Về sự tán loạn tâm thức

Hỏi: Tôi đã nghe tất cả buổi nói chuyện của Ngài và tôi đã đọc hết tất cả những quyển sách của Ngài. Tôi xin hỏi Ngài một cách đứng đắn, chân thành nhất, mục đích của cuộc đời tôi có thể là gì, nếu theo lời Ngài nói, tất cả tư tưởng phải chấm dứt, tất cả kiến thức phải triệt tiêu đi, tất cả trí nhớ phải mất đi? Làm thế nào Ngài giữ lại tương quan của trạng thể ấy với thế giới mà chúng ta đang sống, dù trạng thể ấy là gì đi nữa như Ngài nói? Trạng thể như vậy còn tương quan liên hệ gì với cuộc hiện hữu thê thảm đau đớn của chúng tôi?

Krishnamurti: Chúng ta muốn biết trạng thể này là gì, một trạng thể chỉ hiện hữu khi nào tất cả kiến thức, khi nào thực thể tri nhận, không còn đó nữa; chúng ta muốn biết trạng thể này có tương quan liên hệ với thế giới của chúng ta, thế giới sinh hoạt thường nhật, những đeo đuổi hàng ngày. Chúng ta biết rằng đời sống chúng ta hiện nay như thế nào – buồn bã, đau đớn, thường xuyên sợ hãi lo âu, không có gì hằng cửu; chúng ta quá biết rõ điều ấy, chúng ta muốn biết trạng thái kia có liên quan tương hệ gì với trạng thái này – và nếu chúng ta gạt bỏ kiến thức, giải thoát khỏi những kỷ niệm của chúng ta, vân vân, thì mục đích của sự hiện hữu là gì.

Mục đích của cuộc sống là gì như chúng ta được biết hiện nay? – biết được sát với thực tế, chứ không phải lý thuyết trừu tượng thôi? Mục đích của cuộc sống thường nhật chúng ta là gì? Phải chăng chỉ là sống còn? Sống còn với tất cả sự khốn đốn, tất cả sự trầm thống, hỗn loạn, chiến tranh, tàn phá, vân vân. Chúng ta có thể tạo tác ra những lý thuyết, chúng ta có thể nói: ‘Cái này không như vầy mà phải là một cái khác’. Nhưng tất cả những thứ này đều là lý thuyết, không phải là những sự kiện, dữ kiện.

Chúng ta chỉ biết sự tán loạn, đau đớn, giày vò, những mối thù hận hiềm khích khôn cùng. Nếu chúng ta tỉnh thức hơn, chúng ta cũng biết được những sự tình ấy đã xảy ra như thế nào. Mục đích của đời sống từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, trong mỗi ngày một, là phá hoại tiêu diệt lẫn nhau, trục lợi lẫn nhau, đứng về mặt cá thể hoặc về về mặt tập thể loài người.

Trong cơn cô đơn, trong nỗi điêu đứng thống khổ, chúng ta đã cố gắng chạy trốn bản thân – bằng những cuộc giải trí, bằng những thần thánh thần tượng, bằng trí thức kiến thức, bằng đủ mọi hình thức tín ngưỡng, bằng tinh thần đồng hóa. Đó là mục đích hữu thức hoặc vô thức trong đời sống hiện tại của chúng ta. Có một mục đích nào sâu thẳm hơn, rộng rãi hơn; một tiêu đích siêu việt, không lệ thuộc vào cơn hỗn loạn, không thuộc vào sự thâu hái lời lãi, chiếm hữu? Trạng thái vô vi, không cần nỗ lực kia có tương quan liên hệ gì với đời sống thường nhật của chúng ta?

Chắc chắn trạng thái kia không có tương quan dính líu gì với đời sống của chúng ta. Làm thế nào dính líu được? Nếu tâm thức tôi tán loạn, hấp hối, cô đơn, làm thế nào tâm thức ấy có dính líu quan thiết với một sự thể không phải thuộc vào chính nó? Làm thế nào chân lý có thể liên quan tương hệ với sự giả dối, với ảo tưởng? Chúng ta không muốn nhận điều ấy, vì những hoài vọng của chúng ta, những sự tán loạn của chúng ta, đã làm chúng ta tin tưởng vào một thực thể vĩ đại hơn, tôn quí hơn, mà chúng ta cho rằng có liên quan với w. Trong cơn thất vọng, chúng ta tìm kiếm chân lý, mong mỏi rằng khi khám phá được chân lý thì nỗi thất vọng ủa chúng ta sẽ tiêu tan đi.

Vì lẽ đó, chúng ta có thể thấy rằng một tâm thức tán loạn, một tâm hồn quằn quại đau đớn u sầu, một tâm trí ý thức được nỗi hoang trống cô liêu của nó thì không bao giờ có thể tìm thấy những gì vượt ra ngoài nó. Những gì siêu việt, vượt ra ngoài trí óc chỉ có thể xuất hiện khi nào những lý do của sự hỗn mang, thống khổ, cùng bách, đã được triệt tiêu hoặc được lĩnh hội. Tất cả những gì tôi đã nói, đã đề cập đều là cách tìm hiểu bản thân, vì không có sự tự tri thì trạng thể kia không xuất hiện được, có xuất hiện đi nữa thì đó chỉ là ảo tưởng.

Nếu chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn tiến trình bản thân chúng ta từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng trong việc quét sạch sự hỗn loạn của nội tâm thì trạng thể kia mới xuất hiện. Lúc ấy, sự hiện nghiệm về trạng thể kia mới có sự tương quan liên hệ với trạng thể này. Nhưng trạng thể này sẽ không bao giờ có tương quan liên hệ với trạng thể kia được. Đứng bên này bình phong, đứng bên này trong bóng tối, ở trong bóng tối, làm thế nào mình có thể kinh nghiệm về ánh sáng, về sự tự do? Nhưng một lần mình có kinh nghiệm về chân lý thì lúc ấy bạn có thể đặt tương quan kinh nghiệm ấy với trần gian này, thế giới mà chúng ta đang sống.

Nếu chúng ta chưa bao giờ biết tình yêu là gì, nhưng chỉ biết sự cãi lẫy, khốn khó, xung đột, tương tranh thì làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được tình yêu kia, vì tình yêu chẳng phải thuộc về tất cả những trạng huống đối nghịch kia? Nhưng một lần nào đã thể nghiệm tình yêu kia rồi, lúc ấy, chúng ta sẽ không phải bận tâm tìm kiếm sự tương quan nào cả. Lúc ấy, tình yêu, sự thông minh, tác động xuất sinh. Nhưng muốn thể nghiệm trạng thái ấy, tất cả kiến thức, những kỷ niệm tích trữ, những sinh hoạt duy ngã phải chấm dứt, để cho tâm trí không còn khả năng phóng ảnh ngoại hiện bất cứ cảm giác nào. Lúc ấy, khi sở nghiệm như vậy, hành động mới xuất sinh giữa lòng đời.

Chắc chắn đó là mục đích của cuộc hiện hữu – nghĩa là vượt qua sinh hoạt vị ngã của tâm trí. Khi sở nghiệm trạng thể ấy, một trạng thể mà tâm trí không thể đo lường được, lúc ấy, chính sự sở nghiệm ấy về trạng thể kia sẽ tạo ra một cuộc cách mạng nội tại. Lúc ấy, nếu tình yêu hiện hữu thì không còn vấn đề xã hội nữa. Khi tình yêu giáng thế thì không còn bất cứ vấn đề nào nữa.

Vì chúng ta không biết yêu thương, cho nên chúng ta mới có những vấn đề xã hội và những hệ thống triết lý để đối phó với những vấn đề của chúng ta. Tôi bảo rằng những vấn đề này không bao giờ có thể giải quyết được bằng bất cứ hệ thống ý thức nào, dù là ý thức của tả phái hoặc của hữu phái hoặc của trung phái. Những vấn đề ấy có thể giải tan được sự tán loạn của chúng ta, sự thống khổ, sự tự diệt chỉ có thể giải tan được là khi nào chúng ta có thể thực hiện trạng thể mà không còn tự phóng ảnh ngoại hiện nữa.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 37: Về sự tán loạn tâm thức
Previous Post
Next Post