Xung đột và ảo giác

Xung đột là chuyện thường ngày của con người ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Nó dễ dàng xảy ra trong một con người, trong một gia đình hoặc trong một phạm vi lớn hơn, giữa những sắc tộc hay giữa những quốc gia [1]; và mỗi khi xảy ra nó dẫn đến phá vỡ sự cân bằng của kinh tế - xã hội, đem lại nhiều thương vong hoặc thậm chí đưa đến tận thế! Vì vậy, nó là một vấn nạn lớn của nhân loại và cần phải được loại trừ.

Trong đạo Phật, xung đột có nguồn gốc từ những hý luận vọng tưởng được xem như một pháp hữu vi và bất thiện cần phải được chuyển hoá. Trong 45 năm thuyết pháp của Ngài, đức Phật thuyết giảng rõ về hai điều: Khổ và diệt khổ. “Này các tỷ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ thuyết giảng về khổ và diệt khổ.” [2]

Trong bài pháp đầu tiên tại Ba-la-nại khoảng hai ngàn sáu trăm năm trước đây, đức Phật chỉ ra nguồn gốc của khổ đau: tham ái hay sâu xa hơn là tà kiến. Trong một bài pháp khác, ngài dạy rằng, một người trí không có những hý luận, vọng tưởng thì không có tranh chấp với một ai ở đời:

“Này các tỷ kheo, dù bất kỳ nguyên nhân nào khiến hý luận vọng tưởng tấn công một người mà người ấy không hoan hỉ, không chào đón, không nắm giữ thì ở đấy có sự đoạn tận của những tùy miên: tham, sân, kiến, vô minh, chấp gậy, chấp kiến, tranh cãi, tranh chấp, xung đột, xung khắc, buộc tội, phỉ báng, nói dối. Bằng những cách này thì những trạng thái ác, bất thiện được chấm dứt không có dư tàn.” [3]

Một thái độ như vậy sẽ dập tắt mọi tranh cãi, tranh chấp, chiến tranh và tất cả những pháp bất thiện. Lời dạy đó đã được Ca-chiên-diên, một đệ tử của ngài, khéo léo giải thích như sau:

“Nhãn thức khởi lên do duyên của mắt và sắc; sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc, rồi xúc duyên sinh cảm thọ; cảm thọ duyên sinh tưởng; tưởng duyên sinh suy tư; suy tư duyên sinh hý luận – vọng tưởng, rồi chúng tấn công một người thấy sắc trong quá khứ, trong tương lai, trong hiện tại. Và nhĩ thức khởi lên do tai và tiếng…Và tỉ thức khởi lên do mũi và hương…Và thiệt thức khởi lên do lưỡi và vị…Và thân thức khởi lên do thân và xúc…Và ý thức khởi lên do tâm và đối tượng của tâm. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc, rồi xúc duyên sinh cảm thọ; cảm thọ duyên sinh tưởng, tưởng duyên sinh suy tư; suy tư duyên sinh hý luận-vọng tưởng, rồi chúng tấn công một người nhận thức đối tượng của tâm trong quá khứ, trong tương lai, trong hiện tại.” [4]

Ca-chiên-diên cũng thêm rằng khi không có sự gặp gỡ của ba pháp thì không có sự tấn công của hý luận và vọng tưởng.

Và những ai bị hý luận, vọng tưởng sai khiến thì có tà kiến. Đức Phật nói rằng thế giới thường có hai quan điểm, hiện hữu và không hiện hữu. “Có” là một thái cực; “không” là một thái cực khác. Do tham đắm chúng mà thế giới bị trói buộc. Những vị thánh thì vượt ra khỏi giới hạn của sự tham đắm này. Tránh xa hai thái cực, Như-lai thuyết giảng pháp Trung-đạo, theo đó mà chân lý được tìm thấy.

“Này Ca-chiên-diên, phần đông thế giới này bị trói buộc bởi sự phan duyên, chấp thủ và định kiến. Nhưng ở đây [với một chánh kiến] không bị trói buộc vào sự phan duyên, chấp thủ đó, tánh khí đó, định kiến đó, thiên hướng đó vị ấy không khư khư với quan điểm: ‘Đây là của tôi’. Vị ấy không giao động hay nghi ngờ khi thấy khổ do duyên sinh đang khởi lên và khổ do duyên diệt đang chấm dứt. Nhận thức của vị ấy thế là không bị phan duyên. Này Ca-chiên-diên, như vậy được gọi là có Chánh kiến.

“‘Tất cả có’, này Ca-chiên-diên, là một thái cực. ‘Tất cả không’ là một thái cực khác. Không theo những thái cực này, Như-lai thuyết giảng pháp Trung-đạo” [5].

Pháp bây giờ, theo Long-thọ (Nāgārjuna ) – một nhà tư tưởng và diễn giải lỗi lạc của Phật giáo, được gọi là Śūnyatā (Không tánh). Theo ngài, Śūnyatā có nghĩa là các pháp bất khả đắc (aprāptvya-śūnyatā). Các pháp hiện hữu một cách tạm thời và không gì là thường hằng theo luật Duyên-khởi (Pratītyasamutpāda). Có chỉ tạm thời và không cố định. Ngay cả Không cũng chỉ tạm thời và cũng không cố định. Vì vậy, cả hai đều không thực Có và không thực Không. Phủ định những tà kiến của sự tham đắm vào bất kỳ cái gì kể cả hai thái cực là Trung- đạo (Madhyamāpratipad). Phủ định và chỉ có phủ định mới có thể dẫn đến cái đích Tuyệt-đối, Chân lý tối hậu hay Niết-bàn. Và, đó chính là thuyết Bát-bất do Long-thọ đề ra trong bài kệ mở đầu của Trung-luận (Mūlamadhyamakakārikā) như sau:

“Tôi đảnh lễ Bậc Toàn giác,
Vị đạo sư tối thượng đã dạy,
Lý duyên sinh,
Niềm vui diệt tận mọi kiến chấp thế gian,
[Ở đó, mỗi sự việc được “đánh dấu” bằng]:
Không sinh, không diệt,
Không đoạn, không thường,
Không một, không khác,
Không đến, không đi.” [6]

Cái Tuyệt-đối là Không-tánh và tất cả mọi thứ cũng Không-tánh. Tuy nhiên, thật không đúng khi cho Không-tánh như là một loại Tuyệt-đối hiện diện đằng sau hoặc làm nền tảng cho thế giới hiện tượng, vì “Niết-bàn không khác với sinh-tử [7].”[8] Nó không phải là một thực tại riêng biệt. Đến đây, Không-tánh có nghĩa là không quan điểm hay không học thuyết; kể cả Tứ-diệu-đế (Cattāri-āriyasaccāni) – bài pháp đầu tiên của đức Phật cũng không thật nếu xét về phương diện tuyệt đối. Chỉ Chân lý tuyệt đối mới không duyên vào bất kỳ cái gì khác; nó là cái thật rốt ráo.

Ngày nay, trong một vài nghiên cứu về não bộ đã làm người ta chú ý, như là: “Việc nghiên cứu về sự hoán đổi cơ thể chỉ ra rằng ‘cái tôi’ là một sự đánh lừa của tâm thức”[9], theo tạp chí the Guardian. Theo đó, những nhà nghiên cứu não bộ đã thành công trong việc đánh lừa và làm cho người ta nghĩ rằng, mình đang ở bên trong một cơ thể của người khác hoặc một hình nộm bằng nhựa, nghĩa là, nhận thức của con người có thể là ảo giác.

Trong thời đại ngày nay, bất kỳ loại xung đột nào cũng dẫn đến khổ đau. Tệ nhất là dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc những thứ tương tự khởi lên từ những vọng tưởng bất thiện, nó là công cụ tàn bạo gieo rắc khổ đau cho tất cả mọi loài, hủy diệt sự sống trên hành tinh chúng ta. Là những Phật tử Việt Nam, chúng tôi nỗ lực hết sức để khởi động bánh xe hòa bình bằng sức mạnh của sự đòan kết với đồng bào trong trách nhiệm xây dựng lại quê hương thời hậu chiến. Chúng tôi hoạt động để mở rộng sự đoàn kết với mọi dân tộc trên thế giới, tạo những điều kiện để phát triển sự hợp tác hữu nghị và chung sống hòa bình, nỗ lực tạo ra nhiều khu vực phi hạt nhân trên toàn thế giới để bảo vệ sự tồn tại của toàn thể nhân loại.

Hơn bao giờ hết, Phật tử Việt Nam khắc sâu lời dạy của đức Phật - Đại Đạo sư:

“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh, an lạc,
Bỏ sau mọi thắng bại.” [10]

Để xây dựng một cảnh giới Niết-bàn ngay tại thế gian này, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? – Từ chính mỗi người chúng ta. Nếu không có con người lành mạnh làm sao chúng ta có thể mong đợi được một mối quan hệ xã hội lành mạnh. Nếu những tư tưởng Tánh-không hoặc Bất-nhị (advayatā) đối lại với những hý luận, vọng tưởng không thấm sâu trong nội tâm của mỗi người thì làm sao chúng ta có thể mong có được một thế giới hòa bình và hoà hợp thật sự.

TT. TS. Thích Tâm Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam - Bài phát biểu tại Vesak 2011 - Liên Hiệp Quốc, New York, Mỹ

Chú giải:

[1] “War”, Wikipedia, the free encyclopedia:…… những tánh khí thích chiến tranh được tìm thấy trong nhiều chủng loại nguyên thủy, kể cả loài người…

[2] Trung Bộ Kinh, I, dg. Thích Minh Châu, Sài Gòn: Đại học Vạn hạnh, 1973, tr. 140.

[3] Ibid., tr. 109-110.

[4] Trung Bộ Kinh, I, dg. Thích Minh Châu, Sài Gòn: Đại học Vạn hạnh, 1973, tr. 111-112.

[5] The Connected Discourses of the Buddha, A New Translation of the Saṃyutta Nikāya, Volume I, dg. Bhikkhu Bodhi, USA: Wisdom Publication, 2000, tr. 544.

[6] Mūlamadhyamakakārikā by Nāgārjuna, dg. Kenneth K. Inada, Sri Satguru Publications, Delhi, 1993, tr. 38-39.

[7] Sinh-tử chỉ cho thế giới hiện tượng (Saṃsāra: luân hồi).

[8] Mūlamadhyamakakārikā, 25, 19.

[9] James Randerson, “Body swapresearch shows that self is a trick of mind,” The Guardian, Wednesday 03 December 2008.

[10] Dhammapada (Kinh Pháp Cú), 201.

Nguồn: giacngo.vn
Previous Post
Next Post