Đơn điệu đời sống tinh thần hậu hiện đại

Trong nhiều cuốn sách, đặc biệt là sách về triết học và luật học, cho đến tận ngày hôm nay, người ta vẫn còn truyền tụng câu nói của Voltaire về cuốn “Luận về nguyên do của sự bất bình đẳng” của Rousseau: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng để bênh vực quyền tự do phát biểu của anh”.

Tại sao quyền được tự do phát biểu lại quan trọng đến vậy? Một trong những người lý giải sâu sắc nhất vấn đề này là nhà triết học Anh John Stuart Mill (1806 – 1873)- người cùng với John Locke (1632 – 1704) xây dựng nền tảng lý luận cho thể chế dân chủ hiện đại. Mill lập luận rằng trong mọi trường hợp, quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng, bởi vì: 1) Đa số có thể sai; 2) Trong trường hợp đa số là đúng, thì ý kiến bất đồng cũng giúp cho chúng ta hiểu vấn đề thêm sâu sắc; và 3) Ý kiến bất đồng có thể chứa đựng ít nhiều chân lý.

Cơ sở của lời kêu gọi tôn trọng tự do ngôn luận niềm tin vào lý trí của con người. Lý trí được các nhà tư tưởng thời Khai sáng ở Châu Âu quan niệm như là một năng lực phổ quát mà nếu được sử dụng tự do sẽ có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên. Khai sáng- theo họ, là khả năng thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ để “sử dụng tri thức của mình mà không cần sự chỉ dẫn của người khác”. Lý do của tình trạng vị thành niên không phải là thiếu lý trí, mà do thiếu quyết đoán và lòng dũng cảm để sử dụng lý trí một cách tự do. (Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, Tản Đà cũng có suy nghĩ rất gần gũi với tư tưởng của Kant khi ông viết về tình cảnh nước nhà: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”).

Tự do có mâu thuẫn với trật tự xã hội hay không? Không- Kant trả lời. Theo ông, có hai cách sử dụng lý trí: Công khai và riêng tư. Sử dụng lý trí công khai là sử dụng lý trí với tư cách của học giả, hay trí thức, còn sử dụng riêng tư là sử dụng lý trí khi thi hành một chức trách được giao. Kant viết: “Một công dân không thể từ chối nộp thuế... Nhưng sẽ không có gì là trái với nghĩa vụ công dân khi chính con người đó- với tư cách học giả, phát biểu công khai về những điều bất hợp lý hay thậm chí bất công của thứ thuế này”. Việc phê phán công khai của các học giả sẽ dẫn đến tác dụng điều chỉnh xã hội trong quá trình phát triển dài hạn. Kant khẳng định: “Việc sử dụng lý trí một cách công khai phải luôn luôn tự do, và chỉ có nó mới có khả năng khai sáng con người”.

Chính lòng tin vào lý trí của con người đã là bệ phóng cho những lý tưởng và chương trình giải phóng vĩ đại của phong trào Khai sáng như dân chủ, tiến bộ, bình đẳng, giáo dục phổ cập, đại học hiện đại... Chính lòng tin vào lý trí đã đặt con người vào trung tâm của đời sống tinh thần, thay cho Chúa trời để làm kẻ sáng tạo và làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân. Vì mỗi người ít nhiều đều trở thành Chúa trời, khác biệt trở thành một đòi hỏi sống còn.

Thế nhưng trong xã hội hậu hiện đại, tức là xã hội mà các quốc gia trên thế giới - ở mức độ khác nhau - đang tiến vào, lòng tin vào lý trí bị coi là một thứ ảo giác. Theo các nhà tư tưởng hậu hiện đại, không có chân lý tuyệt đối. Mọi giá trị chỉ là những kiến tạo xã hội mà thôi.

Trong xã hội hậu hiện đại, sự phổ biến của truyền thông và sự lên ngôi của lối sống tiêu thụ đã biến con người thành nô lệ của hàng hóa - những thứ hàng hóa sản xuất hàng loạt. Trong bài viết "Nét nhợt nhạt của đô thị hiện đại” đăng đã khá lâu, tôi có nhắc đến bộ phim hài nổi tiếng của Liên Xô nhan đề “Số phận trớ trêu”. Nhân vật chính của phim chuẩn bị cưới vợ. Trước khi về nhà ăn Tết và tổ chức đám cưới, anh ta cùng mấy người bạn đi uống rượu và tắm hơi. Ra sân bay vội vã trong tình trạng say mèm, đáng lẽ phải về với vợ chưa cưới ở Moskva, anh ta lại lên máy bay bay về Leningrad. Bởi vì tất cả các khu nhà tập thể ở Liên Xô giống nhau như đúc, với những hành lang, cửa sổ, thang máy, chìa khóa, giường tủ… sản xuất hàng loạt, anh chàng say rượu ung dung mở cửa, bước vào căn hộ người khác mà hoàn toàn không biết mình nhầm. Anh ta cũng không biết rằng anh ta đang làm đảo lộn cuộc đời mình và cuộc đời nữ chủ nhân, lúc đó đang đi sắm tết và cũng là chuẩn bị cho ngày cưới. Bộ phim khiến ta bật cười, một cái cười thâm thúy, về sự đơn điệu của kiến trúc và hàng hóa thời đại công nghiệp.

Sự đơn điệu là đặc điểm bao trùm của không chỉ của kiến trúc đô thị và thế giới hàng hóa, mà của cả đời sống tinh thần. Và đó là một phần của cái gọi là toàn cầu hoá về mặt văn hoá đang trở thành một xu thế không thể cưỡng nổi. Ngày nay, người dân ở mọi nơi đều đang hướng tới một cuộc sống vật chất và tinh thần giống nhau, nói đúng hơn là đơn điệu giống nhau. Ở đâu cũng uống Coca Cola và nghe nhạc Mỹ, xem phim Mỹ. Các cô gái Hàn Quốc đua nhau nâng mũi, nhuộm tóc, sửa cằm cho giống người Châu Âu. Các cô gái Việt Nam- còn tệ hơn nữa- đua nhau copy các cô gái Hàn Quốc- vốn đã là những người copy các cô gái phương Tây. Giới trẻ ngày nay rất hay nói đến cá tính, đến quyền tự do cá nhân. Nhưng đó là cá tính ư, là tự do cá nhân ư?

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Ở tầng sâu hơn, đông đảo dân chúng – trong đó có cả các nhà báo, nhà giáo, nhà văn, học giả… - đang trở thành những sinh vật nhai lại về mặt trí tuệ. Trong cuốn sách nhan đề "Flat Earth News” (Tin tức trong thế giới phẳng), nhà báo Nick Davies vạch ra vô số những tin tức được nhai đi nhai lại vô căn cứ. Một ví dụ là sự kiện Y2K. Tháng 5.1993, tờ "Financial Times” của thành phố Toronto đăng một bài báo ngắn về lời cảnh báo của Peter D. Jager, rằng vào đêm giao thừa thế kỷ, các máy tính có thể sẽ gặp trục trặc khi chuyển từ năm 99 sang năm 00. Thông tin này nhanh chóng lan truyền và trở thành một cơn sốt. Người ta tin rằng có máy bay sẽ rơi, có nhà máy điện hạt nhân sẽ nổ tung, có tàu ngầm sẽ chìm, có ngân hàng sẽ sụp đổ kéo theo toàn bộ nền kinh tế… Một số quốc gia bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để chống lại thảm họa. Báo chí đưa tin Chính phủ Anh bỏ 396 triệu bảng Anh, rồi 430 triệu bảng, rồi 788 triệu bảng. Họ đưa tin rằng Hoa Kỳ bỏ ra 600 triệu đôla, rồi 858 triệu đôla. Trong khi đó, rất nhiều nước – như Nga, Ukraina, Belarus, Moldova… - thật liều lĩnh, chẳng bỏ ra đồng nào. Thế rồi cái đêm 31.12.1999 khủng khiếp ấy trôi qua mà không có một sự cố nào. Nhưng điều đáng nói là buổi sáng đầu tiên của thế kỷ 21, cả thế giới nhìn nhau, im lặng và nhanh chóng quên đi những cảnh báo thảm họa có một không hai của thế kỷ.

Viết bài này, tôi muốn nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập thông tin, nhưng chúng ta dường như đang mất dần khả năng lựa chọn. Nói đúng hơn, chúng ta được định hướng để lựa chọn các công ty và những nhà chính trị muốn chúng ta lựa chọn. Chúng ta đổ xô đi mua cuốn sách “Harry Potter”, chẳng hạn, có phải vì nó hay hay không? Giả sử chúng ta đổi tên cuốn sách thành “Ivan Ivanovitch”, liệu cuốn sách có thể bán được 10 ngàn bản hay không? Tôi tin rằng không.

Như vậy, chúng ta lựa chọn không phải với tư cách một người tự do, mà với tư cách một kẻ nô lệ tự nguyện về mặt tinh thần.

Vậy làm sao để chống lại thứ nô lệ tinh thần tự nguyện đó? Câu trả lời có lẽ lại phải tìm trong những trang viết đã cũ kỹ của các nhà Khai sáng.

Previous Post
Next Post