Tôi là Ai? Ai là Tôi?

Tôi là Ai?

Tôi là hợp thể của một mớ vật chất, có nơi gọi là tứ đại, địa thủy hỏa phong, có nơi gọi là ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, có nơi gọi là ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức, có nơi gọi là nước và những thành tố vật chất khác. Ngay cả tư tưởng của tôi cũng do tương tác giữa tâm thức và ngoại cảnh mà hình thành.

Như vậy, tất cả những gì tồn tại trên người của tôi đều do vay mượn- từ hơi thở, mượn không khí bên ngoài; từ thức ăn cũng lấy từ bên ngoài....tình cảm, tư tưởng cũng do môi trường, hoàn cảnh tác động mà sinh ra.

Vậy mà bao nhiêu năm rồi, tôi cứ tưởng nó là của tôi, tôi làm chủ nó. Nếu tôi thực sự làm chủ nó thì tôi bảo nó đừng già đi, đừng yếu đi, đừng chết đi, đừng buồn nữa, đừng nóng giận nữa....nó có nghe theo tôi đâu? Nó cứ già yếu đi, cứ chết đi, tư tưởng tình cảm bộc phát cũng hoàn toàn không coi tôi ra gì hết, nó muốn buồn là buồn, muốn giận là giận, muốn nóng là nóng, muốn ganh tị là ganh tị....

Vậy thì tôi là ai? Nếu dùng từ ngữ triết học thì bản thể của tôi là gì? Yếu tính của tôi là chi hay dùng từ Thiền của Phật giáo thì bản lai diện mục của tôi là cái gì? Đó là một công án của các Thiền sư.

Khi tâm vắng lặng thì tôi chợt hiểu ra tôi là sự vắng lặng, bản thể tôi là thanh tịnh, nhưng do đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo thành tích học tập, lo tranh giành vị trí xã hội... thì sự thanh tịnh đó bị ngoại cảnh chi phối, làm rối tinh lên. Chưa kể những bản năng dục vọng con người tôi đòi hỏi tôi phải đáp ứng, đáp ứng rồi thì đâu đã xong, nó lại ghi nhớ vào kí ức (tưởng), lâu lâu nó nhớ lại, bắt tôi phải đáp ứng nữa, với cường độ ngày càng mạnh hơn, nhiều hơn, cho đến khi tôi hết xí quách. Thật là phiền não.

Vậy tôi phải quên đi quá khứ, sống trong hiện tại để khỏi phải bị lệ thuộc vào chức năng tưởng, nhưng ý thức thì muốn quên đi, nhưng vô thức (Mạt na thức, A lại gia thức) thì không quên, nó cứ mớm cho ý thức nhớ lại để quấy nhiễu tôi, muốn tôi thực thi bản năng.

Trước tình cảnh đó, Phật giáo đề nghị giải quyết bằng cách Thiền định sâu để chiếu rọi thẳng vào vô thức, đưa vô thức lên bình diện ý thức để ta quản lí, nếu không thì câu hỏi tôi là ai, muôn đời vẫn là một bài toán vô nghiệm.

Nhưng Thiền sâu, không phải dễ dàng, rất nhiều trường phái đề nghị cách thiền, trước hết phải tàu hũ tương chao cho thân thể bớt đòi hỏi, sau phải kiếm chỗ thanh vắng trầm tư, chứ ở chỗ đông người, e rằng khó mà thiền định, mắt cứ hé mở nhìn mấy em xinh đẹp bốc lửa, thì than ôi, gió chiều lồng lộng, lá thu rơi.......hoặc lúc nào cũng chú tâm quan sát tư tưởng của mình, thiền trong mọi lúc mọi nơi, còn gì là sướng bẳng!

Nhưng khó đến mấy cũng phải làm để chứng được bản thể thanh tịnh, 1 kiếp không được thì 2 kiếp, 3 kiếp.....cho tới vô lượng kiếp.

Xét cho cùng thì N'etam mama, n'eso' hamasmi, na me so atta, (Thân này không phải của ta; cái này không phải là ta; đây không phải là linh hồn của ta).

Ta vẫn sờ sờ ra đó mà vẫn phải tự phủ nhận, đó là thân phận đau đớn của con người. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, nhưng đi về đâu? Khi bầu trời không còn chút nắng, khi túi hết tiền và thân thể không còn sức lực trước gió bụi của thời gian.

Ai là Tôi?

Tôi là sự sợ hãi, sự sợ hãi đã đeo bám lấy tôi ngay từ lúc vài ba tháng tuổi, thấy người lạ thì tôi lại khóc. Rồi lớn lên đi mẫu giáo, sự sợ hãi lại xâm chiếm tâm hồn tôi khi người nhà bỏ tôi lại trường và đi về, tôi bắt đầu thấy lo lắng, không biết có ai đón tôi về nhà không?

Khi bước vào tiểu học, trung học, đại học....tôi lo sợ sự tụt hạng, về nhà bị cha mẹ la rầy, sợ không qua khỏi các kì thi, sợ thua kém bạn bè.

Vào tuổi đi làm, thì tôi lại sợ thất nghiệp nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh ác liệt, khi có gia đình riêng thì sự sợ hãi này càng dâng cao. Thất nghiệp thì tiền đâu nuôi vợ, nuôi con.

Nhưng chưa hết, có vợ đẹp thì lại lo vợ mình bị cao thủ cuỗm tay trên, rồi minh sợ bị chết sớm, vợ mình người ta sài, con mình người ta sai, nhà mình người ta ở. Chưa chấm hết ở đó, mỗi khi người thân trong gia đình đau ốm, cái lo méo mặt sẽ hiện ra, không biết có gì xảy ra với người thân của mình không?

Lúc có tuổi, thì bệnh tật sẽ ập đến, dù anh có là cái gì đi chăng nữa thì cũng không thoát khỏi cảnh sinh bệnh lão tử, tôi rất sợ cảnh lấy số sắp hàng chờ tới phiên khám bệnh, rồi tới phiên khám thì lại gặp lang băm, tiền mất tật mang, mà trong cuộc đời tôi đã nhiều phen mang tật tốn tiền, đó là lí do nhiều người quyết tâm đóng cửa nghiên cứu Y học để tự chữa cho bản thân.

Trong giao tiếp, tôi sợ không kiểm soát được cảm giác của mình, ăn nói hớ hênh, bậy bạ mất lòng quan trên sẽ bị đì sói trán, hoặc không kìm chế được hành động, say quá lại vỗ mông cô tiếp viên xinh đẹp thì to chuyện lắm, nhẹ thì bị mấy bạt tai, nặng nữa sẽ bị đánh hội đồng.

Nguyên nhân của sự sợ hãi là gì?

Tôi cho rằng bạn còn chấp nhận có cái ngã, cái tôi thì bạn sẽ luôn cố bảo vệ cái ngã đó, nếu có điều gì xâm phạm đến sự an nguy của cái ngã, sẽ đẩy cho bạn một tâm trạng sợ hãi. Tôi luôn thương thân tôi, sợ nó buồn, nó đói, nó cô độc, cô đơn.

Krishnamurti cho rằng so sánh sản sinh ra sợ hãi, bạn hãy tự quan sát sẽ thấy. Tôi muốn trở thành nhà văn viết hay hơn, hoặc trở thành người đẹp và thông minh hơn. Tôi muốn có nhiều kiến thức hơn mọi người. Tôi muốn thành công, muốn trở thành nhân vật quan trọng, muốn có danh tiếng trên thế giới. Thành công và danh tiếng là những điều so sánh rất căn bản về mặt tâm lý, mà do đó, chúng ta liên tục sản sinh ra sự lo sợ .

Bạn nói rằng bạn phải cạnh tranh để sinh tồn trong cái thế giới này, do đó bạn so sánh và thi đua trong công việc làm ăn, trong gia đình và cái-gọi-là nội dung có tính cách tôn giáo . Bạn phải vào được thiên đường và ngồi ngay bên cạnh Chúa, hoặc một đấng cứu độ đặc biệt nào đó của bạn. Sự so sánh về tâm linh phản ảnh trong sự vị linh mục muốn trở thành giám mục, hoặc hồng y, hay cuối cùng tiến lên tới giáo hoàng. Suốt đời, chúng ta mài miệt trau giồi cái loại tâm linh đó một cách siêng năng, cần mẫn, phấn đấu để khá hơn, hoặc đạt được vị trí cao hơn người khác. Cấu trúc của đời sống xã hội và đạo đức của chúng ta đặt nền tảng trên những cái đó.

Hơn nữa, tâm trí con người luôn muốn bận rộn, chỉ ngừng nghỉ một chút , bạn lại thấy có một cảm giác về nỗi niềm hoàn toàn cô đơn, hiu quạnh, đó chính là nguyên do căn bản của sự sợ hãi.

Tránh khỏi sự sợ hãi

Cái tâm phải trực diện với nỗi niềm hoàn toàn trống vắng, cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm, và không tự cho phép làm gì để trốn tránh sự thực. Lại nữa, nếu bạn lẩn tránh nó, nếu bạn muốn thoát khỏi nó, nói rằng nó đáng sợ quá, nếu bạn không đào sâu vào chính nó đồng thời không đặt một cái tên cho nó, thì sẽ không bao giờ bạn vượt qua được nỗi sợ hãi. ( Krishnamurti)

Phật giáo đề nghị việc quán chiếu ngũ uẩn giai không, tất cả là vô thường, là tạm bợ, nếu thất nghiệp thì tôi sẽ đi kiếm việc làm, kiếm không ra việc làm tôi sẽ đi xin ăn, đi xin mà không ai cho tôi sẽ đói, và chết cũng chẳng có gì phải lo sợ? Chết đói bây giờ hay chết sau ít năm nữa cũng như nhau mà thôi, tại sao ta phải sợ nhỉ? Ta yêu thương bản thân ta quá, ai nói động đến ta thì ta phùng mang trợn má, có cần thiết như vậy không?

Ta luôn muốn hơn người khác, dịch được dăm ba quyển, sáng tác được dăm ba bài, là ta nghĩ rằng ta hơn tất cả mọi người, nhưng ta quên một điều khi đau ốm ta lại lết thân đi nằm bệnh viện nhờ vào bác sĩ, ta không biết tự chữa bệnh, ta nóng giận ta cũng không hiểu tại sao? Ta cũng không hiểu được sự vận hành của tâm lý diễn ra theo một quy luật nào? tại sao nó xuất hiện. Thế mà ta luôn giương giương tự đắc.

Ta sống lệ thuộc vào xã hội, vào người khác mà ta cứ thích ở kèo trên? Đọc một quyển sách ta không phân biệt được tác giả đang ca tụng hay bôi bác trên chủ đề được viết, thế mà lúc nào ta cũng nghĩ là ta giỏi ta hay? Thương thay cho cái ta như thế, nó gây ra sự xung đột nội tâm, khi người khác nói những điều khác ý ta, ta sợ hãi. Sợ hãi sẽ chấm dứt khi ta chấm dứt về ảo tưởng có một cái ta to đùng đùng như thế.

Điều đặc biệt được gọi là sự cô độc đó chính là điều rất cốt tủy của bản ngã, cái "tôi", với tất cả mánh lới, sự xảo trá, sự đảo điên của nó, mạng lưới của nó, khiến cho tâm trí bị mắc vào bẫy. Chỉ khi nào cái tâm có khả năng vượt qua được những ảo tưởng vừa kể ấy thì mới có tự do - sự tự do tuyệt đối giải phóng hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi.

Khi mà tư tưởng còn nảy sinh ra những sự sợ hãi dưới dạng chuyển biến theo thời gian thì nó không có khả năng hiểu được thế nào là phi thời gian. Không hiểu phi thời gian là gì thì sẽ luôn sống trong sợ hãi. Tôi chính là sự sợ hãi như thế đó.

Previous Post
Next Post