Người ta cứ nghĩ làm cho người mình yêu vui vẻ tức là phải chấp nhận hy sinh phần vui vẻ của mình, nhưng chuyện ấy là có thật, hay chỉ là ảo giác ta tự huyễn hoặc mình?
Một buổi trưa đầu hạ, ngồi với cô bạn trẻ ở quán ăn, cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện tình éo le và đầy kịch tính. Cô có mối quan hệ với một người đàn ông đã có gia đình, vợ anh ta không thể sinh con được. Vì thế, họ dần lạnh nhạt với nhau. Cô trở thành một kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng” với anh này, có với anh một bé trai. Ngày bé đầy tháng, vợ anh đến, vừa dọa dẫm vừa dịu ngọt, bồng đứa bé mang về nhà nuôi.
Bà vợ nói: “Tôi hy sinh cho cô tồn tại trong mối quan hệ này, để chồng tôi có đứa con”.
Cô ấy bảo: “Tôi mới là người hy sinh, đẻ con ra rồi phải đứt ruột để mất con cũng chỉ vì muốn anh ấy có một đứa con“.
Cuối cùng cô ấy cho rằng: “Hy sinh hạnh phúc bản thân để người mình yêu có hạnh phúc, mới chính là tình yêu thật sự”.
Tôi hỏi cô ấy vì sao mình muốn người yêu được hạnh phúc? Cô trả lời em vui khi anh ấy vui, niềm vui của anh ấy chính là hạnh phúc của em. Tôi bảo như vậy em có hy sinh gì đâu chứ? Em làm mọi điều để người yêu hạnh phúc, thực chất chính là vì em, vì niềm vui của em cơ mà.
Vậy rốt cuộc có phải người ta đang thần thánh hóa hai chữ “hy sinh” ấy hay không?
Trong tình yêu, tôi chưa thấy ai hy sinh cho ai cả. Người ta tự gán vào mình cái mác “hy sinh” cho một hành động nào đấy có vẻ là như thế, nhưng thực tế khi họ làm những hành động đấy, rốt cuộc là chỉ để bảo vệ cho quyền lợi tinh thần và vật chất của chính bản thân.
Hai người yêu nhau, tha thiết đến mức nếu rơi vào hoàn cảnh, có thể chết cho nhau, hy sinh cả mạng sống mình cho người kia, họ cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, thường thì người ta chỉ nghĩ đến cái chết khi sự sống không còn hấp dẫn họ nổi nữa rồi, chấp nhận cái chết, để mình không còn lo sợ và suy tính về một sự sống vật vã cho người yêu. Chết cho mình dễ dàng hơn là phải sống cho người khác.
Ngày còn trong đại học, tôi từng bị mê hoặc bởi một cặp vợ chồng sinh viên cùng trường. Anh lớn hơn chị nhiều tuổi, có 2 con nhỏ. Anh học nghành kỹ sư, chị học nha. Đến hai năm cuối chị phải đổi đi học xa ở một trường nổi tiếng về nha. Anh vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm con đến khi chị ra trường. Lúc đấy tôi đã nghĩ anh thật cao cả, hy sinh sự nghiệp của mình để vợ tiến thân. Hiếm có người đàn ông nào như vậy. Nhưng sau này anh kể, có hy sinh gì đâu chứ, hai vợ chồng bàn tính, chị còn trẻ, còn có thể đi đường dài, học ngành dễ kiếm tiền, sau này anh sẽ được về hưu sớm, coi như anh “đầu tư” khôn ngoan vào vợ mình mà thôi.
Ngay cả tình yêu của người mẹ dành cho con là một tình yêu thiêng liêng nhất, sự hy sinh của người mẹ đôi khi chưa hẳn vì con, mà chính vì bản thân mình. Có những người mẹ làm lụng vất vả cho con ăn học thành tài, chỉ vì họ biết họ không thể có khả năng suốt đời nuôi dạy một đứa trẻ vô dụng bất tài. Trong cái phần thành công, hạnh phúc của con, có cả sự hãnh diện, có hạnh phúc ích kỷ của bà mẹ.
Như vậy, sự hy sinh trong tình yêu tồn tại mãi vì hành động đấy thể hiện bản năng TỰ yêu thương và chăm sóc bản thân của một con người. Chính vì thế, điều đấy mới bất tử.
Trưa hôm đấy, tôi nói với cô bạn trẻ một câu của Oscar Wilde “A thing is not necessarily true because a man dies for it” – Người ta chết vì một điều nào đó, không có nghĩa là điều đó có thật.
Lê Phương Thảo