Nguyên nhân nào đã gây nên những
khổ đau và phiền não cho chúng ta? Trong kinh điển thì ta cứ nghe nhắc đi nhắc
lại hoài là do sự tham ái, muốn và không muốn. Thật ra nếu bạn có dịp theo dõi
các trạng thái của tham ái trong tâm mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều rất là
thú vị. Nhưng tại sao tham ái lại là một vấn đề? Tại sao nó lại đóng một vai
trò quan trọng đến như vậy, và cả thế giới này lại bị khống chế bởi nó?
Trước hết chúng ta cần phải thấy
được sự khác biệt giữa sự thọ hưởng niềm vui (enjoyment) và sự tham ái
(desire). Nếu như bạn có một buổi ăn ngon thì bạn sẽ cảm thấy hài lòng. Sự thọ
hưởng niềm vui ấy đâu cần phải có dính dáng gì đến bất cứ một sự tham ái nào
đâu? Điều quan trọng là ta hãy để niềm vui được là một niềm vui, và không để nó
dẫn đến một sự thèm khát nào khác, thì đâu có gì để khổ đau! Nhưng làm sao ta
có thể có mặt với một kinh nghiệm mà trong ta lại không phát sinh thêm một sự
mong cầu thêm hoặc bớt nào đó?
Thật ra đó cũng là lý do mà chúng
ta cần phải thực tập chánh niệm. Năng lượng của chánh niệm có thể giúp ta thực
hiện được điều ấy. Nó giúp ta ăn và thưởng thức hạnh phúc của một buổi ăn ngon,
nhưng rồi không hề luyến tiếc. Khi nó qua rồi thì ta cho nó qua. Nó không hề
làm sinh khởi thêm một lòng thèm khát, tiếc nuối, ghét bỏ, mặc cảm, hay bất cứ
một phản ứng nào khiến ta lại phải lao phóng về phía tương lai. Nghe nói thì dễ
quá phải không bạn! Nhưng ta biết rằng, cố gắng luôn luôn thực hành được điều
ấy không phải là dễ, mà thật ra chỉ làm được trong vài lần thôi cũng đủ là khó
rồi!
Vào khoảng hơn 30 năm trước, tôi
có một bữa ăn “ba sao” ở thành phố Avallon, tại Pháp, với hai người bạn. Vào
một dịp nghỉ lễ cuối tuần chúng tôi lái xe đi từ thành phố Munich sang chơi. Theo luật của Pháp thì cả
trên toàn nước Pháp chỉ có được 12 nhà hàng là được cấp hạng “ba sao” mà thôi!
Buổi sáng hôm ấy chúng tôi phải
sắp đặt trước với một trong những nhà đầu bếp nổi danh nhất thế giới. Bữa ăn
được sửa soạn trước cả nguyên ngày, và chúng tôi bỏ nguyên buổi chiều tối cho
buổi ăn tuyệt vời ấy, được kết thúc bằng chai rượu nho armagnac 1907. Đó là một
buổi ăn ngon tuyệt vời nhất trong đời tôi. Giờ ngồi nghĩ lại tôi dường như vẫn
còn cảm thấy cái hương vị của nó. Ngày hôm ấy, tôi bị xô đẩy, lôi cuốn theo đủ
hết mọi phản ứng trong tâm: từ thèm muốn, đến mong đợi, đến hưởng thụ, sang
thỏa mãn; rồi khập khiễng trở về lại Munich
với một túi tiền rỗng không; rồi hối hận, và rồi trở lại thèm muốn mỗi khi nghĩ
tưởng đến nó. Truyền thống Dzogchen có câu: “Hãy để cái phát sinh ở lại trong
sự phát sinh”. Mà đó là chuyện đã xảy ra hơn 30 năm về trước rồi!
Vì vậy cho nên sự tham ái chính
nó chắc chắn là một vấn đề. Tại sao thế? Bởi vì ta sẽ không thể nào thỏa mãn nó
được. Và cái gì khiến cho nó không thể thỏa mãn được? Cái gì làm điều kiện cho
sự tham ái? Trong Tâm lý học Phật giáo, danh từ Pāli taṅha, chỉ cho lòng tham
ái, nó có nghĩa là sự “thèm khát” hay nói rộng hơn là một sự khao khát. Nếu
chúng ta nhìn trên vòng tròn 12 nhân duyên thì ta sẽ thấy rằng nguyên nhân của
sự tham ái là vedana. Thường thì chúng ta dịch “vedana” là “thọ”, feeling,
nhưng thọ ở đây không phải là một loại tình cảm. Thật ra, thọ ở đây là một cảm
xúc dễ chịu, hoặc khó chịu hoặc trung hòa, trong mỗi kinh nghiệm hằng ngày của
ta. Và đó cũng là một điểm rất cốt yếu trong đạo Phật – mỗi kinh nghiệm của ta
đều có kèm theo một đặc tính cảm xúc, trong Tâm lý học Tây phương gọi đó là một
sắc điệu cảm xúc (feeling-tone).
Bạn hãy thử nghĩ về điều ấy cho
sâu sắc đi! Đó thật là một tuệ giác rất phi thường. Lần tới trong giờ ngồi
thiền, bạn hãy tự dặn mình, chỉ cần trong vòng một phút thôi, bạn sẽ có chánh
niệm và ý thức rõ rệt về cái đặc tính cảm xúc của mỗi hơi thở, cảm thọ, cảm
giác, âm thanh, hay tâm trạng nào khởi lên trong tâm mình. Bạn chỉ cần cố gắng
ý thức được cái đặc tính dễ chịu, khó chịu hay trung hòa của giây phút tâm thức
ấy, của chính kinh nghiệm ấy thôi. Nếu như bạn có thể có mặt với một cảm giác
dễ chịu và để cho đó là một niềm vui, thì không có vấn đề gì hết.
Nhưng vấn đề là, nếu đó là một
kinh nghiệm dễ chịu, thì thường thường nó lại thúc đẩy ta có một sự tham ái -
mong muốn hơn. Nếu đó là một kinh nghiệm khó chịu, nó thường phát sinh lên một
sự ghét bỏ, xô đẩy, tránh né, muốn cho qua đi... Và nếu như sắc điệu của cảm
xúc ấy là trung hòa, một xả thọ, thì thường chúng ta không quan tâm, không chú
ý đến hoặc là hoàn toàn không hề biết gì đến nó.
Trên con đường tu học, mục tiêu
của chánh niệm không phải là để loại bỏ những kinh nghiệm dễ chịu hoặc khó
chịu, cũng không phải là để thoát ra ngoài những sự vui thích và đau đớn. Đó là
con đường của một lối tu khổ hạnh mà đức Phật gọi đó là “tà kiến”, một cái thấy
sai lầm. Nhưng chúng ta lại thường hay có một sự hiểu lầm ấy. Chúng ta không
bao giờ có thể nào loại trừ được những cảm giác dễ chịu và khó chịu đi kèm theo
với những kinh nghiệm của mình. Đó là một trong những tuệ giác quan trọng trong
đạo Phật. Chúng ta sinh ra là đã được “chạy dây” như vậy! Bất cứ một kinh
nghiệm nào của ta cũng được kèm theo với một đặc tính dễ chịu, khó chịu hoặc trung
hòa của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể nào vượt thoát ra được. Ngay cả
những bậc đã giác ngộ cũng kinh nghiệm những điều ấy trong mỗi giây phút của
các ngài. Và vì vậy mà mục đích tu tập của chúng ta không phải là làm sao để
làm gia tăng niềm vui đến tối đa và làm giảm bớt những nỗi đau đến tối thiểu.
Theo nhà Phân tâm học Freud, thì
đây cũng chính là cái động lực căn bản của cuộc sống. Ông gọi đó là “chức vụ
bản năng của tính dục – pleasure - principle functioning”. Thật ra, điều ông
khám phá cũng khá chính xác, nó cũng rất gần gũi với lời Phật dạy. Freud cũng
nghĩ rằng, theo quan niệm của ông thì chúng ta không thể nào làm gì khác hơn
được, vì những gì vui thích sẽ dẫn đến sự ham muốn, và cuối cùng chúng tạo dựng
nên một trạng thái thúc đẩy trong tâm thức, và rồi sai sử ta. Và những cảm giác
khó chịu hoặc đau đớn cũng vậy, chúng sẽ không tránh khỏi dẫn đến một sự ghét
bỏ và cuối cùng là tạo nên một thái độ sân hận và bạo động trong ta. Như vậy
thì làm sao ta có thể để cho niềm vui chỉ là một niềm vui mà không bị dính mắc,
và nỗi đau chỉ là một nỗi đau mà ta không hề tránh né nó?
Khi mới bắt đầu bước chân vào con
đường tu học, tôi thấy kết quả của sự thực tập rất là nhàm chán và khô khan. Có
một lần tôi nói với bà Dipa Ma, “Khi ta từ bỏ hết những sự ham muốn và ghét bỏ
đi rồi thì sẽ có được cái gì đây? Có cái gì khác ngon hơn không, hay hơn không,
tuyệt vời hơn không? Cuộc sống này sẽ buồn tẻ và chán chết được nếu ta không
còn thấy một cái gì là thú vị để hưởng thụ nữa!” Tôi ngạc nhiên khi bà Dipa Ma
phá lên cười to. “Không phải vậy,” bà nói, “Cậu không hiểu. Sự sống bây giờ đối
với tôi có đầy những nhiệm mầu và niềm vui hơn trước, so với lúc mà tôi còn
mang theo đủ mọi thứ hành lý lỉnh kỉnh với mình. Bây giờ thì mỗi giây phút, mỗi
kinh nghiệm có hương vị và đặc tính riêng của nó. Và giây phút kinh nghiệm kế
tiếp lại có cái hương vị riêng của nó”.
Và niềm tin của tôi, không phải
là những gì bà nói, mà là vì sự bật cười rất hồn nhiên của bà khi nghe câu hỏi
ấy của tôi.
Nguồn Tập San Pháp Luân 38