Từ “Nhân cách” bao quát môt phạm
vi rộng rãi gồm cả tâm lý, cá tính, thái độ cư xử ở đời, khả năng kiềm chế tâm,
phong thái biểu lộ ra ngoài nơi cử chỉ...
Có những nhân cách vĩ đại như các
bậc thánh muôn đời được truyền tụng như Socrate, Jésus, Đức Phật, Lão Tử, Khổng
Tử, San Francisco, Martin de porres, Gandhi, Vinoba, Trang Tử, Vương Dương
Minh... Rồi trong mỗi tôn giáo có các bậc Thánh riêng biệt được các tín đồ
ngưỡng mộ mãi mãi như các vị thánh của Thiên Chúa Giáo, các vị A La Hán, Thiền
Sư của đạo Phật... Trong lịch sử của mỗi quốc gia cũng có những nhân cách xuất
chúng với lòng yêu nước nồng nàn, và chiến công giữ gìn đất nước, xây dựng quê
hương. Trong lĩnh vực khoa học cũng có những nhà bác học đem cả cuộc đời cống
hiến cho nền văn minh tiến bộ của nhân loại với lòng kiên trì không mệt mỏi như
Pasteur, Newton ,
Einstein, Marie Curie...
Họ là những người vừa có công lao
lớn đối với nhân loại, vừa có nhân cách cao cả khả kính.
Ngược lại với những nhân cách
trác việt đó, cũng có những hạng người tầm thường chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân,
nham hiểm, ác độc, lừa đảo, nóng nảy, cố chấp, hẹp hòi... Con số này khá đông
đến nỗi các trại giam chật cứng, khiến cho Mỹ phải chấp nhận thiết lập nhà tù
tư nhân. Nhà nước muốn tư nhân giam giữ các phạm nhân theo đúng chính sách và
nhận tiền thù lao của chính phủ.
Luật pháp chỉ xử lý khi đã có dấu
hiệu phạm tội, chế tài để không cho kẻ đó tái phạm, nhưng khó thay đổi được ác
tâm đã bám sâu vào tiềm thức của con người. Nhiều kẻ vừa được phóng thích đã
gây án lập tức. Có kẻ giả vờ ngoan ngoãn để được giảm án, được trả tự do sớm
hơn, nhưng vừa ra khỏi nhà tù là trở lại con đường tội lỗi.
Thế gian này dường như đã trở
thành địa ngục khi mà “Con người còn là sói đối với người”. Sự đấu tranh giành
giật quyền lợi xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong gia đình, trong trường học, trên
ruộng đồng, trong xí nghiệp, ngoài xã hội, giữa các quốc gia, giữa các công ty
lớn... Khắp nơi đều có xâu xé, thủ đoạn, lừa lọc, chửi mắng, chém giết và cả ở
mức độ tàn khốc như chiến tranh hủy diệt cả những vùng rộng lớn.
Trước những cảnh đau lòng như
vậy, nhiều người mơ ước có một thế gian mới, trong đó con người biết yêu thương
lẫn nhau, sống vui vẻ với nhau như bộ lạc Papua ở đảo New Guinée. Quanh năm họ
vừa lo làm lụng tìm thức ăn, vừa vui chơi múa hát với nhau và thường tiến hành
viếng nghĩa địa của những người đã khuất. Họ sống trong tự do, chết trong tình
thương nhớ của cộng đồng bộ lạc. Họ sống trong cảnh núi rừng âm u vắng lặng,
nhưng vẫn đoàn kết thương yêu, vui tươi hạnh phúc. Đó là điều đáng cho chúng ta
phải suy nghĩ.
Các nhà đạo đức học đã kêu gào
giữa thế gian để cho con người đạo đức hơn, nhưng tiếng kêu của họ lạc lõng như
tiếng vang giữa sa mạc. Con người vẫn trụy lạc, ác độc như xưa.
Nhiều tôn giáo đã ra đời để tạo
ra một sắc thái thần bí thiêng liêng nhằm đem con người đến với đạo đức qua cửa
ngõ niềm tin thần bí. Họ tin rằng các thần linh luôn luôn theo dõi mọi hành
động của họ, sẽ ban thưởng khi họ làm lành và sẽ trừng phạt khi họ làm ác. Mỗi
tôn giáo có những thần linh riêng, nhưng đều giống nhau ở chỗ thưởng thiện phạt
ác. Tuy nhiên, về sau này các tôn giáo mới xuất hiện càng nhiều với những mục
tiêu quái lạ. Thậm chí hiện nay ở Ấn Độ, có một tôn giáo đã phá hết tất cả mọi
giá trị cũ, ca ngợi sự giải thoát bằng con đường tự do tình dục bừa bãi- chỉ
trừ những người mắc bệnh AIDS. Tôn giáo mất dần giá trị thánh thiện vì không
còn đứng vững ở vị trí xây dựng đạo đức cho xã hội. Đôi khi một số tôn giáo trở
thành cái gai chọc tức các nhà xã hội học và khoa học.
Như chúng ta đã biết, ý nghĩ là
nhân mà hành động là kết quả. Có ý muốn làm mới có sự thực hiện. Đôi khi ý muốn
xuất hiện ở kiếp này và việc làm xuất hiện mãi ở kiếp sau. Lạt ma Govinda ở
kiếp trước là một nhà văn Đức, chết khi còn trẻ và từng ấp ủ ý định đi tìm chân
lý với đạo Phật. Kiếp này sinh sang Colombia, ông xuất gia theo đạo Phật rồi đi
du học ở Tích Lan, sang tham học ở Tây Tạng, viết nhiều quyển sách nổi tiếng.
Như vậy, nhân cách là nguyên
nhân, và hành động là kết quả. Một nhân cách tốt thì trong tương lai-kiếp này
hay kiếp sau- chắc chắn sẽ tạo ra những hành động tốt. Người thường nuôi nấng
những hoài bão cao thượng, chắc chắn sẽ làm được những hành vi cao cả. Do đó,
trau dồi nhân cách là một việc làm vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người.
Không những chúng ta chỉ biết tự trau dồi nhân cách của mình mà còn phải giúp
đỡ mọi người chung quanh xây dựng nhân cách của họ.
Tuy nhiên, như đã nói, nhân cách
không phải là nguyên nhân ban đầu, nó vẫn còn là kết quả của một nguyên nhân
trước đó. Nắm được nguyên nhân phía trước này, chúng ta sẽ có phương pháp để
cải hóa nhân cách hiệu quả hơn.
Ví dụ, sự ngưỡng mộ phong thái
trầm mặc của một bậc thánh sẽ gây cho chúng ta một phong thái trầm mặc tương tự
ở vị lai. Sự ca ngợi tâm từ bi của một vĩ nhân cũng tạo nên tâm từ bi trở lại
trong chính chúng ta.
Vì thế, nếu con người được đọc
nhiều về các giai thoại đạo đức tuyệt vời của các danh nhân, lòng họ khởi lên
một chút kính ngưỡng nào đó, ấy chính là nguồn gốc tạo thành nhân cách tốt đẹp
cho họ về sau.
Các tội phạm bị giam giữ lâu ngày
trong trại dường như không bao giờ được nghe kể chuyện về những thánh nhân vĩ
đại. Họ chỉ chứng kiến vô số chuyện tội lỗi, lừa đảo, giết hại lẫn nhau, kẻ có
sức mạnh và mưu mô là kẻ chiến thắng. Lòng nhân ái không bao giờ được nhắc đến.
Những lúc trò chuyện, tay nào cũng kể những thành tích rùng rợn của mình để làm
cho kẻ khác nể phục. Được tắm mình trong bầu không khí đó, chẳng trách được vì sao
ít có ai khi mãn hạn tù sẽ trở thành một kẻ lương thiện. Lòng thán phục đối với
các tay anh chị gan lì, ác độc và ích kỷ sẽ tạo ra một nhân cách ghê tởm cho
họ. Và như vậy, trại tù sẽ không bao giờ là nơi làm cho con người được thuần
lương cải hóa.
Bắt đầu bằng sự kính phục một
nhân cách nơi kẻ khác, nhân cách đó sẽ hiện hữu nơi chúng ta. Có một người mắc
tật nóng nảy, anh cũng rất phiền với thói xấu này. Nhưng mỗi khi nổi nóng anh
vẫn không thể nào kềm chế được. Một lần anh vô tình đọc câu chuyện về thiền sư
Bạch Ẩn (Hakuin) của Nhật giữ được vẻ bình thản khi bị người ta vu khống đã gây
ra một bào thai cho cô gái trong làng. Khi đứa bé được sinh ra, nó được giao
cho ông. Ông bình thản đi xin sữa cho đứa bé mặc dù mọi tiếng tăm vinh quang đã
mất sạch. Sau này, cô gái ân hận thú thật rằng cha đứa bé là một thanh niên bán
cá ngoài chợ. Cha mẹ cô đến xin lỗi ông và xin đứa bé trở lại. Ông cũng bình
thản như chưa từng có việc gì xảy ra. Câu chuyện làm anh xúc động. Anh tự vẽ
hình thiền sư Bạch Ẩn treo ở trong phòng để chiêm ngưỡng. Vài năm sau trong
giới bạn bè, anh nổi tiếng là một người trầm tĩnh, không bao giờ nổi nóng khi
đối diện nghịch cảnh.
Cái khó khăn trong việc cải hóa
nhân cách con người là làm sao cho họ biết xúc động, kính ngưỡng trước một nhân
cách phi phàm nào đó. Họ cần có tấm gương thực tế của những người xung quanh;
họ cần được đọc nhiều về cuộc đời thánh thiện của các vĩ nhân trong quá khứ.
Trong tập “Góp nhặt cát đá” cũng
kể câu chuyện một tên ăn trộm, sau khi ra tù đã đến xin xuất gia với một thiền
sư mà trước đó anh đã đến lấy cắp, chỉ bởi vì khi bị ăn cắp như vậy, tâm hồn vị
thiền sư vẫn ung dung và tràn đầy sự tha thứ. Suốt thời gian trong tù, có lẽ
lòng kính phục của anh đã chín muồi lớn mạnh.
Đôi khi chúng ta lên án sự kiểm
duyệt văn hóa phẩm ở phương Tây quá lơi lỏng. Những câu chuyện thiếu lành mạnh
đã giáng những đòn nặng nề vào nền đạo đức của nhân loại. Những lối sống ích
kỷ, thực dụng, oán thù được đề cao đã tác hại không lường được cho các thế hệ.
Tại sao người ta cấm đoán ma túy, thực phẩm độc hại... nhưng vẫn nhân danh tự
do ngôn luận để cho sự ác độc lan tràn vào tâm hồn con người qua ngõ sách báo
phim ảnh?
Cỏ dại luôn luôn dễ mọc. Cây
lương thực luôn luôn khó trồng tỉa. Cũng vậy, bản năng chấp ngã, ích kỷ, hưởng
thụ của con người rất dễ nẩy nở phát triển, trong khi tâm hồn vị tha, nhu hòa,
tha thứ rất khó nuôi trồng giữ gìn. Những tác phẩm văn hóa độc hại giống như
những thùng phân bón vào cánh đồng cỏ ác độc trong tâm hồn con người. Không
biết bao giờ thế giới mới kiểm soát được các tác phẩm gây tác hại cho đạo đức
của loài người!
Bên cạnh cái nghiệp nhân kính
ngưỡng nhân cách cao cả của bậc Thánh để tạo thành nhân cách cao cả của chính
chúng ta, còn một nghiệp nhân thứ hai cũng có hiệu quả không kém đó là TÂM
NGUYỆN.
Nếu bạn là người có tín ngưỡng,
bạn hãy chân thành qùy trước lễ đài, gửi trọn lòng thành kính lên đấng tối cao
và dâng lên vị đó tâm nguyện tha thiết của mình.
“Con nguyện từ đây và mãi về sau,
con sẽ từ bỏ mọi tâm niệm ích kỷ, hẹp hòi, độc ác, nóng nảy,tham lam, ganh
tị... Con nguyện sẽ yêu thương tất cả mọi loài với tình thương thắm thiết nhất.
Con nguyện tất cả cuộc đời con, chỉ để dành sống vì tất cả mọi người, sống để
thương yêu và phụng sự tất cả, dù có phải xả bỏ thân mạng này con vẫn mỉm cười
vui vẻ. Đây là lời nguyện hứa chân thành của con, xin ơn trên soi sáng cho
con.”
Chỉ cần mỗi ngày một lần, bạn quỳ
trước lễ đài để tâm nguyện tương tự như thế, không bao lâu, một nhân cách tuyệt
vời sẽ xuất hiện nơi tâm hồn bạn. Bóng tối đang lui dần, ánh sáng đang ngự trị.
Nếu bạn là người không có tín
ngưỡng, không có tôn giáo, không đặt niềm tin nơi giáo chủ nào, một vị thần
linh nào, không sao ! Miễn là bạn tin rằng tất cả mọi người đều có không gian
tâm linh giao xen lẫn nhau, miễn là bạn tin rằng tất cả vạn hữu đồng một Bản
Thể Tuyệt Đối là đủ ! Bạn vẫn có thể ngồi lại trầm lắng nội tâm của mình và tự
nhủ rằng:
“Từ nay ta sẽ từ bỏ mọi sự ích
kỷ, hẹp hòi độc ác, tâm ta sẽ trải rộng tình thương đối với tất cả muôn loài.
Ta sẽ sống để đem lại bình an và hạnh phúc cho mọi loài”
Với sức mạnh của tâm linh, lời
tâm nguyện đó đủ sức chuyển hóa nhân cách bạn và còn lây lan nhiễm vào tâm hồn
của nhiều người sống gần đấy. Còn Bản Thể thì đã tạo xong một quả báo mới : Một
nhân cách phi phàm, đang dần dần được hiện ra nơi con người vật lý của bạn.
Ở khía cạnh khác, sự chê bai nhân
cách kẻ khác cũng gây ra một nhân cách tương tự nơi chúng ta. Ví dụ, chúng ta
thường chỉ trích kẻ khác về sự thiếu khiêm tốn. Sau này, bỗng nhiên nơi hành vi
của chúng ta lại lộ ra một số biểu hiện tự cao, ngạo mạn. Hoặc chúng ta chê bai
sự ích kỷ của người, để rồi trong một lúc không kiểm soát được, sự hẹp hòi chợt
hiện diện nơi chính chúng ta.
Thế nên người hiểu đạo rất dè dặt
khi phải chỉ trích người khác. Nếu có duyên giáo hóa kẻ xấu thì hãy nói thẳng
với họ. Còn không, nên tránh việc nói vòng quanh, nói nhắn, hoặc rao lỗi người
một cách rộng rãi.
Đôi khi ở kiếp trước chúng ta
không phải là một người nóng nảy, nhưng chỉ vì quá công kích sự nóng nảy của
người, nên đời này chúng ta bỗng mắc tật nóng nảy không kềm chế được.
Ngoài những nguyên nhân sâu xa kể
trên, nhân cách còn là kết quả thiết thực của một số tâm lý, quan điểm.
Ví dụ, khi ngã chấp trở nên lớn
mạnh, chúng ta sẽ trở nên nóng nảy, bảo thủ, cố chấp, tham vọng... Tục ngữ Việt
Nam
có câu : “Già sanh tật, đất sanh cỏ”. người già thường dễ phát sinh một số thói
tật quái gở mà con cháu lấy làm khó chịu không hiểu nổi. Riết rồi người ta đành
phải chấp nhận xem như một hiện tượng bình thường phải xẩy ra như đất bắt buộc
phải mọc cỏ mà thôi. Lý do rất đơn giản chỉ vì khi người ta lớn tuổi, con cháu
càng đông, thấy mình thuộc vai vế lớn, là ông, là bà, ai cũng gặp phải chào
kính tôn trọng. Lâu ngày chấp ngã tự tôn bên trong được củng cố dần dần. Rồi
cái tâm lý tự tôn đó kéo theo sự rối loạn nhân cách trầm trọng như bảo thủ, cố
chấp, hờn dỗi, khoe khoang...
Hoặc một số nhân vật bỗng nhiên
được nổi tiếng thành công vang dội, được nhiều người nể phục. Nếu không kềm giữ
được tâm lý tự cao, họ cũng dễ phát sinh một số tật kỳ cục. Đây là điều mà các
ông bầu gánh hát phải thường xuyên chịu đựng với các đào kép nổi tiếng. họ vòi
vĩnh, hờn dỗi, đủ chuyện.
Hoặc một số học giả đọc được một
số triết lý đề cao cái “tuyệt đối tánh” nơi chính mình, phủ nhận sự tương quan
chung quanh, cho rằng chỉ có cái tuyệt đối sẵn có nơi mình mới là quan trọng
hơn cả. Quan điểm triết học này cũng rất dễ phát minh tâm lý tự tôn ngạo mạn và
kéo theo sự rối loạn nhân cách như gàn gàn, kênh kiệu, kỳ lạ, nghe ai nói gì
cũng cãi cũng chống...
Ngoài nguyên nhân tâm lý, còn có
nguyên nhân bệnh lý cũng đưa đến thay đổi nhân cách. Một số bệnh về tuyến nội
tiết cũng làm xáo trộn tâm lý nhân cách của con người. Các tuyến yên, tuyết
giáp trạng, tuyến thượng thận, tuyến tụy... ảnh hưởng rất rõ lên tâm lý con
người. Người bị bệnh suy tuyến giáp trạng thường có tâm trạng uể oải, chán nản.
Ngược lại người bị cường tuyến giáp trạng thường sôi nổi hiếu động. Đôi khi một
số dục vọng, ham muốn, tự cao... bị phát khởi, hoàn toàn chỉ do sự rối loạn của
tuyến nội tiết chứ không phải do sai lầm về tâm lý hay quan điểm. Thế nên, ở
những trường hợp này, sự can thiệp chữa trị của y học là điều cần thiết chứ
không phải chỉ đưa ra những lời khuyên nhũ đơn thuần cho người bệnh.
Những bệnh nội tạng như loét dạ
dày, yếu phổi, suy gan... cũng gây ra những bực bội, căng thẳng tại thần kinh
não làm ảnh hưởng đến nhân cách. Người bệnh vẫn có thể dùng ý chí và sự khéo
léo của mình để kềm giữ không cho tâm lý mình bị rối loạn quá đáng, nhưng vẫn
không đủ để chấm dứt cơn bệnh. Cần phải có sự can thiệp y học từ bên ngoài để
chữa căn bệnh thực thể.
Hiện nay các nhà khoa học đang đi
sâu tìm hiểu dần dần mọi chức năng của não bộ. Họ nhận thấy rằng mỗi vùng não
chịu trách nhiệm một trạng thái tâm lý. Nếu “vùng não nóng nảy” lớn hơn bình
thường thì rõ ràng kẻ này rất nóng tánh. Nếu “vùng não dục vọng” teo nhỏ hơn
bình thường thì rõ ràng kẻ này ít có ham muốn thấp hèn.
Tuy nhiên vì sao vùng não này
lớn, vùng não kia nhỏ vẫn còn là điều phải tìm hiểu. Có thể chính tâm lý ham
muốn dục vọng làm cho vùng não dục vọng phát triển hơn bình thường.
Hoặc một người có “vùng não tự
cao” lớn nhưng họ biết chuyển hóa tâm lý của mình trở thành khiêm hạ và thế là
vùng não này teo nhỏ lại theo sự tự cải tạo bản thân của mình.
Như vậy, có nguyên nhân tâm lý
chủ quan cộng với nguyên nhân bệnh lý khách quan cùng tác động thành nhân cách
của con người. Muốn cải hóa con người trở thành cao thượng hơn, chúng ta phải
nắm vững nhiều mặt của vấn đề mới có thể đạt được hiệu quả.
Bảo một người đừng nóng nảy độc
ác nữa, vô ích! chỉ vì tuyến nội tiết của họ bị rối loạn trầm trọng cần phải
chữa trị thích hợp.
Tuy nhiên, chữa xong các bệnh
thực thể rồi vẫn chưa đủ, cần phải gây cho họ tâm lý cao thượng để họ tự giáo
dục lấy chính họ. Tâm lý chủ quan của con người mới là yếu tố bền vững lâu dài.
Một nhà thôi miên có thể tác động
vào tâm thức sâu thẳm của một tên cướp để hắn dừng lại tâm ác độc. Nhưng đó chỉ
là tạm thời. Lâu dài về sau sự ác độc sẽ tái phát. Phải làm sao chính tên cướp
ý thức được tội lỗi xấu xa của mình và tự phát tâm hoàn thiện. Và công việc này
chỉ có thể thực hiện bằng con đường giáo dục chân chính.
Nếu sau này, mọi nhà tù đều có
những nhà thôi miên, tâm thần phụ trách, thì có lẽ số tội nhân sẽ không tái
phạm. Khi mãn hạn tù vì họ đã được cải hóa trên cả hai lĩnh vực. Sự tác động
khách quan của thôi miên, y học và sự giáo dục chân chính để gây nên sự cải hóa
chủ quan nơi chính họ.
Việc giam giữ, đánh đập dọa nạt
không bao giờ làm cho con người chuyển hóa nhân cách. Hơn nữa một môi trường
toàn là những kẻ ác độc ở chung với nhau, tâm ác độc đó sẽ cộng hưởng, khuếch
đại càng lúc càng mạnh và cuối cùng nhà tù chính là lò đào tạo tội ác.
Đến lúc nào đó, người ta sẽ xem
những tội nhân chính là người bệnh, bệnh nhân cách, giống như những bệnh nhân
tâm thần, bệnh nhân cơ thể...
Đa số các bệnh nhân cơ thể đều
được khuyên dùng thuốc, giải phẫu (tác động khách quan) và tự luyện tập thể
thao dưỡng sinh (tác động chủ quan). Cũng vậy, những người bệnh nhân cách cũng
phải được dùng thuốc, được thôi miên (tác động khách quan) và được giáo dục để
tự ý thức về đạo đức của chính mình (tác động chủ quan). Ngoài ra họ cũng cần
phải được ở trong môi trường không bị lây nhiễm xấu, giống như những bệnh nhân
cơ thể tránh sự nhiễm trùng vậy.
Với cái nhìn mới mẻ như vậy,
chúng ta sẽ cảm thấy yêu thương con người hơn, sẽ khoan dung hơn khi đối diện
với kẻ xấu (kẻ bệnh nhân cách).
Các nhà nghiên cứu còn cho biết
rằng vào thời kỳ trăng tròn, con người cũng dễ bị kích động hơn bình thường.
Ngoài các vấn đề căn bản trên,
thỉnh thoảng có một số người bị bệnh “đa nhân cách”. Khi thì họ thấy mình là
một nhà văn. Chợt hôm sau họ thấy mình là một bà tiên tri nổi tiếng... Nhiều
người đã giải thích đây là hiện tượng nhập đồng. Xác họ đã bị các vong hồn về
mượn tạm. Tuy nhiên lời giải thích đó không hoàn chỉnh.
Một số diễn viên xuất sắc khi
đóng vai đã nhập vai một cách trọn vẹn. Họ thật sự thấy mình là nhân vật được
ghi trong kịch bản và diễn xuất thật hoàn hảo. Trong một đời làm diễn viên, họ
đã nhập quá nhiều vai và vai nào cũng đóng một cách như thật. Đó là nguyên nhân
của bệnh “đa nhân cách” ở kiếp sau. Hoàn toàn chẳng có gì lạ. Họ đã sống lại
từng vai mà họ đã diễn từ kiếp trước. Điều quan trọng là ở kiếp trước, họ đã tự
ám thị mình quá mạnh rằng chính mình là nhân vật đang đóng để đạt được khả năng
diễn xuất cao độ. Sự tự kỷ ám thị đó đã gây ra một nhân cách cho đời sau. Nhiều
vai diễn khác nhau với nhiều lần tự kỷ ám thị đã gây ra kết quả “đa nhân cách”
làm ngạc nhiên các nhà tâm thần học.
Ngoài ý nghĩa nhân cách cao cả
hay hèn hạ, còn có những người bị rối loạn nhân cách nghiêm trọng mà người ta
quen gọi là điên và y học gọi là những bệnh tâm thần kinh với sự phân biệt phức
tạp. Những người điên không còn giữ được sự hòa hợp bình thường với xã hội
chung quanh. Họ bị kích động kỳ lạ từ bên trong rồi biểu lộ ra ngoài những lời
nói và hành vi quái gở. Có người trong cơn điên vô cùng hung dữ, sẵn sàng đập
phá giết hại tất cả những gì chung quanh mình. Có người trong cơn điên nói lảm
nhảm như đang nói chuyện với một kẻ vô hình. Có người quên tất cả mọi quan hệ
với người chung quanh và như lạc vào thế giới ảo tưởng của riêng họ.
Một số bệnh nhân tâm thần tự cho
mình là thần thánh giáng thế. Một số khác tuyên bố không thèm yêu ai mặc dù tất
cả thế giới đang xin cưới mình. Một số rơi vào bệnh loạn dâm khủng khiếp. Một
số khác bỗng thèm được giết thật nhiều người... Vô số tình trạng quái gở của
bệnh tâm thần khó lý giải.
Thân và tâm là một khối thống
nhất, ảnh hưởng qua lại rất chặt chẽ. Những rối loạn nhân cách như trên rõ ràng
là sự biến dị của não bộ hoặc một vài vùng của não bộ. Khi một vùng nào đó bỗng
nhiên phình to (u não), nó tự hoạt động mạnh mẽ và chèn ép các vùng chung
quanh. sự hoạt động mạnh mẽ của nó lập tức thúc đẩy sự sai lệch trong tư tưởng,
lời nói và việc làm. Ví dụ vùng hoang tưởng chợt lớn hơn bình thường, khiến cho
người này luôn luôn cảm thấy căng thẳng (tăng áp sọ não) khó ngủ và luôn luôn
phải tiếp xúc với các ảo ảnh chập chờn chung quanh, hoặc nghe nhiều tiếng nói
bên tai xúi giục làm chuyện bậy bạ.
Những biện pháp cần được xử lý là
thuốc men, thôi miên hoặc giải phẫu để giải quyết cấp thời. Sau đó dùng sự giáo
dục để khơi dậy ý thức tỉnh táo chủ quan của người bệnh để giải quyết lâu dài
về sau.
Một số người do tập trung tư
tưởng nhiều quá vì công việc bề bộn, hoặc vì dụng công tọa thiền sai cách, hoặc
tham vọng quá lớn, hoặc tâm lý tự cao quá mạnh, hoặc mê tín dị đoan quá đáng...
đều có thể làm biến dị não bộ để xuất hiện trạng thái bệnh tâm thần kinh.
Chúng ta cần sống một cách thảnh
thơi, hợp với chánh pháp, hợp với khoa học, hợp với đạo đức. Cần tự cải tạo
mình thoát khỏi tâm lý tham vọng quyền lực hoặc tự tôn thái quá. Trong truyện
Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung tiên sinh, nhân vật Cô Tô Mộ Dung cuối cùng bị
bệnh điên vì khát khao quyền lực quá mạnh mà không thành công. Hằng ngày ông ra
bờ ruộng mua bánh phát cho những trẻ chăn trâu để được tụi nó kêu là đại vương,
nhằm thỏa mãn phần nào ước mơ thống trị thiên hạ.
Tâm lý mê tín quá đáng như tin
tưởng có quỷ thần lảng vảng xung quanh để xin ăn, để gia hộ, cũng làm nhiều
người xuất hiện bệnh điên. Vào bệnh viện tâm thần, hạng người điên vì mê tín
khá đông.
Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên
nhân gần, nguyên nhân sâu xa thật sự vẫn chính là nghiệp từ quá khứ. Tại sao
hai người có tham vọng quyền lực giống nhau mà một người nổi điên và một người
không điên. Khi hai người cùng mê tín mà một điên, một không! Hai người cùng tu
thiền chung một phương pháp nhưng một điên, một không? Tại sao u não xuất hiện
ở người này và chừa lại những người khác ?... Nguyên nhân thật sự vẫn thuộc về
nghiệp từ quá khứ xa xăm.
Những nghiệp gây nên bệnh điên
được kể ra như sau:
Một, sự hủy báng chánh pháp, công
kích lẽ thật làm cho mọi người lạc vào tà kiến là tội lỗi nặng nề nhất. Một số
người vì bảo vệ chủ thuyết của mình, đã thẳng tay chống đối tất cả triết thuyết
khác, trong đó có những triết thuyết rất chân chính hợp lý. Phủ nhận chân lý là
tội lỗi nặng nề nhất.
Hai, công kích người thể hiện
được chân lý. Người thể hiện được chân lý có thể là một vị Thánh đã đắc đạo, có
thể là một triết gia có suy nghĩ đúng, có thể là một người không nói nhiều
nhưng sống đời đức hạnh cao cả. Sự công kích những hạng người này là tội lỗi
nặng nề thứ hai đủ để làm cho bệnh điên xuất hiện.
Ba, trong cơn say sưa vì chất
kích thích như rượu, ma túy, một kẻ đã quậy phá tùm lum. Họ đã tập điên bằng
rượu mặc dầu họ chưa điên. Nhưng đó cũng là cái nhân để gây nên quả báo điên
loạn về sau.
Bốn, chọc ghẹo những người điên
một cách tàn nhẫn như ném đá, nhái điệu bộ, chửi rủa.
Năm, tâm ác độc quá nhiều lúc nào
cũng muốn hãm hại kẻ khác.
Đại khái năm nghiệp nhân trên là
căn bản để gây nên bệnh điên sau này. Ngoài ra còn có rất nhiều những nguyên
nhân phụ.
Như vậy, nhân cách là một vần đề
đa dạng phức tạp. Chúng ta cần xét qua nhiều khía cạnh để có cái nhìn bao quát,
để biết thương yêu và giúp đỡ kẻ khác hơn là mãi lo chê trách họ. Kẻ có nhân
cách thấp kém, thật ra cũng chỉ là một dạng bệnh trừu tượng hơn bệnh thực thể
mà thôi. Và nếu đã là bệnh thì phải có cách chữa bởi kết hợp tác động khách
quan và ý thức chủ quan. Riêng đối với người bị điên không còn ý thức được điều
gì nữa thì thân quyến phải làm phước rất nhiều để cầu nguyện cho họ, chứ chính
họ không tự giúp mình được điều gì.