Về chiến tranh

Hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết sự hỗn loạn chính trị hiện nay và cơn khủng hoảng trên thế giới bây giờ? Có điều gì một cá nhân có thể làm được để chấm dứt trận chiến tranh đang đe dọa hiện nay?

Krishnamurti: Chiến tranh là sự phóng hiện ngoạn mục và đẫm máu, phóng hiện ra bên ngoài những gì chứa đựng trong đời sống thường nhật của chúng ta, phải thế không? Chiến tranh chỉ là sự phát biểu bên ngoài của trạng thái nội tại trong tâm hồn chúng ta, sự phóng đại của đời sống thường nhật chúng ta.

Chiến tranh phát hiện ngoạn mục hơn, đẫm máu hơn, tàn khốc hơn mọi sự, bởi vì đó là kết quả tập thể của những sinh hoạt cá thể. Do đó bạn và tôi là kẻ chịu trách nhiệm cho trận chiến tranh hiện nay, và chúng ta làm gì để chấm dứt chiến tranh? Cố nhiên, các bạn và tôi không thể nào ngăn chặn được trận chiến tranh vẫn luôn luôn đe dọa khắp nơi, vì trận chiến tranh đã diễn tiến lan tràn rồi, chiến tranh đã xảy ra rồi, dù hiện tại chỉ rõ rệt nhất là trên bình diện tâm lý, trận chiến lại dễ thấy có ảnh hưởng khốc hại hơn hết. Vì chiến tranh đã diễn biến vận hành rồi, không ai có thể ngăn chặn chiến tranh được nữa – những vấn sự quá to tát, quá nhiều, quá dan díu và mọi sự đã bị đưa vào cuộc rồi.

Tuy nhiên, các bạn và tôi, lúc thấy rằng ngôi nhà đang cháy, có thể hiểu được những lý do gây ra hỏa hoạn, chúng ta có thể dời đi nơi khác để tránh lửa và xây dựng ở một nơi khác với những vật liệu khác, những vật liệu không dẫn hỏa, những vật liệu nào khả dĩ không gây ra những trận chiến tranh khác. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được. Các bạn và tôi, có thể nhìn thấy những gì tạo ra chiến tranh và nếu chúng ta thực sự để tâm muốn ngăn chặn chiến tranh, lúc ấy, chúng ta có thể bắt đầu tự chuyển hóa bản thân, vì bản thân chúng ta chính là nguyên nhân của chiến tranh.

Một bà thiếu phụ người Mỹ đến thăm tôi cách đây vài năm vào thời chiến tranh. Bà nói rằng, bà đã mất đứa con trai bà ở trận chiến tại Ý đại lợi và bà còn một đứa con trai kế được mười sáu tuổi mà bà muốn đứa con trai này không phải chết như anh nó vì thế bà muốn bàn bạc với tôi về vấn đề này.

Tôi đưa ý rằng nếu bà muốn cứu sống đứa con trai thứ của bà thì phải bỏ quốc tịch của bà đi; bà phải bỏ gian tham bỏ việc tích trữ chồng chất tài sản tìm kiếm quyền thế, thống trị và phải có tinh thần đơn giản – chẳng phải chỉ đơn giản trong cách ăn mặc, không phải chỉ đơn giản ở hình thức bên ngoài, mà phải đơn giản trong tư tưởng của bà, trong cảm giác và trong tương giao. Bà ấy trả lời, ‘Như thế thì quá sức tôi. Ngài đòi hỏi nhiều quá. Tôi không thể làm được như vậy, bởi vì tôi không đủ sức để biến chuyển những hoàn cảnh’. Thế là chính bà ấy đã chịu trách nhiệm về sự hủy diệt của đứa con bà.

Chúng ta có thể chế ngự những hoàn cảnh bởi vì chúng ta đã tạo ra những hoàn cảnh. Xã hội là sản phẩm của tương giao, của tương giao bạn và tương giao tôi cùng chung với nhau. Nếu chúng ta biến đổi tương giao của chúng ta thì xã hội biến đổi; chỉ dựa trên pháp luật, trên sự cưỡng bức để mà thay đổi xã hội bên ngoài, trong khi ấy mình vẫn thối nát bên trong tâm tư, nội tâm mình vẫn tiếp tục tìm kiếm quyền thế, địa vị, thống trị, như thế có nghĩa là phá hủy thế giới bên ngoài, dù thế giới bên ngoài này có thể được xây dựng một cách kỹ lưỡng, một cách khoa học đi nữa thì cũng chỉ là phù phiếm. Thế giới nội tâm vẫn luôn luôn chiến thắng thế giới bên ngoài.

Những gì tạo ra chiến tranh - trên phương diện tôn giáo, chính trị hoặc kinh tế? Cố nhiên những nguyên nhân của chiến tranh là tín ngưỡng, tín ngưỡng vào chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, vào một ý thức hệ hoặc vào một tín điều đặc thù nào đó. Nếu chúng ta không có tín ngưỡng mà chỉ có thiện chí, tình thương và kính trọng lẫn nhau thì lúc ấy không thể nào có chiến tranh được.

Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng những tín ngưỡng những ý tưởng và những tín điều, do đó, chúng ta chỉ nuôi dưỡng sự bất hòa. Cơn khủng hoảng hiện nay có tính cách ngoại lệ, và đứng trên cương vị con người, chúng ta bắt buộc chọn lựa: hoặc đeo đuổi con đường xung đột thường trực và chiến tranh liên tục tức là kết quả của tất cả hành động thường nhật của chúng ta, hoặc tìm thấy những nguyên nhân của chiến tranh và quay lưng lại với những nguyên nhân ấy.

Cố nhiên nguyên nhân của chiến tranh là lòng khát vọng quyền hành, địa vị, uy tín, tiền bạc; nguyên nhân của chiến tranh cũng là chứng bệnh mang tên là chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, sùng bái một lá cờ, chứng bệnh của tương giao tổ chức, sự sùng bái một tín điều. Tất cả những thứ này là những nguyên nhân của chiến tranh; nếu đứng trên cương vị của một cá thể, bạn lại thuộc vào bất cứ một tương giao tổ chức nào, nếu bạn tham quyền cố vị, nếu bạn ghen ghét đố kỵ, nhất định bạn sẽ tạo ra một xã hội đi đến sự phá hoại diệt vong. Vì thế mọi sự là tùy thuộc vào các bạn, chứ không phải tùy thuộc vào những vị lãnh tụ, không phải tùy thuộc vào những kẻ gọi là chính khách và những hạng người đại loại như vậy.

Mọi sự đều tùy thuộc vào bạn và tôi, nhưng dường như chúng ta không ý thức được điều ấy. Nếu chúng ta chỉ thực sự một lần cảm thấy được trách nhiệm của những hành động mình, thì chúng ta có thể chấm dứt nhanh chóng tất cả chiến tranh, tất cả thống khổ kinh hoàng, chấm dứt một cách nhanh chóng biết bao! Tuy nhiên, các bạn đã thấy rõ rằng chúng ta quá hững hờ lãnh đạm. Chúng ta có được ba bữa ăn mỗi ngày, chúng ta có công ăn việc làm, chúng ta có những ngân khoản ở nhà băng, ngân khoản nhỏ, ngân khoản to, và chúng ta lại nói ‘cầu trời, xin đừng phiền rầy chúng tôi, hãy để chúng tôi yên thân’.

Chúng ta càng leo cao, chúng ta lại càng muốn được thêm nhiều an ninh, trường tồn, an tâm, chúng ta lại càng muốn yên thân, muốn mọi sự cố định như thường lệ; nhưng mọi sự không thể nào cố định được như thường lệ, bởi vì không có gì lưu tồn. Mọi sự đều đang phân tán. Chúng ta không muốn đối mặt với những sự việc này, chúng ta không muốn đối diện với sự kiện rằng các bạn và tôi phải chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này.

Các bạn và tôi có thể nói về hòa bình, hội nghị, hội thảo chung quanh bàn tròn và luận bàn mọi sự, nhưng trong tâm thức, đứng về mặt tâm lý, chúng ta lại thèm muốn quyền hành, địa vị, chúng ta bị thôi thúc bởi lòng gian tham. Chúng ta gây sự, chúng ta chạy theo lòng ái quốc hẹp hòi, chúng ta bị buộc trong những tín ngưỡng, những tín điều, mà chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mạng, sẵn sàng tàn sát lẫn nhau.

Các bạn có nghĩ rằng những hạng người như vậy, các bạn và tôi, có thể đem đến hòa bình trên thế giới? Muốn có được hòa bình, chúng ta phải hòa bình nơi tâm thức; sống một cách hòa bình, thanh bình, có nghĩa là không tạo ra sự chống đối hiềm khích. Hòa bình không phải là một ý tưởng.

Đối với tôi một lý tưởng chỉ là một lối thoát ly, trốn tránh hiện thể, mâu thuẫn với hiện thể. Bất cứ một lý tưởng nào cũng đều ngăn chặn lại hành động trực tiếp đối với hiện thể. Muốn có hòa bình, chúng ta phải thương yêu, chúng ta không phải sống một cuộc đời lý tưởng mà phải nhìn sự thể như là sự thể, thực sự như là thế, và tác động trên sự thể, chuyển hóa sự thể. Khi mà mỗi một người trong chúng ta lại đi tìm sự an ninh tâm lý; sự an ninh thể xác cần thiết như cơm, áo, chỗ ở, nhu cầu vật chất phải bị phá hủy.

Chúng ta đều tìm kiếm sự an ninh tâm lý, sự an ninh tâm lý này không hiện hữu, thế mà chúng ta vẫn tìm kiếm nó, cố sức tìm kiếm nó qua quyền thế, địa vị, chức tước, tên tuổi – tất cả những thứ này đang phá hủy sự an ninh vật chất. Đó là một sự kiện dễ thấy, nếu các bạn chịu khó để tâm vào vấn đề.

Muốn đem đến hòa bình trên thế giới, muốn chấm dứt chiến tranh, mình phải thực hiện cuộc cách mạng trong cá thể, trong các bạn và tôi. Cuộc cách mạng kinh tế chỉ là vô nghĩa, nếu cuộc cách mạng kinh tế này thiếu mất cuộc cách mạng nội tâm, vì sự đói kém là kết quả của sự bất tương ứng giữa những điều kiện kinh tế và sự bất tương ứng của những điều kiện kinh tế này phát sinh từ những trạng thái tâm lý của chúng ta như lòng tham, lòng đố kỵ, ghen ghét, thiếu thiện chí và lòng chiếm hữu. Muốn chấm dứt đau đớn thống khổ, đói kém, chiến tranh thì mình phải làm một cuộc cách mạng tâm thức, nhưng rất ít người chịu đối mặt với sự thật này.

Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục bàn cãi về hòa bình, đặt kế hoạch lập pháp, tạo ra những liên minh mới, Liên Hiệp quốc, vân vân và vân vân, nhưng chúng ta sẽ không đạt được hòa bình, bởi vì chúng ta sẽ không chịu bỏ địa vị chúng ta, quyền thế của chúng ta, tiền bạc, tài sản, đời sống ngu xuẩn của chúng ta. Chỉ nương cậy vào những kẻ khác, là một việc hoàn toàn phù phiếm, những kẻ khác không thể nào đem đến hòa bình cho chúng ta, không có vị lãnh tụ nào sắp mang hòa bình tới cho chúng ta, không có chính quyền nào, không có quân đội nào, không có quốc gia nào có thể làm được việc ấy.

Chỉ là một điều khả dĩ mang đến hòa bình là sự chuyển hóa nội tâm, chính sự chuyển hóa nội tại này sẽ đưa tới hành động ở ngoại giới. Sự chuyển hóa nội tâm không phải là sự cô lập. không phải là lùi tránh hành động ngoại giới. Trái lại, chỉ có hành động chính đáng khi nào có sự suy tư chính đáng, và chỉ có sự suy tư chính đáng là khi nào có sự tự tri. Không thể nào có hòa bình được nếu mình không tự hiểu mình.

Muốn chấm dứt chiến tranh bên ngoài, các bạn phải bắt đầu chấm dứt chiến tranh bên trong tâm hồn các bạn. Một số người ngồi đây sẽ gật đầu và nói, ‘tôi đồng ý’ và bước ra về, rồi cũng tiếp tục làm lại y hệt những gì mình đã làm từ mười hoặc hai mươi năm nay. Sự đồng ý của các bạn chỉ có tính cách ngôn từ và không có ý nghĩa gì cả, vì sự đồng ý hờ hững của các bạn không thể chặn đứng được nỗi thống khổ và chiến tranh của nhân loại hiện nay.

Chỉ có thể chặn đứng được mọi nỗi khốn khổ đao binh này khi nào các bạn ý thức được nỗi hiểm họa, khi các bạn ý thức được trách nhiệm của các bạn khi bạn không để trách nhiệm ấy cho một kẻ nào khác. Nếu các bạn ý thức được nỗi đau đớn hiện nay, nếu các bạn thấy được sự đòi hỏi cấp bách hành động trực tiếp không trì hoãn thì lúc ấy các bạn sẽ tự chuyển hóa bản thân; hòa bình chỉ có thể xuất hiện khi nào chính các bạn đã hòa bình trong bản thân, khi nào chính các bạn sống hòa thuận với người láng giềng của các bạn.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 10: Về chiến tranh
Previous Post
Next Post