người thân nằm xuống như vậy cá nhân có thể bị kẹt/khựng trong nhu cầu đó trong suốt cả phần cuộc đời còn lại của mình.

Đây là cách mà Maslow đã nhìn và hiểu về bệnh thần kinh. Ví dụ bạn trải qua kinh nghiệm chiến tranh lúc còn là một đứa trẻ, chứng kiến nhiều tháng ngày đói khát vì khan hiếm thức ăn. Khi có đầy đủ điều kiện, bạn vẫn có thói quen dự trữ thức ăn vì ám ảnh bởi những tháng ngày thiếu hụt. Hoặc nếu một chàng trai chứng kiến cảnh bố mẹ li dị lúc anh còn bé, giờ đây có một người vợ lý tưởng tuy nhiên anh vẫn lo lắng bồn chồn, thầm ghen và lo sợ. Anh chàng cứ u ám với ý nghĩ một ngày nào đó vợ anh sẽ bỏ anh ra đi như bố mẹ anh đã chia tay khi anh còn nhỏ.

– Giác ngộ: Đây là bậc phát triển cuối cùng trong nấc thang nhu cầu. Đã có lần ông gọi đây là động cơ phát triển để đối nghịch với khái niệm động cơ vì thiếu hụt. Có lúc ông gọi đây là B–needs. B là viết tắt của chữ hiện hữu để đối chiếu với D–needs, vốn là nhóm 4 nhu cầu một cá nhân phải thỏa mãn trước khi một cá nhân có thể đạt đến cảnh giới nhu cầu cao nhất này.

Những nhu cầu không liên hệ đến cân bằng hằng định nội môi, là những nhu cầu không bao giờ bão hòa. Khi đạt đến cảnh giới này, một cá nhân luôn cảm nhận được nhu cầu này là rất thật, càng cảm nhận, họ cũng thấy mình sung mãn hơn. Đây là những nhu cầu liên hệ đến cảm xúc khát khao liên tục vươn đến tiềm năng, trở thành trọn vẹn trong ý nghĩa làm người của mình. Đây là nhu cầu thúc đẩy con người trở thành toàn diện, sung mãn nhất. Là khả năng nhận ra chính chân giá trị của mình. Vì thế đây là cảnh giới giác ngộ mà nhiều người còn hiểu qua danh từ đắc đạo.

Cần biết, để đạt được giới cảnh này, trước hết một cá nhân phải không còn ưu tư về cái ăn cái mặc nữa. Họ sẽ không còn quan tâm đến sự an nguy và những nhu cầu tình cảm. Họ sẽ không màng đến danh lợi và không còn quan trọng hóa chuyện mình có được tôn trọng hay không? Theo Maslow, ngày nào một cá nhân còn bị những nhu cầu D–needs chi phối, họ sẽ khó đạt được những nhu cầu B–needs. Đơn giản hơn, ta không thể bước vào giới cảnh cao hơn khi những nhu cầu căn bản thấp hơn chưa được đáp ứng thỏa mãn.

Vì thế, chỉ có một phần rất nhỏ sống trên hành tinh này có thể đạt được giới cảnh giác ngộ một cách trọn vẹn hoàn toàn thật sự. Đã có lúc Maslow đề nghị rằng có vào khoảng chừng 2% trong chúng ta đạt được cảnh giới này.

4. Cảnh giới giác ngộ

Vấn đề được đặt ra là nhiều người không biết Maslow đã lấy tiêu chuẩn nào và muốn ám chỉ điều gì khi giới thiệu khái niệm giác ngộ. Để trả lời cho vấn đề này, ông khuyến cáo hãy quan sát những người đã giác ngộ. Chính Maslow đã giúp chúng ta điều này qua một phương pháp nghiên cứu đặc tính và qua những phân tích tiểu sử lý lịch.

Ông thực hiện bằng cách chọn ra danh sách những nhân vật lịch sử, cùng với những người ông đã gặp gỡ và tin rằng họ đã đạt đến tiêu chuẩn của giới cảnh giác ngộ trong đó có những gương mặt tên tuổi như Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, Thomas Jefferson, nhà vật lý Albert Einstein, phu nhân Tổng thống Eleanor Roosevelt, nhà hoạt động từ thiện cộng đồng Jane Adams, William James, Albert Schweitzer, Bebedict Spinoza, Aldulous Huxley và 12 người ẩn danh sống cùng thời gian với Maslow. Khi khảo sát tiểu sử của nhóm người này, đọc những tác phẩm của họ, dựa vào hành động và lời nói của họ, ông xây dựng được một danh sách những đức tính được coi là những cá tính của họ, vốn khác hẳn với một số đông trong chúng ta.

Đây là những cá tính của họ:

– Rất nhạy cảm về thực tiễn, họ có thể phân biệt đâu là giả dối và đâu là thật thà. Họ luôn sống với lẽ thật và cổ xúy giá trị chân lý.

– Rất nhạy cảm về những vấn đề, họ nhìn vào những khó khăn trong cuộc sống như những vấn đề cần giải quyết, họ không coi những khó khăn là những điểm yếu của cá nhân. Họ tin là khó khăn đến từ hoàn cảnh bên ngoài có thể giải quyết được.

– Họ có cái nhìn rất khác về khái niệm phương tiện và kết quả. Họ tin rằng kết quả không nhất thiết để biện bạch cho phương tiện. Đi xa hơn, họ cho rằng chính bản thân phương tiện tự nó đã là kết quả, và phương tiện trong hành trình làm người vẫn thường quan trọng hơn kết quả.

– Họ có những cách rất riêng để tiếp cận và liên hệ với những người khác. Trước hết, họ có sở thích muốn mình có đời sống độc thân lặng lẽ. Họ là những người cảm thấy dễ chịu khi ở một mình. Họ thích có một mối liên hệ sâu lắng với vài người bạn thân, người thân, hơn là quan hệ rộng rãi nhưng hời hợt với nhiều người khác nhau.

– Họ thích đời sống độc lập, với trạng thái tương đối độc lập với những nhu cầu vật chất và nhu cầu xã hội. Họ rất ngại khi phải đối diện với việc bị lôi kéo vào những nơi công cộng. Họ không thích sức ép đời sống xã hội, không dễ dàng hòa nhập hoặc thích ứng. Họ là những người ít chịu phục tùng và thường có cá tính phá cách.

– Họ có một lối khôi hài nhưng không châm chọc. Họ thường nói đùa và đem mình ra diễu đời, hoặc châm biếm những điều kiện cố hữu của nhân loại. Tuy nhiên họ không bao giờ chĩa mũi nhọn lời nói đùa của mình vào bất cứ một nhóm đối tượng nào.

– Họ có một đức tính chấp nhận bản thân mình và tất cả mọi người. Họ sẽ đón nhận bạn như con người của bạn, sau đó họ sẽ thuyết phục bạn một cách khéo léo để bạn trở thành một người tốt hơn. Họ đối xử với bản thân mình cũng như thế.

– Họ chấp nhận biết thay đổi những đặc tính tiêu cực của bản thân nếu những đặc tính này có thể sửa đổi được. Ngoài ra, họ còn là người tự phát và rất đơn giản: Họ muốn mình là con người thật, hơn là phải nói dối và giả tạo. Và vì thái độ phá cách của mình, Maslow tin rằng họ nhìn bên ngoài tuy có vẻ xu hướng truyền thống, trong khi đó họ là những người thường xúc động và xốc nổi.

– Họ có thói quen khiêm nhượng và tôn trọng người khác – Maslow gọi đây là những giá trị dân chủ, có nghĩa họ mở rộng tầm nhìn, có thái độ với mọi nhãn quan, họ chấp nhận mọi thái độ đạo đức và tất cả cách tính khác nhau, ngay cả việc tôn trọng những hình thái tư tưởng lập dị.

– Họ có một đức tính mà Maslow gọi là sự liên đới họ hàng với nhân loại hay còn gọi là khái niệm vì con người. Đây là một tập hợp những đức tính có hứng thú giúp đỡ xã hội chung, có nhiệt tình chung, đầy tính nhân văn, đầy tinh thần trong sáng nhưng không gò bó một cách truyền thống trong những khung tôn giáo.

– Họ là người luôn có những cách mới mẻ biết trân quý và tri ân với cuộc sống. Họ có khả năng nhìn thấy sự việc rất khác, ngay cả với những việc bình thường dung dị bằng con mắt thán phục nên những việc đơn sơ vẫn mang tầm vóc và dáng dấp cao đẹp vĩ đại.

– Họ là những người rất có khả năng sáng tạo, luôn thích thú trong vấn đề muốn phát minh và muốn mình là người đầu tiên trong một lĩnh vực nào đó.

– Sau cùng, họ là người thường trải qua những kinh nghiệm rất sâu hơn những người bình thường, có thể cảm thấy mình rất nhỏ hoặc rất lớn, có lúc họ cảm thấy mình là thiên nhiên và là một phần của Thượng Đế hay những hình thái siêu nhiên khác. Vì thế họ có cảm giác mình sẽ là một sinh thể tồn tại trong khung cảm giác vĩnh hằng. Cảm giác này thường để lại dấu ấn trên cuộc đời của họ, càng làm cho họ trở nên hoàn thiện hơn, càng thúc đẩy họ hăm hở lao vào phục vụ quên mình. Họ là những hiện thân của thế giới kỳ bí, và là mô hình được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và những quan niệm truyền thống.

Maslow không nghĩ rằng cảnh giới giác ngộ là hoàn hảo. Có vài điều không thật sự tích cực lắm ở nơi họ: chẳng hạn họ là người thường có cảm giác lo lắng và mặc cảm, đây là những lo lắng và trạng thái sợ rất thực chứ không phải là những lo lắng vô cớ hay lo sợ có nguồn gốc tâm thần. Vài người có thể rất tử tế song vài người rất thờ ơ lãnh đạm. Đôi lúc họ có những giây phút bất ngờ bùng lên những cảm xúc rất thô tục, lạnh lùng, và mất hẳn đi tính hài hước của mình.

Hai điểm ông nêu lên về những con người đạt được cảnh giới cao nhất này: (1) Những hệ giá trị của họ rất tự nhiên và có vẻ rất dễ dàng trong việc chuyển tải từ khung nhân cách đến với mọi người. (2) Họ là người vượt qua những thái cực mâu thuẫn ví dụ như: tốt–xấu, thiện–ác, đúng–sai, thật–giả, tinh thần–vật thất, ích kỷ–chan hòa… vốn vẫn là những cặp thái cực mà nhiều người khác vướng vào và thường đứng về một thái cực. Họ là những người giác ngộ chấp nhận tất cả những thái cực này.

5. Nhu cầu tinh thần và bệnh lý tinh thần

Một cách nhìn khác của Maslow về những vấn đề của người đạt cảnh giới giác ngộ thỏa mãn nhu cầu hiện hữu (B–needs) tuy không bao giờ bão hòa, song họ cần phải có những điều kiện môi trường với các đặc tính sau đây để duy trì trạng thái cân bằng nhằm đạt được hạnh phúc:

– Sự thật – thay vì giả dối.

– Tính thiện – thay vì độc ác.

– Cái đẹp thay vì xấu xa và dung tục.

– Hợp nhất, tổng thể, vượt qua định kiến – thay vì chia rẽ và áp lực.

– Sống động – thay vì chết thóc, tù túng, hoặc quá máy móc.

– Đặc biệt, độc đáo – thay vì rập khuôn và bắt chước.

– Hoàn hảo, cầu toàn, và cần thiết – thay vì chậm chạp, lộn xộn, hay phạm lỗi.

– Hoàn thành công việc – thay vì bỏ dở, đánh rắn giữa khúc.

– Công bằng và trật tự – thay vì bất công và vô luật lệ, vô tổ chức.

– Đơn giản xuề xòa – thay vì cầu kỳ hình thức, hoặc phô trương câu nệ.

– Sự phong phú, đầy đủ – thay vì sự thiếu hụt, đói khổ đến từ môi trường.

– Tự nhiên và nhẹ nhàng - thay vì phải cố gắng, đánh vật hoặc cố sức.

– Vui vẻ sảng khoái – thay vì hằn học, nghiêm túc thái quá, mê mải công việc.

– Tự lực tự cường – thay vì lệ thuộc, nhờ vả.

– Có ý nghĩa – thay vì vô nghĩa và trống trải.

Thoạt mới nhìn, ta nghĩ rằng mọi người cần đến những nhu cầu này. Nhưng khi xét kỹ lại, ta thấy có sự khác biệt. Ví dụ khi có nạn đói, nạn dịch, nạn cướp, thiên tai, chiến tranh, những người khác sẽ nghĩ về các nhu cầu sinh lý, an toàn, tình thương.. Nhưng những người giác ngộ vẫn nghĩ đến những giá trị tinh thần đến từ những tai ương này. Maslow tin rằng sở dĩ chúng ta có những vấn nạn xã hội xảy ra vì chúng ta có quá ít những con người có giá trị tinh thần giác ngộ – không phải vì chúng ta có nhiều người xấu – song một thực tế là chúng ta có quá nhiều những con người còn có những nhu cầu vật chất để quan tâm đến.

Khi những người đạt cảnh giới giác ngộ không thỏa mãn được những nhu cầu tinh thần này, họ vấp phải những trạng thái bệnh lý tinh thần. Tóm lại, khi bị ép sống trong những hoàn cảnh không có những giá trị nhân văn, họ sẽ gặp phải những căn bệnh như: trầm uất, vô vọng, ghê tởm, cô đơn co cụm, và có thể chuyển sang một não thức hằn học nhất định nào đó.

Maslow hy vọng rằng với những cố gắng trong việc mô tả về những con người đạt giới cảnh giác ngộ, ông sẽ có thể tạo ra một bảng hệ thống tuần hoàn về những nhóm đức tính, các vấn đề và cả những trạng thái bệnh lý. Ông mong rằng từ bảng tóm tắt này chúng ta có thể đưa vào những biện pháp xử lý những bậc nhu cầu và xây dựng những tiềm năng cao hơn của con người. Theo thời gian, những cố gắng của ông càng được khuyến khích, không chỉ với học thuyết của ông, mà cả với tâm lý học nhân văn và những phong trào về tiềm năng của con người.

Vào gần lúc cuối đời, ông chính thức đưa ra một khái niệm mà ông gọi là động lực thứ tư trong ngành Tâm lý học. Nếu Freudian được coi là động lực thứ 1: Tâm lý độ sâu, Thuyết hành vi là động lực thứ 2, các nhà Học thuyết hiện sinh ở Châu Âu là động lực thứ 3, thì Tâm lý siêu nhiên được Maslow giới thiệu là động lực thứ 4. Tất nhiên ý tưởng trong học thuyết siêu nhiên đã có từ lâu trong triết lý phương Đông, tìm thấy qua những hiện tượng thiền để hướng đến cấp cao hơn của cõi ý thức, hoặc kể cả những hiện tượng bán tâm lý.

6. Thảo luận

Maslow là một nhân vật có ảnh hưởng tinh thần rất lớn đến các học thuyết nhân cách khác. Những năm 60, người ta bắt đầu mệt mỏi với các Học thuyết phân tích, vốn là những thông điệp của các nhà Hành vi học và các nhà tâm lý Sinh lý học. Thế giới bắt đầu tìm một kênh khám phá mới để tiếp cận với mục đích của đời sống và cao hơn nữa là ý nghĩa bí hiểm của những hiện tượng trong cuộc sống. Maslow là một trong những người tiên phong trong trào lưu ấy, nhằm đem con người trở lại với tâm lý và đem con người trở lại với nhân cách.

Cùng thời gian này, một trào lưu mới đang bắt đầu manh nha trong việc đưa kỹ thuật máy điện toán và cả học thuyết Phân tích biện chứng của Piaget, nhắm đến phát triển nhận thức. Hay là thuyết ngôn ngữ của Noam Chomsky, vốn là những đại diện cho học thuyết nhận thức. Vì thế những ngày tháng tốt đẹp của học thuyết nhân văn đã trở nên một thứ thuốc phiện tinh thần, giống như thuật chiêm tinh hay tự thỏa mãn. Nói khác đi chủ nghĩa nhận thức đã cung cấp được nền tảng khoa học mà các sinh viên học môn Tâm lý học vẫn mong đợi từ lâu.

Những thông điệp nhân văn của Maslow đã không bị lãng quên. Tâm lý học là một ngành học về con người, con người là một bộ phận rất đa dạng và phức tạp chứ không phải là những mô hình máy vi tính. Những phân tích dựa trên kỹ thuật thống kê, dựa vào thí nghiệm trên chuột, dựa vào thang điểm đạt được từ những trắc nghiệm và những kết quả trong phòng thí nghiệm không thể nào đầy đủ để đánh giá và phân tích một con người.

7. Những chất vấn

Vài ý kiến chất vấn đặt thẳng với học thuyết của Maslow là cách nghiên cứu của ông: Chỉ chọn lựa một danh sách nhỏ những cá nhân mà ông cho là đã đạt đến cảnh giới giác ngộ. Họ cho rằng ông chỉ đọc các tác phẩm và nói chuyện với họ rồi rút ra khái niệm giác ngộ, đây không phải là phương pháp khoa học đối với nhiều người.

Để bảo vệ, ông trả lời rằng ông hiểu được điều này và cho rằng công trình nghiên cứu của mình chỉ mang tính chất khởi hướng. Ông tin rằng có người sẽ tiếp tục con đường do ông đã khởi xướng bằng những phương pháp khoa học nghiêm túc hơn. Một điều thú vị là Maslow, cha đẻ của học thuyết Nhân văn của Hoa Kỳ đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tâm lý của mình trên cơ sở hành vi và sinh lý. Ông tin vào khoa học và nhiều lần mượn các khái niệm sinh học để giải thích một phần học thuyết của mình. Ông là người có công mở rộng tâm lý, trong đó bao gồm cả những đức tính tốt nhất của nhân loại, kể cả những hiện tượng bệnh lý.

Một chất vấn khác nhắm đến khái niệm giác ngộ khi Kurt Goldstein và Carl Roger chủ trương rằng các sinh vật luôn cố gắng phát triển, trở thành sung mãn hơn, để đạt được điểm cuối cùng của mình trên bình diện mục đích sinh học. Maslow thì cho rằng chỉ có khoảng 2% trong tổng số nhân loại đạt được cảnh giới giác ngộ. Trong khi đó Rogers cho rằng trẻ em là những ví dụ tốt nhất phù hợp với định nghĩa của khái niệm giác ngộ nhận ra chính mình. Còn Maslow nhìn thấy giác ngộ là sản phẩm chỉ đạt được rất hiếm nơi các trẻ em và những người còn trẻ.

Theo nhiều người, khi Maslow cho rằng các nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn phải được bảo đảm trước khi nhu cầu tinh thần cao hơn xuất hiện. Theo những người chất vấn Maslow, nhiều người có biểu hiện những đức tính tinh thần (đạt tiêu chuẩn cảnh giới giác ngộ) trong khi đó các nhu cầu thấp hơn vẫn chưa được bảo đảm. Nhiều nhà nghệ thuật, nhà văn, trải qua những thiếu thốn, vật lộn với kế sinh nhai, trải qua những nghịch cảnh từ khi còn thời thơ ấu có bệnh thần kinh, trầm uất. Nhiều người còn có thể được coi là bệnh tâm thần. Chẳng hạn như Galieo, người đã cầu xin tư tưởng của mình thuyết phục được người khác. Rembrandts không thể giữ được chén cơm trên bàn. Toulouse Lautrec bị cơ thể hành hạ liên tục, Van Gogh vừa nghèo vừa có vấn đề tâm thần, rồi Hàn Mặc Tử của chúng ta luôn sống trong đau đớn. Phải chăng tất cả những người này đã thể hiện một chân dung ở những cấp độ đạt đến cảnh giới giác ngộ trong khi các nhu cầu sinh lý và an toàn chưa hề đạt được. Và các nhà thơ, nhà triết học, cả những nhà văn, nhà tâm lý có những khung tư duy khác lạ rất thường thấy, có lẽ họ đã chất chứa trong lòng mình quá nhiều những giá trị nhân văn mà Maslow coi là những sự thật hiển nhiên.

Ngoài ra chúng ta còn có những ví dụ thấy ở nhiều người có những tư tường cao lớn trong những bối cảnh tù túng chật hẹp. Tại sao trong những cảnh ngộ như trại giam mà họ vẫn sáng tạo. Ví dụ như Trachtenberg đã khám phá ra cách tiếp cận mới với môn toán số học. Hoặc Viktor Frankl đã phát hiện ra những cách tiếp cận liệu pháp trong thời gian nằm ở trại tập trung. Đây là một hiện tượng được chứng minh qua câu tục ngữ Việt Nam được cải biên: Cái khó ló cái khôn.

Các trường hợp ngoại lệ là những điều vẫn thường thấy. Hệ thống nhu cầu của Maslow được áp dụng cho đông đảo quần chúng xem ra giải thích được nhiều vấn đề của nhu cầu của con người. Nếu không có những nhu cầu căn bản, xã hội chúng ta sẽ mất đi sự ổn định, nếu ai cũng không cần đến nhu cầu cái ăn, cái mặc để trở thành một nhà thơ độc đáo như Trần Tế Xương hay là một nhà văn viết giỏi như Nam Cao chẳng hạn.

Có lẽ một biến thể nhu cầu hiện hữu (B–needs) của học thuyết của Maslow được nhìn thấy nơi khái niệm lực đẩy cuộc sống mà Goldstein và Rogers đã sử dụng. Chúng ta cũng nhận ra những đại lượng khác đã can thiệp vào tiến trình vươn lên của con người và kìm hãm lực đẩy cuộc sống lại. Chẳng hạn khi đói nghèo, bệnh tật, tù tội bị đe dọa, sống trong cô đơn, thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng và chúng ta vẫn sống được. Tuy nhiên đời sống của chúng ta sẽ không được sung mãn như bình thường. Maslow tin rằng nhiều người không nhận ra hết những khả năng tiềm tàng của mình. Nhưng các học giả khác khuyến cáo chúng ta nên coi giới cảnh giác ngộ như một trạng thái, chứ không phải là một nhu cầu.

Học thuyết của Maslow đã đi chung với nhiều học thuyết khác, một điều nổi bật là ông đã nhìn vào những người ngoại lệ (excep– tional people) nổi cộm lên bên trên bề mặt đa dạng của thế giới con người. Maslow giúp chúng tạ nhận ra những cá tính nhân cách qua hai thái cực: những người trưởng thành thay vì coi họ là những con người lập dị, biến thái.

8. Một cách nhìn mới mẻ

Một học giả Ái Nhĩ Lan tên Gareth Costello đã có những nhận xét góp ý trong học thuyết của Maslow. Theo học giả này những nhà nghệ thuật có những cách diễn đạt bản thân nhiều hơn là những người đạt cảnh giới giác ngộ. Ông tin rằng diễn đạt bản thân ở trạng thái cao nhất sẽ trở thành một hình thái của trạng thái giác ngộ. Và ở một góc độ nào đó, trạng thái giác ngộ sẽ trở thành một tác nhân kìm hãm làm giảm đi khả năng sáng tạo của một nghệ sĩ đại tài.

Giác ngộ, theo Costello cho rằng có tính hướng ngoại và mở rộng, trái ngược hẳn với tự nhìn lại mình vốn là một tính năng hướng nội, một khả năng cần thiết cho quá trình tự diễn đạt. Sáng tạo bao giờ cũng mang dấu ấn rất riêng của một cá nhân. Các nhà khoa học nhìn vào thế giới bên ngoài để quan sát và khám phá thế giới xung quanh của mình, trong khi đó các nhà nghệ thuật thường nhìn vào thế giới nội tâm của mình để tìm ra những cảm xúc độc đáo nhất của riêng mình. Tính năng phản ánh hiện thực chung trong tác phẩm của họ chỉ quan trọng hàng thứ yếu. Phải chăng Maslow nhắc đến cảnh giới giác ngộ như một bức tranh rộng lớn, trong đó trường hợp của Albert Einstein là người muốn khám phá vũ trụ. Hoặc nơi những nhà lãnh tụ, những nhà triết học thường có những quan tâm đến đời sống của quần chúng.

Costello tin rằng trong bức tranh nhỏ bé về những nhu cầu của xã hội rất phổ biến và sự tồn tại của chúng là hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu đạt được giới cảnh giác ngộ có thể được coi là đồng nghĩa– với đại lượng tâm lý để cân bằng nhu cầu sức khỏe tâm thần. Điều đó không nhất thiết sẽ dẫn đến những địa hạt chuyên môn hay những phạm trù sáng tạo vĩ đại. Và như thế đạt cảnh giới giác ngộ không phải là phạm trù trạng thái chỉ cho người có tư tưởng lớn mà cả những con người bình thường, bị đày đọa, bị ngược đãi, những con người bất hạnh trong cuộc sống vẫn có thể đạt đến.

Costello nói: Nếu chọn lựa được thông thái, được giác ngộ hay con cái của mình, tôi sẽ chọn được sống với con cái của mình.

Rõ ràng ý kiến của Costello đã khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ.

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post