Tâm Thanh thản, An lạc, Vô sự

Làm sao để tâm trí của chúng ta luôn được thanh thản, an lạc, và vô sự?

Đó là vấn đề duy nhất cần phải lo giải quyết trước tiên. Chính đó là điều thắc mắc chung cho những ai có tâm cầu đạo giải thoát. Ngoài vấn đề then chốt ấy không nên thắc mắc chi cả, chớ bận tâm làm gì vô ích.

Nếu cứ mãi chạy theo những điều không dính dấp liên quan chi với đạo giải thoát thì dù đa văn quảng kiến cũng chỉ là người ăn bánh vẽ mà thôi.

Nước biển tuy nhiều nhưng chỉ có một vị mặn. Phật pháp cũng thế, tuy bao la bát ngát nhưng cũng chỉ có một tính chất an lạc giải thoát mà thôi. Ngoài tính chất Giải-thoát ra không còn gọi đó là Phật pháp nữa, chúng sanh vì mê theo dục trần cấu nhiễm mà không biết tu và cách xa cửa đạo đã đành, còn kẻ tu hành phát tâm cầu đạo mà vẫn dong ruổi theo các pháp phi pháp, xa lìa tâm an lạc giải thoát thì thật đáng thương…

Thậm chí người có duyên lành gặp được thiện tri thức mà chỉ ngửi được hơi đạo chớ không nếm được mùi vị an lạc của đạo giải thoát. Sở dĩ vì sao?

Vì hiểu mà không hành hoặc giả hành nửa chừng không đến nơi đến chốn!

Duyên lành khó gặp, dịp tốt dễ qua, cơn vô thường vụt đến thì có kêu la cũng muộn màng, có thở than cũng vô ích!

Đạo Pháp tuy muốn cầu mà tâm tu chưa dọn sạch chướng ngại, thì chẳng khác nào kẻ có vườn muốn trồng cây quí mà chẳng dọn cỏ cho sạch hết vậy. Như thế dù có nghe pháp tu cũng không sao hành được – Cũng như cây quí đem trồng nơi đất xấu lại còn để bò trâu ăn phá thì không thể có trái tốt cho chủ nhân thọ dụng được…

Do đó trước khi cầu pháp tu hãy dọn sạch tâm trần chớ để tâm nhiễm nhiều ác duyên ràng buộc.

Đạo chẳng xa người, chỉ vì người xa đạo. Vì sao? Vì tâm còn phan duyên trần cảnh nên che lấp mối đạo mà thôi. Vậy muốn trở lại nguồn tâm an lạc thì phải:

Ngăn ác diệt ác pháp

Sanh thiện tăng trưởng thiện

Luôn Thực hiện Giới Đức

Sớm chấm dứt trần duyên

Là Tâm Thiền an lạc.

Đối với những ai tha thiết với đạo, chỉ cần thực hành Giới Đức, vì Phật Dạy "Giới đức ở đâu thì Trí tuệ ở đó". Nhờ hành trì tịnh giới rồi tự hiểu thêm. Ở đời có câu: “Nghề dạy nghề”. Tu đạo cũng thế “Tu sẽ dạy tu”. Do đó dù Phật có nhập diệt, có xa Thầy thì chúng ta vẫn không bị chơi vơi lạc hướng mà mất điểm tựa. Đường đạo thì chẳng gần xa mà sự vô thường hiệp ly chỉ trong sát na thôi vậy.

Đức Phật khi vào Niết Bàn đã có lời phó chúc: “Các con hãy lấy Giáo pháp và Giới Luật của ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Chúng ta hữu duyên có đủ tín tâm được lãnh thọ chánh pháp của Phật mà Thầy Thông Lạc đã khai Thị.

Nếu tất cả kinh luận của Phật mà chúng ta ra sức học hỏi hết, thì cả đời cũng chưa chắc cùng tận được. Nhưng dù có học nhiều mà Giới Đức chẳng gìn, giới hạnh không tu thì cũng không ích gì! Chỉ thêm lưới chấp càng dày mà thôi. Vậy chỉ cần tu rồi lần lần tự biết hết – Cũng vì lẽ ấy mà Phật nói kinh, chư vị đệ tử Phật thời ấy đều lặng thinh thực hành không luận giải. Nếu không phải vô bổ thì Ngài Xá Lợi Phất, Ngài A Nan và chư vị A La Hán đã giảng ra cho chúng sanh đời sau tỏ ngộ hết rồi. Các Ngài quá hiểu rằng: “Giảng kinh là thu hẹp nghĩa lý của kinh vậy.” – nên các Ngài không giảng kinh cũng vì lẽ ấy.

Nhưng sau khi Ngài A Nan tịch, kinh sách phát triển của Đại Thừa viết ra luận giải vô số làm kẻ tu học mê chấp thành ra ngăn lấp mối đạo.– Phàm đã có tưởng thức xen vào tức là bổn tâm đã bị che lấp, lưới mê chấp càng dày vô minh càng thêm nhiều lớp không sao tỏ ngộ được. Do đó đời mạt pháp nầy tuy có nhiều người giảng giải pháp Thiền mà vẫn không có ai đắc ngộ Thiền cơ cả!... Vì sao?

Vì quá trụ trước nơi văn tự tưởng giải của các tổ còn mang tâm dục, tâm phàm phu, ô nhiễm vậy!!

Thuận lưu thì xa nguồn, nghịch lưu thì được trở về nguồn tâm an lạc.

Tất cả chúng sanh trong thế giới hữu vi, hữu lậu đều đang thuận dòng sanh tử ô nhiễm trần cấu để niệm niệm xa dần nguồn cội an lạc của tâm.

Nghịch lưu giữa dòng đời chớ không phải nghịch lưu ngoài dòng đời. Dù chưa đủ duyên xuất gia, còn tại gia bị thế duyên chi phối nhưng vẫn xả ly trần cấu được, trừ phi Hành giả không nhứt tâm cương quyết – Muốn xả ly trần cấu thì “GIỚI” cần phải thực hiện trước tiên. Được thế (tức xả ly trần cấu) thì sẽ có ngay tâm thanh thản an lạc. Tức là giải thoát. Nếu chưa xả ly trần cấu thì dù có hạ thủ công phu thì cũng chỉ là việc trồng cây trong bụi rậm mà thôi.

Tam nghiệp thân khẩu ý chúng ta thanh tịnh thì dù ở xa Thầy cũng hoá gần, nhược bằng buông lung tam nghiệp theo vọng tình dục nhiễm thì dù gần Thầy cũng hoá xa và nếu ở xa thì lại càng xa hơn nữa!

- Ném đá xuống biển tuy không thấy động nhưng không phải không động. Thật ra vì sóng biển đã thường động rồi vậy.

Do đó, khi giữ giới ôm pháp Tịnh-tu sẽ thấy tâm ta chao động nhiều. Đó không phải là tại pháp tu không công hiệu mà nó rất hiệu quả vì tâm đã tịnh thì dù chỉ một niệm động khởi là thấy ngay, ví như mặt nước ao phẳng lặng chỉ ném hột cát nhỏ cũng khiến cả ao động vậy.

Hành được chừng ấy tức là đã đi được phân nửa con đường giải thoát rồi vậy. Vì sao? – Vì đó là ải địa đầu khó qua hơn hết. Ngay pháp “Tứ Niệm Xứ” cũng không vượt ra ngoài cửa ải ấy được.

- Thiền định có hai: Thiền hữu sắc và thiền vô sắc. Tịnh tu tam nghiệp thực hành Tứ niệm xứ, tu chánh định tỉnh giác là mở đầu cho pháp thiền vô lậu hữu sắc của Phật. Tu Vô lậu nhưng phải trải qua nhiều giai đoạn mới thành tựu công đức viên mãn. Còn pháp thiền trực chỉ nhơn tâm, Tổ Tổ tương truyền là Thiền vô sắc của ngoại đạo chớ không phải của Phật, nên ở đây chúng ta không cần phải bàn đến các loại Thiền nầy.

- Pháp trợ đạo: Là pháp nọ trợ giúp cho pháp kia, làm nhân làm thực phẩm cho pháp kia mà Đức Phật đã chỉ dạy để giúp cho nguồn tâm của người tu sớm được thanh thản an lạc và vô sự.

Ví dụ: Có biết tùy thuận thì tâm mới bằng lòng mọi sự mọi vật, tâm có bằng lòng là tâm không còn chướng ngại; tâm không còn chướng ngại là tâm buông xả; tâm buông xả là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm thiền định; tâm thiền định là tâm lắng trong; tâm lắng trong là tâm hết ô nhiễm; tâm hết ô nhiễm là tâm đoạn dục; tâm đoạn dục là tâm trí tuệ; tâm trí tuệ là tâm giải thoát; tâm giải thoát là tâm thanh thản an lạc vô sự.

Hoặc: Muốn tu Thiền định giải thoát, thì trước tiên phải luôn Tỉnh Giác giữ gìn Giới Luật, nhờ sức tỉnh giác áp dụng Giới Luật vào đời sống hằng ngày để tu hành đạo đức giải thoát, hay nói một cách khác là tu tỉnh giác để buông xả ác pháp chướng ngại trong tâm mình. Đó là để giải thoát tâm, giải trừ tâm ác độc tâm đau khổ của chúng ta; muốn giải trừ tâm ác độc, tâm đau khổ thì chúng ta phải tập chú ý hơi thở, tập chú ý hơi thở là tập ý tứ hơi thở, tập ý tứ hơi thở là tập ổn định hơi thở, tập ổn định hơi thở thì phải tập đếm hơi thở, tập đếm hơi thở thì phải tập ý tứ số đếm hơi thở và phải nương hơi thở mà đếm số rõ ràng, muốn đếm số rõ ràng thì phải nhớ rõ từng số, vừa đếm xong số nầy thì phải nhớ số khác, số tới và phải hình dung số tới … Cứ đếm như vậy thì gọi là “SỔ TỨC”. Sổ tức như vậy gọi là nhiếp phục vọng tưởng, nhiếp phục vọng tưởng là “DIỆT TẦM”, diệt tầm là diệt tư niệm lăng xăng, diệt tư niệm lăng xăng là diệt suy tư hay gọi là diệt vọng tưởng, diệt vọng tưởng tức là chúng ta sống thực tại trong ý thức của tâm thanh tịnh an lạc, lúc bây giờ tâm không còn bị tưởng thức lừa gạt chúng ta nữa.

- Đời người khổ chỉ vì sống bằng tưởng nhiều, tưởng nhiều thì tham sân si nhiều, tham sân si nhiều thì mạn nghi nhiều, nghi mạn nhiều thì đau khổ nhiều. Người tu tỉnh giác tức là người sống trở lại với ý thức của mình và gạt qua tưởng thức một bên.

Nếu chúng ta biết tu tập tỉnh giác bằng cách đếm hơi thở, ý tứ hơi thở rõ ràng thì ta sẽ có đầy đủ trí thông minh, tại vì chúng ta có một sức tập trung chú ý rất mạnh vào một đối tượng trong một thời gian khá dài; tâm chúng ta không bị lảng xao hoặc chạy theo các đối tượng khác; do sự tập trung không xao lảng mới phát xuất được trí thông minh, nhờ đó ta mới hiểu Kinh, giữ Giới và hành trì Giới một cách chu đáo và tường tận. Vì thế ta không phạm một lỗi nhỏ, và nhờ hàng rào Giới nầy mới vào được Định mới có Tuệ Tam Minh, mới giải thoát tử sinh lão bịnh. Lúc bây giờ nguồn tâm mới thanh tịnh, mới an lạc, mới vô sự được – Đó gọi là đắc đạo. Đắc Đạo Là Đắc Nguồn Tâm An Lạc vậy.

Kính Ghi,
Hứa Vì An
Previous Post
Next Post