Phải chăng đều là vì lòng tham khiến những con người đang sống trong thời đại xã hội văn minh bỗng hành xử theo cách của người “nguyên thủy”?
Gần đây, cụm từ “hôi của” đang trở nên rất “nóng”. Dư luận xôn xao về vụ “hôi” hơn 1.000 thùng bia tại Đồng Nai. Nhưng nếu tìm kiếm cụm từ này trên Google, ta còn biết được thêm nhiều vụ “hôi của” khác như xe chở dưa hấu bị tai nạn hay một người đàn ông rơi túi tiền trên phố bị người dân xúm vào thi nhau nhặt...
Nạn nhân của các vụ “hôi của” đó, người thì bị đưa đi cấp cứu, người thì hết lòng lạy lục, van xin nhưng những người xung quanh dường như mắt không thấy, tai chẳng nghe. Suy nghĩ của họ lúc đó chỉ còn tập trung vào việc làm sao “hôi” càng được nhiều “của” càng tốt!
Hình ảnh ấy gợi cho tôi liên tưởng đến cảnh tượng của nạn đói năm 45, những kẻ đói khát chỉ chờ miếng ăn đánh rơi là lao vào giành giật… Nhưng lúc đó là do hoàn cảnh và bản năng sinh tồn, phải tìm mọi cách để tồn tại, níu giữ sự sống. Vâng, tôi muốn nhấn mạnh, họ sống lúc đó hoàn toàn theo “bản năng”, điểm mà ta vẫn thấy rất mạnh ở loài vật, chứ không hề có ý thức hay tư duy của con người.
Còn trong thời điểm hiện tại, sao vẫn còn có những người sống theo “bản năng” loài vật như thế? Phải chăng vì họ nghèo, họ đói?
Cứ cho là nghèo, đói nhưng cái sự đói nghèo ở thời buổi này có đến nỗi khiến họ hành xử thiếu lương tâm như vậy? Họ dường như quên mất những gì gọi là “tương thân tương ái”, “giúp đỡ người khi hoạn nạn”, “đói cho sạch rách cho thơm”…
Có giây phút nào họ nghĩ đến người lái xe kia cũng là người lao động nghèo, những thiệt hại vật chất mà họ sẽ phải gánh chịu sau tai nạn sẽ như thế nào? Có chút gì trong lương tâm đánh thức họ rằng số tiền của người đàn ông kia có thể là tiền viện phí cho người nhà đang trong cơn nguy kịch?
Và trong đám đông thi nhau "hôi của" đó, liệu có phải ai cũng nghèo đói hay cả những người dư dả tiền bạc vẫn muốn tranh cướp thêm những đồ “miễn phí” cho “lấp đầy túi tham"?
Rồi, khi thưởng thức những lon bia, quả dưa hấu ấy, họ thấy đắng hay ngọt? Những đồng tiền giành giật được, mỗi khi mở ví tiêu liệu họ có chút nào áy náy?
Không chỉ có chuyện “hôi của” trong hoàn cảnh tai nạn như vậy, còn có những vụ việc khác như tranh giành đồ miễn phí, khuyến mại… Gần đây, chắc hẳn ai cũng biết chuyện “hàng nghìn người chen lấn nhau ăn sushi miễn phí” tại một cửa hàng mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội). Số lượng người đến đông tới mức tràn xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông. Thậm chí, một số người còn chen lấn, xô đẩy chỉ với mong muốn giành được một phần ăn cho mình… Câu “miếng ăn là miếng nhục” dùng cho những trường hợp thế này thật không lệch vào đâu được.
Phải chăng đều là vì lòng tham khiến những con người đang sống trong thời đại xã hội văn minh bỗng hành xử theo cách của người “nguyên thủy”? Họ khiến hình ảnh người Việt Nam trở nên “xấu xí” trong con mắt người nước ngoài khi những bài viết, hình ảnh chụp lại được đăng đầy rẫy trên báo mạng. Họ khiến những người Việt Nam có lương tâm tự cảm thấy xấu hổ vì “bị” dùng chung cái tên “người Việt Nam ” với họ.
“Đây là vấn đề liên quan đến lòng tham hay sự suy đồi về lương tâm và đạo đức của con người?”. Câu hỏi ấy sẽ còn day dứt và nhức nhối đến khi mọi người đều ý thức được những hành động đáng xấu hổ của mình. Để rồi một ngày, sẽ không còn những cảnh tượng tương tự diễn ra. Để cụm từ “hôi của” dần biến mất trên những trang báo mạng và trong từ điển của người Việt.