Loại bỏ bóng ma lợi ích nhóm

Hội nghị Trung ương 3, Khoá XI, đã bắt đúng bệnh, khi chỉ mặt đặt tên ba cản trở lớn nhất của tái cơ cấu nền kinh tế là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, tính cục bộ. Nhưng cuộc chiến này không đơn giản.

Hai cản trở

Con người thường tham lam, nên đừng lý tưởng hóa con người. Không chỉ ở ta, các nước khác, cũng vậy thôi. Chỉ có điều nước nào đưa ra được cơ chế để khống chế được nó, nước đó sẽ thành công.

Còn với cơ chế như hiện nay ở ta, nếu không thay đổi, có tái cơ cấu gì cũng khó. Hai cái đang cản trở lớn nhất là: Cơ chế xin cho và ai cũng bâu vào quản lý doanh nghiệp. Cái này không thể tự nhiên mà bỏ được do người xin có lợi, người cho cũng có lợi.

Hồi tôi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, cũng muốn đổi mới, làm quyết liệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Vì cơ chế xin-cho nó rất mạnh, đã di căn. Tôi xin anh 100 ngàn thì tôi sẽ cho lại anh 20 ngàn, thậm chí 30 ngàn. Về đến đối tượng thụ hưởng, có khi chỉ còn lại 50%. Lợi ích lớn vậy, làm sao chống?

Một doanh nghiệp Nhà nước hiện nay trên đầu có quá nhiều người quản lý. Nên khi có việc chạy chọt thì họ phải lấy tiền sân sau nuôi các quan hệ của sân trước, nếu không không quyết toán được. Khi đã làm sân sau thì phải rút ruột sân trước, mà như vậy sớm muộn gì doanh nghiệp cũng sẽ đổ. Con đường duy nhất để cứu doanh nghiệp nhà nước là chỉ có một bộ duy nhất quản lý doanh nghiệp. Đó là Bộ Luật doanh nghiệp.

Cái nữa là phải để doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, nhà nước không quản lý, kể cả về nhân sự. Tại sao người ta muốn quản lý các tập đoàn? Là vì lợi ích mà thôi. Doanh nghiệp cũng thích được quản lý như vậy để dễ xin xỏ. Thế nên cơ chế không sửa trước thì tái cấu trúc chỉ là một cụm từ mỹ miều.

Cổ phần hóa doanh nghiệp là trí tuệ của loài người mà ai chống lại nó là đổ vỡ. Tư bản đã tìm mọi cách cưỡng lại nhưng rồi họ cũng chọn cổ phần hóa. Nhưng ở ta cổ phần hóa rất chậm, vì nhiều người không muốn cổ phần hóa để còn chi phối, hưởng lợi từ nó.

Tôi lấy ví dụ như ở VNPT, nếu cổ phần hóa MobiFone xong thì sẽ bị giảm mất 40% doanh thu, 40% lợi nhuận và 40% nộp ngân sách của tập đoàn, bởi doanh thu của tập đoàn chủ yếu nhờ MobiFone. Nếu cổ phần hóa, đồng nghĩa nó sẽ không còn phải cống nộp cho Cty mẹ.

Khi đó, VNPT mất nhiều nhưng thực tế xã hội lại được. Như MobiFone chưa cổ phần hóa thì họ làm được 40.000 tỷ đồng nhưng nếu cổ phần hóa rồi họ có thể làm ra 50.000 tỷ. Khi đó tổng giá trị của xã hội tăng còn tổng giá trị thu về của tập đoàn giảm. Lợi ích nằm ở chỗ đó nên họ chống quyết liệt. Tôi cũng từng nói về cổ phần hóa MobiFone là thà kết thúc bằng nỗi đau còn hơn kéo dài nỗi đau không biết khi nào kết thúc...

Các liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam tại sao nhân công rẻ hơn, đất thuê rẻ hơn, nhiều ưu đãi hơn mà lại sản xuất một xe ô tô tại Việt Nam đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ở Trung Quốc. Vấn đề chính là nhóm lợi ích nằm cả ở đó rồi.

Cách nào xóa lợi ích nhóm?

Ở ta, khi phân vai bí thư, chủ tịch ai cũng đoàn kết nhưng cứ làm một thời gian là mâu thuẫn. Là do chủ tịch có thực quyền hơn còn bí thư không làm thực gì hết. Chính vì thế có việc chủ tịch quyết nhưng làm gì cũng phải hỏi bí thư. Thành ra bí thư quyết hết. Nên dẫn tới mâu thuẫn.

Tôi từng đề xuất toàn bộ tiền trái phiếu Chính phủ nên tập trung vào việc giải phóng mặt bằng để kêu gọi xã hội hóa làm đường cao tốc Bắc-Nam. Nếu nhà nước giải phóng được thì chậm nhất từ 3-5 năm, doanh nghiệp làm xong con đường cao tốc mà nhà nước không cần bỏ ra một đồng, chỉ mất tiền giải phóng mặt bằng. Nhưng làm như thế thì còn chia chác được cái gì?

Thực ra nhà nước chỉ nên làm chính sách thôi. Khi tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tôi đưa chính sách làm đường ven đô. Đô thị cấp phường tôi cho 10%, cấp xã ở đô thị là 20%, huyện đồng bằng là 40%, huyện núi cao tôi cho 80%. Sau khi có chính sách đó, tốc độ làm đường một năm bằng 5 năm trước đó.

Nhà nước ở đây chỉ nên làm 5 việc, mà chủ yếu là 3 việc. Một là quy hoạch, hai là chính sách, ba là đào tạo cán bộ cấp cao, bốn là thanh kiểm tra, và năm là khen chê thưởng phạt. Bởi nhiều cái tái cấu trúc bản chất là tìm cách bảo vệ lợi ích của các nhóm. Các đơn vị thua lỗ, tái cấu trúc thực chất là chia và xóa lỗ. Và như vậy thì cán bộ an toàn.

Tôi cũng tổng kết, chủ tịch tỉnh chỉ làm 3 chữ C: Công trình, chính sách và cải cách hành chính. Bí thư cũng chỉ làm 3 chữ C: Chủ trương, cơ chế và cán bộ. Sai chủ trương bí thư phải chịu. Sai chính sách chủ tịch phải chịu…

Bây giờ lợi ích cục bộ rất rõ. Còn vì sao có nhóm lợi ích? Là vì tôi dựng anh này lên, thì khi anh lên, xuống là đều có lợi ích của tôi.

Một đất nước không ai sống bằng lương thì khó. Công chức tiêu cực vụn vặt nhất là ăn cắp thời gian. Ngày làm 8 tiếng thì 4 tiếng làm, 4 tiếng còn lại đi làm thêm. Còn quan chức thì tìm cách nhũng nhiễu, người có quyền thì tìm cách kiếm ăn. Tất cả vì lương quá thấp. Giờ chỉ cần giảm từ 10 triệu công chức hiện nay xuống còn 3 triệu công chức, lương tăng gấp 3 thì sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề.

Có lần tôi sang Nam Phi, người lái xe phục vụ trong suốt 10 ngày ròng hết sức tận tâm. Khi về tôi tặng anh một món quà nhỏ làm kỷ niệm, anh ta nói “ông phải tặng trước mặt lãnh đạo của tôi và phải bóc quà ra trước mặt ông ấy, nếu ông đồng ý tôi mới dám nhận. Còn không, khi ông ra sân bay về nước, tôi sẽ bị đuổi việc. Tôi bị đuổi việc thì mỗi tháng tôi mất 2.300 USD. Vợ con tôi sống bằng gì”. Thu nhập bình quân người dân Nam Phi khi đó chỉ 200-300 USD/tháng trong khi công chức tới 2.300 USD bảo sao họ không làm việc cần mẫn. Khi đó họ không dám tham nhũng, không cần tham nhũng.

Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông
Nhật Anh - Phạm Tuyên (ghi)
Xem thêm: Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phải làm lại từ đầu


Trong một quốc gia thường tồn tại những cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của lịch sử, địa lý, nghề nghiệp, văn hóa, lối sống xã hội… khác nhau nên có khả năng mưu sinh khác nhau. Do đó, khi ban hành luật lệ, Nhà nước phải luôn xem xét những điều khoản có thể làm thiệt hại quyền lợi của những cộng đồng được xem là “yếu thế” trong xã hội, từ đó có thêm những điều luật bảo vệ lợi ích của họ, thể hiện tính công bằng của một xã hội văn minh.

Sự xuất hiện của cụm từ "nhóm lợi ích" hiện nay lại rất khác với lợi ích nêu trên. Nó thật sự là sự cấu kết của các nhóm "quyền thế" khác nhau trong hai lĩnh vực chính trị và kinh tế nhằm tác động vào luật lệ và mệnh lệnh hành chính được ban hành từ bộ máy Nhà nước, từ đó các nhóm ấy mới hưởng được đặc lợi trong kinh tế và xã hội.

Chính sự xuất hiện của nhóm lợi ích này không những làm trầm trọng thêm sự thua thiệt của các cộng đồng yếu thế trong xã hội, thêm khoảng cách giữa giàu và nghèo, mà còn làm mất đi tính tích cực của nền kinh tế thị trường và khuếch đại tính tiêu cực của sự cạnh tranh không lành mạnh trong xã hội. Nguy hiểm hơn nữa là nhóm lợi ích sẽ lũng đoạn chủ trương chính sách quốc gia và hậu họa sẽ vô cùng lớn!

Quyền thế được sinh ra ngay từ khi có xã hội loài người. Nó là công cụ không thể thiếu được của những người lãnh đạo bất cứ cộng đồng, dân tộc hay quốc gia nào. Khi quyền thế được sử dụng một cách đúng đắn, phục vụ lợi ích lâu dài cho cộng đồng, để mọi thành viên trong cộng đồng đều được thừa hưởng phúc lợi xã hội như nhau thì quyền thế đó chính là lực gắn kết nội tại hữu cơ của mọi thành viên trong cộng đồng, giúp cho cộng đồng càng ngày càng phát triển. Nếu quyền thế đó bị sử dụng sai hay bị một nhóm ít người lũng đoạn để kiếm chác riêng tư, phục vụ chỉ cho một nhóm người nào đó thì nó sẽ gây ra thiệt hại quyền lợi cho các thành viên khác trong cộng đồng, phá vỡ sự gắn kết của cộng đồng.

Trong quá trình phát triển xã hội loài người, các bậc tiền bối đã cố gắng xây dựng một thể chế nhằm tránh căn bệnh chí tử của xã hội là quyền thế sinh ra đặc lợi. Quá trình phát triển của xã hội loài người trong hàng ngàn năm qua cũng là quá trình tìm kiếm mô hình sử dụng và phân bổ quyền thế sao cho có lợi cho sự phát triển cộng đồng nhất. Quyền thế có được trong một cộng đồng thường do sự nổi trội của cá nhân trong quá trình đấu tranh sinh tồn, trước thế lực của thiên nhiên và của các cộng đồng khác. Quyền thế phải đánh đổi bằng xương máu và người nắm được quyền là người được độc tôn sử dụng theo ý chí cũng như sự hiểu biết của riêng mình.

Khi cộng đồng phát triển (tăng về dân số và lãnh thổ cũng được mở rộng, của cải vật chất nhiều hơn) thì bộ máy thực thi quyền thế được ra đời, gọi là bộ máy cầm quyền. Đến lúc bộ máy đó có quy mô lớn và phức tạp hơn, để việc điều hành bộ máy phản ánh đúng ý chí của người cầm quyền, các quy định và luật lệ ra đời. Luật lệ có tốt hay xấu đến mấy thì bản chất của nó cũng bắt nguồn từ ý chí của người cầm quyền. Chính vì thế, đã tồn tại mô hình nhân trị (người trị người) vì đó là mô hình lệ thuộc vào người lãnh đạo, người nắm quyền.

Dù có luật lệ rõ ràng, việc hành xử có theo đúng luật thì kết quả thực thi pháp luật không thuộc về ý chí của người dân. Tiếp nối mô hình nhân trị là mô hình pháp trị (người trị người qua luật). Khi đó, nếu người nắm quyền anh minh thì dân chúng, cộng đồng được nhờ, còn ngược lại thì dân cũng đành cam chịu. Mô hình đó kéo dài trong suốt thời đại nô lệ và thời đại phong kiến như sách vở đã ghi.

Thế giới đã từng bước từ bỏ mô hình nhân trị vì con người khi nắm được quyền thế thì rất dễ nảy sinh thiên vị cho người thân và giành lợi ích cho riêng mình, một người có "quyền" sẽ tạo nên cả trăm người xung quanh có "thế" và sự tư lợi, tham lam nảy nở. Do đó, một mô hình xã hội mới được ra đời. Đó là chế độ cộng hòa, người dân có được quyền "dân chủ tự do trong cuộc sống".

Trong thể chế mới đó, quyền lực tối cao của một cộng đồng là do mọi thành viên của cộng đồng đó góp vào, mục đích tồn tại của quyền lực là để bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Nội dung sự bảo vệ lợi ích cộng đồng được thể hiện cụ thể bằng những điều luật và được mọi thành viên tôn trọng (như hiến pháp, hệ thống luật pháp quốc gia...).

Bộ máy quyền lực được xây dựng để thực thi những luật lệ nhằm bảo vệ lợi ích của cộng đồng, là công cụ của cộng đồng nhằm thực thi quyền lực trong cộng đồng. Những người lãnh đạo bộ máy quyền lực được các thành viên trong cộng đồng lựa chọn qua bầu cử. Họ thay mặt tất cả thành viên trong cộng đồng điều hành bộ máy theo luật định. Như vậy, quyền lực chỉ tồn tại thông qua sự vận hành của bộ máy theo quy định của luật pháp.

Có một yếu tố cần phải giải quyết là ai sẽ là người làm luật, ai sẽ là người đứng ra đại diện lợi ích cộng đồng và lợi ích của cá nhân để phán xét những điều đúng sai khi hành xử theo pháp luật. Mô hình tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) vì thế đã ra đời. Người nắm một trong ba quyền thì không được "kiêm nhiệm" thêm vai trò trong hai quyền còn lại. Mô hình này còn được gọi là mô hình pháp trị, là cơ sở của nền dân chủ tự do.

Rõ ràng, mô hình pháp trị là tiến bộ hơn so với hai mô hình có trước đó. "Quyền" đã được phân tán và bị kiềm chế, nhưng "thế" thì vẫn khó giảm, vì "thế" rất vô hình, đến khi cần thì có thể chuyển thành "quyền" ngay để giúp những người thuộc "nhóm lợi ích" gặt hái đặc lợi một cách hợp pháp.

Vì vậy, ở nước ta, nơi mà một cơ chế dân chủ tự do còn non trẻ (chỉ mới hình thành được vài chục năm) thì đương nhiên còn nhiều khiếm khuyết và bất cập. Đó là chưa nói đến khía cạnh văn hóa, bởi trong xã hội còn mang nặng những yếu tố phong kiến của lịch sử thì việc hành xử quyền thế để lãnh đạo quốc gia không hề dễ dàng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đã xảy ra bao điều bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn tài nguyên, nguồn vốn xã hội, từ đó tạo ra biết bao đặc quyền, đặc lợi cho những kẻ "dựa thế dựa quyền". Xem ra, con đường tạo dựng nên một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh còn dài.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không phấn đấu để đi nhanh hơn, vươn lên từng bước nhắm đến mục tiêu là xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền. Chúng ta sẽ vượt lên được chính mình nếu từng thành viên trong bộ máy quyền lực quốc gia, bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp ở mọi cấp đều công khai, minh bạch. Khi đó, những đặc quyền đặc lợi, những "nhóm lợi ích" gây tiêu cực cho kinh tế - xã hội của đất nước sẽ bị giảm thiểu và cuộc sống của mọi người dân sẽ tốt đẹp hơn.

Bộ máy quản lý hành chính nhà nước của nước ta hiện nay gồm bốn cấp (phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành và Trung ương). Ngoài những tiêu cực thể hiện ở những nhóm có đặc quyền đặc lợi ra, còn có những tiêu cực tuy nhỏ hơn nhưng tác hại không nhỏ là làm mất nhân tâm, mất lòng tin của người dân đối với bộ máy hành chính ở các cấp.

Do cơ chế quản lý buộc chặt hoạt động kinh tế của người dân, của doanh nghiệp với quản lý hành chính lãnh thổ nên hệ thống quản lý kinh tế vừa bị trùng dụng vừa bị chia cắt (Trung ương có bộ nào thì tỉnh thành có sở tương ứng và cấp quận huyện có phòng quản lý nghiệp vụ tương ứng như cấp sở). Sự trùng dụng này làm cho bộ máy hành chính rất rườm rà, phải sử dụng một lượng cán bộ khổng lồ, tiêu phí ngân sách, nhưng tiền lương cấp cho cán bộ lại không đủ để họ đảm bảo cuộc sống. Đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự tham nhũng và nhiễu nhương người dân (có vậy công chức mới có thêm thu nhập).

Hiện nay, có một thực tế không chối cãi là lương của khu vực cán bộ nhà nước thuộc loại thấp nhất, thế mà của cải, tài sản của xã hội lại tập trung vào khu vực này nhiều nhất. Điều đó chứng tỏ quyền thế tạo ra của cải, quyền thế trở thành công cụ đem lại giàu sang một cách nhanh nhất và ít rủi ro nhất.

Điều nguy hiểm hơn nữa là hiện tượng hưởng lợi thông qua con đường bất chính như nêu trên đã lan sang mọi lĩnh ực như một căn bệnh truyền nhiễm trong xã hội. Ngay ở công ty tư nhân, nhân viên mua hàng không chỉ ăn gian giá, người tài xế mua xăng cũng ăn gian xăng và nếu không ăn gian được thì phải tìm một nơi có thể ăn gian ăn chặn được mới mua. Từ đó, người bán hàng cạnh tranh bằng cách chi riêng hoa hồng để người mua đến mình mua hàng. Chiều hướng phát triển hiện nay là mọi người đều tìm cách đưa hối lộ để làm một việc gì đó cho yên tâm, nếu không việc sẽ chẳng thành!? Văn hóa xã hội của nước ta đã tụt dốc đến mức như vậy!

Hãy quyết tâm cải cách bộ máy hành chính, tách quản lý kinh tế ra khỏi bộ máy quản lý hành chính, thay đổi cách nhìn đối với người dân để giảm đi những điều luật ràng buộc dân, từ đó tinh giản bộ máy hành chính công quyền, giảm đi sự tiếp cận trực tiếp của người dân với cán bộ nhà nước theo hình thức xin - cho. Nên tăng lương cho cán bộ nhà nước để họ nuôi sống được gia đình ở mức trung lưu. Có như vậy, sự công khai, minh bạch của bộ máy công quyền mới thực hiện được. Người dân mới có thể có được một cuộc sống dân chủ, tự do, công bằng và văn minh như chúng ta mong chờ.

Tác giả: PHAN CHÁNH DƯỠNG
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Previous Post
Next Post