Số Đời Một Hơi Thở

Đức Phật Trần Nhân Tông từng nói :

Số đời một hơi thở
Lòng người hai biển bạc
Cung ma chật hẹp lắm
Nước Phật khôn xiết xuân
(Đây là lời nói của một vị vua. chúng ta hết sức lưu ý điều này)

“Đời người một hơi thở”

Con người thường nói “trút hơi thở cuối cùng” là gì? Khi người chết là hơi thở trút ra mà không thở vào được, thế là chết. Đức Phật đã chọn quán hơi thở làm một trong những phương pháp điều tâm để đạt thánh trí. Nhưng đa số độc giả đọc đến bài kinh tứ niệm xứ thường không quan tâm đặc biệt về giá trị thực tiễn của bài kinh mà hay phóng tâm đi tìm những chuyện phức tạp, rắc rối và có vẻ “mật không phổ biến” mới thoả mãn tâm lý của mình. Chúng ta thường bị tâm trí đánh lừa, tâm trí thường dẫn dắt con người ra khỏi thực tại để dấn thân vào mơ mộng. Kỹ thuật kiểm soát hơi thở chính là phường pháp rất hữu hiệu giúp ta ở trong tình trạng của thực tại. Thực tại là vắng bóng của tâm trí, thực tại sẽ phát huy sự mầu nhiệm của tâm để đời sống tâm linh của chúng ta làm chủ tâm trí và lúc ấy chúng ta sẽ được hạnh phúc. Nhờ vào phương pháp kiểm soát hơi thở mà thánh trí phát sinh mới nhận ra được “đời người một hơi thở”.

Cuộc đời chúng ta thật quý giá nhưng luôn bị đe doạ giống như một người đang giữ một vật quí báu nhất trần gian thì mạng sống luôn bị đe doạ từ nhiều phía vậy. Con người thật sự quý giá vô cùng, không vật gì, thứ gì quý giá hơn nhưng lại bị đe doạ trầm trọng bằng một hơi thở! Đừng tin tưởng rằng thở ra, thở vào là quyền của chúng ta. Chúng ta thật sự không có quyền đó. Luật vô thường mới có quyền đó. Nhưng chúng ta lại không thể mua chuộc hay nịnh bợ hoặc thoả thuận gì được với luật vô thường. Do vậy con người phải thức tỉnh được điều này mà dừng bớt lại bao nhiêu tham vọng, bao nhiêu ý đồ, bao nhiêu mưu lược để hơn thua nhau, để chiếm đoạt nhau, để nhận chìm nhau, tiêu diệt nhau.

Do vậy đừng tin tưởng vào quyền năng của lý trí, của ý muốn mà hãy quay về thực tại và ý thức về luật vô thường, thiết kế lại đời sống của mình trong tình trạng chúng ta không thoả thuận gì được với luật vô thường. Phải biết rằng “đời người một hơi thở”, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sống với ý thức ấy trong cuộc đời của mình.

“Lòng người hai biển bạc”

Nếu thánh trí phát sinh ta dễ thấy được “lòng người hai biển bạc”. Lòng người ở đây là tâm của con người. Tâm vốn thênh thang không bị giới hạn, không bị cột chặt vào bất cứ thứ gì. Tuy thế tâm con người lại thường bị lệ thuộc vào hai cảnh giới mộng ảo đó là lòng tham về danh và lòng tham về lợi. Hai lòng tham này cũng vô bờ bến tạo ra hai thế trận chôn chặt thân tâm con người. Tâm không ngã vào lợi thì cũng ngã vào danh, hai thế trận này đã trở thành tâm thường xuyên của con người! Và con người khó vượt ra hai biển tham danh, tham lợi quá. Từ gọng kiềm của hai biển tham danh, tham lợi này mà phát sinh ra vô lượng tâm trí để phục vụ cho hai biển tham này.

Ở đây chúng ta cũng có thể thêm vào một biển nữa là biển tình ái. Biển tình ái cũng mênh mông và chôn chặt con người không ít, có nhiều khi cả đời người. Khi về già thì biển tham danh, tham lợi có thể cạn nhưng chưa chắc biển ái tình đã cạn. Trong lúc còn sức khoẻ thì biển ái tình này thường pha lẫn vào hai biển tham danh, tham lợi, nhưng khi càng về già, nhất là sự già nua của tứ đại thì biển tình ái dần tách ra hai biển kia và chi phối con người về mặt tâm lý nên trong thực tế cuộc sống cũng không ít người già bị biển ái tình hành hạ làm khổ đời mình và làm khổ nhiều người khác, làm khổ lây cho xã hội.

Do vậy, con người phải thường xuyên tỉnh táo, nhận biết tác hại của các biển tham danh, tham lợi, tham ái tình để tâm chúng ta trở lại cõi tự do mênh mông của nó - cõi niết bàn. Ở cõi tự do ấy có sự khoái lạc đặc biệt mà sự khoái lạc của sự thoả mãn danh, lợi, ái tình không thể sánh được. Mà thực ra có ai thoã mãn được với ba biển tham lam ấy đâu. Lòng tham là vô đáy thì làm gì có chuyện thoã mãn.

Các biển tham ấy đã tạo ra địa ngục, tạo ra cung ma cai quản đời người nên đức Phật Trần Nhân Tông đã nêu lên trong bài kinh “Cung ma cai quản chặt”. Con người phải biết tỉnh táo và nhận biết về cung ma nơi chính tâm mình. Tâm mình đã trở thành cung ma thì cảnh vật xung quanh cũng là thế giới ảo của ma vì cảnh bên ngoài là ảnh của tâm vậy. Hằng ngày hằng giờ chúng ta phải thường kiểm điểm xem tâm mình có đang là cung ma của chính mình hay không? Khi con người nhận biết được tình trạng ấy thì cung ma dần dần sẽ tan biến để trả lại cho tâm của chúng ta tính linh nguyên thuỷ của nó.

Lời kinh ghi: “Cõi Phật khôn xiết xuân”

Thế nào là cõi Phật? Ở đây một thực tế đầy hấp dẫn nhưng ít ai thưởng thức được. Thực tế đó là trạng thái tâm vô nhiễm của chính chúng ta. Tâm không nhiễm phàm cũng không nhiễm thánh. Thực tế ấy có sẵn ở mọi người. Nếu chúng ta nhận biết được điều này thì hạnh phúc hiện tiền.

Những ai đã từng yêu, từng sống với tình yêu nam nữ và thực hiện các nghĩa vụ trách nhiệm trong tình yêu ấy đều thừa nhận rằng tình yêu có đẹp đến đâu, có tuyệt vời đến đâu rồi cũng không bằng giá trị của tự do. Trong trạng thái tự do thực sự cao quý hơn nhiều so với tình yêu nhưng tại sao con người lại ít ca ngợi tự do như ca ngợi tình yêu vậy? Quả thực con người có được bao nhiêu người sống với tâm trạng tự do. Chỉ có vài bậc thánh thôi ư? Không phải vậy đâu. Khi con người đã có kinh nghiệm ngự trị trong trạng thái tự do thì suối nguồn tình yêu chân chính sẽ tuôn chảy mãi không ngừng. Tình yêu của trạng thái tâm tự do là tình yêu tràn đầy, tình yêu được ban cho chứ không phải tình yêu để được thứ gì đó. Vậy khi con người muốn hưởng được cực lạc của tình yêu siêu việt thì phải tỉnh táo, nhận ra được trạng thái tự do của tâm Phật chúng ta.

Lời kinh nói “Cõi Phật khôn xiết xuân” nghĩa là ở đó chỉ có tình yêu vô điều kiện, thứ tình yêu ban cho mà không bao giờ hết, ban cho không điều kiện, không nhu cầu nhận lại điều chi. Đức Jêsu, đức Phật Thích Ca đã sống như vậy, đức Phật Trần Nhân Tông cũng đã sống như vậy cho hết trọn đời mình. Mùa xuân là mùa sinh sôi nẩy nở của thế giới, là mùa thảnh thơi của con người . Nếu chúng ta đừng để các lòng tham ái khống chế tâm thì tâm lập tức là “Cõi Phật khôn xiết xuân”.

 Trích Master Duy Tuệ - Số Đời Một Hơi Thở
Previous Post
Next Post