Chắc hẳn khi nhìn thấy cụm từ “Mặc
cảm tội lỗi” nhiều người sẽ liên tưởng đến trường hợp “mặc cảm Oedipus” nổi
tiếng trong tâm lý học của bác sĩ người Áo Sigmund Freud. Tuy nhiên tội ác/tội
lỗi thì nhiều hình nhiều vẻ, không chỉ dừng lại ở tội loạn luân giết cha-cưới
mẹ. Đằng sau đó là sự phức tạp, đa dạng của vô vàn những mặc cảm của kẻ gây
tội.
Bài này dựa trên những phân tích
tâm lý đối với hai nhân vật Raskolnikov trong tác phẩm “Tội ác và trừng phạt”
của Dostoevsky và Điểu trong tác phẩm “Một nỗi đau riêng” của Oe Kenzaburo nhằm
chỉ ra một cách sơ lược những “khổ hình tâm lý, những cây thập tự nặng nề” mà
con người phải mang vác trên vai trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
1. Raskolnikov
Trong văn học, nhân vật
Raskolnikov là hiện thân tiêu biểu cho chuỗi nhân quả, gây tội-sám hối và bị
trừng phạt. Là người sùng bái cuồng nhiệt Napoleon, biểu tượng của tham vọng và
quyền lực, Raskolnikov tin tưởng vào triết lý của kẻ mạnh. Anh tin rằng phải
dùng ÁC để trừng Ác. Sau cùng để giải phóng những ức chế tâm lý, Raskolnikov đã
quyết định đi giết Alyona Ivanovna, mụ già cầm đồ giàu có nhưng keo kiệt. Sau
đó vì bị Elizabet, em gái mụ bắt gặp, Raskolnikov đã giết luôn cả người em gái
để bịt đầu mối. Khi thực hiện xong tội ác, Raskolnikov lại rơi vào trạng thái
hoang tưởng. Anh nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh. Ngờ rằng họ đã biết sự
thật và sẽ đi tố cáo anh với cảnh sát, anh cũng quay sang nghi ngờ chính những
lí thuyết mà anh đã từng tin, để tự hỏi “ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có
quyền lực?”[1].
Sau chín tháng dằn vặt
Raskolnikov đã đến tòa tự thú. Trước tòa anh được giảm nhẹ hình phạt và bị đày
đi biệt xứ 8 năm khổ sai ở Siberia . Về điểm
này, là người theo chủ nghĩa nhân đạo, Dostoevsky đã mở ra cho nhân vật chính
một lối thoát. Sự trừng phạt của pháp luật là điều hiển nhiên, nhưng quan trọng
hơn đó là Raskolnikov còn phải đối diện với chính bản thân cùng những cật vấn
của lương tâm. Đây mới chính là hình phạt tàn khốc nhất mà một con người phạm
tội phải chịu đựng.
Raskolnikov không bị treo cổ mà anh
ta chỉ bị đày tới Siberia , ở đó Raskolnikov đã
tìm thấy niềm an ủi trong Kinh Thánh. Giống như triết gia cùng thời là
Kierkegaard, Dostoevsky cũng muốn đi tìm cứu cánh trong tôn giáo.
2.Điểu
Ra đời sau Tội ác và trừng phạt
hơn nửa thế kỷ. Một nỗi đau riêng lại có lối trình bày khác hơn về tính ác.
Người đọc hồi hộp dõi theo những dòng suy nghĩ triền miên của Điểu trong những
ngày có tính chất quyết định đối với cuộc đời anh. Giết hoặc để con anh, một
đứa trẻ bị thoát vị não, tồn tại. Thế giới nội tâm của Điểu là tấm gương phóng
chiếu những trăn trở, dằn vặt, những xâu xé “bẩn thỉu” trong tâm hồn.
Đối với Điểu và cả Himiko (người
tình thời sinh viên của Điểu) thì cuộc đời từ lâu đã bị bóng đen của nỗi chán
chường, sự cô đơn, tình trạng bất khả hòa hợp với cộng đồng bao phủ. Tuy rằng
kết cục câu chuyện có hậu (a happy ending), nhưng tương lai của Himiko vẫn là
dấu hỏi bất định. Còn về Điểu, anh đã quyết định chấp nhận sự tồn tại của đứa
con như một định mệnh: anh đã dẹp bỏ cái tôi ích kỷ để tiếp tục là Sisyphus,
lăn hòn đá thân phận suốt cuộc đời.
Kikuhiko, con Điểu, được đặt theo
tên người bạn cũ mà trong một đêm, khi cả hai đang tìm kiếm một bệnh nhân tâm
thần trốn trại, Điểu đã nhẫn tâm bỏ lại. Đồng thời với việc đặt tên con là
Kikuhiko, quá khứ tội lỗi đã biến thành hiện trạng mà Điểu phải giáp mặt – chấp
nhận đứa con mang ám ảnh tội lỗi hay khước từ quyền được làm người của nó. Sự
lựa chọn dành cho Điểu thật không dễ dàng. Nếu Kikuhiko con trai Điểu chết thì hình
phạt Điểu phải chịu sẽ còn khủng khiếp hơn cả cái chết.
Điểu không giết đứa trẻ, thì phần
nào anh có thể bớt day dứt hơn về tội lỗi anh đã tạo ra trong quá khứ. Buổi tối
khi Kikuhiko bạn Điểu bị bỏ lại một mình, anh ta đã nguyền rủa Điểu. Cuộc đời
Kikuhiko đã bị rẽ sang hướng khác, thay vì trở thành người bình thường nếu Điểu
tiếp tục ở bên cạnh, dùng sự ảnh hưởng chi phối đến tâm lý và cách sống của anh
ta thì giờ đây Kikuhiko lại trở thành chủ quán rượu của dân đồng tính. Bản thân
Kikuhiko cũng là đồng tính nam, chính Điểu đã vô tình đẩy Kikuhiko xuống vực
thẳm bị ngăn cách với người bình thường bằng bức tường khiếm khuyết, dị dạng.
Rắp tâm giết hại đứa con tật
nguyền, trong vô thức, Điểu đang khởi động trở lại vòng quay của tội ác. Việc
gặp lại người bạn Kikuhiko ví như một sự thức tỉnh. Điểu đã có tội với Kikuhiko
của quá khứ, giờ đây anh không thể gây ra điều tương tự cho Kikuhiko của hiện
tại. Thằng bé cũng đồng thời là con trai anh.
“Trở về vĩnh cửu là một ý niệm bí
ẩn”[2] và tội ác cũng vậy, nó luôn tìm đường tái diễn trở lại. Nhiều người
không thể kìm chế được những hành động man rợ, phi nhân bộc phát trong tâm tính
vì rằng không có khái niệm cái ác “hiện thời”, mà cái ác bằng cách nào đó đã ủ
mầm rất lâu chờ ngày triển nở. Chúng ta vui mừng cho Điểu vì anh đã tỉnh táo
quyết định chấm dứt sự qui hồi đó.
3.Tạm kết
Nhiều lúc chúng ta tự hỏi liệu có
phải đang có một sự gia tăng đáng lo ngại của cái ác trong xã hội và phải giải
thích như thế nào đây về trường hợp của những tên sát nhân máu lạnh như Nguyễn
Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… Phải! Chúng ta có quyền bi quan phần nào về thực trạng
trước mắt nhưng chúng ta không thể đưa ra một kết luận tuyệt vọng về con người,
bởi vì cuộc quyết đấu thiện-ác chưa đi đến hồi kết. Nó vẫn ở phía trước và tùy
thuộc rất lớn vào mỗi người (hi vọng cái thiện sẽ chiến thắng chứ không phải là
một Ragnarök – trận chiến giữa 2 lực lượng ánh sáng và bóng tối trong thần
thoại Bắc Âu mà phần thắng lại thuộc về bóng tối/cái ác).
Tôi nói như thế vì những bản năng
nguyên sơ, tối tăm trong con người luôn luôn chờ cơ hội để thức giấc. Khi đó xã
hội và tha nhân sẽ phải gánh chịu những hệ lụy đau xót, thương tâm. Tôi tán
đồng với quan điểm khi cho rằng mỗi người đều có khả năng trở thành những tội
phạm trong tương lai và khi cái ác đã bắt rễ sâu trong tâm hồn thì thật khó để
nhổ bỏ tận gốc được. Cái ác, vì vậy, cần phải bị ngăn chặn ngay từ trong trứng
nước, trong đó việc giáo dục thế hệ trẻ được xem như hệ thống miễn dịch hữu
hiệu nhất giúp đề kháng cái ác. Đồng thời chúng ta cũng cần biểu dương, khuyến
khích điều thiện và người hành thiện.
Tuy nhiên, hiện tại tôi không
hiểu tại sao trên các phương tiện truyền thông đại chúng người ta lại cứ chăm
chăm khai thác và phô bày quá nhiều hình ảnh tàn ác, phi nhân của con người mà
quên rằng cái thiện vẫn tồn tại đâu đó xung quanh chúng ta. Với tôi, tôi chỉ hi
vọng tôi sẽ không còn bao giờ phải nghe đến những cái tên “rùng rợn” như Lê Văn
Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.. nữa.
Chú thích:
[1] “ta là con sâu con bọ run rẩy
hay ta có quyền lực?” Trích Tội ác và trừng phạt Dostoievski
[2] “Trở về vĩnh cửu là một ý
niệm bí ẩn” Trích Đời nhẹ khôn kham Milan Kundera
Tài liệu tham khảo:
Một nỗi đau riêng, Kenzaburo Oe,
người dịch Lê Ký Thương, NXB Văn Nghệ TP.HCM 1997
Tội ác và hình phạt, Dostoevsky,
người dịch Cao Xuân Hạo, NXB Văn học 2011