"Trong ý nghĩa tượng trưng
của chúng, các xe cộ, cổ cũng như hiện đại, là những hình tượng của cái tôi.
Chúng phản ánh các mặt khác nhau của đời sống nội tâm và có quan hệ với các vấn
đề phát triển của nhân cách".
Trong một cuốn sách nghiên cứu
mang tên Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (NXB Đà Nẵng) tôi thấy người ta
viết như vậy. Đúng quá rồi còn gì!
Nhưng nếu xe là biểu hiện của cái
tôi, thì đường là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống mà ta vẫn sống tuy không bao
giờ hình dung ra đầy đủ. Như nhìn vào đường sá ở ta hiện nay. Xã hội đấy! Ai
cũng mắm môi mắm lợi để cố mà đi cho nhanh trong khi thực tế tốc độ xe cơ giới
trung bình chỉ độ 20 km một giờ. Và chen chúc. Và lộn xộn nữa.
Biết là xấu mà vẫn bị kích động
làm theo
Trước khi ra đường, thường tôi
không quên tự nhủ mình già rồi không có việc gì quan trọng, hãy cứ từ từ mà đi,
kẻo tai nạn xảy ra thì khốn.
Ấy vậy mà nhiều lần nhìn đồng hồ
xe máy, thấy đã phóng với tốc độ bốn năm chục kilômét từ lúc nào. Hoặc ở những
quãng đông, xe mình cũng bóp còi inh ỏi chẳng kém một ai; rồi cũng ra cái điều
khoái trá hỉ hả y như bắt được của, khi vượt được người bên cạnh, mặc dầu sau
khi phóng như điên đến cái nơi cần đến, cũng chẳng có việc gì quan trọng, mà
chỉ làm chén nước và tán gẫu.
Thấy lối đi ấy ở mình đã thành
thói quen tự nhiên, và hỏi chuyện những người khác, rồi tôi mới vỡ ra: cái cách
đi lại như hiện nay nó làm nảy sinh trong mỗi chúng ta cái tâm lý đua chen. Tức
là thường xuyên nảy sinh sự so sánh. Ông này đi ngớ ngẩn quá, bị người ta chèn;
còn mấy cậu choai choai kia đi liều đi ẩu song hóa ra lại được việc. Ta hay
trông trước trông sau. Và chỉ sợ thiệt. Ta học rất nhanh những thói xấu, xoay
xở luồn lách. Hình thành một loại tâm lý đặc biệt: lấy việc hơn người được nửa
vành bánh xe làm điều vênh váo.
Nhưng con người có phải cái máy
đâu mà thoát được cái tâm lý tầm thường ấy!
Thử biện hộ cho những người phạm
luật
Hầu như ngày nào trên đường cũng
thấy có những người đi đường phạm luật, dù chỉ một số nhỏ trong họ bị giới chức
giao thông bắt phạt. Lại nhớ một cách nói của dân gian có từ hồi 1981 khi anh
hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ: "Trên trời chỉ có một Phạm Tuân, còn dưới
đất có muôn ngàn người phạm pháp".
Tại sao ư? Trong nhiều lý do, tôi
xin nêu một lý do không nên bỏ qua: đường sá ở một đô thị như Hà Nội (phần
chính làm ra từ trước 1954) là để dành cho người đi bộ, cùng lắm là đi xe đạp.
Vì thế đường phố không chỉ chật hẹp mà lại lắm ngã tư. Nay ngã tư nào cũng đèn
xanh đèn đỏ, hành trình đi của người dân thành ra cứ bị cắt vụn ra thành những
quãng lắt nhắt. Vừa rú ga đi được ba bốn chục mét đã phải tính chuyện dừng lại,
hỏi làm sao người ta khỏi bực mình và dễ tặc lưỡi, phóng ào cho được việc.
Có thể gọi là kỳ quái?
Có những ý nghĩ cứ len vào tâm
trí mình như cỏ dại tức không hiểu từ đâu mà nó lại xuất hiện. Đây là hai ý
nghĩ loại đó:
1. Sao tự nhiên cái cảnh hàng
đoàn xe máy chen chúc nhau lại thành môi trường cách sống của cả triệu con
người thế này? Có phải là kỳ quái quá không? Có thể có cách đi lại kiểu khác
hay không?
2. Chúng ta đang còn lo đi lại
cho an toàn. Không biết đến bao giờ mới lại lo đi lại cho đẹp - cái đẹp chung,
không phải của từng người mà của cả thành phố?
Những triết lý tự phát
Tôi chưa có điều kiện ra nước
ngoài nhiều, chỉ mới sang Nga làm việc vài năm và đi du lịch bụi ở Trung Quốc
vài tuần lễ. Cái món metro là một thứ đặc sản ở Nga không nói làm gì rồi, đến
hệ thống xe buýt của họ cũng cho tôi một cảm giác trật tự. Mỗi ngày một ít ở
người tham gia giao thông tự nhiên hình thành một cảm quan chung, mình chỉ là
một bộ phận của một guồng máy xã hội, và mình có trách nhiệm thực hiện những
quy ước chung, khi xe an toàn đến bến thì mình cũng đến đích.
Phải nhận đấy là ưu thế của mọi
nền giao thông hiện đại. Có lẽ vì thế mà ở Trung Quốc người ta sớm nghĩ ra
chuyện hạn chế sự lưu thông xe máy, một quyết định mà tôi cho là cực kỳ thông
minh, nó có khả năng giúp cho con người sống một cách có văn hóa. Còn cứ như ở
ta mỗi người một xe, đi nhanh hay chậm do mình, an toàn hay tai nạn cũng do
mình, thì cái cảm giác gắn bó với cái chung có giảm đi cũng là một điều tự
nhiên.