(Platon)
Theo Wiki: Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng chỉ dành cho con người. Nhưng có phải hạnh phúc chỉ là cho con người không? Con người với trí óc đã tác động được phần nào vào tự nhiên, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là những cố gắng để thích nghi với tự nhiên mà thôi.
Hạnh phúc, đối với con người là một khái niệm rất trừu tượng. Lắm lúc hạnh phúc lớn lao như vừa đạt được một điều gì đó rất lớn trong cuộc sống nhưng có lúc hạnh phúc rất đỗi bình dị… như một tách trà ấm giữa đêm đông giá lạnh hay một bàn tay ấm, choàng vào nhau chiếc áo ấm lúc trời đông. Hạnh phúc là vậy, luôn đến bất ngờ và làm cho người ta phải luyến tiếc khôn nguôi khi đã để lỡ đi một hạnh phúc của đời mình…
Quan niệm về hạnh phúc thì mỗi người một kiểu và câu trả lời cho câu hỏi: "Hạnh phúc là gì?" cũng mỗi người một đáp án. Câu trả lời có thể gặp nhau nhưng cảm xúc thì không thể gặp nhau vì chỉ có kẻ trong cuộc mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực mà người ta đang có.
Theo tôi, hạnh phúc của mỗi người có hai loại: hạnh phúc khi được nhận và hạnh phúc khi mình được cho đi. Hạnh phúc được nhận về thì có thể thuộc một trong hai phạm trù ngẫu nhiên và tất nhiên. Khi hạnh phúc đến bất chợt, không biết trước mà khi ta chợt nhận ra thì ta đã là người hạnh phúc rồi thì đó là hạnh phúc ngẫu nhiên. Còn hạnh phúc do mình cố gắng tìm, đã nỗ lực hành động để đạt được thì thường nó kèm theo cảm giác giống như là sự mãn nguyện. Và hạnh phúc lâu dài hay ngắn ngủi thì phải tùy vào cái “Duyên” của mỗi người. Bởi cái tâm của con người thường luôn biến động và còn bời có những thứ trên đời này không thể cưỡng cầu!
Nhưng, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Thế giới có màu trắng thì cũng có màu đen, thái cực có dương thì cũng có âm, can, chi, trường, lưỡng nghi, tứ tượng, bái quái, ngũ hành...vv. Tóm lại, vạn vật tương sinh tương khắc, luôn có hai mặt cùng song song tồn tại và đối lập nhau. Đối lập sinh ra mâu thuẫn, mâu thuẫn lại khiến cho vạn vật phát triển. Chính vì thế mà phạm trù "mâu thuẫn" là một trong 3 cặp phạm trù thông dụng nhất của cuộc sống. Hạnh phúc cũng không nằm ngoài quy luật này. Nó có thể khiến con người ta cảm thấy sung sướng cực độ nhưng xét ở một khía cạnh khác, hạnh phúc chỉ là một cực đối lập với khổ đau mà con người thì chỉ luôn mong mình hạnh phúc.
Hạnh phúc cũng như niềm vui chỉ là một nốt nhạc hay, bay bổng hay một gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của cuộc đời, là chất xúc tác cho ta thêm nghị lực, niềm vui để tiếp tục bước đi trên con đường đời.
Nhưng tóm lại, hạnh phúc cũng chỉ là một cảm giác tồn tại trong đời sống tâm hồn của mỗi người. Niềm vui thường đi liền với hạnh phúc, nhưng niềm vui không phải là hạnh phúc, mà chỉ là trong hạnh phúc có bao gồm niềm vui, niềm hạnh phúc là một cung bậc cao hơn của niềm vui. Thuở nhỏ ta có thể cảm thấy vui khi được chơi chung với 1 bạn nữ nào đó, nhưng khi mình lớn lên, rất có thể cảm giác đó sẽ là cảm giác hạnh phúc. Và điều này còn tùy thuộc vào từng tâm trạng của con người ta cảm nhận nữa.
Khi người ta có thể coi là bắt đầu trưởng thành, đã cảm thấy mình có trách nhiệm với cuộc sống của mình thì thường thì người ta quan niệm hạnh phúc gắn liền với tình yêu. Đối với một số người thì tình yêu là tất cả. và thường thì đó đa số là phụ nữ. Đó là những gì mà tôi rút ra được từ những hiểu biết của tôi. Quả thật, thượng đế tạo ra phụ nữ hình như là chỉ để yêu thương thì phải. Từ nhỏ, có ai không cảm nhận được tình yêu từ mẹ, từ bà, những người phụ nữ vĩ đại của đời ta yêu thương ta vô điều kiện mà họ xem việc yêu thương ta là một niềm hạnh phúc còn ta thì xem điều đó như là điều đương nhiên vậy. Rồi trong cuộc sống này, dù là người đàn ông mạnh mẽ hay yếu đuối, ai cũng cố kiếm tìm cho mình một người phụ nữ để yêu thương.
Trên đời này, ai cũng có nhu cầu được yêu quý và tôn trọng, mỗi người lại thể hiện sự yêu thương của mình theo một cách khác nhau tùy thuộc vào quan niệm hạnh phúc của mỗi người. Có một câu nói là có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách yêu thương. Đối với tôi, bây giờ, yêu một người là mong muốn cho người ta những điều tốt đẹp nhất. Tôi tất nhiên là mong người ta cũng đáp lại tình cảm của tôi một cách tốt đẹp rồi, nhưng như đã nói, mỗi người có một cách yêu thương riêng của mình, và nếu đã là chân giá trị thì sẽ tồn tại và là điều cuối cùng còn lại được khi tất cả mọi thứ khác đã mất đi. Tuổi trẻ, nhan sắc, tất cả rồi cũng tàn phai, Tiền tài, địa vị, con người nếu ai cũng cố gắng, giành giật nhau những điều đó thì còn gì tình yêu thật sự trên đời? Cuối cùng khi chỉ còn lại một nắm xương tàn, khi đó ngoảnh mặt nghĩ lại quãng thời gian đã qua, liệu mình đã phụ bao nhiêu tấm lòng? Cả đời này thật sự mình đã được yêu thương trọn vẹn chưa?
Tất nhiên là sống trên đời này nên có một mục đích để cố gắng. Nhưng mục đích của mình là do mình đặt ra, đừng để quá nhiều điều không có ý nghĩa vào mục đích sống của mình nhé các bạn!