Có khi nào các bạn tự hỏi: Tương
lai đi về đâu?
Có phải cách đây vài năm ta đã
từng mơ ước nếu mình kiếm được việc làm với mức lương đó, mua được căn nhà tiện
nghi sang trọng đó, sở hữu được chiếc xe đời mới đó thì chắc là mình sẽ rất
hạnh phúc, coi như mình đã thành công và mãn nguyện. Bây giờ nhìn lại những ước
nguyện ấy đều đã thành tựu hết rồi sao mình vẫn chưa thấy hài lòng, vẫn chưa
thấy hạnh phúc, vẫn còn khắc khoải mong cầu? Vấn đề là tại những điều kiện tiện
nghi kia đã mất dần tính giá trị, hay nó vẫn như vậy mà chỉ có ta tâm là thay
đổi? Sự biến động thất thường của tâm thức, mới yêu thích rồi mau chóng nhàm
chán, cũng do bản năng hưởng thụ quá lớn của chính mình chưa có cơ hội thuần
hóa, nhưng một phần không kém quan trọng đó chính là sự tác động mãnh liệt của
tâm thức cộng đồng.
Ta khó có thể tách khỏi dòng chảy
xã hội nếu ta không có một nhận thức đúng đắn, một nội lực vững vàng và một gia
đình hay đoàn thể đầy tình thương và có cùng hướng đi với ta. Hai thập kỷ qua,
hàng loạt nghiên cứu xã hội và tâm lý học cho thấy không có sự quan hệ then
chốt giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được. Người ta cảm thấy hụt
hẫng khi họ bỏ ra quá nhiều thời gian và năng lực để tích góp tiền bạc, đến khi
có nó trong tay thì tuy có đó nhận được cảm giác sung sướng nhưng nó rất cạn
cợt và lại tan biến rất nhanh. Dần dần con người không còn tin tưởng và định
nghĩa những cảm giác thỏa mãn vật chất ấy chính là hạnh phúc, họ tỉnh táo nhận
ra rằng tiền bạc không chỉ không mua được hạnh phúc mà có thể hủy diệt cả hạnh
phúc.
Không hủy diệt làm sao được, từ
khi con người háo hức phát triển ngành công nghiệp để cho ra hàng loạt những
sản phẩm cao cấp phục vụ sự hưởng thụ tăng tiến của con người, thì chính lúc đó
con người đã mất trắng chủ quyền sống. Thời gian và năng lực để phục vụ cho
công việc đã không còn đủ để trang trải cho những sinh hoạt căn bản nhất của họ
nữa. Tuy họ có đầy đủ tiện nghi nhưng họ gần như không thể tận hưởng, lúc nào
họ cũng bận rộn với công việc với khách hàng. Họ không có thời gian chăm sóc
sức khỏe, không có cơ hội trò chuyện với mọi người, không có điều kiện học hỏi
thêm kinh nghiệm sống, không sắp đặt được những bữa cơm đoàn tụ gia đình, không
thể lắng nghe và thấu hiểu những người sống bên cạnh. Tệ hại nhất là khi con
người lao vào chiến trường kinh tế thì lòng tham của họ bùng vỡ, và từ đó hàng
loạt phẩm chất đạo đức bị đánh gục.
Vậy đó, con người ngày càng biến
mình thành những cỗ máy vô tri, không còn cảm nhận mình đang sống và những gì
đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay suy tư của mình, cũng như không còn nhận
diện những giá trị mầu nhiệm cuộc sống đang diễn ra chung quanh, mà lúc nào họ
tin rằng họ đang có một tương lai rất sáng sủa. Làm sao nắm bắt được tương lai
nếu hiện tại đang diễn ra mà ta không nắm bắt được?
Vì vậy chúng ta cần phải quay về
để thực tập hạnh biết đủ. sống biết đủ là chúng ta đã chọn cho mình một cuộc
sống an lạc hạnh phúc rồi các bạn ạ! Một kiếp người rất ngắn ngủi. Không ai
biết được mình sẽ sống bao lâu, vì thế nên cần phản quan trở lại đừng để vật
chất kéo lôi làm khổ mình khổ người các bạn nhé!
Ngày hôm qua đi đâu
Ta bỏ quên hạnh phúc?
Hôm nay cần tỉnh thức
Cho hạnh phúc tròn đầy!