Đã làm người trong trời đất ai cũng muốn công danh tột đỉnh, giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng. Chính vì vậy, con người bất chấp mọi hiểm nguy, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, nên động cơ lập nghiệp do lòng tham lam sai sử làm tổn hại nhiều người. Có người đạt được công danh hiển hách, công thành danh toại, có người cũng đuối sức oằn oại, rơi vào hố sâu vực thẳm, rốt cuộc chỉ còn tay trắng. Chỉ vì động cơ lập nghiệp từ sự ham muốn quá độ mà lòng tham con người thì không bến bờ nhất định như giếng sâu không đáy.
Trong khi đó, sức người có hạn, càng tham lam bao nhiêu thì càng mau tan hoại và sụp đổ bấy nhiêu; vì vậy mà cơ cầu xây dựng sự nghiệp của mình bằng xương máu thiên hạ thì sự nghiệp mau chóng điêu tàn. Bởi tại sao? Vì tham cho riêng mình nên càng vơ vét, bóc lột nhiều của thiên hạ, do đó dễ dẫn đến gây thù, chuốc oán. Đã gây thù chuốc oán thì trước sau gì cũng tàn sát, giết hại lẫn nhau. Đó là quy luật vay trả, trả vay theo tiến trình diễn biến của nhân quả.
Để biết được lòng tham của con người đến độ nào, một vị vua ra lệnh cho một người: “Kể từ rạng sáng ngày mai, khi mặt trời mới mọc cho đến khi mặt trời lặn, ngươi khoanh vùng chu vi đất được bao nhiêu ta sẽ cho hết”. Nghe xong, người kia vô cùng mừng rỡ, liền trở về nhà bàn bạc với vợ con làm cách nào để có thật nhiều đất, “phen này gia đình chúng ta sắp giàu to rồi”, người thì bàn thế này, kẻ thì bàn thế kia, cuối cùng anh ta quyết định sẽ không lãng phí một phút giây nào khi chưa hết giờ đo đất. Hôm sau, anh ta đã có mặt sẵn từ tờ mờ sáng trước đền vua. Khi mặt trời vừa ló dạng, anh ta cắm đầu chạy không màng đến cơm nước gì cả, nhìn lại thấy khoảnh đất vẫn còn quá nhỏ mặc dù đã mệt lã người nhưng anh vẫn tranh thủ không bỏ phí chút thời gian nào. Mặt trời đã ngã về chiều như báo hiệu sắp hết giờ đo đất, anh cố ráng thêm chút nữa, nhưng sức người có hạn và cuối cùng anh ngã quỵ bên vệ đường.
Câu chuyện trên mang tính cách biểu trưng, minh họa cho lòng tham không bờ bến của con người như giếng sâu không đáy. Con người thì không có tội lỗi gì, chỉ có tâm tham lam ích kỷ điều hành sai sử, thân này chỉ là vật phụ thuộc, muốn làm cái gì thì trước hết phải suy nghĩ, tính toán rồi mới làm. Nhưng con người thường không biết, tưởng thân này là chủ tể cố định nên làm cái gì cũng để phục vụ cho thân này, vì vậy mà sinh ra si mê, tham đắm, ích kỷ, cho thân này là thật ta và sẽ trường tồn mãi mãi. Nếu nó là ta thì trước sau như một không thể thay đổi, chuyển biến; nhưng từ khi mở mắt chào đời cho đến khi khôn lớn, thân này luôn thay hình đổi dạng tùy theo thời gian của mỗi người mà có hình dáng và tính cách khác nhau. Con người sống ở đời luôn phải chạy đua với thời gian để tranh thủ sở hữu được nhiều thứ về mình. Chúng ta nếu không nhận thức đúng về giá trị cuộc sống thì cũng giống như chàng trai tham đất trong câu chuyện.
Do lầm chấp thân này thật là ta nên làm cái gì cũng vơ vét về cho mình, do đó tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra thù hằn, giận dữ. Đã hận thù thì trước sau gì cũng gây khổ đau cho nhau, do đó sống trong bất an, lo âu và sợ hãi. Chúng ta lúc nào cũng lo sợ đủ thứ, sợ thiếu ăn, sợ thiếu mặc, sợ mất mát, sợ thiệt thòi nên cố giữ gìn, giữ không được thì sinh ra đau lòng tiếc nuối, nên khổ đau bắt đầu có mặt. Ở đời ít ai bằng lòng với hiện tại, lúc nào cũng ham muốn khổ cầu, lao tâm nhọc trí để được tiền tài, danh vọng, quyền lợi, địa vị, sắc đẹp, ăn sung mặc sướng… nhưng mấy ai được thỏa mãn nhu cầu tham muốn của mình, bởi lòng tham con người không đáy và đời sống con người thì quá ngắn ngủi, mong manh, tạm bợ, có người sự nghiệp chưa thành đã ra người thiên cổ.
Vì lòng tham vốn vô hạn mà sức con người thì có hạn, nên người con Phật ngoài việc làm ăn để sinh sống cũng cần dành chút thời gian nghiên cứu, học hỏi, tu hành. Thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, tất cả đều nằm trong lý tương đối, chúng ta không gieo nhân tốt mà đòi gặt quả lành làm sao được. Nhiều người không hiểu chỉ biết làm sao để giành lấy về cho mình, lấy không được thì sinh ra tức giận, thù hằn, ghét bỏ, rồi tìm cách trả thù khi có cơ hội, nên càng thêm gây thù, chuốc oán. Chúng ta có quyền tham muốn nhưng phải lấy nhân quả làm nền tảng, gieo nhân lành thì được quả tốt, gieo nhân ác thì phải chịu khổ đau, quả trổ sớm hay muộn là do các duyên phụ thuộc, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, chúng theo ta như bóng với hình. Chúng ta có mặt trong cuộc đời với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng với chừng ấy mà chỉ mang theo nghiệp tốt xấu, lành dữ. Người con Phật hãy nên sáng suốt chọn lựa cho mình một con đường hướng thượng, đừng vì tham cầu cho cá nhân quá mức như chàng trai trên mà mang họa vào thân.