Ly là lìa xa, rời xa. Bất thiện pháp là tham, sân, si, mạn, nghi, những thói quen, tật xấu, những điều suy nghĩ, những lời nói, những hành động làm cho mình khổ, người khác khổ. Bất thiện pháp còn gọi là pháp ác, pháp hung dữ, pháp làm khổ đau. Vậy, muốn lìa xa pháp ác thì quý Phật tử phải rèn luyện, tu tập ba đức: Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng. Quý vị nên lưu ý ba đức giải thoát này là để lìa xa các pháp ác, rất là khó tu:
Nếu không biết tu đúng cách thì sẽ hoài công, vô ích.
Không đủ nghị lực, bền chí, gan dạ, kiên trì, thì cũng bỏ cuộc tu hành giữa đường.
Nếu không cầu xin pháp chỉ thẳng, đập thẳng mạnh mẽ của Thiện hữu tri thức thì cũng khó mà tu được ba đức ba hạnh này vững vàng. Ba đức ba hạnh này là cốt tủy của Giới luật để thực hiện tâm ly dục ly ác pháp. Nếu Phật tử xem thường ba đức ba hạnh này thì con đường tu tập tới đây dù tu tập bao lâu cũng không có kết quả.
1 - Nhẫn nhục:
Thầy thường nhắn nhủ với quý Phật tử cũng như Đức Phật ngày xưa đã dạy: “Nhẫn một việc khó nhẫn, làm một việc khó làm”. Đó là nhắc nhở quý Phật tử ly dục, ly bất thiện pháp để nhập vào thiền định. Đây là một việc tu tập khó khăn vô cùng, chứ không phải ngồi tréo chân hít thở hoặc giữ tâm không vọng tưởng là thiền định. Nguyễn Thái Học đã nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đường đi không khó mà khó vì người không biết đường. Quý Phật tử cũng vậy, khi tu không biết cách tu mà tu theo kiến giải của các nhà học giả Đại thừa, thì đó là đường đi khó (vì chưa biết đường). Cố gắng đi mà đường đi không thu ngắn lại, chỉ đi lòng vòng, không có lối ra, như con kiến bò trên miệng lu.
Khi đã biết đường, thì dù cho khó đến đâu, chúng ta cũng đi đến đích, chỉ cần có ý chí là thành tựu. Cũng như quý Phật tử đã biết pháp tu thì mỗi bước đi sẽ thu ngắn quãng đường. Trước khi bắt tay vào việc tu tập cụ thể ở phần II của giai đoạn I này, tức là Ly Ác Pháp thì quý vị phải tu tập dứt điểm ở phần I là Ly Dục, hay ít ra quý vị cũng phải sống đúng Giới luật thấy những lỗi nhỏ nhặt đáng sợ, thấy lỗi mình không thấy lỗi người. Quý Phật tử phải hoàn thành tâm mình ly dục, nghĩa là hoàn toàn Ly Chấp Ngã.
Người chưa ly dục hoàn toàn mà vội ly ác pháp là một hành động điên đảo, tu tập như vậy là ức chế tâm, là nén tâm, chịu đựng, an phận. Cũng ví như người sống phạm giới, phá giới mà ngồi thiền nhập định thì chẳng có ích lợi gì.
Nếu người đang sống trong cảnh dục lạc thế gian, tâm chưa ly dục mà theo học hỏi những thiện pháp trong kinh sách thì chỉ mới gieo chủng tử ly dục, ly ác pháp của đạo giải thoát mà thôi. Không phải sự học hỏi, sự hiểu biết đó là ly dục, ly bất thiện pháp được mà còn phải tu tập nhiều nữa.
Nếu tâm chưa ly dục mà học hỏi kinh sách để tích luỹ giáo pháp giải thoát của Đạo Phật thì người này chỉ nuôi lớn lớn bản ngã ác pháp, chứ không ly dục, ly ác pháp được chút nào.
Nếu một người tâm chưa sống ly dục, mà thường học hỏi những thiện pháp trong kinh sách để làm kiến giải riêng của mình, rồi dùng đó xả ly ác pháp và tâm ham muốn của mình, thì không bao giờ ly dục, ly ác pháp được, mà đó chỉ là lối tu tập đè nén tâm mình, hoặc tránh né tâm mình, hoặc trốn chạy tâm ham muốn và ác pháp mà thôi.
Người nào đang sống trong dục lạc thế gian mà tu Thiền định thì chẳng bao giờ nhập được định cả. Nếu có nhập được thì cũng chỉ rơi vào tà thiền, tà định mà thôi.
Nếu một người còn sống trong dục lạc mà tu đức Nhẫn nhục, thì chẳng nhẫn nhục được gì, mà ngược lại, đó là lối tu tập nén tâm, ức chế tâm, làm cho tâm thêm đau khổ và thần kinh bị hưng phấn.
Nếu một người dùng hình thức bề ngoài để ly dục, mà trong tâm không ly dục, vội tu đức Nhẫn nhục, cũng chẳng tu nhẫn nhục được gì. Trái lại tâm hồn còn thêm đau khổ. Giống như quý Phật tử đã từng nói sự tu hành xả tâm phải “bằng máu và nước mắt”. Đó là sự tu sai, do nén tâm chịu đựng nên mới thấy sự khổ đau như vậy, chứ tu đúng thì tâm bất động, dù bất cứ pháp ác nào cũng không làm nó động tâm được.
Nên nhớ, ly dục là lìa xa cái tâm ham muốn, chứ không phải ly vật dụng, vật chất. Một người sống ở rừng núi không có vật dụng gì, như loài khỉ, vượn, người này ly vật dụng, chứ không ly tâm dục. Loài động vật cũng vậy, ly vật dụng, chứ không phải ly tâm dục của nó.
Người nghèo không có vật tùy thân, không phải là người ly dục. Người có đầy đủ vật chất trên thế gian mà không dính mắc vào những vật chất ấy, người ấy ly dục!
Người ăn thực phẩm dở mà không đòi thực phẩm ngon, không thích ngon, không chê dở, đó là người ly dục.
Người ăn thực phẩm ngon mà không đòi ăn thực phẩm dở, đó là người ly dục.
Người ăn thực phẩm dở mà đòi ăn thực phẩm ngon là người không ly dục. Ngược lại cũng vậy.
Người không thèm ăn thực phẩm này, thực phẩm khác là người ly dục.
Người còn thèm ăn thực phẩm này, thực phẩm khác là người chưa ly dục.
Ở cảnh động mà không đòi ở cảnh tịnh, là người ly dục.
Ở cảnh động mà đòi ở cảnh tịnh là người chưa ly dục.
Người mặc áo đạo, xuất gia tu hành mà tâm còn ham muốn cảnh thế gian là người chưa ly dục.
Người xuất gia tu hành mà tâm còn làm những chuyện cầu danh ở thế gian là người chưa ly dục.
Ở cảnh động, cảnh chướng tai gai mắt mà không bị động, không thấy chướng tai gai mắt là người ly dục.
Người nào luôn giữ tâm thanh thản là người ly dục.
Người nào luôn giữ tâm vô sự là người ly dục.
Người nào tâm không phóng dật là người ly dục.
Người nào tâm chưa vô sự là người chưa ly dục.
Người nào không giữ tâm thanh thản, tâm hay sanh chuyện này, chuyện kia, là người chưa ly dục.
Người thấy người khác có áo mới mà đòi hỏi áo mới là người chưa ly dục.
Người thấy người khác có áo mới mà không đòi áo mới là người sống an phận thủ thường, chưa phải là người ly dục.
Người thấy người khác có áo mới, mình cũng có áo mới mà không ham thích, là người ly dục.
Người đứng núi này trông núi nọ là người chưa ly dục.
Người sống trong cảnh tu hành này mà đòi hỏi cảnh tu hành khác là người chưa ly dục.
Sống trong hoàn cảnh này mà vui với hoàn cảnh này là người ly dục.
Người sống trong hoàn cảnh này mà đòi hoàn cảnh khác là người chưa ly dục.
Cùng một công việc có nhiều người làm, nhưng hôm nay không ai làm chỉ có một mình làm nên tâm sanh ra chướng ngại, đó là tâm chưa ly dục.
Còn biết bao nhiêu điều so sánh về vấn đề ly dục và không ly dục. Ở đây, Thầy chỉ nêu ra một số vấn đề cụ thể để quý Phật tử hiểu rõ trong khi tu tập ly dục cho đúng cách.
2 - Tùy thuận:
Điều quan trọng trong sự tu tập là luôn luôn tỏ lòng tôn kính ý kiến và việc làm của người khác. Đó là ý kiến và việc làm đúng, còn ý kiến và việc làm sai của người thì ta tuỳ thuận để ly ác pháp, nhưng không để lôi cuốn. Bởi vậy tu tập đức tuỳ thuận là một việc làm khó khăn vô cùng, không phải dễ làm. Chỉ có sống ly dục, tránh các duyên, và bảo vệ tâm giữ gìn sáu căn thì mới có thể ly dục, ly ác pháp dễ dàng mà thôi.
Tuỳ thuận có hai chiều, tùy thuận người và tùy thuận mình.
Tuỳ thuận người là tôn kính mọi lời nói, việc làm của người khác.
Tuỳ thuận mình mà tôn kính mình thì không khéo mình chạy theo dục và nuôi ác pháp, nuôi ngã của mình. Nên nhớ, tùy thuận mình là tùy theo khả năng của mình mà làm, tránh trường hợp nuôi dục, nuôi bản ngã. Tùy thuận là để ly dục, ly ác pháp và diệt ngã. Mục đích của nó không phải ở ý kiến và việc làm của mình, mà chính là để được tâm hồn giải thoát, an vui, thanh thản. Đó cũng là bước đầu ngăn chặn và chấm dứt các duyên nhân quả, không cho tiếp diễn theo nghiệp lực của nó.
3 - Bằng lòng:
Đức Bằng lòng tu tập rất khó. Nếu tu được đức Tùy thuận, đức Nhẫn nhục mà tâm chưa bao giờ bằng lòng thì tâm chẳng được an ổn, yên vui.
1. Tâm chưa an ổn yên vui thì tâm còn trong ác pháp, trong tâm dục. Muốn tu tập đức Bằng lòng thì phải lập hạnh tôn kính, kính trọng mọi người. Xưa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát lập hạnh kính trọng mọi người, mỗi khi gặp ai dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, vua hay quan, Ngài cũng đều cúi đầu đảnh lễ như tôn kính Phật. Nhờ tu hạnh tôn kính nên tâm hồn Ngài lúc nào cũng thanh thản, an vui, bằng lòng trước mọi cảnh, mọi việc, xa lìa các ác pháp, được giải thoát thành Phật.
2. Muốn tu tập đức Bằng lòng thì phải có Chánh kiến. Muốn có chánh kiến thì tâm phải ly dục, ly ác pháp. Nhưng bây giờ tâm quý Phật tử chưa ly dục, ly bất thiện pháp, còn đang tu tập đức Bằng lòng để ly ác pháp thì làm sao đây? Không có chánh kiến thì làm sao phán xét mọi người, mọi việc đúng sai? Không có chánh kiến thì làm sao hiểu người, hiểu mình bằng chánh kiến được? Do đó, muốn được chánh kiến thì ta phải can đảm, dũng mãnh nhìn nhận tất cả ý tưởng, lời nói, việc làm của người khác là đúng, là tốt, là thiện. Nhờ đó ta thực hiện đức bằng lòng dễ dàng. Dù là người hung ác, ngu khờ, đê hèn nhất trong xã hội, Thường Bất Khinh Bồ Tát vẫn kính trọng mọi người như tôn kính Đức Phật. Đó là hạnh bằng lòng, để thực hiện sự giải thoát trong tâm của mình. Khi thực hiện hạnh bằng lòng là quý Phật tử ly được ác pháp trong và ngoài tâm. Ly được ác pháp trong và ngoài tâm, quý vị mới có chánh kiến. Nên nhớ: chỉ có tâm Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp ta mới hiểu được mình và người bằng Chánh Kiến.
Tóm lại, phải tu tập ba đức (nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng), và ba hạnh (ăn, ngủ, độc cư) để ly dục, ly bất thiện pháp. Điều cần thiết và quan trọng nhất là phải triển khai trí tuệ vô sư, ly dục, ly bất thiện pháp.
Trong Đạo Phật có ba loại trí tuệ: văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ:
a. Văn tuệ: Trí tuệ hiểu biết bằng cách tích lũy kiến giải, tưởng giải của cổ nhân trong kinh sách, hoặc nghe thuyết giảng, hay học thuộc lòng. Trí tuệ này là trí tuệ tránh né, trốn chạy các dục, các ác pháp. Nó còn gọi là trí tuệ sở tri chướng. Càng học tập, càng tích luỹ nhiều thì kiến chấp, ngã chấp càng thêm sâu dày (bản ngã to lớn). Trí tuệ này rất nguy hại cho người tu hành đạo giải thoát của Đạo Phật. Xưa Ông A Nan vì có trí tuệ này mà sự tu hành trở nên chậm chạp.
b.Tư tuệ: Trí tuệ suy tư, nghĩ ngợi, tìm tòi, triển khai sự hiểu biết của riêng mình, không vay mượn trong kinh sách. Nó còn gọi là trí thông minh. Tư tuệ là trí tuệ thông minh của mình để phát minh những điều chưa ai làm được để hoá giải những sân hận, tỵ hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ, để thực hiện ba đức, ba hạnh cho rốt ráo. Bởi vậy tư tuệ là trí tuệ thông minh rất cần thiết cho sự tu tập ở giai đoạn I, tu ly dục ly bất thiện pháp. Nếu quý Phật tử không chịu triển khai trí tuệ này thì khó mà thực hiện được ba đức, ba hạnh. Nếu không thực hiện được ba đức, ba hạnh thì làm sao ly dục, ly ác pháp được? Đó là trí tuệ thông minh, vô sư trí của mọi con người, nên phải động não, làm việc thì mới triển khai được nó.
c. Tu Tuệ: Là trí tuệ do tu tập thiền định mà có. Nó còn gọi là Trí Tuệ Vô Sư Tam Minh; gọi tắt là Trí Tuệ Vô Lậu. Đây là trí tuệ siêu đẳng, viên mãn, thành tựu đạo giải thoát của Đức Phật. Nó được khai mở khi nhập Tứ Thiền, nó là một loại thiền định viên mãn đủ để dẫn tâm về Tam Minh, cho nên nó được xem là trí tuệ cuối cùng của Đạo Phật. Nó chứng minh rõ ràng sự làm chủ, nó chấm dứt sự khổ đau trong sanh tử luân hồi của chúng ta. Nó không giúp ích gì cho sự tu tập ly dục, ly bất thiện pháp. Nó chỉ là một sự minh xác chân thật, kiểm nghiệm lại sự thành tựu tu tập của chúng ta mà thôi.
Tóm lại, trong ba thứ trí tuệ: Văn, Tư, Tu, chỉ có Tư Tuệ là trí tuệ cần thiết cho ta để tu tập ly dục, ly ác pháp ở giai đoạn thiền thứ nhất. Nếu một người chưa ly dục, ly bất thiện pháp, thì không nhập định được. Nếu không nhập định được thì làm sao khai mở trí tuệ vô sư vô lậu được? Sư cô Minh Cảnh hiểu lầm là tu tập thiền định, rồi từ thiền định phát sinh ra trí tuệ vô sư, từ trí tuệ vô sư sẽ diệt sạch bản ngã, không còn lậu hoặc nữa. Đó là kiến giải của những nhà học giả Đại thừa, chứ không phải của hành giả, của người tu theo Phật Giáo.
Chỉ có Tư Tuệ là quan trọng và ích lợi cho sự tu tập của chúng ta, còn Văn Tuệ là sở tri chướng, Tu Tuệ chỉ là kết quả của sự tu tập để xác minh sự tu tập đã chứng quả rõ ràng. Nếu một người tu tập cẩn thận, có ý tứ, thận trọng giữ gìn từng lời nói, hành động; trong việc làm biết sống hoà hợp thương yêu và tha thứ cho nhau, không tỵ hiềm ganh ghét, không tranh đua hơn thiệt, không châm biếm mỉa mai, giữ gìn kỷ luật tu viện nghiêm túc, không vi phạm lỗi lầm, người đó là người ly dục, ly bất thiện pháp. Sống như vậy là tạo điều kiện, hoàn cảnh yên tịnh, thanh nhàn để cùng nhau tu hành. Sống mà nay tạo duyên này, mai tạo cảnh khác, khiến cho hoàn cảnh bất an, mất thanh tịnh thì mình tu khó, mà người khác tu cũng khó.
Đến đây Thầy xin chấm dứt bài pháp hôm nay. Quý Phật tử hãy ghi nhớ và cố gắng tu tập. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Sự giải thoát đang chờ quý vị ở phía trước nếu quý vị tu tập đúng lời Thầy đã dạy.
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây