Bắt chước tốt hay xấu!

Bắt chước là một biểu hiện tâm lý của con người, nó có ở cả động vật. Đây là một đặc tính rất phổ biến. Nhờ đặc tính này mà có sự giống nhau trong xã hội.

Bắt chước và học tập rất giống nhau và cực kỳ khó phân biệt. Người ta bắt chước nhau về cách ăn mặc, phong thái, lối sống . . . Nói chung, cái gì người ta cũng bắt chước hết.

Sự bắt chước hoặc là do chủ động tìm hiểu, hoặc là do bị ảnh hưởng bởi những gì hay gặp, quen thuộc hàng ngày, cũng có thể do trách nhiệm hay bị ép buộc, thực tế thì phần lớn là có sự kết hợp các trường hợp trên.

Vì là bắt chước nên người ta hay chỉ thấy được một phần, nên nó là con dao hai lưỡi. Nếu sự bắt chước chỉ dựa trên hình thức thì lắm lúc mang nhiều tai họa vì không thấy được bản chất của vấn đề.

Ví dụ:

Thấy người ta đi xe hơi, mình cũng cố được một chiếc xe hơi mà đi trong khi mình không đủ tiền để mua. Người ta có xe hơi bởi vì người ta đi xe của công ty. Thấy người ta hút thuốc, uống rượu bia mình cũng vậy.

Một sai lầm mang tính triết học của việc bắt chước là: Chỉ thấy hiện tượng mà không thấy được bản chất của vấn đề. Mà hiện tượng thì dễ xảy ra và rất có thể nó nằm trong các bản chất khác nhau.Ta thấy sự ngụy trang là một ví dụ điển hình.

Phải chăng ta không nên bắt chước?

Cũng không đúng, vấn đề cái bắt chước của ta nó như thế nào:

Như trên đã nói, bắt chước và học tập rất giống nhau. Vì khi học tập ta cũng phải bắt chước một cái gì đó. Học tập là mức độ cao hơn bắt chước vì nó có bài bản hơn và có sự lựa chọn, suy tính.

Bắt chước nếu máy móc thì sẽ gây nhiều tác hại, mà ta gọi là sự a dua, gió thổi chiều nào xoay chiều ấy, thế hiện một con người không có lập trường, bản lĩnh.

Bắt chước nếu chỉ dựa vào cảm tính thì hay gặp sai lầm. Bắt chước chỉ có tác dụng khi có được một lý trí sáng suốt chỉ đạo.

Để có sự bắt chước có ích thì phải biết cách bắt chước: Nghĩa là phải hiểu được bản chất của vấn đề, phải hiểu được sự sâu xa trong đó.

Hành vi của người khác không phải luôn luôn đúng, hay chỉ có ý nghĩa trong hoàn cảnh của họ. Nên nếu ta không cân nhắc mà cứ làm như họ thì sẽ mang lại nhiều tai họa.

Cho nên việc đánh giá, xem xét một con người, một sự vật hiện tượng không được dựa trên bề mặt, nếu không sẽ tiếp tay cho cái xấu phát triển.

Nguồn: vnweblogs.com
Previous Post
Next Post