Quá khứ: Kho tàng hay chiến địa?

Người hiện tại vẫn thường nhắc đi nhắc lại một câu nói rất nổi tiếng: “Nếu bạn bắn vào quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ đáp trả bằng một viên đại bác”. Tại sao vậy? Chúng ta hãy thử hình dung như người Việt nói: “Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”.

Người ta còn nói rõ hơn : nói đi thì nhẹ nói lại thì nặng. Đấy, ở đời, lời nói như mũi tên bay ra khó mà dùng tay bắt lại, như người Trung Quốc bảo: “Nhất ngôn xuất ký, tứ mã nan truy” tức là một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi. Lời nói ra rồi thì sao, nó là mũi dao đã phóng đi, phóng lao phải theo lao, và rồi những chiếc lao phóng đi bay văng trở lại, kèm theo những chiếc lao của đối phương. Người Việt nói “Cái sảy nảy cái ung” cũng là theo nghĩa này.

Cũng có câu: “Sai một ly đi một dặm”, trong cuộc sống nếu ta không biết điểm dừng lại ở những ranh giới cần thiết, thì việc bé sẽ xé ra to, và lúc đó, đúng là, một đạn súng lục bắn đi nhận lại tiếng vọng của một viên đại bác. Để tránh điều đó, người Việt còn chỉ ra rõ ràng: đang yên đang lành lại bới rác lên mà ngửi. Quá khứ, cái gì đẹp vẫn dễ cắm thành cành lá cho hiện tại, cái gì xấu ủ thành rác rưởi, dần dần hoại đi, vậy mà có người không biết điều đó lại cứ bới tung rác lên, mùi hôi bay ra, vi khuẩn trỗi dậy, thế là không khí bình an trong gia đình bị nhiễm bẩn, chồng bị chọc rác lên ngửi, trả dũa chọc lại đống rác trong quá khứ của vợ, thế là kho tàng quá khứ biến thành, ở đó người ta đem binh khí ngày xưa tả xung hữu đột lẫn nhau. Binh khí ngày xưa đã hoen rỉ ký ức thời gian, vô tình chẳng biết gì, vậy mà khi đem và tỉ thí nó vẫn đầy uy lực sát thương với những kẻ không biết sợ việc “chơi dao”.

Quá khứ có đẹp không? Rõ ràng không có quá khứ thì không có hiện tại, mà theo triết học người ta quan niệm: quá khứ cũng không có mà chỉ có hiện tại trôi qua thì biến thành quá khứ. Không ai không có quá khứ của mình, như việc mình được sinh ra, mỗi ngày sinh nhật đến là ta đã có thêm một năm ngày sinh của ta trôi sâu vào quá khứ, rồi lớn lên đi học, mới đó ngày nào còn là học sinh, rồi thẹn thùng khám phá cảm giác hồi hộp bên người khác giới, giờ đây thành vợ chồng, tất cả trôi qua đều biến thành quá khứ.Quá khứ chính là cuộc sống hiện tại đã trôi qua, vì thế chẳng ai là không ngậm ngùi nhớ thương luyến tiếc quá khứ, như một lời bài hát: Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. Trường cũ còn đây bạn hữu đâu rồi?

Cuộc sống của con người có thể ví như một cái cây, hiện tại trước mắt là những cành lá đang giỡn gió, những quá khứ là những gốc rễ sù sì, nếu không có gốc rễ đó không có cành lá của hiện tại. Và người ta đã tôn vinh quá khứ một cách rất chói lọi rằng: “Một cá nhân không có quá khứ không khác nào một quốc gia không có lịch sử”. Một dân tộc có bề dày lịch sử văn hoá thì Viện bảo tàng của nó phải đầy ắp những bảo vật để chứng minh cho những giá trị của thời gian. Một con người cũng vậy, người đó không thể trở thành ưu tú nếu không từng có quá khứ. Quá khứ là gì? Là tuổi ấu nhi, là những bài học đến trường, rồi đến những bài học đầu tiên của tình yêu, rồi những thăng trầm vấp ngã - đứng lên trong hành trình cuộc đời. Thử hỏi một kẻ trai cũng như gái, trước đây chỉ là kẻ bạc tình bạc nghĩa, thì giờ đây hắn có thể sống tốt đẹp với ta không? Chắc chắn không! Vậy thì ta đừng bao giờ cật vấn bạn đời, mong bạn đời chỉ hờ hững qua loa với người khác, mà giành toàn bộ sự nồng thắm sâu sắc cho ta. Bởi một kẻ đã từng sống tuỳ tiện được chăng hay chớ với người khác, thì ới ta hắn cũng chỉ sống một cách: “Khi vui thì vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.

Mà thôi. Ở đời, người ta từng biết, một chiếc đàn hay không thể có một chiếc khoá kém, một chiếc dây tồi, hay một đinh ốc không ở đúng vị trí. Các huấn luyện viên bóng đã nói rằng, một cầu thủ đá chuyên nghiệp thì lúc nào cũng phải chuyên nghiệp, khi ra sân anh ta đá cách chuyên nghiệp, khi phải ngồi dự bị anh ta cũng phải nhẫn nại cách chuyên nghiệp biết nhường và nhìn người khác ghi bàn. Khi hết phong độ anh ta nghỉ thi đấu, chuyển sang làm huấn luyện viên thì cũng dậy dỗ các cầu thủ trẻ cách chuyên nghiệp. Kinh thánh có câu: “Một con ruồi làm chết thối cả lọ dầu thơm, một chút nóng giận làm nhẹ danh một người thông thái”. Vậy đó, đã là lọ dầu thơm, không nên để vật dơ rơi vào lọ. Vậy thì nếu bạn đời của ta có đáng ao ước, chàng hay nàng không thể là thứ trong quá khứ đầy rẫy những con ruồi chết. Hoặc giả, chàng hay nàng là thứ chẳng phải dầu thơm mà chỉ là thứ nước loãng toẹt không có con ruồi nào thèm xa chân vào, giá trị của quá khứ gần bằng không như vậy có gì để nói.

Quá khứ, như một nhà tư tưởng khẳng định: “Kẻ nào không ghi nhớ quá khứ chỉ là đứa vô ơn”. Tất nhiên, con người không phải là thánh, quá khứ của người ta đan xen cả tốt và xấu, cả thành công lần thất bại, cả chói sáng lẫn cái ê chề, nhưng người biết ghi nhớ quá khứ, đó là biết dằn vặt sám hối với những điều còn chưa tốt, để sống tốt hơn trong hiện tại. Bởi thế có thể nói chắc chắn rằng, một ông chồng hay một bà vợ không biết đếm xỉa đến quá khứ, vô ơn trước ký ức, thì hắn cũng đang thủ vai một đứa vô ơn ngay trong chính mối tình hiện tại - dù cho nó si mê xiêu đình đổ quán thế nào.

Vậy thì bạn chớ có bao giờ ảo tưởng, một kẻ tảng lờ quá khứ, là kẻ giành trọn tâm tình cho ta, nếu gã tảng lờ quá khứ tức là gã đang tảng lờ chính bản thân ta.

Quá khứ là gốc rễ của cuộc đời. Những gốc rễ đó chỉ có ý nghĩa khi nó biến thành cành lá, ra hoa kết trái trong hiện tại, bởi vì, một gốc cây cụt nào có ý nghĩa gì. Quá khứ hiện tại mà thành, và nó cũng chỉ có một cách sống duy nhất khi tham dự vào nghĩa vụ của hiện tại. Không có quá khứ suông, chỉ có quá khứ đã đào luyện hay đang dằn vặt rèn giũa người ta để biết sống tốt lành hơn trong hiện tại. Nhưng hiện tại sống bởi cái gì? Người ta nói, “con người được đánh giá bởi những dự định sống của mình”, không có con người lớn mà dự định nhỏ, cũng chẳng có con người nhỏ mà dự định lớn, “có chí làm quan, có gan làm giầu” là vậy. Cuộc sống chính xác ra là một hiện tại được bắt rễ từ quá khứ và phải tìm đến tương lai. Không có tương lai, cuộc sống chỉ là một điệu kèn ai ca của quá khứ. Chính vì vậy mà Hội nghị quốc tế khoan dung ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993, ông Fiderio Maygor, tổng giám đốc UNESCO đã tuyên bố “Cái nhìn về tương lai bằng bất cứ giá nào cũng phải thắng cái nhìn về quá khứ”.

Vậy chuyện tình hiện tại của chúng ta là gì? Chúng ta đang sống bên một bạn tình, chàng và nàng đều có quá khứ riêng, đó là bảo tàng của mọi người, là giá trị chí ít nên được tôn trọng, bởi lẽ quá khứ là sự tham gia trực tiếp đúc thành con người đó.

Tiếp theo, chúng ta chớ “bới bèo ra bọ”, hay “bói ra ma quét nhà ra rác”, bới quá khứ lên làm vẩn đục sự yêu thương. Quá khứ chí ít có quyền được xếp vào bảo tàng của nó.

Rút cục, cái cao nhất, cuộc sống cũng như tình yêu chỉ có thể hạnh phúc khi nhắm đến tương lai. Chừng nào tình yêu của chúng ta hôm nay còn sống đến ngày mai, tức là hiện tại thêm một ngày đã dò bước đến tương lai. Hãy trân trọng nó như đang đếm từng tờ lịch cho những đám cưới bạc, cưới vàng, cưới kim cương.

Previous Post
Next Post