Thế kỷ 21 đả tiến được vài năm.
Thế kỷ của siêu xa lộ thông tin, của Internet tràn ngập những dữ kiện từ thời
thượng cổ cho đến tương lai cả trăm năm sau, từ cục đá khô trên Hỏa Tinh đến
những vũ khí tối tân, hỏa tiễn, máy bay. … với đầy đủ chi tiết vận hành. Trang
phục của con người trên Internet có thể rất cổ, kết bằng lá, hay rất hiện đại
gồm toàn kim khí, hoặc chỉ là da người bóng lộn, khiêu gợi. Hình ảnh bất động
hay chuyển động ba chiều như đời thường.
Từ thế giới tin học này, nhận
thức của con người thế kỷ 21 đã phát triển nhanh hơn vận tốc âm thanh. Nhất là
khi ngồi trước máy truyền hình, theo dõi tin tức sinh hoạt trên thế giới và
lắng nghe những cuộc hội thoại (talk show) hay những vụ kiện cáo của tòa dân
sự, tòa ly dị, tòa đạo đức của người Mỹ, người ta mới thấy những hệ luận xã hội
đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt về hai cực dương và âm cách xa nhau hàng
triệu năm ý thức.
Một phần hệ luận xã hội hướng về
những ý niệm tuyệt đối của Quyền Con Người (Human Rights), của Tự Do, của Dân
Chủ, của những hạnh phúc mà Con Người toàn quyền định đoạt, không một áp lực
nào có thể cản trở, bưng bít được. Những hệ luận này đã được các xa lộ thông
tin chuyên chở đi khắp nơi khiến cho các
chế độ bạo tàn dần dần phải nhường chỗ cho Tự Do, Dân Chủ. Những con người bị
áp bức bởi cổ hủ, mê tín, hay bởi quyền lực sắt máu được giải phóng.
Nhưng, ngược lại, cũng qua thời
đại thông tin siêu xa lộ, mà xã hội trở lại thời đồ đá, thời con người chung
đụng với nhau thuần vật chất, thuần quyền lợi cá nhân. Mắt trả mắt, răng trả
răng, không còn ý nghĩa cao đẹp của loài người là tạo hạnh phúc cho người khác,
không còn giá trị của sự hy sinh, không còn những “Tâm Hồn Cao Thượng” nữa.
Hạnh phúc của con người sa đọa hiện nay không khác chi khoái lạc của con người
thượng cổ, khi tiếng nói chưa diễn tả được ý nghỉ, khi sự cao đẹp của đời sống
chỉ là nhặt được một củ khoai, là đâm được một con thú.
Có người yêu, sau khi chia tay
với bồ cũ, lại đòi người tình xưa trả 1,000 đồng về công phục vụ trong một năm.
Có đứa con thưa bố mẹ ra tòa vì vài trăm bạc hứa cho nhưng không thi hành. Bà
mẹ dẫn con gái ra chốn công đường vì con đã lấy chiếc xe tàng của mẹ cho tình
nhân. Nhiều cặp vợ chồng mới lấy nhau trên dưới 6 tháng đã kiện đòi ly dị vì “anh
ấy chỉ muốn làm tình mà không làm việc”, hoặc vì “cô ấy đã ngủ với bạn chồng
lúc dư âm tiệc cưới vẫn chưa tàn”. Một
bà mẹ đầy nước mắt thưa ông bố muốn lộn xộn với con gái. Chồng đòi ly dị vợ vì
vợ dám lấy cái máy hút bụi mang về nhà cho mẹ dùng. Đứa cháu nội kiện ông bà
bởi ông bà áp chế quá, không cho chơi bời tự do..
Và hàng chục, hàng trăm vụ bố mẹ
phải mang những đứa con còn chưa tới tuổi “teen” (nghĩa là còn dưới 13) ra
trước hàng trăm ngàn cặp mắt để tố cáo con ăn cắp vặt, hút xì ke, đánh lại thân
sinh, bỏ học, hay ngủ lang với bạn trai. Nhiều em gái, tưởng vẫn còn trong tuổi
mộng mơ, đã nhơn nhơn lên đài khoe thành tích ngủ với hàng chục bạn trai khác
trong trường hay trong cùng xóm. Và những chương trình hội thoại khác lại
chuyên đưa những kẻ bụi đời, dâm đãng, đĩ điếm, ngoại tình, đồng tính luyến ái
lên sân khấu để sỉ nhục nhau, đánh lộn, xé quần xé áo nhau cho khán giả cười
chơi.. Chưa kể những kẻ điên rồ, kể cả trẻ vị thành niên, lấy súng ra bắn chết
hàng loạt mà không còn biết xúc động trước máu của kẻ khác chảy ra vì mình.
Người ta không còn biết đến Sự Tự
Trọng, Sự Xấu Hổ nữa. Người ta không còn thương yêu nhau nữa. Thật ra, họ vẫn
nói đến Yêu Thương thường nhật với những ngôn từ thật mãnh liệt, nhưng chẳng
hiểu mình nói đến vấn đề gì. Xã hội Văn Minh, qua lăng kính khủng khiếp như
thế, chỉ còn là một mớ những người rừng không nhân cách, chỉ là một sự chung
đụng hỗn độn của những con người có đầy đủ tiện nghi, phương tiện khoa học sống
như những cái máy biết đi, biết ăn uống, hưởng thụ, và tính toán để thu lợi cá
nhân tối đa. Ngay cả một số người tị nạn cũng không còn là “người di tản buồn”
nữa vì hôm nay làm đám cưới với ông này, mấy tháng sau kết hôn với ông khác.
Năm sau lại chuyển địa chỉ tân hôn. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng thay đổi hôn
thú với các bà như thay áo.
Một thế hệ mới bắt đầu không còn
ai có nghĩa vụ với ai, kể cả nhiệm vụ của Cha Mẹ với Con Cái. Sự đau đớn của
những đứa con đang tuổi lớn khi biết cha mẹ chúng bỏ đi với người khác đã không
còn giá trị trước cái hạnh phúc tràn trề của một người có vợ mới, chồng mới,
xác thịt mới. Như vậy, chắc chắn, thế hệ kế tiếp gồm đa số những thanh thiếu
niên bị bỏ rơi, không có Cha, Mẹ sẽ còn
ích kỷ, thủ thân, cá nhân chủ nghĩa hơn nhiều. Dần dần, tính ích kỷ sẽ tăng
trưởng thành một đức tính mà một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ cần được dậy bảo.
Năm ngoái, Hội nghị Thế Giới về
Môi Sinh đả chấm dứt buồn bã với những khuyến cáo (không có sức mạnh) các chính
phủ phải tìm biện pháp giảm bớt khí thải công nghiệp để cho khí hậu trái đất
khỏi nóng thêm. Nếu nhiệt độ tăng thêm mười độ, một số băng hà sẽ tan rã, nước
biển sẽ dâng cao, làm chìm ngập những quốc gia ven biển trong vòng trăm năm
tới, nhưng đa số các chính phủ lờ đi, nhất là chính phủ Mỹ hiện tại không đưa
ra lời hứa hẹn nào. Có lẽ vì khuynh hướng của chính phủ hiện nay, theo báo chí,
vẫn thường không chú ý đến vấn đề môi trường mà chỉ lo bảo vệ lợi tức của các
đại công ty.
Mặc kệ cho đất nước nào chìm
xuống biển, mặc hàng triệu người sẽ bỏ xác dưới đại dương, mặc một số nền văn
minh nhân loại biến mất, kệ thế giới lúc đó nghèo thêm, khổ thêm, “đời cua, cua
máy, đời cáy, cáy đào” các chính phủ tư bản vẫn thản nhiên trên nỗi khổ đau của
nhân loại nghèo đói, khốn khổ. Như vậy, dưới bề mặt của một khu vực phồn thịnh
kinh tế, xã hội không còn là một kết hợp của các ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH, HỌ HÀNG, BẠN
BÈ nữa mà là một tập hợp lỏng lẻo của những CÁ NHÂN luôn tìm cách xô đẩy những
CÁ NHÂN khác ra xa để dành chỗ đứng cho CHÍNH MÌNH. Đến thời điểm mà mỗi con người chỉ còn biết nghĩ đến mình thì
lúc ấy, CON NGƯỜI SẼ LÀ NHỮNG SINH VẬT CÔ ĐƠN NHẤT TRÊN HÀNH TINH TRÁI ĐẤT.
Con người, bản chất đã cô đơn. Từ
khi biết suy nghĩ đến khi về già, ai không khỏi có những lúc chơ vơ một mình.
Nhìn chung quanh thấy thê giới xa lạ. Ngay cả những người đang yêu, cũng có
những lúc thấy không có người tình sát cạnh. Những con người có cả chục anh em,
liệu có bao nhiêu anh em hiểu nhau, bao nhiêu chị em lúc nào cũng chia xẻ suy
tư với nhau? Những cặp vợ chồng bao giờ cũng bên nhau, nhưng liệu có thể chia
xẻ toàn bộ những ý nghĩ, quan niệm về đời sống với nhau không? Và còn bao nhiêu
tản mạn rời, không thể thổ lộ cho người mình yêu và người yêu mình: “có những
niềm riêng một đời khép kín”.. Những lúc phải vào bệnh viện hay lên giường mổ,
dù cho biết rằng gia đình, vợ chồng, anh em, con cái đang chờ bên ngoài, người
bệnh vẫn thấy cô đơn kinh khủng. Nhất là lúc vào bệnh viện lần cuối cùng...
Những sinh vật khác, có thể sống riêng rẽ, nhưng không có tri thức để hiểu rằng
chúng cô đơn, nhưng con người, lại dư tri thức để nhận biết nỗi đau của sự Cô
Đơn.
Khi thế giới đi đến chỗ điên loạn
về cá nhân chủ nghĩa, sự Cô Đơn còn hãi hùng gấp bội. Còn trẻ, khỏe mạnh thì ăn
ở một mình. Bệnh hoạn thì tự chữa lấy, khó khăn phải tự giải quyết lấy, về già
tự nuôi lấy để rồi vào nhà dưỡng lão để đợi chết một mình. Lấy vợ lấy chồng lúc
đó chỉ là sự trao đổi tÌnh dục (sex) và tài sản. Do đó, vợ hay chồng, cha mẹ
hay con cái, cũng phải tính toán chia riêng quyền lợi cho mình. Không có tình yêu, không còn nghĩa vụ,
chẳng có ràng buộc. Ký hôn thú để chia thuế, nhưng mạnh ai người nấy tìm thêm
đối tượng “sex” phụ. Con đẻ ra cho xã hội nuôi, hoặc nuôi đến 18 tuổi là lập
tức mời ra đường. Xã hội toàn người lang thang, cô đơn, nghi kỵ, ích kỷ, khô
khan. Văn chương, văn hóa hòa tan trong các khẩu hiệu “Yêu tạm”, “Đừng tìm kiếm
nhau”, “Ta chỉ yêu nhau một tối”, “Yêu vội, sống cuồng”..
Trong cuộc sống vội vã này, ngưới
ta thấy con người lại hay đóng kịch một cách hoang đường. Cưới nhau ầm ĩ, xe
xua, mời hàng trăm, hàng ngàn người tới chứng kiến. Kỷ niệm hôn lễ cũng linh
đình. Chụp hình chụp ảnh thì lúc nào cũng bám lấy nhau, có rất nhiều kẻ còn
chụp hình lúc mình đang hôn nhân tình nữa. Nhưng thật tế, có mấy ai yêu thương
nhau thật tình? Mấy ai chung thủy? Thật sự, có rất nhiều kẻ không thích đóng
kịch nhưng phải đóng kịch để che dấu sự cô đơn rùng rợn đi theo mình như chiếc
bóng. Nằm bên nhau nhưng hai tư tưởng lại hướng về hai phương trời khác biệt và
có khi còn thù nghịch nhau nữa, vì người này mơ thấy kẻ nọ không phải là vợ,
chồng mình, người kia tưởng tượng vợ mình như một người trong mộng khác. Do đó,
mà dù có choàng tay nhau âu yếm, cũng vẫn cô đơn. Mà, niềm cô đơn to lớn nhât
là sự sợ hãi thần chết lúc nào cũng có thể cận kề. Tai ương lúc nào cũng có thể xẩy đến không
báo trước. Một vụ 9-11 đã làm thiên hạ hoang mang, nhưng trong tương lai còn
biết bao vụ 9-11 khác nữa.
Thế Kỷ 21 mới mở đầu mà hình như
đã báo hiệu chung cuộc. Nhân loại đang hoang mang trước viễn ảnh CÔ ĐƠN. Như
vậy, với những ai hay suy tư, biện pháp giải quyết như thế nào? Có lẽ chỉ còn
Lòng Tin vào THƯỢNG ĐẾ, vào PHẬT, vào CHÚA là có hy vọng, lạc quan. Nhũng người tin vào Trời,
vào Thượng Đế, vào Đức Phật thì cố sống
Từ Bi, Hỉ Xả, bảo boc nhau cho khỏi cô đơn. Đức Từ Bi là một đức tính cao quý
của những người con Phật, với đức tính này, họ thương yêu cả những sinh vật nhỏ
nhoi như con kiến, chú sâu. Đức Hỉ Xả khiến họ tha thứ cho những kẻ làm lỗi với
mình, bỏ qua những cơn thịnh nộ, giận
dữ.
Trong khi đó, những kẻ theo Chúa
cố bám víu vào lòng Nhân Từ của Ngài và hy vọng Ngài cứu vớt lúc Ngài muốn
giáng cơn thịnh nộ xuống trần gian. Theo Thánh Kinh, Chúa lúc nào cũng bên cạnh
con người, dù trong ngục tối, dù giữa sa mạc, dù nơi băng tuyết, dù câm, dù
điếc, mù, què, bệnh tật, bất hạnh thế nào chăng nữa. Chúa vẫn ở với từng người,
từng cá nhân, già trẻ lớn bé, nam hay nữ. Không chỉ với người theo đạo mà cả
với những người Samaritian, không phụng thờ Thiên Chúa. Không chỉ với những
người ngoan đạo, Chúa ở cả với những kẻ tội lỗi. Mỗi khi con người phạm tội mà
biết chạy đến Chúa, Người chỉ nói nhẹ nhàng: “Con hãy về đi, và đừng phạm tội
nữa!” Nếu tin được như thế, niềm cô đơn sẽ biến mất.
Trong Thế Kỷ với hiểm họa Cô Đơn
này, chớ gì con người biết chuẩn bị cho mình một con đường dẫn tới Hạnh Phúc Ấm
Áp bằng sự chia sẻ tình yêu cho nhau và nếu lỡ rơi vào tình trạng Cô Đơn, biết
đi tìm Thượng Đế, tìm Chúa, NGUỒN TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH, VĨ ĐẠI để nỗi Cô Đơn
nhạt nhòa trong một Tình Yêu Trường Cửu.