Đâu là lời giải của bài toán đạo đức?

Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng đúng vào lúc này, trong xã hội lại dấy lên một nỗi lo lắng sâu sắc: sự xuống cấp về nhân cách và đạo đức đang ngày càng trở nên nghiêm trọng!

Đó là một bài toán lớn, RẤT LỚN, vì thực chất, vấn đề xuống cấp về đạo đức đã và đang trở thành một VẤN NẠN TOÀN CẦU, tương tự như VẤN NẠN KHÍ THẢI TOÀN CẦU. Cả hai vấn nạn này đều do chính con người tạo ra, đều là sản phẩm song hành của một nền văn hoá “dương tính” – nền văn hoá thực dụng đương đại lấy vật chất làm thước đo giá trị, thước đo văn minh và tiến hoá.

Nhưng càng ngày nhân loại càng cảm thấy rất khó có thể chấp nhận một hình ảnh tiến hoá đơn thuần chỉ có tăng trưởng vật chất nhưng tha hoá về tinh thần. Với thước đo thuần tuý vật chất, tiến hoá có nguy cơ trở thành phản tiến hoá, hoặc “tiến hoá ngược” như cảnh báo trong bức tranh sau đây:

Một trong những bậc thức giả đầu tiên nhận thấy nguy cơ phản tiến hoá của nền văn minh vật chất là vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nerhu [1889-1964]. Trong chuyến đi thăm Mỹ năm 1949, ông đã đến thăm Albert Einstein tại Princeton. Trong cuộc trao đổi lịch sử này, Nerhu phàn nàn:

“Nền văn hoá toàn cầu ngày nay tạo ra nhiều của cải vật chất, nhưng vô trách nhiệm đối với việc chăm sóc đạo đức của con người!”. Einstein đáp: “Vâng, nền văn hoá chăm lo đạo đức chính là nền văn hoá đông phương cổ truyền của các ông”[1].

Sự vô trách nhiệm đó dẫn tới một nghịch lý lớn: Vật chất tăng trưởng nhưng đạo lý suy giảm! Đó là nghịch lý “phú quý phi lễ nghĩa”[2], thay vì “phú quý sinh lễ nghĩa” như ngạn ngữ truyền thống đông phương đã tổng kết.

1. Khi đạo đức tỷ lệ nghịch với tăng trưởng:

Cách đây khoảng 200 năm, Napoléon nói: “Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ, đừng đánh thức nó dậy!”. Nhưng con sư tử đó đã thức dậy năm 1949, và đã thực sự vươn mình đứng dậy gầm vang từ nửa sau thập kỷ 1980.

Tuy nhiên, vị hoàng đế tinh tường của nước Pháp không thể đoán trước được rằng sau ông 200 năm, nhân cách và đạo đức của con cháu Khổng tử sẽ ra sao.

Câu trả lời có thể tìm thấy trong cuốn tiểu luận phê bình “Đối thoại văn học: Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê”[3] của Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc rất nổi tiếng hiện nay. Vương Sóc viết:

“Ở Canberra [thủ đô Úc], người Trung Quốc đến đó xây không ít nhà thổ, cướp đi khá nhiều phi vụ buôn bán mãi dâm của người địa phương, bởi vì kỹ viện của người Trung Quốc giá rẻ hơn. Một người bạn đã dẫn tôi đến một nhà chứa do người Thượng Hải kinh doanh. Tôi định thử đi một chuyến xem nó thế nào. Điều khiến tôi hết sức sửng sốt là con trai của ông chủ nhà chứa đã chơi gái trong đó. Tôi hỏi ông, sao không tìm cho cậu ấm một con ở? Ông đáp con ở ở đây đắt lắm. Tôi bảo nghề này của ông chẳng phải hái ra tiền đó sao? Việc gì phải để thằng con sau khi đi học về sống trong môi trường này? Lúc ấy vợ ông chủ từ nhà trong đi ra, bà vừa hầu hạ một khách hàng. Ba người trong nhà họ đều ở trong nhà chứa, khi thiếu người thì bà vợ thay chân. Mẹ kiếp, muốn có tiền người ta đã phát điên lên mất rồi”.

Nếu gia đình đó thuộc hạng người mà xã hội coi là cặn bã, kiểu sống phi luân của họ chẳng có gì lạ, thì hãy xem Vương Sóc nhận định ra sao về trí thức:

“Cho nên nói, vấn đề của giới trí thức Trung Quốc là không biết thành thật là thế nào … Đối với loại trí thức này thì điểm mù lớn nhất của họ không phải là sự vô tri về tri thức, mà là sự vô tri về nhân cách, về làm người … sự vô tri về linh hồn là điểm mù lớn nhất ….. Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô liêm sỉ. Đặc biệt là ở mặt đối xử với đồng loại. Sự tàn sát lẫn nhau giữa các con vật làm sao có thể tàn nhẫn hơn, vô liêm sỉ hơn sự tàn sát lẫn nhau giữa các con người với con người”.

Trong Phần V, mục 2, nhan đề “Có một sức mạnh dã man trong đời sống”, Vương Sóc viết những lời làm ta sởn gai ốc: “Bởi vì trong quá khứ, để có sự tiến bộ gì đó về chính trị chúng ta đã bỏ cái ba-lô đạo đức xuống từ lâu, đã vứt bỏ lương tâm và sự thành thực đi từ đời nào rồi, chứ không phải bây giờ mới như vậy… Đời sống hình như đã nhổ tận gốc tính người … Tê dại trơ lỳ về nhân tính, tê dại trơ lỳ về linh hồn, cuối cùng mẹ kiếp, ngay đến thể xác cũng trơ lỳ theo … Qua thất bại của cuộc đại cách mạng văn hoá, mới thấy chúng ta đã làm những chuyện vô liêm sỉ vào bậc nhất rồi”.

Đối với Vương Sóc, sự tha hoá đạo đức lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay là sự giả dối: “Chúng ta làm gì có cao thượng? Ngay cả sự thành thực, giới hạn tối thiểu của việc làm người, cũng không có, thì sự cao thượng chẳng phải là xa sỉ quá hay sao?”.

Tôi chưa từng đến Trung Quốc nên không thể đánh giá mức độ chính xác của những ý kiến nói trên, nhưng tư cách của Vương Sóc buộc tôi phải tôn trọng ông: Trong một cuộc thăm dò dư luận ở Thượng Hải đầu những năm 1990, người dân Thượng Hải được quyền bình chọn những nhà văn mà mình yêu quý nhất, Vương Sóc được xếp thứ ba, sau Kim Dung và Lỗ Tấn.

2. Khi khoa học không đếm xỉa tới lương tri:

François Rabelais, văn hào nổi tiếng người Pháp, ngay từ thế kỷ 16 đã cất lời cảnh báo tiên tri: “Khoa học không có lương tri chỉ là sự băng hoại của linh hồn!”.

Nhưng lương tri khoa học có vẻ như ngày càng trở nên xa lạ với những nhà khoa học bị lợi lộc cám dỗ. Một trong những lĩnh vực bị cám dỗ mạnh nhất hiện nay là nghiên cứu tế bào gốc [stemcells], vì tế bào gốc sẽ cho phép tạo ra các mô dùng trong y học phẫu thuật lắp ghép các cơ phận của con người, phục vụ cho những bệnh nhân tỷ phú trên thế giới.

Hãy đến thăm Công ty Stemcells ở California: Sau khi thành công trong thí nghiệm cấy não người vào não chuột, chuẩn bị thí nghiệm ngược lại, cấy não chuột vào não người, người chủ trì đề tài là Irving Weissman, giáo sư Đại học Stanford, bị báo chí chất vấn về nguy cơ thí nghiệm này sẽ xoá nhoà ranh giới giữa động vật và con người, Irving trả lời: “Vấn đề bạn lo lắng thuộc phạm trù của các nhà đạo đức học, còn giới khoa học chúng tôi không thể quy định đâu là giới hạn nghiên cứu”.

Tế bào gốc tốt nhất là tế bào bào thai. Vì thế, ngoài các bào thai có thể có bằng những con đường mà luật pháp không cấm, các trung tâm tế bào gốc đều nghĩ tới mọi phương pháp khả dĩ miễn là đạt được mục đích, trong đó có một phương pháp hữu hiệu là nhân bản vô tính để tạo ra bào thai người – nguồn tế bào gốc vô tận! Các bào thai này không cần để cho sống sót thành con người đàng hoàng như chúng ta, mà chỉ cần ngâm trong các bình thí nghiệm để lấy tế bào [!]. Vì nhân bản vô tính người thể hiện tính vô luân đến mức trầm trọng nên hiện nay nó vẫn bị cấm tại nhiều nước. Nhưng một số nhóm nghiên cứu, chẳng hạn như nhóm Antinori ở Ý, đã tuyên bố rằng sẽ tạo ra con người bằng nhân bản vô tính tại những nơi không bị luật pháp cấm, bất chấp sự nguyền rủa của dư luận.

Tại Úc, một công ty stemcells đã bị phát giác làm thí nghiệm cấy tế bào người vào nhân trứng lợn, và đã tạo ra một tế bào sống được 42 ngày. Thực ra tế bào này không tự chết, mà đã bị giết chết, vì khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy “cơ thể” của nó chứa cả ADN của người lẫn ADN của lợn. Nếu để nguyên cho nó sinh thành thì sao đây? Sẽ có một sinh vật mới ra đời, đó là một người-lợn hoặc lợn-người, một tác phẩm khoa học trứ danh không có gì có thể so sánh được [!]. Ai dám khẳng định rằng hiện nay một bào thai quái vật như thế không ngấm ngầm tồn tại trong một phòng thí nghiệm nào đó trên thế giới? Khi câu chuyện tế bào người-lợn ở Australia bị báo chí đưa ra ánh sáng, xã hội Australia đã thật sự rùng mình. Các em nhỏ đã lên tivi phát biểu rằng các em thấy sợ hãi. Tờ Daily Telegraph đã lên án gay gắt việc làm bất lương này, nhưng sau đó không nghe thấy ồn ào gì tiếp. Việc tầy trời như thế có vẻ như đã bị ỉm đi, không hề thấy xét xử giống như bao nhiêu vụ tội phạm khác.

Ngày xưa, lũ trẻ chúng tôi được xem một cuốn phim kinh dị nhan đề “The Ghost of Frankenstein” [Con quỷ của Frankenstein], sản xuất năm 1942, trong đó có một nhân vật nửa người nửa quỷ, ban ngày là người, nhưng ban đêm mỗi khi trăng lên lại biến thành quỷ. Đó là con quỷ làm tôi kinh hãi nhất trong đời. Tôi có cảm giác rằng một con người ra đời bằng nhân bản vô tính sẽ làm tôi khiếp sợ gấp 10 lần con quỷ của Frankenstein, nhưng tôi còn khiếp sợ các chuyên gia nhân bản vô tính người gấp 100 lần!

3. Khi khoa học phục vụ cho quỷ dữ:

Nếu khoa học được coi là một bộ phận của văn hoá thì tại sao một nhà khoa học như Werner Heisenberg, cha đẻ của Cơ Học Lượng Tử, lại có thể cam tâm làm tay sai trung thành cho chủ nghĩa phát xít? Chính Heisenberg chứ không phải ai khác, là người lãnh đạo chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler. Rất may là nghiên cứu của Heisenberg bị thất bại, nếu không thì thế giới sẽ ra sao? Ai sẽ phải trả giá nếu chương trình nghiên cứu của Heisenberg thành công? Lúc đó nhân loại sẽ đánh giá Heisenberg ra sao? Khi đó ông sẽ là một quỷ dữ hay một thiên thần?

Trong thâm tâm rất nhiều nhà khoa học hiện nay, Heisenberg vẫn là một “ông thánh khoa học số 2” sau Einstein. Tại sao một tên cai tù trong các trại giam của Hitler bị coi là một tội phạm chiến tranh, còn những nhà bác học cung cúc tận tụy trong việc nghiên cứu chế tạo những công cụ giết người khủng khiếp nhất cho Hitler lại vẫn được ngự trên ban thờ của khoa học? Sự phán xử của khoa học không đếm xỉa tới lương tri hay sao? Phải chăng đó chính là cái mà Vương Sóc đã phải dằn giọng mà nói rằng “Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô liêm sỉ”?

Tất nhiên có những nhà khoa học có trái tim nhân bản tuyệt vời, như Pierre Curie chẳng hạn. Trong diễn văn nhận Giải Nobel vật lý năm 1903, ông đã nói lên lời khẩn thiết: “Tôi thuộc trong số những người muốn nói gương Nobel, mong muốn khám phá của mình không bao giờ bị lợi dụng vào những mục đích chống nhân loại”. Vợ chồng ông đã tặng không cho người Mỹ công nghệ chắt lọc radium để dùng cho y học, không lấy một xu tiền bản quyền. Loại người như vợ chồng Pierre và Marie Curie hiện nay có còn không?

Một nhà khoa học nữ danh tiếng khác cũng có tấm lòng nhân bản cao thượng không kém gì Marie Curie, đó là Lise Meitner, người đã khám phá ra hiện tượng phân rã hạt nhân [cơ chế bị lợi dụng để chế tạo bom nguyên tử]. Meitner đã nguyền rủa những nhà khoa học phục vụ cho triều đại Hitler là một lũ hèn nhát, phản bội chính nhân dân Đức và phản bội toàn nhân loại. Bà không kể đích danh Heisenberg, nhưng chắc chắn Heisenberg nằm trong số bị bà coi là hèn nhát đó. Khi người Mỹ mời bà tham gia nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, bà cũng từ chối: “Tôi chẳng có gì để làm với một quả bom cả!”. Bà không muốn tham gia vào bất cứ một hành động chính trị hoặc quân sự nào chống lại nước Đức, mặc dù bà bị chính nước Đức xua đuổi. Đơn giản vì bà nhận thức được rằng sẽ là tội lỗi không thể sửa chữa được nếu để cho bom nguyên tử rơi xuống đầu nhân dân Đức. Tại sao một phụ nữ như Meitner có thể có quan điểm rất rõ ràng rành mạch về mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức như thế, trong khi Heisenberg và nhiều người khác thì không?
  
4. Khi nền tảng đạo đức bị huỷ hoại:

Và như chúng ta đã thấy, cuối cùng thì vật tế thần cho những cuộc “tế lễ chính trị” của những kẻ muốn thống trị thế giới lại là nhân dân Nhật Bản: Hai trái bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã để lại một vết nhơ vĩnh viễn trong lịch sử văn hoá nhân loại. Hơn bao giờ hết, lương tri bị đánh thức:

“Ngay từ cuối thế kỷ 19, người ta đã sớm tưởng rằng, với sự kỳ diệu của khoa học, con người có thể sẽ biết được mọi thứ và sẽ củng cố vị trí của mình như những chủ nhân ông thực sự của Vũ Trụ. Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của công nghiệp đã ra đời, dựa trên các khám phá khoa học – động cơ đốt trong, đường sắt, điện,… Nhưng hai trái bom nguyên tử rơi xuống HiroshimaNagasaki năm 1945 đã đánh dấu một cột mốc đen tối với chủ nghĩa lạc quan đó. Chúng ta đã thực sự trở thành chủ nhân ông của hành tinh, nhưng cũng là chủ nhân của sự tàn phá – sử dụng các hạt nhỏ nhất mà khoa học đã biết, chúng ta đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy. Ngày nay chúng ta đang phải chứng kiến một xu thế chống đối lại khoa học. Xu thế này kết tội rằng chúng ta đang lao xuống vực thẳm trong một tương lai chỉ toàn lặp lại những vấn nạn cố hữu của bệnh tật, đói nghèo và chiến tranh. Việc đốt nóng bầu khí quyển, vũ khí hoá học, nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, bệnh dịch như ebola, AIDS, … tất cả những điều này đều là sản phẩm song hành [byproducts] của khoa học trên con đường phát triển”. Đó là một trích đoạn trong phần mở đầu chương khoa học của cuốn “Ideas that shaped our world” [Những tư tưởng định hình thế giới của chúng ta] do Marshall Editions của Anh xuất bản vào thời điểm bản lề chuyển từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Toàn bộ nhận định trong cuốn sách này là nhận định mang tính tổng kết nhận thức của nhân loại trong suốt hai thiên niên kỷ đã qua.

Thực ra không cần phải đợi đến cuối thế kỷ 20 nhân loại mới giật mình nhận ra tính chất vô đạo đức của nền văn hoá thực dụng vật chất. Ngay sau thảm hoạ nguyên tử 1945 đã xuất hiện rất nhiều cảnh báo của những nhân vật được coi là thông thái bậc nhất:

Đó là cảnh báo của Max Born, một nhà vật lý xuất sắc từng đoạt Giải Nobel vật lý năm 1954: “Khoa học và kỹ thuật phá hoại nền tảng đạo đức của văn minh, và sự phá hoại đó là vô phương cứu chữa”[4]!.

Đó cũng là cảnh báo của Jawaharlal Nerhu: “Con người về phương diện kỹ thuật đã vươn tới những vì sao, nhưng lại không hề được trau dồi một tí gì về quan hệ giữa người và người. Và chính vì lẽ đó mà nền văn hoá đạo đức xã hội tụt lại xa đằng sau kỹ thuật”[5].

Tư tưởng của Nerhu đã được ái nữ của ông là Indira Gandhi, người đã hai lần làm thủ tướng Ấn Độ, nhắc lại nhiều lần dưới một dị bản khác: “Ngày nay khoa học kỹ thuật thì tiến lên, nhưng văn hoá thì thụt lùi”.

Sự thụt lùi đó chính là đầu mối của sự băng hoại đạo đức mà chính “ông thánh khoa học” Albert Einstein cũng phải cảnh báo: “Hãy thận trọng đừng biến trí tuệ thành chúa của chúng ta; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”.

Tại sao khoa học “cơ bắp” được tôn sùng như chúa? Vì nó tạo ra của cải vật chất, tức là mang lại tiền bạc và sức mạnh. Tại sao khoa học nhân văn ngày càng bị lép vế? Vì nó lo chăm sóc phần hồn của con người, do đó không trực tiếp tạo ra tiền bạc và sức mạnh “cơ bắp”. Một khi bị loá mắt trước tiền bạc, con người sẽ tôn sùng cái làm ra tiền và khinh thường cái không làm ra tiền. Đó là lúc họ đánh mất lương tri.

“Trong thập kỷ cuối của cuộc đời, Einstein thấy rằng chủ nghĩa tư bản, như được áp dụng tại phương tây, đã huỷ hoại nền giáo dục bằng cách đề cao mục tiêu chủ yếu là thắng lợi tiền bạc. Einstein nói: Một thái độ đua tranh quyết liệt để đạt tới thắng lợi tiền bạc đã ăn sâu vào đầu óc sinh viên”. Đó là một trích đoạn bài báo “Albert Einstein condemns superstition and exploitation” [Einstein kết tội mê tín dị đoan và bóc lột] của hãng Raab Collection, một hãng chuyên buôn bán những thư từ, văn kiện, bản thảo lịch sử. Chính vì những quan điểm như thế, cộng với thái độ chống chạy đua vũ trang, chống chủ nghĩa dân tộc, Einstein bị cơ quan FBI của Mỹ dưới triều đại Edgar Hoover xếp vào lớp trí thức cánh tả và bị điều tra theo dõi ngầm. Mãi đến gần đây hồ sơ này mới được bạch hoá.

5. Bài toán đạo đức của chúng ta:

Thưa đọc giả, chưa bao giờ những lời phàn nàn và cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội ta lại ồn ào như hiện nay. Trừ những người đang ngủ mơ trên đống của cải tích cóp được và những kẻ ích kỷ chỉ biết đến bản thân, còn đại đa số những người tỉnh thức và có lương tri đều không thể ngủ yên khi phải chứng kiến những chuyện đau lòng mà báo chí và các phương triện truyền thông đang hàng ngày đưa tin. Trong hàng đống thông tin đó, có một ý kiến đáng chú ý. Đó là bài viết "Đạo đức năm 2007 - Những nỗi đau không bao giờ cũ!” của Đỗ Lãng Quân trên Viettimes ngày 24-12-2007. Xin trích đoạn:

Mở đầu là vụ nhà hàng đặc sản thú rừng Thanh Loan ở Lương Sơn, Hoà Bình tra tấn em gái Bùi Thị Thương … Em Thương bị kẹp cắt thịt da bằng kìm sắt, que sắt nung nóng, bị ông chủ đánh đến ngất, ném vào chuồng lợn, xúc phân lợn đổ vào mồm bắt phải ăn hết. Chúng ta đang sống ở thời đại nào, thưa độc giả? …

Nhưng chúng ta đã vô cảm. Bằng chứng là vụ em Nguyễn Thị Bình, bị tra tấn suốt 13 năm trời, ngay giữa lòng Thủ đô. Bằng lột quần áo phơi sương, bằng thúc guốc nhọn và quật cả bó dây điện” … hai vợ chồng tên chủ quán cùng đánh, bằng dây điện chập lại, bằng kìm, bằng sống dao, bắt lột quần áo ra để đánh không chừa chỗ nào trên cơ thể cô thiếu nữ … Cơ thể em chằng chịt sẹo đến mức, khi bức ảnh do một PV TTXVN chụp cái lưng trần của em đăng tải lên báo, lên mạng, người cả trong và ngoài nước phải kinh hãi. Vợ chồng kẻ thủ ác bị bắt, nhưng cán bộ phường, công an khu vực cũng không thể thoát cái tội bàng quan, vô cảm đến nhẫn tâm. Họ có biết không? …

Mới đây nhất là chuyện bé gái Hồ Thị Bông, 9 tuổi, bị đối tượng chăn dắt Hồ Thị Ba [P19, Q. Bình Thạnh, TP HCM] tra tấn, hành hạ suốt 4 năm đến thân tàn ma dại, cái lưng em chụp trên báo đã nhuộm đỏ mắt người xem, bên cạnh là các dụng cụ tra tấn do con dã thú cái mang hình mặt người sử dụng … Tôi lại đặt câu hỏi:… Các vị có bao giờ hỏi han, ngắm nghía cháu bé và nghĩ rằng cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em cần xem cháu ở đâu, ở địa ngục hay ở thiên đường chưa? Chính quyền cơ sở, nơi em Bông sinh sống, các vị biết không? Đúng là chuyện con voi lọt qua lỗ kim.

Đến lúc “trâm gẫy bình tan” rồi thì chúng ta mới bày tỏ niềm xót thương và lớn tiếng đòi kỷ luật cảnh cáo cái bọn mất tính người [hành hạ các nạn nhân] … Nhưng, tôi xin hỏi: làm như vậy, có cứu vãn được cho cái tuổi thơ, tuổi trăng tròn của bé Bình, bé Thương, bé Bông đã bị đánh cắp và nhuộm máu, nước mắt không? Có cứu được những tổn thương, những sang chấn tâm lý [bị sốc] của hàng triệu triệu người khi phải đọc, xem, nghe, chứng kiến sự tàn độc kia không? … Tôi càng buốt lòng, khi mà vụ em Bình đang làm xôn xao dư luận tột độ, Báo Lao Động kịp thời đăng tải cái lời than xót xa và rất văn chương của bạn Phạm Thị [số ra ngày 18/11/2007]: “Jean Valjean không còn nữa. Những người đàn ông tốt trên đời này đi đâu cả”.

Còn rất rất nhiều chuyện đáng buồn khác, nào là ăn cắp, tham nhũng, vơ vét, bòn rút của cải nhà nước, lừa đảo, v.v. nhưng khuôn khổ một bài báo không cho phép kéo dài lan man, đành để một dịp khác vậy.

Nếu ai đó đến lúc này vẫn còn cho rằng những lời cảnh báo về “đạo đức xuống cấp” là chuyện cường điệu, “đao to búa lớn” thì nên dành thì giờ đọc cuốn “Đạo Đức Xã Hội ở nước ta hiện nay” của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Nhận định quan trọng nhất trong cuốn này có lẽ nằm ngay ở Lời nói đầu: “Đồng tiền lên ngôi, lối sống vụ lợi, vị kỷ, thực dụng, tôn thờ các giá trị vật chất, các tiện nghi tiêu dùng và hưởng lạc, sự trỗi đậy của chủ nghĩa cá nhân cực đoan... đã lấn át và làm xói mòn các giá trị tinh thần, làm hủy hoại đạo đức, nhân cách … Phát triển có nguy cơ biến thành phản phát triển bởi sự coi thường đạo đức và các giá trị nền tảng của đạo đức xã hội khi đi vào kinh tế thị trường. Tình trạng thương mại hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế đến mức nghiêm trọng và gây ra những hậu quả tai hại. Đạo đức của người thầy giáo và người thầy thuốc bị xâm phạm, làm vẩn đục, hoen ố các quan hệ con người, làm tha hóa nghiêm trọng con người, đạo đức và nhân cách.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người phải làm gì và nên làm gì để đóng góp vào việc giải bài toán đạo đức? Tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm quản lý xã hội, và đặc biệt là quản lý giáo dục, có trách nhiệm lớn nhất.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là mỗi cá nhân cứ ngồi chờ sự vận động của xã hội. Tôi cho rằng sự nghiệp giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, bởi vì gia đình là tế bào của xã hội. Cha và mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, khi xã hội ngày càng trở nên phức tạp, khi nhà trường ngày càng ôm đồm quá nhiều việc, và khi nhà trường không chú trọng đủ mức trong việc rèn luyện nhân cách cho học trò, hoặc có chú trọng nhưng sai về phương pháp, thì giáo dục gia đình lại trở nên tối quan trọng.

Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp giáo dục gia đình quyết định sự thành đạt của con cái. Xin kể một chuyện nhỏ:

Em Kiều Oanh học lớp 1 đúng vào thời kỳ “cải cách chữ viết”. Bố mẹ em không tán thành chữ viết cải cách, yêu cầu em phải viết đúng như cách viết truyền thống. Em phản đối, nói rằng cô giáo bắt phải viết đúng như cô dạy, nếu không sẽ bị điểm kém. Bố em nghĩ ra cách dung hoà: Đến trường em nên viết theo cách cô giáo dạy, để khỏi bị cô trừ điểm, nhưng về nhà em phải làm đúng như bố mẹ yêu cầu. Đến lớp 3, cô giáo lại bắt em không được viết 2m + 3m = 5m, mà chỉ được viết 2 + 3 = 5, nếu viết kèm đơn vị đo theo kiểu truyền thống sẽ bị trừ điểm. Một lần nữa, phương pháp “trung dung” của bố em lại được đem ra áp dụng. Một mặt, bố em dạy em phải tôn trọng cô giáo, mặt khác ông tìm cách “cứu” kiến thức cho con.

Lớn lên, KM học giỏi cả toán lẫn văn. Nhà trường đề nghị với gia đình nên cho em theo lớp chuyên toán hoặc chuyên văn, nhưng bố em chỉ cảm ơn và từ chối. Ông nói: “Ngày xưa, không cần phải có một lớp chuyên, trường chuyên nào cả mà vẫn đào tạo ra những con người xuất sắc, có ích cho xã hội. Đó là chưa nói đến sai lầm của những lớp chuyên, trường chuyên. Họ chỉ biến học sinh thành những cái máy thôi chứ không phải là những con người biết suy nghĩ. Điều quan trọng nhất là phải làm cho học sinh thích học. Nếu học sinh thích học thì chương trình phổ thông trước đây đã là quá đủ rồi, không cần phải chuyên gì cả”. KM đã trưởng thành theo đúng bài bản của bố, và nay đã trở thành một nhà khoa học xuất sắc.

Nhưng kỷ niệm giáo dục đáng ghi nhớ nhất trong đời KM là lúc cô lên đường đi du học [theo học bổng]. Bố cô dặn: “Con phải chú ý rằng ở nước ngoài cũng đủ các hạng người, có cả Jean Valjean lẫn Ténardier đấy con ạ. Con phải biết phân biệt các loại người để giao tiếp, đừng có tưởng cứ mắt xanh mũi lõ là văn minh đâu”. Khi biết chuyện này, tôi hỏi ông: “Tại sao anh lại dạy con như thế? Làm gì mà đến nỗi phải làm cho con cái có ấn tượng xấu về mắt xanh mũi lõ như vậy?”. Ông trả lời: “Là vì bây giờ xã hội ta sính Mỹ, sính Tây, sính ngoại ghê quá. Cứ nói đến Mỹ, đến ngoại là xuýt xoa ngưỡng mộ thán phục rồi bắt chước đến mức thảm hại. Nhiều cái lố lăng lắm. Thí dụ sính tiếng Anh đến nỗi nhập cảng cả tiếng Anh bồi, tiếng Anh chợ búa. Rồi cứ thế ra rả ngay cả trên tivi mới khổ chứ. Chưa bao giờ sự vô học lộ ra thảm hại như thế. Tôi lo con tôi ra nước ngoài mà thiếu bản lĩnh để rồi cũng lố lăng như thế thì buồn lắm, bao nhiêu công phu giáo dục sẽ vứt đi hết. Cảnh báo trước là vừa”.

Nhìn ra xã hội, tôi buồn biết bao khi thấy các ngành đại học nhân văn bây giờ thiếu sinh viên. Định hướng nghề nghiệp bây giờ là tiền, tiền, và tiền!

Đau đớn thay khi chúng ta được biết có những em bé bị đối xử như con vật, mà gần đây báo chí phanh phui tố cáo. Xét cho cùng, người có lỗi đầu tiên chính là cha mẹ các em. Cha mẹ đã bỏ rơi các em, hoàn toàn vô trách nhiệm với các em. Đó là chưa nói đến nhiều trường hợp bản thân bố mẹ chỉ mê cờ bạc, mê bi-a, mê chứng khoán, mê tửu sắc, mê kiếm tiền, mê chạy chọt, luồn lọt để kiếm chức tước, bổng lộc, v.v. chẳng mấy khi có mặt bên cạnh con cái để tâm sự chia sẻ, mọi việc phó mặc cho nhà trường thì còn nói gì đến chức năng giáo dục của bậc làm cha làm mẹ nữa. Chính những bậc cha mẹ đó phải chịu trách nhiệm trước tiên.

6. Hướng tới một nền văn hoá cân bằng Tâm-Vật:

“Thế kỷ XX là thời đại nhân loại thu được những thành tựu to lớn, đồng thời cũng là thời đại bộc lộ những tệ hại của văn minh hiện đại. Một mặt, nhu cầu vật chất của nhân loại được thoả mãn ở mức trước đây chưa từng có, mặt khác, tinh thần và tâm linh của nhân loại lại bị tổn thương ở mức trước đây chưa từng có … Sự phân hoá lưỡng cực cao độ đưa ra trước mắt mọi người một bức tranh về sự rất mất nhân đạo của nhân loại. Sự phát triển cao độ của kỹ thuật … cũng thành ra một vũ khí sắc bén để nhân loại tàn hại lẫn nhau … người ta vốn là đứa con của tự nhiên, giờ đây họ muốn lấy trí thức và kỹ thuật làm chỗ tựa, hy vọng trở thành chủ nhân của tự nhiên. Thế rồi họ làm những việc lay trời chuyển đất, tát đầm bắt cá, kết quả là phá vỡ sự cân bằng sinh thái vốn có của giới tự nhiên, từ đó mà khiến nhân loại gặp phải nguy cơ là mất đi chỗ dựa sinh tồn.

Con người hiện đại sau khi thoát khỏi gông cùm của “chủ nghĩa cấm dục” truyền thống, đi đến chỗ phóng túng không biết đến kiêng kị là gì, cuối cùng đau đớn cảm thấy rằng cuộc sống chẳng còn gì đáng gọi là hứng thú nữa. Ngoài ra bởi sự chủ tể của kỹ thuật đối với con người, tác động vạn năng của đồng tiền, sự tha hoá nhân tính và sự lầm lẫn ngọn nguồn của giá trị … không thể không khiến người ta đau đớn cảm thấy sự chìm lấp ý nghĩa nhân sinh: Người ta ở đời, vội vã tất tả, cũng có không ít sự lạnh nhạt, phiền muộn, hèn kém, dối trá, thống khổ, kinh hãi, vậy ý nghĩa rốt cuộc là ở đâu nhỉ?”.

Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc Lý Tường Hải, được dẫn ra ở đây để chỉ ra rằng khuyết tật chủ yếu của nền văn hoá thực dụng vật chất đương đại là sự thiếu hụt chữ TÂM.

Vậy, lối thoát duy nhất cho bài toán đạo đức là bổ sung cho nền văn hoá “dương tính” đương đại những giá trị mà nó bị thiếu hụt để đưa nó về trạng thái hài hoà cân bằng: Cân bằng tâm-vật, cân bằng trí-đức, cân bằng đông-tây, cân bằng cổ-kim, cân bằng âm-dương, …

Đó chính là sự vận dụng Nguyên Lý Cân Bằng Âm Dương của Đạo học đông phương + Nguyên lý bổ sung [Complementary Principle] của Niels Bohr vĩ đại: “Trái ngược không phải là mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau”.

Cái thiếu hụt lớn nhất của nền văn hoá đương đại là chữ TÂM.

Việc bổ sung chữ Tâm ấy phải được thực hiện theo một hệ thống giáo dục mà nền minh triết đông phương từ lâu đã chỉ rõ: “Mất Đạo phải giữ Đức, mất Đức giữ Nhân, mất Nhân giữ Nghĩa, mất Nghĩa giữ Lễ, mất Lễ là mất hết”.

Phạm Việt Hưng, 23-07-2008

Chú thích:

[1]: Einstein rất ngưỡng mộ Phật giáo. Ông từng ca ngợi Đức Phật là nhân vật vĩ đại nhất.

[2]: Xem “Phú quý phi lễ nghĩa” của Phạm Việt Hưng trên Văn Nghệ Trẻ các số 47, 48, 49 năm 2003.

[3]: Bản dịch tiếng Việt của Vũ Công Hoan, NXB Văn Hoá Dân Tộc xuất bản năm 2000.

[4]: Xem “Cảm nhận gia đình” của Tương Lai trên Tia Sáng số 12/Tháng 7-2003

[5]: Tài liệu đã dẫn ghi chú [4].
Previous Post
Next Post