Trước khi đem giáo pháp này ra dạy thì Ngài đã chọn những người nào đáng được nghe bài pháp đầu tiên nói về con người.
Sau khi quan sát Ngài thấy có năm anh em Kiều Trần Như đang tu hành trong núi gần bên Ngài. Vì thế bài pháp đầu tiên của Ngài được thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như nghe.
Bốn sự thật của con người mà đức Phật giảng dạy là bốn điều rất cần thiết cho con người. Vì vậy mọi người ai cũng cần phải thấu hiểu.
Từ xưa đến ngày nay đã có nhiều người nhưng chưa ai hiểu biết giáo pháp này, mặc dù đức Phật đã giảng nói cách đây 2550 năm. Bởi con người mãi chạy theo lòng dục lạc ham danh đắm lợi nên xem thường giáo pháp này, vì thế giáo pháp này đã biến dạng thành một pháp môn tha lực, nên việc cầu cúng bái, tế lễ càng ngày càng nhiều hơn, nên mọi người phải chịu luân hồi trong sáu nẻo khổ đau không sao kể siết. Nếu không thấu hiểu bốn sự thật này thì con người sống trong đau khổ mà cứ mãi chịu trong đau khổ.
Đức Phật, người đã thấy biết bốn sự thật này rất rõ ràng nên muốn giúp cho con người thấu hiểu, và nhờ biết rõ ràng thân phận của mình có bốn sự thật.
Trong bốn sự thật có sự thật thứ tư là phương pháp chỉ thằng đường lối tu tập làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người là sinh, già, bệnh, chết.
Đạo Phật bắt đầu tu tập từ chỗ khổ đau đến chấm dứt khổ đau; tức là bắt đầu tu tập bằng cách triển khai tri kiến giải thoát, nhờ có triển khai tri kiến hiểu biết nên mới có cách thức ly dục ly bất thiện pháp.
Hằng ngày dùng tri kiến giải thoát nên việc xả các chướng ngại pháp rất dễ dàng. Chính nhờ xả chướng ngại pháp dễ dàng nên việc bảo vệ tâm bất động không còn khó khăn nữa.
Sau khi giữ gìn tâm bất động được trọn vẹn thì tâm luôn luôn bám sát trên Tứ Niệm Xứ, thời gian suốt bảy ngày đêm thì tâm có đủ đạo lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Khi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm thanh tịnh. Khi tâm đã thanh tịnh thì tâm nhập Tứ Thánh Định rất dễ dàng không còn khó khăn và mệt nhọc nữa. Do nhờ tu tập đúng như vậy nên từ phàm phu đến chứng quả thánh dễ như trở bàn tay.
Bài học thứ nhất: KHỔ ĐẾ
Khi nghiên cứu chúng ta phải bắt đầu từ chân lí thứ nhất. Chân lí thứ nhất đã xác định con người là một khối đau khổ, điều này không ai dám phủ nhận được.
Cho nên con người khổ đau từ lúc nằm trong bụng mẹ cho đến khi chết, rồi lại tiếp tục tái sinh vào bụng mẹ nữa, và như vậy sự khổ đau mãi mãi không bao giờ dứt, từ đời này kế tiếp đời khác như một vòng tròn khổ đau không có lối thoát ra.
Nhưng may mắn thay chúng ta đã nhờ ơn đức Phật, Người chỉ dạy đường lối tu tập để con người thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết như vậy và cố gắng thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ. Con người ai cũng sợ khổ, ai cũng muốn thoát khổ, những họ không muốn lìa dục, không muốn xa ác pháp. Vì thế họ luôn luôn cứ làm ác sống trong ác thường làm khổ mình khổ người và khổ chúng sinh.
Dục chính là nguyên nhân sinh ra muôn vạn sự đau khổ, vì thế con người tu tập thì có tu tập mà cứ mãi mê ôm dục khư khư trong lòng không muốn lìa dục. Tu như vậy làm sao giải thoát được hỡi quý vị?
Tu mãi không đoạt được kết quả giải thoát rồi cho đó là con đường của đạo Phật khó tu. Sự thật con đường giải thoát của đạo Phật không phải khó tu mà khó hay dễ đều là do con người, nếu những ai muốn thoát khổ thì tu hành rất dễ dàng thoát khổ, họ chỉ cần ly dục ly ác pháp trong tâm của mình thì ngay đó là có giải thoát liền, chứ đâu phải ngồi lim dim như con cóc không niệm khởi như Thiền Tông Trung Quốc.
Cho nên những ai không muốn sống ly dục ly ác pháp là những người còn ham muốn sống trong đau khổ. Những người còn ham muốn sống trong dục thì rất khó tu tập theo đường lối của đạo Phật, dù có tu tập cũng không giải thoát. Bởi chính họ còn ưa thích dục.
Chân lí thứ nhất đức Phật đã xác định rõ ràng con người là một khối đau khổ như trên đã nói. Nếu người nào còn thích sống trong đau khổ, không muốn buông bỏ mọi sự đau khổ thì con đường đạo Phật họ không thể đi được. Và như vậy dù đạo Phật có đến với họ vẫn là vô ích.
Có người hỏi:
Con người là một khối khổ như thế nào xin chỉ rõ cho chúng con hiểu?
Xin quý vị hãy lắng nghe:
- Cái khổ thứ nhất: Thân con người là một khối khổ. Khổ từ khi còn nằm trong bụng mẹ, còn là một bào thai.
Bụng mẹ giống như một nhà tù và chỗ thai nhi nằm như một chuồng cọp trong nhà tù rất chật chội, vì vậy thai nhi xoay trở rất khó khăn, nhất là nơi thai nhi nằm toàn là nước nhờn nhớt bẩn thỉu uế trược. Đó là nơi bất tịnh nhất trên trần gian này, thế mà con người trước khi sinh ra không ai tránh khỏi bị giam mình trong ao tù bất tịnh này, đó là cái khổ thứ nhất.
- Cái khổ thứ hai: Khi xuất thai phải chui qua một cái cửa quá chật hẹp, thân người phải kéo nhẳn dài ra và nhờ người đỡ đẻ (bà mụ) kéo ra, cho nên khi qua cửa này đau đớn vô cùng, một còn mười mất. Đó là cái khổ thứ hai.
- Cái khổ thứ ba: Khi ra khỏi bụng mẹ, miệng mũi đều đầy nhớt nhao nên bà đỡ phải móc miệng, mũi làm cho sạch đờm nhớt nên rất đau khổ, thai nhi la khóc thét lên. Đó là cái khổ thứ ba.
- Cái khổ thứ tư: Cơ thể chưa giao tiếp khí hậu bên ngoài nên người lạnh run rất là khổ sở. Đó là cái khổ thứ tư.
- Cái khổ thứ năm: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt để đâu nằm đó nên bài tiết một chỗ, cơ thể nằm trên nước tiểu và phân của chính mình rất là hôi thối, vì vậy ngứa ngáy rất khổ sở. Đó là cái khổ thứ năm.
- Cái khổ thứ sáu: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt không lăn lộn trườn bò được nên bị mỏi và đau nhức khó chịu. Đó là cái khổ thứ sáu.
- Cái khổ thứ bảy: Khi cơ thể trườn bò được, nếu không người trông nom thì khi trườn bò trên giường ván thường bị rơi xuống đất nên đau đớn vô cùng. Đó là cái khổ thứ bảy.
- Cái khổ thứ tám: Khi cơ thể mới biết đứng thì đứng lên té xuống liên tục mà mỗi lần té là đau đớn. Đó là cái khổ thứ tám.
- Cái khổ thứ chín: Khi cơ thể mới biết đi, đi được vài bước liền té và mỗi lần té đều bị đau đớn khổ sở. Đó là cái khổ thứ chín
- Cái khổ thứ mười: Mỗi lần mọc răng là cơ thể bị bệnh nóng sốt bất an khó chịu. Đó là cái khổ thứ mười.
- Cái khổ thứ 11: Cơ thể sinh ra bị tật nguyền, tay chân không bình thường hoặc mù mắt. Đó là cái khổ thứ mười một.
- Cái khổ thứ 12: Trí óc đần độn ngu si, không nhớ thường quên trước quên sau, nên không được đến trường học hành. Đó là cái khổ thứ mười hai.
- Cái khổ thứ 13: Ham chơi không thuộc bài bị thầy cô giáo đánh phạt. Đó là cái khổ thứ mười ba.
- Cái khổ thứ 14: Theo bạn hư thân mất nết sinh ra trộm cắp đánh nhau nên bị tù tội. Đó là cái khổ thứ mười bốn.
- Cái khổ thứ 15: Khi lập gia đình hai vợ chồng thường hay cãi vã đánh nhau. Đó là cái khổ thứ mười lăm.
- Cái khổ thứ 16: Vợ chồng sinh con đẻ cái phải nuôi bồng ẵm. Đó là cái khổ thứ mười sáu.
- Cái khổ thứ 17: Khi con cái bệnh đau phải cho uống thuốc, ăn cháo, đi bác sĩ, đôi khi phải ở lại bệnh viện. Đó là cái khổ thứ mười bảy.
- Cái khổ thứ 18: Cơ thể già yếu đi đứng không vững vàng thường run rẩy. Đó là cái khổ thứ mười tám.
- Cái khổ thứ 19: Không tự ăn uống được, con cái phải đút từng muỗng cơm hay cháo. Đó là cái khổ thứ mười chín.
- Cái khổ thứ 20: Khi cơ thể sắp chết không chỗ nào không đau nhức. Đó là cái khổ thứ hai mươi.
Trên đây là 20 cái khổ khi có thân người, cho nên đức Phật dạy làm người khổ, chỉ khi nào chấm dứt không còn làm người, làm chúng sinh nữa thì mới hết khổ.
Nhưng muốn chấm dứt làm người, làm chúng sinh thì phải làm sao?
Phải theo đường lối Bát Chánh Đạo của Phật giáo tu tập thì mới chấm đứt mọi khổ đau này. Vậy xin mời quý vị hãy nghiên cứu tập sách “PHẬT GIÁO CÓ ĐƯỜNG LỐI RIÊNG” thì sẽ rõ.
Bài học thứ hai: TẬP ĐẾ
Tập đế là đế thứ hai trong bốn đế mà đức Phật đã xác định. Đó là nguyên nhân sinh ra muôn sự đau khổ của con người trên hành tinh này. Vậy nguyên nhân sinh ra đau khổ con người trên hành tinh này như thế nào?
Tập đế là lòng tham muốn của con người. Vậy làm người có ai không có lòng tham muốn không?
Không ai dám bảo rằng: Con người không có lòng tham muốn. Cho nên con người ai cũng có lòng tham muốn cả, tham muốn nhiều hay tham ít mà thôi, nhưng làm con người bảo rằng không tham muốn là sai không đúng. Chính vì lòng tham muốn mà con người phải chịu khổ vô vàn cay đắng. Bởi gốc khổ của con người là lòng tham muốn. Cho nên đức Phật dạy: Lòng tham muốn của con người là nguyên nhân sinh ra muôn sự khổ đau. Lòng ham muốn ấy là một sự thật, nó là bản chất của con người từ khi còn ở trong bụng mẹ, nên đức Phật gọi nó là chân lý thứ hai.
Con người sinh ra từ nghiệp, nhưng chủ động để đi tái sinh là DỤC, dục tức là lòng tham muốn của con người. Cho nên đạo Phật là đạo diệt dục, người còn lòng dục thì không thể tu theo đạo Phật.
Thường mọi người ngồi im lặng bất động thì tâm hay lăng xăng nghĩ ngợi điều này thế kia, đó là do lòng dục của con người. Bởi vậy Phật dạy: Người mới tu tập phải dùng tri kiến giải thoát để hằng ngày ly dục ly bất thiện pháp. Ly dục ly bất thiện pháp là thấy ngay có giải thoát liền. Quý vị cứ làm thử xem có đúng như vậy không?
Người nào siêng năng trong từng phút, từng giây ly dục ly bất thiện pháp thì người ấy luôn luôn ở trong tâm bất động. Tâm luôn luôn bất động là chứng đạo. Cho nên chứng đạo của Phật giáo đâu phải khó khăn, nếu biết cách tu tập thì chứng đạo một cách rất dễ dàng.
Ở đời, người ta thường bảo lòng ham muốn của con người là túi tham không đáy, đúng vậy, lòng ham muốn của con người tham biết bao nhiêu cũng không hết ham muốn. Có cái này thì ham muốn cái khác:
1- Ham muốn ăn món ăn này món ăn khác, tham muốn ăn thứ này đến thứ khác cho nên thức ăn ngày ngày người ta chế biến đủ loại. Bước vô gian hàng buôn bán thực phẩm không biết bao nhiêu mặt hàng ăn uống.
2- Ham muốn mặc quần này áo kia. Cho nên bước vào cửa hàng buôn bán quần áo thì mặt hàng may mặc đủ loại, đủ màu sắc và bông hoa đủ kiểu.
3- Ham muốn nhà ở, có nhà này thì ham muốn nhà khác. Nhà vừa cất xong khi thấy nhà người khác sang đẹp hơn thì lại sinh tâm ham muốn. Bởi vậy sự ham muốn biết sao cho vừa lòng ham muốn. Chính lòng ham muốn không biết dừng thì sự khổ đau sẽ không bao giờ dứt.
4- Ham muốn danh làm ông này bà kia. Khi làm được ông này bà kia thì lại ham muốn làm ông bà lớn hơn nữa. Cho nên lòng ham muốn không bao giờ cùng.
5- Ham muốn lợi, của cải tài sản tiền bạc nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Có một trăm thì muốn có một triệu, khi có một triệu thì lại ham muốn có một tỷ. Đó là lòng ham muốn không bao giờ đủ.
6- Ham muốn dâm dục, bao nhiêu vợ cũng không đủ. Khi có bà này thì lại muốn bà kia. Cho nên gặp phụ nữ thì nhìn ngó say mê không bao giờ buông bỏ được.
7- Ham muốn nhậu nhẹt, rượu chè say xỉn không bao giờ biết dừng. Do đó con người rượu chè say xỉn trở thành kẻ giết người một cách dễ dàng. Trong xã hội ngày xưa cũng như ngày nay biết bao nhiêu người say xỉn giết người không gớm tay.
8- Ham muốn xe cộ, có xe này đòi xe khác. Trong nhà năm ba chiếc xe mà còn muốn xe khác nữa.
9- Ham muốn đi chơi du ngoạn nơi này nơi khác. Đi không biết bao nhiêu chỗ mà vẫn còn muốn đi.
10- Ham muốn có nhiều người phục vụ làm tay sai, lính hầu người hạ, thế mà chưa vừa còn muốn mọi người phục dịch mình nhiều hơn nữa.
11- Ham muốn mình là con người có tài có đức hơn người, nhưng khi có tài có đức thì lại muốn hơn nữa. Thật là lòng ham muốn biết sao cho vừa, cho đủ.
12- Ham muốn làm thầy thiên hạ. Muốn ai cũng tôn xung mình là thầy v.v... Cho nên tu hành chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà đã rời bỏ chỗ ẩn cư tu hành để tiếp xúc Phật tử, lập chùa to Phật lớn làm trụ trì ngôi chùa này, tịnh xá kia, niệm Phật đường nọ.
Bài học thứ ba: DIỆT ĐẾ
Diệt đế là một trạng thái tâm VÔ LẬU. Tâm vô lậu có nghĩa là tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Khi thân tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa là tâm đã giải thoát.
DIỆT ĐẾ có nghĩa là diệt hết mọi sự khổ đau, tức là diệt tận gốc đau khổ. Trạng thái chấm dứt mọi khổ đau, đó là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là một sự thật. Vì mọi người dù chưa tu tập một pháp môn nào cả nhưng vẫn có trạng thái tâm này, nếu chúng ta cứ ngồi lại im lặng và lắng nghe sẽ nhận ra liền tâm bất động đó, mặc dù tâm bất động chỉ hiện tiền trong một phút giây rồi bị các niệm lăng xăng hiện ra làm mất tâm bất động đó.
Tâm VÔ LẬU này là một sự thật của con người nên đức Phật gọi nó là chân lí thứ ba trong đạo Phật.
Chân lý thứ ba của Phật giáo là một sự thật, nên đức Phật chỉ thẳng cho chúng ta biết để hộ trì và bảo vệ chân lý này.
Một chân lý để giúp con người thoát ra khỏi con đường đầy đau khổ, để giúp con người chấm dứt luân hồi và không còn đi tái sinh nữa.
Sau khi nghiên cứu kỹ về chân lý thứ ba của Phật giáo chúng tôi mới thấy đạo Phật rất tuyệt vời với cái tên là ĐẠO GIẢI THOÁT.
Đúng vậy, nếu ai biết giữ gìn và bảo vệ chân lý này thì giải thoát ngay liền tại chỗ không phải cần có thời gian tu tập.
Xin quý vị vui lòng lắng nghe chúng tôi chỉ thẳng cho quý vị nhận ngay liền chân lý thứ ba không có khó khăn, nhất là không cần phải tu tập mà quý vị vẫn nhận ra chân lý một cách dễ dàng. Bởi chân lý không phải bên ngoài quý vị mà nó là tâm quý vị.
Bây giờ xin quý vị ngồi im lặng rồi lắng nghe tâm của quý vị hiện ra một trạng thái “bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”. Trạng thái đó là chân lý thứ ba.
Khi nhận ra chân lý thứ ba rồi chúng ta mới thấy sự giải thoát của Phật giáo là chân thật không dối người, không dối mình.
Khi nhận ra chân lý thứ ba, nếu ai muốn được giải thoát thì cố gắng giữ gìn và bảo vệ chân lý đó thì thân tâm không còn đau khổ nữa.
Khi nhận ra chân lý thứ ba mà xem thường không năng nổ chuyên cần siêng năng tu tập bảo vệ và giữ gìn thì cuộc sống luôn luôn đau khổ như một người chưa biết đạo.
Chúng tôi xin nhắc lại quý vị chân lý thứ ba rất quan trọng trong sự tu tập đi trên đường giải thoát.
Người nào muốn cầu giải thoát thì chỉ cần nhận ra chân lý này, khi nhận ra chân lý này chỉ cần biết sống với nó là chứng đạo. Cho nên chứng đạo của Phật rất đơn giản, dễ dàng không mấy khó khăn chút nào cả.
Bởi vậy chúng ta đến với đạo Phật là đến với sự giải thoát ngay liền không phải chờ tu tập năm hay mười năm.
Quý vị cứ nghe chúng tôi nói quý vị cứ làm thử xem thì sẽ thấy ngay liền giải thoát.
Bài học thứ tư: ĐẠO ĐẾ
Đạo đế là một chương trình giáo dục đào tạo người tu chứng quả VÔ LẬU. Nó có tên riêng gọi là BÁT CHÁNH ĐẠO, tức là tám lớp tu học. Tám lớp tu học như sau:
1- Chánh kiến
2- Chánh tư duy
3- Chánh ngữ
4- Chánh nghiệp
5- Chánh mạng
6- Chánh tinh tấn
7- Chánh niệm
8- Chánh định
Tám lớp tu học này được phân chia ra làm ba cấp như sau:
- Cấp 1 tu học giới luật gồm có năm lớp, từ lớp Chánh kiến đến lớp Chánh mạng.
- Cấp 2 tu học thiền định gồm có hai lớp, từ lớp Chánh tinh tấn đến lớp Chánh Niệm.
- Cấp 3 tu học tuệ Tam Minh gồm có một lớp Chánh định.
Như trên đã trình bày, ĐẠO ĐẾ là một chương trình giáo dục đào tạo những bậc tu chứng thánh quả A La Hán. Đó là một sự thật chớ không dùng lời dối người.
Xin quý vị đừng nghĩ quả A La Hán là cao siêu vi diệu, nó chỉ là một trạng thái tâm vô lậu. Cho nên người tu chứng quả A La Hán không khác gì mọi người, nhưng tâm họ thì khác hơn, vì họ không còn ham muốn bất cứ một vật gì trên thế gian này, nhất là họ không phiền giận bất cứ một người nào. Tất cả ác pháp đến với họ không còn làm cho họ giao động tâm, họ sống rất thanh thản, an lạc và vô sự, lúc nào cũng có một niềm vui trong lòng, nhất là thể hiện nụ cười qua khóe mắt, trên môi.
Chân lí thứ tư của Phật giáo là một sự thật. Vì thế những pháp môn nào tu học không ở trong chân lý thứ tư, tức là ngoài chương trình giáo dục đào tạo của Bát Chánh Đạo này là pháp môn của ngoại đạo.
Xin quý vị lưu ý, ngày nay giáo pháp của đức Phật đã bị pha trộn rất nhiều giáo pháp của ngoại đạo, nếu quý vị không cẩn thận sẽ rơi vào các pháp tưởng giải của các vị tổ sư thiền Đông Độ Trung Quốc. Các Ngài tu hành chưa đến nơi đến chốn, vì danh lợi mà đem ra dạy người tu tập, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, thành ra vô tình mà lừa đảo người khác.
Như quý vị ai cũng biết, Đại Thừa dạy tu tập nhất tâm bất loạn, còn thiền tông dạy biết vọng liền buông. Xét cách thức tu tập của các pháp này rõ ràng là ức chế ý thức, trong khi đức Phật dạy: “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”. Thế mà Đại Thừa và Thiền Tông lại dạy ngược lời của đức Phật, và bảo rằng đó là lời dạy vô ngôn của Phật, “Niêm hoa vi tiếu”. Vậy chúng ta tu theo Phật nên tin Phật hay tin các tổ sư Trung Quốc?
Từ khi Phật giáo Trung Quốc truyền sang qua Việt Nam, làm cho Phật giáo Việt Nam không còn Phật giáo Việt Nam nữa, những việc cúng bái tế lễ đến những việc tu tập thiền định đều rập khuôn theo Phật giáo Trung Quốc. Vậy mà các tu sĩ Phật giáo Việt Nam lại hãnh diện.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Xem thêm: Xác định của Đức Phật về “ý thức” của con người có tầm quan trọng nhất trong đạo Phật
Xem thêm: Xác định của Đức Phật về “ý thức” của con người có tầm quan trọng nhất trong đạo Phật
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây