Miệng lưỡi thế gian được ví như con rắn độc |
Các cuộc thi hoa hậu hào nhoáng và các đấu trường về bản chất không có gì khác nhau ở chỗ con người trở thành công cụ để mua vui. Song các cuộc thi hoa hậu thì khoác thêm những lớp vỏ hào nhoáng, những giá trị bên ngoài sự mua bán niềm vui. Đó là điều làm gia tăng sự khốc liệt của miệng lưỡi thế gian trên cơ thể người phụ nữ.
Người ta xem thi hoa hậu để làm gì? Nếu câu trả lời thành thật thì đó thuần tuý là một hành vi mua vui. Việc xem các cuộc thi có tính đối kháng là một trong những thú vui cổ xưa và tồn tại bền bỉ nhất của loài người. Từ các cuộc đấu của thú vật với thú vật, người với thú vật, người với người… thời viễn cổ đến các cuộc thi đấu thể thao, thi hoa hậu ngày nay, về bản chất không có gì khác nhau.
Hoa hậu và đấu sĩ, điều khác nhau duy nhất chỉ đơn thuần lợi thế giới tính. Các đấu sĩ thi đấu sức mạnh cơ bắp, những người đẹp thi đấu sức mạnh của dung nhan. Mục đích của các hoa hậu và đấu sĩ đều giống nhau, là giành chiến thắng trước đối thủ và tìm kiếm sự tán thưởng của những người bỏ tiền. Mục đích của những người tổ chức, tối thượng vẫn chỉ là lợi nhuận, từ bán vé, đến quảng cáo.
Các đấu sĩ La Mã xưa kia bị buộc phải mang cơ bắp ra làm trò vui cho tầng lớp quý tộc để đổi lấy miếng ăn, hoặc sự tự do. Những người đẹp thi hoa hậu hôm nay tự nguyện tham gia các cuộc thi để tìm kiếm danh hiệu, cơ hội, và dĩ nhiên là tiền bạc. Họ có thể lựa chọn tham gia hoặc không.
Trong các đấu trường La Mã xưa, khi người ta luôn xác định nó là trò vui, người chiến thắng có thể là bất cứ ai, miễn đó là người cuối cùng còn đứng vững sau các cuộc giao đấu.
Các cuộc thi hoa hậu hôm nay, người ta khoác cho nó những tấm áo hào nhoáng hơn bản chất vốn có, trở thành người đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ của một vùng đất, một cộng đồng, thậm chí là một quốc gia, người ta không còn nhìn các cuộc thi hoa hậu là một cuộc vui nữa.
Những cô hoa hậu phải mang trên mình những giá trị bên ngoài cuộc thi. Họ trở thành tâm điểm của sự xung đột về thẩm mỹ, đạo đức, văn hoá của cộng đồng, vùng đất, quốc gia đó.
Nếu các cuộc thi hoa hậu chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm người có cùng một hệ thống giá trị, và các giám khảo đủ khả năng đại diện cho các giá trị của nhóm người bỏ tiền, kết quả sẽ không bao giờ gây ra tranh cãi.
Những cô gái trẻ tham dự cuộc thi không có lỗi, cho dù họ đại diện cho bất cứ vẻ đẹp nào. Song họ trở thành tâm điểm của sự xung đột giá trị khi bản thân cuộc thi mà họ tham dự đã bị người ta cố tình đánh tráo khái niệm. Bị trở thành người đẹp quốc dân nhưng lại được định vị giá trị bởi vài giám khảo.
Các cuộc thi hoa hậu hào nhoáng và các đấu trường về bản chất không có gì khác nhau ở chỗ con người trở thành công cụ để mua vui. Song trong khi các đấu trường đã dần trở nên văn minh hơn nhờ các điều luật nhằm hạn chế bạo lực. Ngược lại, các cuộc thi hoa hậu thì vẫn tiếp tục khoác thêm những lớp vỏ hào nhoáng, những giá trị bên ngoài sự mua bán niềm vui. Đó là điều làm gia tăng sự khốc liệt của miệng lưỡi thế gian trên cơ thể người phụ nữ.
Phạm Trung Tuyến
Xem thêm: Thi hoa hậu - một trò chơi lỗi mode và lạc hậu; Hoa hậu, người đẹp Việt thi nhan sắc: Chỉ là trò mua vui?; Nhiều hoa hậu có nâng tầm văn hóa quốc gia?; Những phần thi ứng xử hoa hậu hay nhất mọi thời đại
Phạm Trung Tuyến
Xem thêm: Thi hoa hậu - một trò chơi lỗi mode và lạc hậu; Hoa hậu, người đẹp Việt thi nhan sắc: Chỉ là trò mua vui?; Nhiều hoa hậu có nâng tầm văn hóa quốc gia?; Những phần thi ứng xử hoa hậu hay nhất mọi thời đại